‘Xui’ gặp… ông cha nói thẳng

Tớ đang ở bếp, vo gạo cho vào nồi cơm nấu… thì nghe tiếng chó sủa rồn rập, cả ba đầy tớ đều sủa hăng hái.

Nghĩa là có khách lạ !

Không chỉ lạ, hai người khách quần áo đóng thùng lịch sự, có dáng dấp cán bộ…

Nghĩ là khách ‘đồng chí’, tớ vui vẻ mời vào phòng khách…

Vị khách ‘già’ hơn giới thiệu vị khách ít già hơn:

– Anh này là Việt kiều, về quê lấy vợ…

Nghe chữ ‘Việt kiều…’, sự nhiệt tình của tớ giảm xuống, suýt chạm đến ngưỡng âm độ (khờ thế đấy!).

– Vào Nhà xứ các anh có chuyện gì không?

– Nghe nói cha đang phụ trách hôn nhân ở giáo xứ B.?

(Cha xứ B. có công vụ đi ít tuần, có nhờ tớ phụ trách giải quyết hôn nhân).

Rồi, vị khách đi thẳng vào vấn đề: mời cha dự đám cưới ngày ấy… tháng ấy… Chú rể chính anh Việt kiều ‘già ít’.

– Anh lấy vợ ở đâu ?

– Dạ, ở G.Ô.Đ, lương dân, gái nam ạ.

Bắt đầu tớ ngạc nhiên, bởi G.Ô.Đ thuộc địa giới giáo xứ tớ… Tớ bộc hỏi:

– Bên gái thuộc giáo xứ tôi, chưa thấy đến Nhà xứ làm thủ tục hôn phối sao lại có đám cưới ?

– Chúng con chỉ có phép đời, không có phép Đạo ?

– Nếu đám cưới đáng hoàng, không ngăn trở gì sao lại tránh phép Đạo ?

Câu cật vấn thẳng, không được tế nhị và có phần hơi sớm có lẽ làm cho hai vị khách bất ngờ nên không nói được câu nào.

Tớ nói thẳng: Tôi không tham dự đám cưới… chui, khi chưa có ‘phép chuẩn’ của Giáo hội.

Và giải thích thích thêm ‘phép chuẩn’ dành cho hôn nhân khác Đạo, còn thong dong, tức chưa lập gia đình. Phép chuẩn này thuộc quyền của Đức cha Giáo phận (cha xứ không có quyền, ngài chỉ có bổn phận làm và chuyển hồ sơ lên Tòa Giám mục để Đức cha xem xét, quyết định).

Tớ hỏi câu cắc cớ khác:

– Anh tính ra tuổi cũng quá nửa đời người (ngoài 50), giờ mới lấy vợ à ?

– Con đã có vợ, có con và đã ly dị…

Tớ lại ‘rài lời’ giải thích hôn nhân với hai đặc tính- đơn hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (trọn đời yêu thương, không ly dị) là Thiên Luật- Luật Chúa chứ không phải luật nhân luật- luật Giáo hội, tức những gì tốt đẹp nhất cho gia đình ổn định- hạnh phúc đã được Thiên Chúa thiết định ngay từ đầu. Vì là luật Chúa nên có giá trị phổ quát và trường tồn. Hôn nhân giữa người nam và nữ trên nền tảng Tình yêu- tự do đều được hưởng hai đặc tính tốt đẹp trên, do đó người ngoài Đạo ly dị cũng có tội, vì vi phạm luật Chúa…

Giáo hội lấy luật Chúa là Luật của mình dẫu luôn phải trực diện nhiều thách đố, hy sinh, thậm chí cả mất mát… nhưng không vì thế mà thỏa hiệp làm ảnh hưởng Luật Chúa. Giáo hội xác tín, luật Chúa là điều tốt đẹp nhất cho việc thăng tiến phẩm giá- quyền con người.

Tớ nhấn mạnh: Thiên Chúa dựng nên con người là để hạnh phúc, để được hưởng phúc Thiên đàng; Luật Chúa bảo vệ và giúp con người thăng tiến, đến sự sống tốt hơn chứ không phải đến đau khổ- sự chết. Tuy nhiên, con người có quyền tự do, vẫn có thể từ chối Chúa để chọn sống đàng tội lỗi theo ma quỷ. Con người xuống hỏa ngục không phải do Chúa mà do con người tự chọn…

Với trường hợp anh khi lấy thêm vợ, không chỉ bất hợp pháp mà còn bị rối hôn nhân và anh sống trong trường hợp ngoại tình (ly dị đấy là việc của người đời, không có ảnh hường gì đến luật Chúa; nghĩa là hôn nhân trước của anh đã thành sự, và ta không có quyền ‘trao hiến’ với người khác ngoài chồng- vợ đã thành sự). Ngoại tình là trọng tội, nguy hiểm đến ơn cứu độ.

Hai vị khách già hơi chùng mặt xuống, có chút nghĩ ngợi, nhất là vị khách ‘chú rể’ Việt kiều…

Tớ nói rất tiếc (chứ không xin lỗi) khi phải nói thẳng, vì sự thật trái ý bao giờ cũng dễ làm mất lòng… Đấy là sứ vụ của ngôn sứ của Chúa. Không vì nể vì sợ hay vì tiền… im lặng không dám nói điều cần nói, phải nói.

Tớ minh họa Lời Chúa Giêsu qua dụ ngôn ‘Phú hộ và Lazaro hành khất’. Ở chốn hỏa ngục, tên phú hộ xin cha Abraham cho người chết hiện về để cảnh báo mấy anh em ông bỏ đàng tội lỗi bởi họ đang lún sâu trong hưởng thụ, phung phí hả hê song Trái tim lại vô cảm trước người nghèo… y như ông ngày trước, song Tổ phụ Abraham nói: Đã có Maisen và các tiên tri. Chúng hãy nghe các ngài… Nếu chúng không nghe các ngài thì người chết có hiện về chúng cũng không nghe (x. Lc 16, 19- 31)

Tớ lái qua chuyện khác, nhẹ nhàng hơn nhưng ẩn ý xa xa:

– Thực tế có đám cưới Việt kiều lợi dụng ‘ông cha’- nhất là cha cố già, đến xin chụp hình ở Nhà thờ, rồi xin cha chụp hình chung; rồi mời ngài dự đám cưới, chụp hình chung… rồi qua bên đó quảng bá những tấm hình có chụp chung ông cha với những ý đồ xấu, làm người ta hiểu sai bản chất sự thật.

– Vậy là cha không đến dự đám cưới được à ?

Nói thẳng thế mà vị khách ‘già hơn’ vẫn không hiểu ?…

Tớ nghĩ họ quá hiểu. Thử nghĩ tích cực cho khách: Họ thấy tiếc vì không có ông cha dự đám cưới, hỏi thế như cách nài nỉ, vớt vát…

Dẫu vậy tớ cũng ‘thẳng ruột’ lần nữa

– Trường hợp anh không chỉ chưa có phép chuẩn (mà cũng chẳng chuẩn được khi đã có hôn phối thành sự) mà còn bị rối nữa. Những trường hợp đám cưới- gương xấu công khai này, Đức cha Giáo phận khuyến cáo Giáo dân không được dự, điên mà tôi đi à. Đi để Đức cha gọi lên… ‘cạo gió’ à. Anh có cho tôi tỉ đo la tôi cũng không dự…

Tớ nói giọng hài hước để tiễn khách bớt căng khi về…

Lm.Đaminh Lê Thanh Trưởng

Exit mobile version