Xin thương xót chứ đừng thương hại

minhhoa - Xin thương xót chứ đừng thương hại

Nhiều lần, mở trang mạng, y như rằng trang của bạn đó đăng tải hình ảnh của những mảnh đời bất hạnh với những gói quà và cả tiền nữa. Đại loại nội dung bạn đó đăng tải là công bố cho những ai đã chia sẻ biết rằng số tiền đã được chuyển đến nơi cần chuyển. Dĩ nhiên, chuyện báo công báo quả cần phải minh bạch để lần sau tin cậy gửi nữa. Thế nhưng, theo bỉ nhân, thiển nghĩ nên chăng gửi trong nhóm riêng và trong hộp thư của cá nhân thì hay hơn là cho lên công chúng.

Thật ra mà nói, những chia sẻ của chúng ta cũng chỉ là chút gì đó để băng bó vết thương lòng cũng như xoa dịu chút nỗi đau của họ mà thôi chứ chúng ta không thể nào hiểu cũng như không gánh được nỗi đau họ đang chịu. Dù ta có làm gì đi chăng nữa cũng không thể nào bao bọc được nỗi đau và sự thiếu thốn của họ chính vì vậy khi chia sẻ cần lắm sự tế nhị.

Cảm thấy có gì đó thốn thốn với những mảnh đời bất hạnh nên bỉ nhân chủ động hỏi thăm bạn đó. Sau khi giải bày tâm sự thì bạn đó bảo vệ cách thức đưa hình ảnh những mảnh đời kém may mắn đó lên với ý tưởng để mọi người biết !!!

Tự đáy lòng mà nói, chả ai muốn mình rơi vào cảnh ngộ đau khổ để nhận phần quà hay phần tiền vài trăm ngàn đồng bạc để phải đưa lên công chúng với khuôn mặt tiều tụy nhiều khổ đau.

Chuyện vừa mới xảy ra nóng bỏng. Trước khi tắt máy đi nghỉ đêm, thật hết hồn khi hình ảnh của những vị linh mục được người ta phơi bày trên mạng với những hình ảnh hết sức phản cảm.

Chuyện là linh mục chánh xứ nọ và hội đồng giáo xứ đi thăm nhà hưu dưỡng. Có lẽ không báo trước hay chưa có sự chuẩn bị nên cha già tơ hơ tốc hốc với chiếc quần đùi không có áo. Khi khách đến, cha già vội mang chiếc áo sơ mi cũ kỹ kèm theo chiếc quần đùi mặc ở trong phòng. Những hình ảnh thường ngày đó lẽ ra chẳng ai cam tâm vác máy ra chụp và giả như lỡ có chụp cũng chẳng cam lòng cho lên mạng. Thế nhưng rồi những tấm hình cha già mặc quần đùi vừa cài cúc áo được đăng tải ngay trước khi nhóm đi thăm rời nhà hưu dưỡng.

Chưa hết, có thể nói đau khổ nhất là cha già trong cơn đau đớn chỉ có tấm chăn đắp trên người mà người ta cũng không chịu tha. Người ta cũng cố gắng chụp cho bằng được và hơn nữa là cũng phải tranh thủ cho lên mạng xã hội ngay kẻo không ai biết.

Đứng trước cảnh bất bình đó, một số người trao đổi với chủ nhân đăng tải, tưởng chừng được đón nhận chân thành và gỡ xuống thì nhận được một câu xanh dờn và lùng bùng lỗ tai : “Cha Sở tôi bảo đăng tải như thế ! Chị làm gì mà dạy đời tôi …!”

Nghe những lời chua cay mặn đắng đó bỉ nhân không thể hình dung ra bộ não của người đăng tải và của cả cha Sở đó.

Xem ra những tấm tình được đăng tải đó sao mà đắng đót quá. Lẽ ra nó mang trong mình ý nghĩa của lòng thương xót khi cuối năm được những người khác đến thăm nom các cha nhà hưu dưỡng nhưng rồi nó lại mặc lấy trong mình tâm tình thương hại. Thương thì thật có thương vì có thương mới đến thăm nhưng sau khi rời bước khỏi nhà hưu đó lại là hại : hại nhân phẩm của những mảnh đời đau yếu bệnh tật.

Mạng xã hội luôn luôn là con dao 2 lưỡi và mang nhiều sắc màu khác nháu cũng như những người “chơi” mạng xã hội mang nhiều cảm xúc khác nhau. Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, “người chơi” phải tuân thủ đạo đức truyền thông cũng như những tấm hình xem ra rất riêng tư của mỗi người được cho lên mạng một cách vô tội vạ.

Rất trân quý những tấm lòng sẻ chia với những người nghèo và các cha già đau yếu. Thế nhưng, tưởng nghĩ cũng phải hết sức cẩn trọng với cách cho khi đi cho quà ai đó và nhất là phải cẩn trọng trước những tấm hình xem ra là phản cảm được cho lên mạng.

Cần và cần lắm những tấm lòng, cần và cần lắm lòng thương xót chứ không phải là thương hại, cần và cần lắm sự sẻ chia nhưng là sự sẻ chia thầm lặng như Thầy Giêsu đã từng dặn : tay trái không biết việc tay phải làm.

Những ước mong mọi người nên cẩn trọng trước khi “enter” cho những tấm hình xem ra là phản cảm và đắng lòng của những người nghèo và bất hạnh lên trên mạng xã hội.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version