Xuân Mậu Tuất, Kể Chuyện Về Loài Chó

rich man and lazarus - Xuân Mậu Tuất, Kể Chuyện Về Loài Chó

1. Con chó trong Thánh Kinh

Hình ảnh con chó được nhắc tới hay xuất hiện nhiều lần trong các câu chuyện hay biến cố của Kinh Thánh.

Cựu Ước:

Sách Sáng Thế, tổ phụ Giacóp gọi 12 con lại và chúc lành cho từng đứa, ông dùng hình ảnh và các biểu tượng để nói lên cá tính cũng như ân lộc cho từng đứa. Riêng đứa út là Bengiamin, ông dùng hình ảnh “chó sói” tinh khôn và được cưng phụng no nê ăn sáng ăn tối như câu 27 sánh ví “Bengiamin là chó sói hay cắn xé, buổi sáng nó ăn mồi, buổi chiều nó chia phần cướp được” (St 49).

Sách Xuất Hành kể lại cảnh con trai đầu lòng của dân, ngay cả súc vật của đất nước Ai Cập đều bị Giavê phạt chết, thế mà dân Do Thái thì lại được Chúa Thiên Binh gìn giữ an bình, không bị quấy rầy như câu 6 nói: “Còn nơi mọi con cái Ítraen, sẽ không có một con chó nào sủa, dù sủa người hay sủa thú vật; như thế, các ngươi sẽ biết rằng Đức Chúa phân biệt Ítraen với Ai Cập” (Xh 11).

Giavê Thiên Chúa răn dạy cách thế gìn giữ và dâng lễ bằng những của đầu mùa thu hoạch, và cao cả thay đứa con đầu lòng, phải gìn giữ đừng ăn những thứ làm cho nó bị ô uế: “Các ngươi sẽ là những người được thánh hiến cho Ta: thịt con vật bị thú dữ xé ngoài đồng, các ngươi đừng ăn, nhưng phải ném cho chó” (Xh 22, 28-30).

Sách Thủ Lãnh: Giavê Thiên Chúa chỉ dẫn cho Ghêđêôn tuyển chọn những người xứng đáng được phục vụ trong quân đội tinh nhuệ của Chúa Giavê như trong câu 5 nói: “Vậy ông Ghêđêôn đem đám dân ấy đến gần nước, và Đức Chúa phán với ông Ghêđêôn: ‘Tất cả những ai thè lưỡi tớp nước như chó, ngươi hãy để riêng ra, tất cả những ai quỳ xuống mà uống cũng vậy’.” (Tl 7). Lại chuyện ông Samson tinh khôn đi bắt ba trăm con chó sói, cột ngược đuôi con này với đuôi con kia và buộc một chiếc đuốc giữa hai đuôi rồi thả chạy vào doanh trại của địch quân gây đám cháy lớn và hàng ngũ địch quân bị rối loạn! (Tl 15, 4)

Sách Samuen quyển thứ nhất: “Tên Philitinh nói với Đavít: “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao? ” Và tên Philitinh lấy tên các thần của mình mà nguyền rủa Đavít” (1Sm 17, 43).

Sách Samuen quyển thứ hai diễn tả cảnh ông Ápne giận lắm vì những lời vua Ítbôsét đã sánh ví ông là ‘đầu chó’ là lời chửi bới khinh bỉ như sau: “Tôi là đầu chó của Giuđa sao? Hôm nay tôi lấy tình nghĩa mà đối xử với nhà của vua Saun, cha ngài, với anh em của người và với các bạn của người; tôi đã không để ngài rơi vào tay Đavít. Thế mà hôm nay ngài lại bắt lỗi tôi về chuyện một người đàn bà!” (2Sm 3, 8).

Và (2Sm 9, 8) nói lên lòng nhân nghĩa của thánh vương Đavít, dù bề tôi bất xứng chẳng khác nào một con chó trong nhà như câu 8 diển tả lời của Xiba, một nô bộc đã cúi lạy trước thánh vương Đavít và nói: “Tôi tớ ngài là gì, mà ngài quay về phía một con chó chết như cháu?”

Sách Tôbia 6, 1: Chàng thanh niên ra đi, thiên sứ cùng đi với cậu, con chó cũng ra đi với cậu và cùng đi với hai người. Vậy là cả hai cùng đi, và đêm thứ nhất, họ qua đêm bên bờ sông Tíchra. Trong chương 6 đến chương 11 của sách Tôbia, con chó đã cùng đi với Thiên Sứ Gabrien và Tôbia tới nhà Xara, một cô gái khôn ngoan, cam đảm và rất đẹp, con của ông Raquyên.

Tân Ước

Còn trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh con chó để sánh ví dân riêng của Chúa với người dân ngoại hay con cái Thiên Chúa với con cái thế gian như trong Phúc Âm theo Thánh Mátthêu Chúa nói chớ phí phạm của thánh như sau: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (7, 6). Thái độ của Chúa Giêsu với người đàn bà Canaan, khi bà kêu cầu Chúa chữa lành đứa con gái của bà đang bị quỷ ám… Chúa đã thử thách đức tin của bà khi bảo: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15, 21-28). Nhưng bà ấy rất khiêm tốn thưa lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.

Phúc âm theo Thánh Máccô diễn tả lòng tin của người phụ nữ Phênikia trong câu 27, Chúa nói với một người đàn bà năn nỉ Chúa làm phép lạ như sau: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” (Mc 7, 27). Bà ấy đã không nản chí cũng không nổi nóng, nhưng khiêm hạ đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” (Mc 7, 28). Thái độ tín thác của bà đã được Chúa ân thưởng thể hiện phép lạ cho con bà được chữa lành!

Phúc Âm theo Thánh Luca diển tả cảnh người phú hộ ăn sang mặc đẹp mà không chạnh lòng thương đến người ăn xin túng nghèo Ladarô đang thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no mà không được… Ladarô chỉ được mấy con chó đến liếm ghẻ chốc cho mà thôi. Sau khi cả hai cùng chết và hoàn cảnh được thay đổi ngược hoàn toàn: Ladarô thì hạnh phúc trong lòng tổ phụ Abraham còn người phú hộ thì quằn quại khổ đau, than trách kêu cứu trong đáy sâu địa ngục! (Lc 16, 21).

2. Bài học từ con chó

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, có một câu rất chí lý: “Làm người thì khó, làm chó thì dễ”, nhưng có phải vậy hay không, bởi chó cũng có nhiều nỗi khổ của nó, nếu may mắn được sinh ra làm chó Âu-Mỹ, ăn sung ngủ sướng. Trái lại bất hạnh đầu thai vào cõi Phi Luật Tân, Triều Tiên, Trung Hoa, Việt Nam, thì sớm muộn cũng vào miệng người.

Thật bất công khi người cứ hay đem chó ra làm đối tượng để đào xới những kẻ phản phúc lọc lừa, vì xưa nay trên cõi đời này, cho dù con chó có bị ruồng bỏ hay thuộc loại chó đói, chó ngu… thì thủy chung chó chẳng bao giờ phản chủ như con người. Chỉ vì mang thân phận thấp hèn, nên chó gánh chịu nhiều bất công, chẳng những trong kho tàng văn chương chữ nghĩa, mà cả đời sống “lên voi xuống chó” bên cạnh con người hằng ngày.

Tuy nhiên, chó cũng có những đặc tính tốt.

Chó là thú vật quen thuộc của mọi gia đình và có nhiều lợi ích cho con người. Chó cũng có những đóng góp tích cực cho con người mà ai cũng biết như giữ nhà, săn bắt mồi, tìm người, truy lùng thuốc phiện, ma túy… Và những đặc tính tốt như trung thành, hiểu ý chủ, vâng lời, biết sợ chủ, biết mừng chủ… Con chó chưa một lần nào trách móc chủ một điều gì dù cho có nhiều lần chủ xử tệ với nó, bỏ mặc nó. Chủ đi đâu về là nó vui vẻ đến gần tỏ lộ niềm vui, nếu chủ vui mà vuốt ve nó thì nó đáp ứng, nếu chủ buồn bực điều gì mà đẩy nó ra, thì nó nằm im không quấy rầy. Nó là một gương xóa mình, tha thứ, đón nhận và yên ủi.

Con chó trung thành. Trong các loài vật, có lẽ không có loài nào gắn bó với con người hơn con chó.Chó trung thành với chủ, gần như tuyệt đối.Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt.Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ.Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ mắng, thậm chí bị đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi để đón chủ về. Chủ giàu hay nghèo, sướng hay khổ, vui hay buồn, thất bại hay thành công, chó vẫn luôn khắng khít bên chủ. Thế mới có câu “khuyển mã chi tình” và câu “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo””. Còn con người, người có luôn trung tín hay người chỉ phù thịnh chứ mấy ai phù suy? Khi chủ được tiền, mọi người ai cũng đòi khao; khi chủ mất tiền, chẳng thấy ai sẻ chia giúp đỡ. Khi chủ thành công, làm ăn phát đạt, bạn bè kéo đến chúc mừng, ăn uống đông vui; khi chủ thất bại, mất mát thì chẳng thấy ma nào bén mảng tới cả, chỉ có mình chó vẫn luôn bên chủ.

