Ý nghĩa của hôn nhân Công giáo

29 HonNhanCongGiao - Ý nghĩa của hôn nhân Công giáo

Nét đẹp và sự cao quý của tình yêu hôn nhân ngày càng bị lu mờ trong xã hội của chúng ta đến nỗi ngày nay hầu hết mọi người xem hôn nhân như một nhà tù: một vấn đề pháp lý, nhàm chán, mang tính thủ tục, làm đe doạ tình yêu và huỷ hoại sự tự do.

“Tình yêu là thiên đàng; hôn nhân là địa ngục”, Lord Byron đã viết cách đây 150 năm. Vào thời đó, có lẽ ông không thể ngờ được tư tưởng của ông vào thời đại ngày nay lại được phổ biến cách lạ thường.

Chồng tôi, Dietrcich von Hildebrand, thì ngược lại. Rất lâu trước khi cải đạo sang Công giáo Rôma, anh ấy tin rằng tình yêu trong hôn nhân là một trong những nguồn hạnh phúc sâu xa nhất. Anh ấy nhìn thấy sự cao quý và vẻ đẹp của sự kết hợp giữa người vợ và người chồng trong hôn nhân – được thể hiện trong sự kết hợp hai thân xác với nhau theo một cách kỳ diệu để tạo nên một sinh mạng mới.

Anh nhận thấy rằng bản chất của tình yêu chính là khao khát sự vô biên và vĩnh cửu. Vì thế, một người thật sự muốn ràng buộc mình mãi mãi với người mình yêu thương – sự ràng buộc đó chính là món quà hôn nhân dành tặng cho người đó.

Ngược lại, tình yêu không có sự cam kết đầy đủ chính là phản bội lại bản chất cốt lõi của tình yêu. Người không muốn cam kết (hoặc phá vỡ một cam kết để bắt đầu một mối quan hệ khác) chính là đang làm điều ngu xuẩn. Người ấy lẫn lộn giữa niềm vui mới lạ với nguồn hạnh phúc đích thực.

Nỗi thất vọng đáng buồn ấy – rất điển hình trong thời đại của chúng ta – chính là một dấu hiệu hoặc một sự thiếu trưởng thành nghiêm trọng về mặt cảm xúc, làm suy yếu nền tảng xã hội. Nó bắt nguồn một phần từ việc hiểu sai ý nghĩa của sự tự do. Rất nhiều người chỉ trích hôn nhân bởi vì họ không nhận ra rằng một người vẫn có được sự tự do khi tình nguyện ràng buộc bản thân với người vợ hoặc người chồng của mình trong hôn nhân.

Những người chỉ trích hôn nhân không nhìn thấy tính kiên vững – và đặc biệt là sự chung thuỷ – chính là đức tính cần thiết của một nhân cách thật sự cao quý: người ấy vẫn chọn lựa chung thuỷ với những điều họ nhìn thấy, mặc dù có thể theo thời gian tầm nhìn của họ kém đi.

Trong những vấn đề về tình yêu và hôn nhân, “địa ngục” không đến từ sự chung thuỷ nhưng đến từ việc thiếu chung thuỷ, điều này làm cho con người không còn bị ràng buộc một cách đúng nghĩa, nhưng lại thật sự cô độc: bị nhốt trong tính độc đoán nông cạn và tính chủ quan ngột ngạt.

Thật ra, trái ngược với Lord Byron và trái với niềm tin phổ biến nơi mọi người, hôn nhân chính là người bạn và người bảo vệ của tình yêu giữa người nam và người nữ. Hôn nhân mang đến cho tình yêu một nền tảng, một nơi trú ẩn, một không gian mà chỉ có nó mới có thể thăng tiến.

Hôn nhân dạy cho những đôi vợ chồng đức khiêm tốn, giúp họ nhận ra nhân loại là một người yêu rất đáng thương. Cũng như chúng ta khao khát yêu và được yêu nhiều đến thế nào, chúng ta cũng bao lần thất bại và khẩn thiết cần đến sự giúp đỡ. Chúng ta phải tự trói buộc mình thông qua lời thề linh thiêng để mối dây ràng buộc ấy đem lại cho tình yêu của chúng ta sức mạnh cần thiết để đối mặt với biển đời dậy sóng của thân phận con người.

