Yêu người như mình

Mc 12, 28b-34: Giới răn trọng nhất

1. Lời Chúa:

28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau.

Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? “29 Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.”


34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

2. Suy niệm:


Qua đoạn lời Chúa hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải yêu người như mình. Chúng ta tìm hiểu 2 vấn đề.

Thứ nhất, yêu người theo Cựu Ước và theo Tân Ước:


Luật Cựu Ước dạy: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (c 31)


Luật Tân Ước dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15, 12)


Thứ hai, vài nhận định về hai luật trên đây:


“Yêu người như mình” theo luật Cựu Ước thì tự nhiên và đang ở bình diện con người, có nghĩa là giá trị chưa cao.


Luật Tân Ước “Yêu người như Chúa yêu ta” thì ý nghĩa cao sâu hơn nhiều: Khi chúng ta vì Chúa mà yêu người thì chúng ta mới dám hy sinh đến cùng để đem lại lợi ích cho người khác. Vì yêu Chúa mà cha Đa-miêng (Damien) chấp nhận sống chết với người cùi.

3.Bài học: Hãy vì Chúa mà yêu người.

4.Sống đạo: Yêu thương

Ngày kia, tại miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi, bị dân chúng sinh sống trong một làng nhỏ dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.


Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé lên tay, để bảo vệ em khỏi những trận đòn và khỏi bị những viên gạch, những hòn đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.


Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”


Với những dòng nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng, chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình: “Tại sao ông lại lo lắng cho tôi? “. Nhà truyền giáo đáp lại: “Vì Ông Trời đã tạo dựng cả hai chúng ta và cũng vì thế, con sẽ là em gái của ta và ta sẽ trở nên người anh của con.”


Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi: “Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cứu giúp của ông? ” Nhà truyền giáo mỉm cười đáp: “Con hãy trao tặng lại cho những kẻ khác tình yêu này càng nhiều càng tốt.”


Kể từ ngày ấy cho đến 3 năm sau, khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương của các bệnh nhân khác, đút cơm cho họ và nhất là em tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ lên tròn 11 tuổi và các bệnh nhân đã từng chung sống với em, kháo láo với nhau: “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời.”

5. Cầu nguyện:


Lạy Chúa Giê-su, Chúa yêu chúng con nên đã chịu chết treo thánh giá. Xin cho chúng con sẵn sàng hy sinh những gì cản bước yêu mến, để chúng con có thể sống trọn vẹn cho Chúa và cho con người. Amen.

Lm. Phêrô Mi Trầm

Exit mobile version