Xin đừng… mại thánh

Cháu nói với tôi rằng ông của cháu muốn mua bằng ân nhân của nhà dòng kia và không biết là giá bao nhiêu tiền. Bị hỏi nên tôi đem lòng đi hỏi người có trách nhiệm thì người có trách nhiệm bảo : “thôi thì nếu họ muốn thì chắc có lẽ in cho họ một cái chứ giờ cũng khónói và cũng đâu có khung giá !”.

Thoạt nghe xem ra cũng lạ ! Bằng ân nhân giá bao nhiêu ? Và như thế nào thì có cái bằng đó ?

Rõ ràng rằng, với suy nghĩ rất bình dị và có thể xem là dễ thương nữa là khác vì người đó có lòng đạo đức đến độ nghĩ rằng mình bỏ ra ít tiền thì mình sẽ có cái bằng ân nhân.

Và, ngày nay, hình như không phải chỉ mình cụ này nhưng có nhiều và xem ra rất nhiều cũng có lòng đạo đức bình dân hay xem ra thấp hơn bình dân nữa.

Không phủ nhận được rằng ngày nay, nhiều điểm hành hương, những điểm gọi là “được ơn nhiều lắm” hay thậm chí ai đó “có ơn chữa lành bệnh tật” là nhiều người hùa nhau kéo đến.

Hơn một lần hay nhiều lần tôi nghe văng vẳng bên tai : “Hôm nọ gia đình xin … được ơn nên giờ xuống tạ ơn và xin tiếp …” hay là “Gia đình xuống … xin Đức Mẹ cho mấy người người chịu ăn tiền để cho cháu đi du học …”

Thoạt đầu, xem ra thấy cũng nhớ ơn vì đã có lòng đi … tạ ơn thế nhưng xem kỹ ra thì họ đã biến Đức Mẹ, đã biến … thành ra như ông thần tài.

Hay ai nào đó hễ cứ xin Lễ là cứ “xin ơn bình an”. Bình an đến tự Thiên Chúa và ai đón nhận cũng như sống bình an thì tự khắc sẽ bình anh chứ không phải cứ “xin lễ bình an” là được bình an. Bình an, có thể xét theo nghĩa nào đó thì đến tự đáy lòng của mỗi người hay bình an hay không là do mỗi người chứ không phải tự bên ngoài. Dẫu rằng bên ngoài nó náo động hay xáo động đi chăng nữa thì tâm an hay không là do mình như có ai đó đã nói : “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Vấn đề lớn nhất và trọng tâm nhất mà người viết suy tư này mạo muội suy nghĩ đó là khi ta đến một Trung Tâm Hành Hương nào đó là các Thánh Tử Đạo hay Đức Mẹ thì điều cốt yếu nhất là mình có nhìn vào gương của các Ngài và nhất là đời sống đức tin của Mẹ để xin và sống hay không ? Hay chỉ là đến nơi đó đọc vài kinh hay có thể bỏ vào trong đó chiếc phong bì con và tự vấn với lòng rằng mình đã đến đó hành hương, mình đã đi hành hương và như thế là đủ.

Nếu như quan niệm như thế thì hóa ra rằng Chúa và Mẹ chỉ là công cụ hay là khí cụ mà mình điều khiển thôi. Và, điều này là hoàn toàn sai bởi lẽ Thiên Chúa mới là Chúa, mới là Chủ của cuộc đời của ta và ta chỉ là bình sành lọ đất trong lòng bàn tay của người thợ gốm đó là Thiên Chúa.

Và, nếu không khéo thì Chúa và Mẹ cũng sẽ chỉ là thần tài hay là người ban lợi theo kiểu vật chất chứ hoàn toàn không đi theo con đường thiêng liêng, đức tin hay con đường cứu rỗi.

Tệ hơn nữa là chạy theo nơi nào đó hay ai nào đó gọi là được “ơn chữa lành”. Hẳn nhiên trong cuộc sống, người này người kia gặp khó khăn, đau yếu, bệnh tật để rồi ta xin ơn chữa lành nhưng đó không phải là điều căn cốt mà mình đến xin.

Bản thân người viết đang ngồi viết những dòng này vẫn còn đó và có đó những căn bệnh đang mang và đã mang trong người. Có chăng là người viết xin có ơn và đủ ơn để vác thập giá đời mình cùng với nhưng căn bệnh thể xác trong cuộc đời chứ không phải đi đâu đó để xin được cho hết chóng mặt hay cho hết máu nhiễm mỡ hay mỡ hết nhiễm máu vì không ít thì nhiều ai ai cũng có.

Chuyện quan trọng khi mình đến xin Chúa và Mẹ cũng như các Thánh đó chính là mình xin cho mình chết với bản thân mình để quyền năng Chúa thực hiện trên đời mình chứ không phải Chúa thực hiện như ý mình muốn và cách mình xin.

Mẹ Maria, cả đời cũng chỉ thưa lời xin vâng ý Chúa chứ Mẹ hoàn toàn không bắt Chúa vâng theo ý Mẹ. Nếu không khéo, ta sẽ biến Chúa và Mẹ thành nguồn lợi cho ta bằng … vài trăm ngàn đồng hay chỉ là xin chữa cho con hết bệnh này, hết bệnh kia.

Thiên Chúa là Cha Toàn Năng sẽ đưa dẫn ta vào ơn cứu độ và với ơn cứu độ của Chúa ta được hưởng Nhan Thánh Chúa chứ không chỉ là chữa lành vài ba cái tật bệnh trong cơ thể con người.

Nếu như ta chỉ đến với Chúa chỉ để chữa lành bệnh này tật kia thì hóa ra ta tầm thường hóa quyền năng của Chúa và ta hạ thấp giá trị cứu độ và nhất là Máu Chúa đổ ra trên thập giá. Chính vì vậy, chuyện ta cần xin Chúa đó chính là cho ta ơn đức tin để ta sống giữa cuộc đời đầy phong ba bão táp đau thương.

Một vấn đề đau đầu và tế nhị mà ngày nay các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội, các Đấng các Bậc rất sợ đụng đến đó chính là chuyện ai nào đó chạy đến với chỗ nào đó, người nào đó chỉ để xin chuyện này chuyện kia và nhất là xin chữa lành bệnh. Hóa ra rằng chỉ đến để xin Chúa ơn chữa lành bệnh tật. Và giả như Chúa không cho thì có thể “xỏ” bởi vì Chúa đã không làm theo ý con.

Và, tệ hơn nữa, nếu cứ nhao nhao vào để xin ơn chữa lành bệnh tật thể xác thì khi đó tự nhiên sẽ hủy đi mầu nhiệm đau khổ và thập giá mà Chúa vẫn mời gọi các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta : “Ai không vác thập giá đời mình để theo Ta thì không đáng làm môn đệ của Ta”. Lời mời gọi ấy đến cùng tận của thế giới vẫn còn và vẫn có giá trị để rồi người môn đệ đích thực của Thầy Giêsu là đón nhận và vác thập gia đời mình để theo chứ không phải là xin cưa đi hay cắt bớt thập giá mà Chúa gửi đến cho từng người.

Và như vậy, ta lại xin ơn Chúa và hãy giữ tâm mình sao cho “tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến” và nhất là xin cho ta được ơn ngẩng cao đầu chờ đợi Chúa đến bất cứ giờ này, giây nào, phút nào với cuộc đời của chúng ta.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version