Con chó thẳng thắn. Người nhà về, chó vui mừng ra đón, vẫy đuôi quấn quýt. Kẻ lạ đến, chó hướng mắt cảnh giác, lao ra gầm gừ, sủa vang. Yêu nói là yêu. Ghét bảo là ghét. Còn người, người có thẳng thắn với nhau? Có dám công khai bày tỏ chính kiến của mình? Cái ma mãnh của con người là trước mặt nói một đằng, sau lưng lại nói một nẻo; trước mặt thì giả vờ ca ngợi, sau lưng lại chê bai thậm tệ. Sao người không thẳng thắn, cởi mở tấm lòng với nhau để cuộc đời thêm tốt, thêm đẹp mà lại cứ phải đi nói xấu nhau với người thứ ba và lấy làm hả lòng hả dạ về điều ấy?

Trong buổi tiếp kiến ngày thứ tư 27.8.2017, Đức Giáo Tông Phanxicô đã dành thì giờ để nói về sự cần thiết của “hiệp nhất” trong Giáo Hội và trong các cộng đoàn Kitô hữu, với lời kêu gọi mạnh mẽ hãy tránh “những chia rẽ”, vốn được nuôi dưỡng bằng “chuyện ngồi lê đôi mách, đố kỵ, và ghen tương”. Ngài nói: “Có lần, ở Giáo Phận cũ của tôi, tôi nghe được một nhận xét tích cực đáng chú ý, nói về một bà lớn tuổi, đã dành cả đời làm việc cho Giáo Xứ. Một vài người biết rõ bà đã nói về bà: “Bà này không bao giờ nói xấu ai, không bao giờ ngồi lê đôi mách, bà luôn mỉm cười”. Một người như thế có thể được phong thánh ngay ngài mai, đó là một việc tốt, một gương tốt” (phanxico.vn).

Chó phải sủa. Các Giáo Phụ thường dùng chỉ các bậc cha mẹ hay bề trên không biết răn đe hay nhắc nhủ cho bề dưới của mình bằng câu ngạn ngữ vắn gọn: “Khốn cho những con chó không biết sủa!” Nhiệm vụ canh giữ của chó là sủa mỗi khi có người lạ hay vật cấm mà chó được huấn luyện để truy lùng phát hiện, mà không sủa lên thì làm sao chủ nhân của nó biết được? Chó không sủa thì chẳng còn là chó nữa! Tiếng sủa của chó luôn gây những phản ứng khác nhau: nó làm kẻ trộm tức tối vì việc gian manh của hắn bị bại lộ; nó có thể làm hàng xóm bực mình vì mất giấc ngủ ngon; nhưng chắc chắn nó làm người nhà vui mừng vì chó đã giúp họ tỉnh thức nhận ra được cái ác đang rình rập và ra sức loại trừ nó.

“Chó sủa vang, xua đuổi phường gian ác.

Chủ thức dậy, thắp sáng cả đêm đen…”

Năm Đinh Dậu sắp qua, năm Mậu Tuất sắp đến. Thời gian là quà tặng Chúa ban nên mỗi người luôn trân trọng thời gian và cuộc sống của mình. Thời gian là một món quà vô giá, cuộc sống là một ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Quý trọng từng giây từng phút thời gian. Tương lai chưa tới và quá khứ đã qua, điều chúng ta có chỉ là giây phút hiện tại. Trân trọng thời gian chính là trân trọng giây phút hiện tại. Năm mới, chúng ta xin ơn sống tín trung trong từng giây phút hiện tại như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ chí lý chí tình: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thúc nào thì hãy lánh cho xa. Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác của anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm!” (1Tx 5, 20-23).

3. Con chó trong đời thường


Tôi có dịp đến Tokyo, người ta kể cho nghe chuyện chú chó Hachiko biểu tượng về lòng trung thành của đất nước Nhật Bản. Tôi đã tìm đến tượng đài của Hachiko và chụp bức ảnh này…

Hachiko là giống chó Akita (ngày nay đây là giống chó được coi như “quốc khuyển” của Nhật), có bộ lông màu vàng nâu và sinh năm 1923 ở một nông trại gần thành phố Odate, tỉnh Akita. Nó được giáo sư Hidesaburo Ueno nhận nuôi và mang tới sống tại ngôi nhà gần ga Shibuya. Giáo sư là một người chủ tốt, nên được chú chó quý mến.

