Thuở xưa, dân quê gọi họ đạo là Cổ Cò. Cả một con kênh dài chục cây số chỉ có cái nhà thờ này thôi. Về sau, tên gọi Hòa Thượng được tách ra để phân biệt với hai giáo xứ đầu và cuối là Hòa Hinh với Hòa Lý. Từ lâu, lòng đạo của bà con miệt sông nước Cổ Cò nơi đây thấm nhuần trong từng con người, từng nếp ăn cách ở.
NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ
Qua phà Dù Tho là đến xứ Hòa Hinh. Chạy độ 3 cây số nữa thì tới Hòa Thượng, giáo xứ lâu đời bậc nhất nhì ở đất Sóc Trăng. Các ông bà lớn tuổi truyền lại, nghe đâu từ cuối thế kỷ XIX, khi họ đạo Sóc Trăng với Cái Quanh manh nha thành lập, thì bước chân các cha thừa sai cũng lần dò tới xứ sở heo hút này. Kỷ yếu 60 năm của giáo phận Cần Thơ (2015) cũng có đoạn tóm tắt về hành trình lịch sử họ đạo này: Năm Canh Dần 1880, cha Vincent Gonet cùng một số bổn đạo ở Cái Quanh đến đây khai phá lập nghiệp và ngôi nhà thờ bằng cây lá được dựng lên. Sau một thời gian, cha Thieux (1886 – 1890), cha Kia (1891) từ Sóc Trăng lên xuống giúp đất Cổ Cò. Năm 1900, cha Kaller chính thức nhận nhiệm sở. Sau đó đến cha Đàng (1928 – 1937), cha Nguyễn Linh Việt (1943 – 1944), cha Trần Quang Nghiêm (1924). Có một giai đoạn, do hoàn cảnh chiến tranh, tất cả các cơ sở của họ đạo đều bị tàn phá. Năm 1953, cha Phêrô Nguyễn Cao Hoàng về bắt đầu xây dựng lại họ đạo. Tất cả các cơ sở nhà xứ, nhà trường, nhà các dì phước đều được tái thiết.
Năm 1995, linh mục Anrê Nguyễn Quang Toàn về coi sóc Hòa Thượng. Vừa về đến giáo xứ, nhận thấy cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, cha bắt tay vào việc sửa chữa. Riêng nhà thờ đã trải qua nắng mưa hơn 40 năm nên mái dột, tường nứt, cửa mối mọt, nghiêm trọng nhất là nền và toàn bộ khuôn viên mỗi tháng 2 lần đều bị ngập theo con nước thủy triều, giáo dân đi lễ phải xắn quần xách dép lội nước. Cha Anrê bắt tay vào việc đại tu nhà thờ. Nền, mái được nâng lên cao hơn. Để việc xây dựng mặt tiền được dễ dàng, một gian mới được xây thêm với lầu hát khang trang. Ba mái vòm hình bán nguyệt che tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm, đỡ hai mái nhọn vươn lên bầu trời. Cha xứ cũng cho quay mặt tiền nhà thờ lại theo hướng lộ.
DIỆN MẠO MỚI
Băng băng trên con lộ mà biết rằng nhà bà con xung quanh đều theo Công giáo, cảm giác thật thân thuộc. Hai bên đường toàn những vuông tôm. Dân xứ Hòa Thượng sống bằng nghề nông nghiệp, hồi trước trồng lúa nhiều. Chục năm trở lại đây, giáo hữu đổi sang nghề nuôi tôm sú. Ban đầu khởi sự bằng mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa; rồi một vụ lúa, một vụ tôm. Nguồn tôm giống có trong tự nhiên nhờ đón ấu trùng từ cửa sông. Nuôi tôm trong ruộng lúa từng là một mô hình phổ biến và hiệu quả với quan niệm “con tôm ôm cây lúa”. Mấy năm đầu, ngoài 4 – 5 tấn lúa mỗi hecta, người nông dân vùng này còn thu thêm 300 – 500 kg tôm nuôi, quy ra khoảng 30 – 40 triệu đồng vào thời điểm đó. Một mô hình khá lý tưởng. Nghề nuôi tôm đem lại nguồn lợi lớn, một số gia đình nhanh chóng thoát nghèo.
Nhưng càng về sau này, chuyện canh tác không còn dễ dàng nữa. Dân xóm đạo Hòa Thượng từng khốn đốn nhiều lần bởi những được – mất, phần vì làm cách tự phát non kinh nghiệm, phần khác do chưa áp dụng kỹ thuật mới. Ruộng nuôi tôm không được vệ sinh, nền ruộng cạn do chất thải của tôm nên môi trường nước ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh. Gần đây, việc canh tác gắn với khoa học kỹ thuật, nuôi tôm công nghiệp được áp dụng nên kết quả có vẻ khả quan hơn. Ông Nguyễn Văn Thôi, Chủ tịch HĐMVGX cho biết: “Tuy đây là nghề mang lại lợi ích cao cho các gia đình nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, vì thế giáo dân trong xứ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và còn tham gia các khóa đào tạo kỹ thuật để có thêm kiến thức. Cuộc sống nói chung phát triển hơn lúc trước; và với lòng đạo có sẵn, đã ăn sâu vào tâm trí giáo dân nên chuyện nhà thờ, hội nhóm càng được chung tay”.
Hòa Thượng với gần 2.000 nhân danh, chia thành 8 khu, gồm 7 khu lân cận và khu Cù Lao ở xa nhất. “Vốn là xóm đạo cổ nên giáo dân rất ý thức việc xây dựng giáo xứ. Các dịp đặc biệt cần sửa sang trang trí nhà thờ, tổ chức chương trình thiện nguyện bác ái, đều thấy anh chị em tích cực. Khu Cù Lao, vì ở xa xôi lại thêm xen kẽ với bà con không theo đạo nên được quan tâm nhiều hơn. Ở đây, mỗi buổi chiều, người ta còn xúm xít nhau lần chuỗi Mân Côi trước đài Đức Mẹ. Cuộc sống bổn đạo bốn mùa yên bình”, cha sở Matthêu Đinh Ngọc Mừng khoe. Các hội đoàn tuy chưa đa dạng như nhiều xứ đạo ở thị thành, song điều đáng nói là trách nhiệm của từng thành viên được ý thức rất rõ. Cha xứ cũng cổ vũ gìn giữ thói quen tốt đọc kinh liên gia, kiệu Đức Mẹ quanh các khu xóm, để qua những giờ họp mặt, bổn đạo thêm sốt sắng và cũng thêm gắn kết.
Anh Nguyên