Không có tình yêu tự do phát sinh trong những lúc khó khăn. Nhưng (như Kierkegaard đưa ra nhận xét một cách thông minh), bởi vì tình yêu bao gồm ý chí, sự tận tâm, bổn phận và trách nhiệm, nên hôn nhân kết nối hai người lại với nhau để chiến đấu hầu giữ lấy món quà tình yêu quý giá của họ. Hôn nhân mang đến cho họ sự tự tin tuyệt vời rằng cùng với sự trợ giúp của Chúa, họ sẽ vượt qua được khó khăn và chiến thắng. Vì thế, bằng việc bổ sung thêm yếu tố nghi thức thủ tục vào yếu tố cần thiết (hữu hình) của tình yêu, hôn nhân đảm bảo tương lai của tình yêu và bảo vệ nó chống lại mọi cám dỗ cố hữu vốn nảy sinh trong sự tồn tại của nhân loại.

Trong một mối quan hệ không có lời cam kết, thì một trở ngại mong manh nhất hay một khó khăn tầm thường nhất cũng trở thành một lý do hợp lệ để chia tay. Đáng buồn thay, một người luôn muốn thắng trong những cuộc chiến với người khác lại thường không có hoặc có rất ít khao khát muốn chinh phục bản thân. Người đó sẽ dễ dàng từ bỏ một mối quan hệ hơn là đấu tranh với điều mà Kierkegaard gọi là “sự mệt mỏi thường có khi đạt được một ước muốn”.

Hôn nhân mời gọi mỗi một người vợ hoặc người chồng chiến đấu chống lại bản thân vì lợi ích của người mình yêu. Đây là lý do tại sao hôn nhân không còn được nhiều người ưa chuộng trong thời đại ngày nay. Mọi người không còn sẵn lòng để đạt cho được điều tuyệt vời nhất trong tất cả mọi chiến thắng, đó là sự chiến thắng chính mình.

Theo như Kierkegaard, huỷ bỏ hôn nhân chính là hành động “tự buông thả”. Chỉ có những người hèn nhát mới phỉ báng hôn nhân. Họ trốn chạy khỏi sự đấu tranh, và chịu thất bại trước cả khi trận chiến bắt đầu. Chỉ có hôn nhân mới có thể duy trì và nuôi dưỡng tình yêu giữa người nam, người nữ, và đặt tình yêu ấy lên trên những thay đổi và tâm trạng hằng ngày. Không có sự ràng buộc sẽ không có lý do ao ước chuyển những ảm đạm trong cuộc sống thường nhật vào trong một bài hát đầy thi vị.

Bí tích Hôn Nhân

Trong cuốn sách “Hôn nhân, Mầu nhiệm Cao cả của Tình yêu Chung thuỷ”, chồng tôi giới thiệu những chủ đề làm nổi bật giá trị và tầm quan trọng của một cuộc hôn nhân được công nhận và chỉ ra vai trò của hôn nhân trong tình yêu chung thuỷ.

Đồng thời, chồng tôi cũng nhận thấy rằng – ngay cả trong những cuộc hôn nhân tự nhiên hạnh phúc nhất – việc con người (thụ tạo của một ngày theo cách gọi của Plato) phải chết luôn là điều hạn chế và giới hạn khủng khiếp. Do đó, mỗi một tình yêu tự nhiên đơn thuần chắc chắn sẽ dẫn đến bi thảm: nó sẽ không bao giờ đạt tới sự hợp nhất vĩnh viễn vốn dĩ là điều tự nhiên.

Nhưng khi chồng tôi chuyển sang Công giáo, anh ấy đã phát hiện ra một khía cạnh mới rất tuyệt vời của hôn nhân: đó là đặc tính bí tích của hôn nhân như một suối nguồn ân sủng. Thánh Phaolô đã làm rõ giá trị cao quý của Bí tích Hôn Nhân khi gọi hôn nhân chính là “mầu nhiệm cao cả” được so sánh như tình yêu của Đấng Cứu Thế dành cho Giáo Hội của Ngài (x. Ep 5,32). Một tình yêu tự nhiên bị lu mờ đi trước vẻ đẹp của tình yêu được bén rễ trong Đức Kitô.

Với vai trò là một bí tích, hôn nhân mang đến cho con người sức mạnh siêu nhiên cần thiết để “chiến đấu vì cuộc chiến cao đẹp”. Mỗi một chiến thắng cùng nhau đạt được để vượt qua những thói quen, những công việc thường nhật, những mối quan hệ tẻ nhạt, những mối ràng buộc trong quan hệ vợ chồng và làm cho tình yêu giữa họ trổ thêm bông.

