Yêu vô điều kiện

LoiChua - Yêu vô điều kiện

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên loài người, thừa nhận loài người làm con cái để chia sẻ hạnh phúc với Người. Nhưng loài người đã đáp lại tình yêu ấy bằng thái độ tệ bạc là nghe lời cám dỗ của ma quỷ phạm tội chống lại Thiên Chúa. vì thế, loài người phải bị phạt là chịu đau khổ bệnh tật và cuối cùng là bị chết. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc loài người, đã đề ra chương trình cứu độ: Ngài hứa ban ban dòng giống người nữ sẽ đánh vào đầu con rắn hỏa ngục là ma quỷ, còn ma quỷ sẽ tìm cách chống lại (St 3,15b).

Dòng giống người nữ ấy là Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa sẽ xuống thế làm người, vâng lời Chúa Cha, bằng lòng chịu chết thập giá để đền tội thay cho loài người, và sống lại để mở ra một con đường cứu độ là đạo công giáo, hầu ai tin Chúa Giê-su và đi con đường mến Chúa yêu người của Người sẽ được hưởng ơn cứu độ (Pl 2,5-11).

Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người. Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người. Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật.

Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa. Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.

Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Ðạo. Ði Ðạo, sống Ðạo, giữ Ðạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Ðấng nó không thấy”.

Ngài nói tự trái tim, từ con người, từ cuộc sống của Ngài “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Chúa nói về tình yêu, ngôn ngữ của trái tim. Cách giữ luật bằng lòng mến chứ không do sợ hãi, giữ luật với tự do chứ không bị ép buộc. Luật tình yêu chắp cánh cho người giữ luật vươn lên, chứ không phải là cái ách, cái gông họ đeo vào cổ. Yêu mến ai? Yêu mến Đức Chúa. Đức Chúa nào? Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Ngài là Thiên Chúa của Ápraham, của Isaac và của Giacop, là Thiên Chúa của các tổ phụ, của cha ông các ngươi. Yêu mến thế nào? Yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Nghĩa là tình yêu đối với Chúa phải đặt trên hết mọi sự, trên cả thân xác, lý trí, linh hồn. Yêu bằng cả con người, cả hồn và xác. Yêu trọn vẹn, yêu cách tuyệt đỉnh, chứ không nửa vời, để lại một phần cho bản thân hay cho điều gì khác.

Đây là cách yêu triệt để, một lối giữ luật triệt để theo Tin Mừng và như lòng Chúa mong ước. Thiên Chúa yêu ta hết mực. Ngài yêu đến nỗi thí mạng Người Con duy nhất vì chúng ta. Ngài yêu đến nỗi sống với, sống cùng và chết đền tội thay cho chúng ta. Ngài yêu đến nỗi hiến mình trong bí tích Thánh Thể làm của ăn nuôi sống chúng ta và ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Ngài yêu triệt để nên có quyền yêu cầu chúng ta đáp lại mối tình ấy một cách triệt để : Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.

Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Đó là điều răn trọng nhất và là điều răn thứ nhất”. Nếu đã nói điều răn thứ nhất, tất phải có điều răn thứ hai. Chúa tiếp: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chúa không để chúng ta yêu mơ hồ, yêu bóng. Vì chúng ta sẽ dễ dàng nói yêu Thiên Chúa, là Đấng không thấy, nên Ngài đưa ra một hình ảnh cụ thể để minh chứng tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, đó là yêu người. Yêu người nào? Người thân cận. Người anh em đang sống với, sống cùng chúng ta, như Đức Giêsu đã trả lời cho một người hỏi Ngài rằng: Ai là anh em tôi? qua dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Vậy anh em của ta là người thân cận, người mà ta gặp hàng ngày, sống chung mái nhà, cùng hít thở bầu không khí…

Khi yêu ai, người ta sẽ dễ dàng tha thứ lỗi lầm của người đó. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đề cập nhiều đến tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, như trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Người Cha này đã sẵn sàng tha thứ cho đứa con bỏ nhà đi hoang, luôn chờ mong đứa con hư sớm trở về, vui mừng ra tận cổng đón nó, và lập tức tha thứ lỗi lầm cho nó, trả lại quyền làm con và mở tiệc ăn mừng. Ông đã trả lời anh con cả biết lý do vui mừng như sau: “…Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống. Đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 32).

Chúa Giêsu cũng muốn các tín hữu chúng ta noi gương yêu thương của Chúa Cha: Đối xử bao dung với nhau như Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chứng con” (Kinh Lạy Cha). Chúa muốn chúng ta yêu thương hết mọi người. Nhất là yêu thương những người nghèo hèn, bất hạnh, bệnh tật và bị bỏ rơi… Chúa muốn chúng ta luôn tha thứ cho tha nhân đã xúc phạm đến mình cách vô điều kiện (Mt 18,21). Chúa muốn chúng ta có tình yêu thương quảng đại hy sinh, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt. Đó mới chính là tình yêu đích thực bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chỉ tình thương như thế mới bền vững và mang lại hạnh phúc đời đời cho chúng ta.

Ngoài ra còn phải yêu thương hết mọi người, dù là người thân hay người xa lạ, dù là bạn hay thù như lời Chúa dạy: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho. Ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 27-31). Mỗi tín hữu chúng ta cần phải xin Chúa giúp thực tập đức ái theo từng bước như vậy.

Huệ Minh

Exit mobile version