Giáo luật hiện nay không còn bó buộc như ngày xưa là phải xưng tội một năm ít là một lần trong mùa chay và phục sinh. Điều 920 quy định:
l. Sau khi đã rước lễ lần đầu, tất cả mọi tín hữu buộc phải rước lễ mỗi năm ít là một lần.
2. Phải chu toàn mệnh lệnh này trong mùa Phục Sinh, trừ khi phải chu toàn vào một thời gian khác trong năm vì một lý do chính đáng (CIS 859 ; CIS 860 ; CIO 708)”.
Các luật này bắt nguồn từ Hiến chế 21 của Công đồng Latêranô thứ IV năm 1215. Đó là:
“Tất cả các tín hữu, sau khi đến tuổi khôn, phải xưng tất cả tội lỗi của mình một cách chân thành với linh mục của mình ít nhất một năm một lần, và chăm chỉ làm việc đền tội do linh mục đưa ra cho mình. Họ hãy cung kính Rước Thánh Thể ít nhất vào lễ Phục sinh, trừ khi họ nghĩ rằng, vì một lý do chính đáng và theo lời khuyên của vị linh mục, họ nên tránh rước lễ trong một thời gian.
Nhưng các cha xứ vẫn quan tâm và lo lắng cho con cái mình, nên trong mùa chay, các ngài đều kêu gọi các tín hữu xưng tội, vì đây là thời điểm thuận lợi và tốt đẹp nhất thực hành đúng quy định của giáo luật, hơn nữa là cơ hội để thông hiệp vào mầu nhiệm Phục sinh vinh quang của Đức Kitô
Với ý nghĩa kể trên, các cha xứ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tín hữu thuộc quyền của mình, đặc biệt là mời các cha khách đến trong thời gian thích hợp để những người khô khan, nguội lạnh, lâu năm hay có điều chi e ngại… mà dễ dàng hơn đến với tòa cáo giải.
Thật là một việc đạo đức tốt đẹp, nhưng việc xưng tội không chỉ có đơn giản như thế, làm cho đầy đủ đóng khung theo lề luật, mà còn là những điều tiếp theo sau khi đã xét mình, ăn năn tội, xưng tội và đền tội, đó là làm những việc lành phúc đức để cho việc giao hòa với Chúa sống với anh chị em mới có ý nghĩa và giá trị. Nói rõ hơn chính là việc sống điều Chúa đã ban cho ta như trong kinh Lạy Cha chúng ta vẫn thường đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.”
Bởi vì, xưng tội thì phải chừa tội, theo nghĩa bình thường là không phạm tội nữa. Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đây thì làm sao với cái tôi mỏng dòn, yếu đuối cộng với trần gian muôn mầu muôn vẻ của sự xấu, sự dữ có thể giữ mình mãi mãi được? Vì thế, muốn giữ mình không phạm tội nữa thì chỉ có cách hay nhất là phải làm các việc lành phúc đức, để tránh tình trạng “ nhàn cư vi bất thiện!”, để không trở thành điểm lý tưởng cho cái xấu trở lại và trú ngụ bền chặt hơn! Như Tin Mừng đã đề cập: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.” Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.” ( Mt 12:43-45).
Như điều 987 đã quy định: ăn năn, thành tâm từ bỏ tội và quyết sửa mình. Nói cách khác là mỗi lần xét mình, ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội thành thực những tội lỗi hay phạm hơn, là mỗi lần sẽ thấy tiến bộ hơn.
Muốn có điều ấy, thì khi xét mình xưng tội ta cũng cần phải nhận biết sự mỏng dòn, yếu đuối của bản thân mình, hay chẳng có là gì để rồi nhận ra tình thương Chúa ban cho ta muôn hồng ân chẳng thể nào ngờ được!
Bởi vì không hiểu hết được, hay hiểu không thấu đáo cho nên việc xưng tội của các tín hữu dễ dừng lại ở điểm xét qua loa, đại khái, cách chung chung, ướm chừng cho có lệ, hoặc là xưng tội thay cho người khác, ngay cả khi có vẻ kỹ lưỡng, có cẩn thận đó qua từng điều răn một… nhưng có lẽ vì không đi tới cùng, cho nên chẳng giúp ích gì cho đời sống của người tín hữu trong việc kết hiệp mật thiết với Chúa mãi mãi qua mọi hoàn cảnh, trong mọi biến cố. Do đó, đừng trách anh em Tin Lành cười nhạo chúng ta khi cho rằng: “ Chúng ta đi xưng tội giống như là vào tòa đổ rác, sau đó lại đâu vào đấy và lần sau cũng y như thế!”
Để giúp cho cuộc đời của ta thay đổi thật sự sau khi đã giao hòa cùng Chúa, chúng ta đừng quên Lời Chúa nói với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình “ Ta không kết án chị đâu, chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đối với những người biệt phái và luật sĩ đã mạnh miệng kết án người phụ nữ, Chúa cũng nhắc nhở như vậy “ Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá người này trước đi ”
Do đó, đừng quên Giáo luật điều 987 đã dạy:
“Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình.”
Thiên Quang sss