Cũng bởi vì hôn nhân kết hợp một cách chặt chẽ và thiêng liêng những đôi vợ chồng với tình yêu bất diệt mà Đức Kitô dành cho mỗi người, Bí tích Hôn Phối vượt qua những giới hạn buồn thảm của một cuộc hôn nhân thông thường và đạt được sự bất diệt và vĩnh hằng mà mọi mối tình đều khao khát.

Vì thế, có thể hiểu được vì sao sau khi chuyển sang Công giáo Rôma, chồng tôi (vốn đã là một hiệp sĩ tuyệt vời của tình yêu tự nhiên) trở thành một hiệp sĩ hăng hái bảo vệ cho tình yêu siêu nhiên được tìm thấy trong Bí tích Hôn Phối. Tình cảm dành cho vẻ đẹp và mầu nhiệm cao cả của tình yêu chung thuỷ trong hôn nhân đã thôi thúc anh ấy viết quyển sách này.

Lịch sử của cuốn sách “Hôn nhân: Mầu nhiệm Cao cả của Tình yêu Chung thuỷ”

Việc chuẩn bị cho cuốn sách này chính thức bắt đầu vào năm 1923 khi chồng tôi có bài diễn thuyết về đề tài hôn nhân tại Hội nghị Liên hiệp Học thuật Công giáo diễn ra tại Ulm, Đức. Bài diễn thuyết đã thành công rực rỡ.

Trong bài diễn thuyết, anh ấy kêu gọi mọi người nên phân biệt giữa ý nghĩa của hôn nhân (chính là tình yêu) và mục đích của hôn nhân (chính là sự sinh sản). Anh ấy đã miêu tả hôn nhân như một cộng đồng yêu thương, mà theo đó, cơ cấu tổ chức tuyệt vời nhất sẽ tìm thấy mục đích của nó trong sinh sản.

Mặc dù giáo huấn Công giáo chính thức vào thời đó hầu như chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sinh sản như là mục đích của hôn nhân, nhưng thực tế Giáo Hội luôn thừa nhận tình yêu chính là ý nghĩa của hôn nhân. Giáo Hội luôn thừa nhận cuộc hôn nhân giữa những người vì lý do tuổi tác hoặc những trở ngại khác mà không thể tận hưởng được niềm hạnh phúc có được con cái.

Nhưng nhận thấy mình đã phá vỡ nền tảng khi đưa ra sự phân biệt quá rõ ràng giữ mục đích và ý nghĩa của hôn nhân, chồng tôi đã tìm đến hỏi ý kiến của một vị chức trách Công giáo. Anh ấy đã đến gặp vị Hồng y nổi tiếng – Pacelli – về sau làm Sứ thần của Giáo hoàng ở Munich và trở thành Giáo hoàng (Piô XII). Trong lần gặp gỡ với vị Giáo hoàng tương lai này, chồng tôi đã trình bày chi tiết những quan điểm của mình, và vui mừng được vị Giáo hoàng tương lai hoàn toàn tán thành luận điểm của anh ấy.

Sự tán thành của Đức Hồng y Pacelli lúc bấy giờ cùng với sự thành công của bài diễn thuyết về chủ đề hôn nhân đã khích lệ chồng tôi mở rộng và phát triển bài diễn thuyết thành một cuốn sách nhỏ mà các bạn đang có trên tay.

Kể từ lần xuất bản đầu tiên tại Đức, cuốn sách Hôn nhân được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính tại Châu Âu, nơi nó luôn được biết đến và được yêu thích rất rộng rãi. Khi lần đầu tiên được dịch sang tiếng Anh trong Chiến tranh Thế giới II, những nhà phê bình đón nhận nó với một thái độ rất thiện cảm, và cuốn sách được người đọc yêu thích, và được tái bản 4 lần trong vòng 14 năm.

Nó mang đến cho tôi niềm vui khôn tả khi chào đón lần xuất bản mới này, một lần nữa cuốn “Hôn nhân” trở lại với độc giả tiếng Anh sau gần 30 năm vắng mặt.

Đặc biệt ngày hôm nay, quyển sách này – giải thích về ơn gọi hôn nhân cao quý của người Kitô hữu – chính là điều cần thiết đối với bất cứ ai khao khát sống xứng đáng mầu nhiệm tình yêu cao quý này.

Thomas a Kempis nói với chúng ta rằng “tình yêu là một điều cao quý”, và hôn nhân cũng vậy.

Alice Von Hildebrand *
—————————-
* Alice von Hildebrand giới thiệu cuốn sách “Hôn nhân: Mầu nhiệm của Tình yêu Chung thuỷ” của tác giả Dietrich von Hilderbrand.

nguồn: emty.org
Exit mobile version