1.
Ngược dòng thời gian, lúc chương trình kinh tế mới bắt đầu, có khoảng hơn trăm hộ dân từ TP.HCM đến Minh Thạnh để sinh sống. Khi đó, nơi đây còn là một vùng rừng rậm, cỏ cây mọc um tùm, chưa có nhà thờ nên đời sống đạo cũng như những sinh hoạt đạo đức của cư dân hầu như không có. Trong năm, họa chăng được một vài lần, giáo dân trong vùng đi đến nhà thờ Tân Châu, cách đó lối mười cây số để tham dự thánh lễ. Năm 1978, làn sóng di dân đưa nhiều người từ miền Bắc vào Minh Thạnh tìm kế sinh nhai. Số giáo dân ở xứ đạo tăng dần, cộng với lòng nhiệt thành, đạo đức đang được nhen nhóm từng ngày nên hai nhà nguyện nhỏ, đơn sơ được dựng lên. Và cả hai nơi đều có thừa tác viên đảm đương việc phụng vụ Lời Chúa cũng như cho bà con rước lễ hằng tuần.
Qua thời gian, các sinh hoạt đạo ngày một phong phú, sôi nổi, thêm vào đó, hai nhà nguyện quá gần nhau nên đã được sáp nhập thành một. Ngày 1.5.1986, một cơn lốc quét qua giáo xứ Minh Thạnh làm nhà nguyện bị sập. Sau đó, ban hành giáo đầu tiên được thành lập và bắt tay vào việc dựng lại một nhà nguyện mới với sự chung tay của mọi người. Thời gian này có biết bao nỗi vất vả cần phải chống chọi, nào là cơn đói, nào muỗi mòng, đỉa, vắt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng tất cả những gian truân đó không làm suy xuyển lòng đạo và niềm ước mong trong lòng giáo dân về một ngôi nhà Chúa khang trang. Khi nhà nguyện mới thành hình, linh mục Giuse Quang Minh Tuấn được bổ nhiệm về làm chánh giáo xứ Tân Châu và kiêm luôn giáo điểm Minh Thạnh. Các sinh hoạt, việc tổ chức tại họ đạo nơi bìa rừng này từ đây dần đi vào nề nếp. Đến thời của linh mục chánh xứ Phaolô Ngô Đình Dũng, Hội đồng giáo xứ chính thức được bầu. Các đoàn thể như ca đoàn, thiếu nhi, Legio… cũng được thành lập. Sau năm 1997, cha Vinh Sơn Hoàng Trung Đoàn về giáo điểm, tiếp tục công việc của cha sở trước và khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới vào ngày 23.9.2000. Đến năm 2001, giáo họ Minh Thạnh đón cha Đaminh Trạch Cao Xuân Khải về làm chánh xứ, bắt đầu có những chương trình sinh hoạt mang dáng dấp mới và họ đạo trở nên khởi sắc. Minh Thạnh ghi một dấu mốc son vào ngày 15.4.2004, khi Tòa Giám mục nâng giáo họ này lên hàng giáo xứ. Từ 2012, cha Giuse Nguyễn Văn Thân phụ trách xứ Minh Thạnh.
2.
Hầu hết dân tại vùng Minh Thạnh sống nhờ vào các cánh rừng cao su. Công việc bắt đầu từ tờ mờ sáng khi đồng hồ điểm khoảng 4 giờ, họ tỏa ra các khu rừng để cạo mủ cao su. Đến khoảng 6 giờ, người ta về lại nhà nghỉ ngơi một lát, sau đó tiếp tục vào rừng để trút mủ. Đến chiều, họ đi gom góp mủ dư còn sót lại trong các chén (đông chén). Công việc này đem lại cho mỗi công nhân thu nhập từ 170.000đ-180.000đ/ngày. Theo một số người dân địa phương, nghề này trước đây đỡ đần cho họ rất nhiều trong cuộc sống, tuy nhiên mấy năm gần đây, cao su rớt giá, đời sống người dân cũng trở nên chật vật hơn trước. Anh Phạm Bá Tân, giáo dân xứ Minh Thạnh cho biết: “Trừ một số người già, người lớn tuổi bám đất, tiếp tục cái nghề, còn lại giới trẻ đều xuống Sài Gòn làm ăn, sinh sống”. Cũng chính bởi lý do này mà số lượng người trẻ ở giáo xứ rất ít. Vì vậy mà mỗi dịp Giáng sinh hay Tết, các đoàn thể lại chung tay tổ chức các chương trình, kể cả những hoạt cảnh vốn chỉ dành cho lớp trẻ. “Tuy số lượng giới trẻ ít, thiếu nhân lực nhưng khi cộng tác với các cô chú trong xứ, tụi em cũng được chỉ bảo không ít. Thêm nữa, mọi người cùng nhau làm, em thấy không khí cũng rộn ràng hơn. Xứ đạo vì vậy mà tăng thêm sức sống”, Hoàng Thị Yến Nhi, một bạn trẻ trong xứ nhận xét.
Mặc dù mỗi giáo dân còn phải lo toan cho cuộc sống riêng nhưng tinh thần nâng đỡ người nghèo cũng là một điểm sáng ở xứ đạo nhỏ bé này. Bên cạnh các hội đoàn như gia trưởng, hiền mẫu, ca đoàn, hội trống, kèn…, Minh Thạnh còn có ban bác ái thường xuyên thăm hỏi và trao quà cho các gia đình khó khăn trong xứ. Trẻ em nghèo hiếu học là đối tượng được quan tâm chăm chút, nhất là từ năm 2005, giáo xứ đã liên hệ xin tài trợ từ chương trình học bổng “Trẻ em vùng Mekong” (Pháp) để giúp các em thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khốn khó tiếp tục được đến trường. Một năm học chia ra làm bốn quý, mỗi em được trao 1 triệu đồng/quý để trang trải chuyện đèn sách. Ban bác ái có nhiệm vụ lên danh sách và theo sát các em cho đến khi hoàn tất việc học. Trong số các em nhận được học bổng, nay đã có nhiều em ra trường đi làm với nghề nghiệp ổn định.
Tuy còn là một xứ đạo non nớt, biết bao điều khó khăn chưa giải quyết, nhưng với sự dẫn dắt của vị chủ chăn đầy tâm huyết, với lòng đạo nhiệt thành và sự chung tay cộng tác của các thành phần trong xứ, rồi đây Minh Thạnh sẽ phát triển, như đã từng vượt qua bao sóng gió vươn lên trong hành trình gầy dựng đức tin nơi vùng đất mới.
Rời Minh Thạnh khi trời đã về chiều, tôi chợt liên tưởng đến ánh bình minh chẳng bao lâu nữa sẽ chiếu rọi trên một vùng đất mới.
THIÊN LÝ
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc