Ý thức sứ mạng truyền giáo

Với những tâm tình của Chúa Giêsu, ta thấy Chúa muốn dạy cho chúng ta biết, số linh hồn sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ thì nhiều, nhưng số người đi truyền giáo, số người rao giảng Tin Mừng cứu độ thì ít, không đủ để mang ơn cứu độ đến cho các linh hồn ở khắp nơi. Chúa Giêsu thì không tự mình làm hết mọi sự, nên Ngài mời gọi chúng ta xin Chúa Cha, là Đấng có sáng kiến cứu độ nhân loại, trợ giúp thêm thợ gặt để thực hiện công việc của Chúa Cha.

Chúa Giêsu thiết lập nhóm mười hai rất ô hợp, nhưng Chúa vẫn nhắm tới việc họ phải làm chứng bằng chính đời sống của họ: họ làm chứng về tình thương của Chúa đối với họ, gọi họ khi họ hoàn toàn bất xứng; họ làm chứng về sức đổi mới của ơn Chúa, họ là những con người đầy tự nhiên, nhưng được thấm nhuần tinh thần của nước trời; họ phải làm chứng về sự hiệp nhất, tuy họ rất khác biệt nhau, nhưng họ vẫn keo sơn gắn bó với nhau; họ làm chứng về quyền năng và vai trò chủ động của Thiên Chúa, họ không làm được bao nhiêu, chính Thiên Chúa làm tất cả nơi họ trong công trình cứu độ.

Khởi đầu trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy tình thương của Chúa khi Chúa ban cho các môn đệ cùng một quyền năng như Chúa: “Ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10, 1). Đó là quyền năng Chúa ban cho các môn đệ, còn Chúa thì: “Đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35). Điều đó cho ta thấy được khi ta rao giảng Tin Mừng của Chúa là ta đang thi hành cùng một hành động của Chúa.

Chúa Giêsu triệu tập nhóm mười hai trong số bảy hai môn đệ và tấn phong các ông ấy làm tông đồ, Ngài ban cho họ quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ diệt chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Họ sẽ trở nên những nhà thiết lập dân Israel mới, và tham dự vào quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu. Họ là những người được Đấng phục Sinh chính thức sai đi, chuẩn bị cho sứ vụ hoàn vũ sau biến cố vượt qua. Chúa Giêsu, Đấng được Cha sai đi, bây giờ Ngài lại sai các tông đồ đi, tức là Ngài thi hành đặc quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào các thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel”.

Chúa Giêsu muốn vào lúc khởi đầu của sứ vụ, các tông đồ phải quan tâm trước tiên đến các chiên lạc nhà Israel, sứ vụ ưu tiên cho dân Israel, chứ không phải là một sự dè dặt đối với dân ngoại. Sứ vụ ở vùng dân ngoại được tiên báo bởi vài hành vi cử chỉ của Chúa Giêsu sẽ đến sau này. Việc Chúa Giêsu và các tông đồ trừ quỷ và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền là những hành vi cứu độ, là những phép lạ nói lên Nước trời được hiện tại hóa, và tỏ bày lòng yêu thương của Chúa Cha đối với nhân loại, một tình yêu bao la vô điều kiện, qua việc phục vụ của các tông đồ cách quảng đại nhưng không, vì các ông lãnh nhận nhưng không thì cũng cho đi nhưng không, như Chúa Giêsu đã dạy dỗ, huấn luyện và làm gương cho họ.

Trang Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy điểm nhấn của Thánh sử Matthêu về các tông đồ, là thi hành sứ vụ, chứ không phải là được Chúa Giêsu kêu gọi. Thánh Matthêu đề cao mối liên lạc mật thiết giữa tông đồ đoàn và sứ mạng truyền giáo. Họ là những chứng nhân tiêu biểu đã được Chúa Giêsu huấn luyện, trao quyền hành và trao nhiệm vụ truyền giáo như chính Ngài đã được Chúa Cha sai đi vậy. Các tông đồ tuy khác nhau về nhiều phương diện, nhưng các Ngài vẫn hợp tác thi hành một sứ mạng là rao giảng Nước Thiên Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm rao giảng Nước Thiên Chúa của mình, vì đó vừa là mệnh lệnh của Chúa, vừa là tình yêu của Chúa cho ta được tham gia vào sứ mạng của Ngài. Xin cho ta biết nghe lời Ngài dạy để chỉ quan tâm, thao thức làm theo thánh ý của Chúa chứ không phải rao giảng lời của ta và bản thân ta.

Huệ Minh

Exit mobile version