Người ta thường thấy hai “thầy trò” đi cùng nhau đến nhà ga vào mỗi sáng, sau đó giáo sư lên tàu đi làm, còn Hachiko lặng lẽ tìm một chỗ trước quảng trường của nhà ga và nằm đợi cho đến khi ông chủ đi làm về, thường là vào chiều muộn. Mọi việc cứ diễn ra đều đặn như thế cho đến một ngày của tháng 5 năm 1925, giáo sư Ueno lên tàu điện ngầm đi làm và mãi mãi không trở về nữa. Ông bị nhồi máu cơ tim. Hachiko không biết điều này nên vẫn cứ đợi chủ ở nhà ga ngày này qua ngày khác và không ngừng ngóng trông một hình bóng thân quen bước xuống từ các chuyến tàu. Cuộc chờ đợi đó kéo dài 9 năm, 9 tháng 15 ngày.

Câu chuyện về chú chó đợi chủ ở nhà ga nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Hàng ngày, mọi người đến đây, đưa đồ ăn cho chú chó cũng như thể hiện sự quan tâm, cảm động và ngưỡng mộ với loài Akita tinh khôn. (Ảnh chụp bức tượng bằng đồng hình chú chó Hachiko được đặt ngay bên ngoài một trong năm lối ra của nhà ga Shibuya, Tokyo).

Hachiko chết vào ngày 8.3.1935. Một năm trước ngày chết, người dân đã tạc một bức tượng hình chú chó và đặt tại ga Shibuya. Hachiko rất vinh dự vì có mặt trong buổi khánh thành bức tượng của chính mình. Tuy vậy trong thế chiến thứ hai, bức tượng bị gỡ bỏ để nấu chảy lấy nguyên liệu làm đạn dược. Vào năm 1948, bức tượng được làm lại.

Ngày nay, mỗi năm vào ngày 8 tháng 4, người dân lại tổ chức một buổi lễ long trọng tại nhà ga Shibuya để vinh danh sự tận tâm của Hachiko. Chuyện của Hachikio sau đó trở thành huyền thoại và nó được coi như một biểu tượng quốc gia về lòng trung thành, điều mà người dân Nhật Bản tôn sùng cũng như luôn cố gắng đạt được. Tại nhà trường, giáo viên và phụ huynh cũng thường xuyên kể về lòng trung thành của Hachiko, để con em mình có thể noi theo.

Ngoài bức tượng đá ở nhà ga, bức tượng Hachiko còn được xây dựng ở quê nhà của nó, bên cạnh nhà ga Odate và tại bảo tàng chó Akita. Trường đại học Tokyo cũng tạc một bức tượng Hachiko đang chơi đùa với giáo sư Ueno. Xác Hachiko được nhồi bông và bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia về Thiên nhiên và Khoa Học Nhật Bản thuộc quận Ueno, Tokyo. Câu chuyện về Hachiko được Hollywood dựng thành bộ phim, “Hachi: A Dog’s Tale” (theo Amusing).

Trong thực tế cuộc sống bên Việt Nam mình, chúng ta cũng nghe biết rất nhiều trường hợp con chó đã buồn cho tới chết sau khi mất chủ. Nhiều con chó bị bắt trộm hay bị bán đi nơi xa, nhưng rồi nó lại trổ chuồng tìm về với chủ cũ. Có câu chuyện người chủ muốn giết con chó để ăn thịt, bèn bắt chó bỏ vào bao bố, rồi đem con vật đi nhận nước, chẳng may gặp phải dòng sông sâu và nước xoáy nên anh ta suýt chết đuối. Con chó vùng vẫy thoát ra được, nó liền lội đến cắn cổ áo người chủ lôi vào bờ cứu thoát anh ta. Con chó biết chủ của nó, bênh vực chủ khi cần. Dù chủ chỉ là người hành khất hay người tàn tật, chó vẫn trung thành và ngoan ngoãn.

Bên cạnh các phần mộ cổ của người Ai Cập, người ta thường dựng hai tượng con chó, tiêu biểu cho đầy tớ trung thành và biết ơn, ngày đêm canh giữ phần mộ. Vì thế có câu tục ngữ “Nuôi một con chó trung thành quý hơn sinh một bầy con bất hiếu”.

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN

Exit mobile version