Câu hỏi đặt ra khiến chúng tôi liên tưởng đến một câu hỏi khác thường đặt ra để bắt bí các em bé:
-Cái nào nặng hơn: một ký bông-gòn hay một ký sắt?
Không cần nghĩ ngợi lâu lắc, các bé thường trả lời ngay: Một ký sắt!
Phản ứng của người lớn là mỉm cười. Thế nhưng trong thực tế, chúng ta – những đôi vợ chồng – cũng phạm cùng lỗi lầm y như các em bé. Ở chỗ là chúng ta thường chú ý đến các lỗi lầm to tát đụng chạm đến tình yêu vợ chồng như kílô sắt mà lại lơ là với các xúc phạm nhỏ nhặt như kílô bông-gòn!
Kinh nghiệm đời sống vợ chồng dạy cho chúng ta biết rằng, những cử chỉ thiếu tế nhị, những câu nói cứng cỏi, những thiếu sót trong việc chăm sóc lẫn nhau thường cũng có nguy cơ làm đỗ vỡ cuộc sống chung y như những vụ đụng độ, những cuộc cãi cọ to tiếng! Chúng ta phải đi đến kết luận rằng một kílô thù hận nào thì cũng phá vỡ hạnh phúc lứa đôi y như nhau, bất chấp nó làm thành từ lông chim bông-gòn hay từ cục sắt nặng như chì!
Các đôi vợ chồng thường rơi vào lầm lỗi này. Đó là không chú ý đến những vết thương nho nhỏ làm phật lòng nhau. Có đôi vợ chồng nói:
– Khi yêu nhau thì không chấp nhất những chuyện nhỏ mọn!
Thật ra là chuyện trái ngược lại. Đáng lý các đôi vợ chồng phải nói:
– Càng yêu nhau người ta càng nhạy cảm trước cử chỉ hoặc yêu thương tế nhị hoặc bị thương tổn vì những xúc phạm nho nhỏ!
Trong trường hợp thứ hai, đôi vợ chồng nên tha thứ nhau tức khắc, nên xóa bỏ liền những chuyện nho nhỏ làm phật lòng nhau! Nếu không, sớm muộn gì tình yêu vợ chồng tưởng chừng như bức tường vững chắc bỗng một ngày để lộ vết nứt rạn chằng chịt xấu xí và có nguy cơ làm đổ bức tường! Những xung khắc nho nhỏ tưởng được xóa bỏ, nào ngờ khi bị khuấy động, liền nhô lên biến thành tai nạn đưa đến ly thân, ly dị!
Trong cuộc sống lứa đối của hôn nhân Công Giáo, không bao giờ quá sớm để nói lời xin lỗi nhau và cũng không bao giờ quá muộn để nhất quyết làm hòa với nhau. Bởi vì, đôi vợ chồng Công Giáo được ơn thánh của bí tích hôn phối che chở và giữ gìn. Điều quan trọng là đôi vợ chồng phải thường xuyên kín múc ơn thánh qua việc lãnh nhận hai bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Không có sự trợ giúp của ơn thánh thì đôi vợ chồng không thể làm được gì!
Sự tha thứ còn phải đi xa hơn trong liên hệ giữa các phần tử gia đình với nhau, như giữa cha mẹ và con cái, giữa hai họ đàng trai đàng gái và nội ngoại. Các bậc cha mẹ ngay chính gương mẫu thường không ngần ngại tự nhận ra lỗi lầm và xin lỗi con cái, nếu bậc cha mẹ không cư xử đúng hoặc cư xử không công bằng. Đôi khi gặp trường hợp khó khăn về việc xin lỗi diễn tả bằng lời nói thì cũng có thể viết ra trên giấy tờ như hình thức một bức thư, mặc dầu cả hai cùng sống chung dưới một mái ấm gia đình. Nói tóm lại, lời nói xin lỗi hay câu viết xin lỗi hoặc cử chỉ xin lỗi luôn luôn là liều thuốc thần diệu có sức chữa lành các vết thương và trao ban an bình cùng niềm hạnh phúc.
Chứng từ của bà Christine Ponsard người Pháp.
… ”THIÊN CHÚA đợi chờ để thi ân cho anh chị em. Người sẽ đứng lên để tỏ lòng thương xót, vì Người là THIÊN CHÚA công minh. Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Người! Phải, hỡi dân Xi-on đang ở Giêrusalem, ngươi sẽ không còn phải khóc nữa. Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi; nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại. THIÊN CHÚA sẽ ban cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo và nước uống trong cơn khốn quẫn. Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không còn lánh mặt và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi. Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái, tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau: ”Đây là đường, cứ đi theo đó!” (Isaia 30,18-21).
(Notre Dame de la Prière, n.92, Octobre/Décembre 2006, trang 20-23)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt