Yêu thương là chìa khóa để tồn tại

Bài đọc: Acts 15:22-31; Jn 15:12-17.

Chúng ta học được nhiều điều quan trọng nơi Giáo Hội Jerusalem trong việc giải quyết các xung đột gây ra do việc chuyển tiếp từ Do-thái Giáo sang Kitô Giáo. Trước tiên, họ cùng nhau ngồi lại để tìm cách giải quyết vấn đề. Thứ đến, họ theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra đâu là sự thật nền tảng mọi người phải giữ, những gì có thể dung hòa, và những gì có thể chuẩn chước được. Sau đó, họ phải khiêm nhường bỏ thói quen của mình, hy sinh chấp nhận ý kiến chung, và giải quyết vấn đề trong tình yêu thương anh em; chứ không truyền lệnh như giữa chủ và tớ, giữa giai cấp lãnh đạo trung ương và cấp nhân viên dưới quyền mình. Biết cách giải quyết khôn ngoan như thế là tránh được chiến tranh và xây dựng hòa bình, là phát triển Tin Mừng vào thế giới theo đường lối Chúa Giêsu thay vì co cụm vào Jerusalem để bị đồng hóa vào Do-thái Giáo.


Các Bài Đọc hôm nay nêu bật cho chúng ta những chìa khóa quan trọng trong việc giải quyết các xung đột. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội giải quyết vấn đề theo sự hướng dẫn của Thần Chân Lý và tình yêu thương của Đức Kitô. Các Tông-đồ quyết định không áp đặt trên các Dân Ngoại bất kỳ một gánh nặng nào khác, trừ ra những gì hết sức quan trọng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự quan trọng của giới luật yêu thương: Hãy làm mọi sự vì yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng ta. Đừng đối xử với nhau như chủ và tớ; nhưng hãy đối xử với nhau như anh em, như Chúa đã đối xử với chúng ta.

I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cách giải quyết vấn đề của Giáo Hội Jerusalem


1.1/
Xóa tan nghi ngờ bằng cách:


(1) Chọn đại diện của Giáo Hội Trung Ương để làm sáng tỏ vấn đề với Giáo Hội địa phương: “Các Tông Đồ, các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antioch với ông Phaolô và ông Barnabas. Đó là ông Judah, biệt danh là Barsabbas, và ông Silas, những người có uy tín trong Hội Thánh.”

(2) Gởi sứ điệp chính thức: Vì tin đồn thất thiệt và mạo danh gây ra nghi kỵ, chia rẽ, và tranh chấp trong cộng đoàn, Giáo Hội Jerusalem đã nhận ra điều này và làm sáng tỏ trong Thư luân lưu: “Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang.”

(3) Chính thức nhìn nhận Barnabas và Phaolô là đại diện: Giáo Hội Jerusalem cũng nhận ra sự quan trọng của Barnabas và Phaolô với Giáo Hội địa phương: “Cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Barnabas và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”


1.2/
Nội dung của sứ điệp: dựa trên những lời của Phêrô và Giacôbê góp ý hôm qua. Giáo Hội Trung Ương quyết định: Vậy chúng tôi cử ông Judah và ông Silas đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây:


(1) Không phải mang gánh nặng nào khác: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác.” Hai điểm quan trọng được các Tông-đồ nhấn mạnh là “Thánh Thần” và “chúng tôi.” Giáo Hội không chỉ mang tính cách trần thế như bao tổ chức khác; nhưng có nguồn gốc từ Trời. Giáo Hội hoạt động dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Quyết định đạt được không do một cá nhân quyết định, nhưng là cố gắng của tập thể, sau khi đã cùng nhau cầu nguyện, đóng góp ý kiến, và đi tới quyết định.


(2) Ngoài những điều cần thiết này: “kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi.” Những điều cần thiết tối thiểu này là những gì Giáo Hội Trung Ương nghĩ mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, cần phải giữ.

2/ Phúc Âm: Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.


2.1/
Giới luật yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Đây có thể nói là giới luật duy nhất Chúa Giêsu để lại cho con người; nhưng nó lại là giới luật nền tảng, vì nó bao trùm trên các giới luật khác. Yêu thương, không đơn thuần như con người hiểu, nhưng là yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa. Con người phải có yêu thương này trước khi con người có thể đáp ứng đòi hỏi của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”


2.2/
Tình bằng hữu giữa Chúa Giêsu và các Tông-đồ: Dưới con mắt phàm nhân, mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người là mối liên hệ giữa chủ nhân và đầy tớ; vì Thiên Chúa dựng nên và có quyền trên con người. Ngài có quyền ra lệnh và con người có bổn phận phải thi hành. Hay có tốt hơn cũng chỉ là mối liên hệ giữa Thầy và trò. Tuy mối liên hệ này gần hơn, nhưng vẫn còn khỏang cách rất lớn giữa hai chủ thể: Thầy có quyền bắt học trò làm theo ý mình muốn. Các ông không thể nào ngờ lời Chúa nói các ông có thể trở thành bạn hữu của Ngài: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.”


(1) Khác biệt giữa tôi tớ và bạn hữu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” Điểm đặc biệt giữa bạn hữu là họ chia sẻ cho nhau mọi tâm sự và mọi sướng, khổ, vui, buồn. Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ mọi điều Ngài đã thấy nơi Chúa Cha, đã cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn trong 3 năm rao giảng; đã rửa chân cho các ông như một đầy tớ, và đã sẵn sàng hy sinh tính mạng vì các ông. Chúa thực sự đã đối xử với các ông như một người bạn thân thiết.


(2) Chúa chọn các Tông-đồ cho một sứ vụ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Thiên Chúa trong việc lựa chọn các Tông-đồ. Ngài chọn các ông chứ không phải các ông đã chọn Ngài. Ngài chọn các ông khi các ông vẫn còn rất nhiều khuyết điểm và giới hạn của con người; nhưng Ngài huấn luyện và thánh hiến các ông, để rồi sai các ông đi cho một sứ vụ: mang con người về cho Thiên Chúa.


Điều làm chúng ta ngạc nhiên sau biến cố Phục Sinh là sự thay đổi hoàn toàn nơi các Tông-đồ, từ những con người thất học, nhút nhát, trở thành can đảm, khôn ngoan, dám đương đầu với các người trong Thượng Hội Đồng, và họ không thể đối đáp được với các ông. Nói tóm, Chúa ban tất cả những gì cần thiết để các ông có thể chu toàn sứ vụ.


II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:


– Khi có xung đột trong gia đình hay cộng đòan, chúng ta hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra sự thật và loại trừ tất cả những ích kỷ và ghen tị ẩn giấu đàng sau nó.


– Sau khi đã khiêm nhường tìm ra sự thật, chúng ta phải giải quyết vấn đề trên căn bản yêu thương, chứ không dùng quyền hành để ra lệnh như chủ và tớ.


– Chúng ta phải có can đảm để nhận ra lỡ lầm và sửa sai cho đúng. Hãy yêu thương, khuyến khích, và nâng đỡ nhau trong khi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.


Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Exit mobile version