Đây là câu nói dường như rất quen thuộc với nhiều người – đặc biệt với những ai trải qua kinh nghiệm chăm sóc người thân ở bệnh viện, nó hàm nghĩa tia hi vọng cuối cùng của người bệnh nhân lâm cơn bạo bệnh đã khép lại, cũng là ‘dấu chấm hết’ cho những nỗ lực của người thân đang trông ngóng và nguyện cầu từng phút giây bên ngoài phòng mổ.
Có lẽ vì thế, câu nói tưởng chừng như nhẹ nhàng ấy lại trở nên nỗi khiếp sợ với gia đình của người bệnh, sợ đến nỗi mong sao đừng bao giờ nghe câu nói ấy. Vì ai cũng hiểu điều gì sẽ xảy ra với người thân yêu của mình!
Từ câu chuyện về sức khỏe thể lý, nhìn lại cuộc đời tôi, có lẽ Chúa đã phải rất nhiều lần nói với tôi câu nói tương tự ấy: Ta đã cố hết sức với con! Nhưng may mắn thay, dường như Chúa thích dùng những lời khác hơn để nói với tôi sau mỗi lần vấp ngã: Này con, hãy trổi dậy, như Chúa đã từng nói với người thân và đám đông đang khóc thương đứa con gái mới mất: ‘Đứa trẻ có chết đâu, nó ngủ đó’, rồi người nói với con trẻ: “Này bé, hãy trổi dậy” (Lc 8, 54). Trong kiếp sống nhân sinh, rất nhiều khi con người đã hoàn toàn bất lực và tuyệt vọng, Thiên Chúa vẫn có thể thắp lên hi vọng và ánh sáng giữa đêm đen.
Nhưng đó là hi vọng và ánh sáng nào? Làm sao tôi có thể nhận biết được
Sự sống hiện tại của tôi ngay giây phút này, là lời minh chứng Chúa đã, đang và sẽ yêu tôi luôn mãi. Nhưng… phải chăng khi tôi lâm cơn bạo bệnh và đối diện với cái chết, thì Thiên Chúa không còn yêu thương tôi nữa! Hãy xem Chúa Giê-su trong vườn cây Dầu, chính Ngài cũng đã khẩn nài lên Chúa Cha trước chén đắng Ngài sắp uống: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22, 42), và trên Thập giá Chúa Giêsu cũng đã kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt: 27:46). Dẫu biết rằng Chúa Cha hằng yêu thương và không bao giờ bỏ rơi mình, Chúa Giê-su cũng đã phải kêu lên những lời đau thương như vậy khi đáp lại tiếng xin vâng. Một cách nào đó, chúng ta nhiều khi không hiểu thấu những thánh giá xảy đến cho chính mình hay những người thân yêu, và câu hỏi tại sao, tại sao…!
Có lẽ thay vì đặt câu hỏi tại sao, chúng ta cần cầu xin ơn Chúa để có thể một lòng phó thác nơi Thiên Chúa như Chúa Giêsu: “Đừng theo ý con, một xin theo ý Cha’’ . Dẫu biết là điều nay chưa bao giờ đơn giản, nhất là những ai đang phải đối diện với bóng tối cuộc đời. Xin đừng quên rằng, để có thể nói lời xin vâng và phó thác, Chúa Giê-su đã hoàn toàn phó thác mọi sự cho Chúa Cha, ngay cả việc leo lên cây Thập giá đau thương. Dường như chỉ khi cảm nhận và hiểu được ý nghĩa tiếng xin vâng của Chúa Giê-su với Chúa Cha, tôi mới có thể đón nhận thập giá đời mình nhẹ hơn trên hành trình bước theo Chúa mỗi ngày. Đây là điều tôi thấy mình cần phải xin ơn và thao luyện trong suốt cả cuộc đời, bởi vì khiêm tốn nhìn vào bản thân, tôi biết nói thì dễ hơn thực tế rất nhiều.
Suy niệm đến đây, tôi xin Chúa ban ơn nâng đỡ và bình an cho những ai đang phải đối diện với những khổ đau phận người, cả về thể xác cũng như tinh thần, cách đặc biệt cho những ai đang phải trải qua những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Ước gì mẫu gương và bài học Chúa Giêsu đã dạy gia tăng thêm sức mạnh, tình yêu và sự can đảm cho những ai lâm cơn nguy khốn, trong đó có tôi. Amen!
“Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33)
Paul Khuê,S.J.