Nguồn gốc các nữ đan sĩ Đa Minh đã có ngay từ thời thánh tổ lập dòng Đa Minh. Thật thế, trước khi thành lập dòng anh em thuyết giáo, vào thế kỷ XIII, Thánh Đa Minh (1170-1221) đã khởi công thành hình một tu viện các nữ đan sĩ. 9 phụ nữ đầu tiên quy tụ vào năm 1206 chung quanh nhà thờ Sainte-Marie-de-Prouilhe nơi vùng Aude để sống cuộc đời chuyển cầu. Và cộng đoàn 20 nữ đan sĩ Đa Minh Notre-Dame de Beaufort hiện diện tại Ille-et-Vilaine từ năm 1963 đến nay, nối tiếp công trình kinh nguyện chuyển cầu này. Chị Bề Trên Marie-Bernard nói: ”Lời rao giảng của chúng tôi được loan đi bằng lối sống huynh đệ và các buổi cử hành cùng hát kinh phụng vụ của chúng tôi cũng như qua nét đẹp trang trọng để trao ban THIÊN CHÚA. Chúng tôi áp dụng từng chữ châm ngôn sống của Hội Dòng Đa Minh: Chiêm niệm và nói cho tha nhân hoa quả của việc chiêm niệm”.
Bắt đầu từ Kinh Ban Mai giữa khung cảnh trầm lắng của đêm khuya, một ngày của các nữ đan sĩ hòa điệu giữa cuộc sống hiện tại và niềm ao ước hướng tới cuộc sống vĩnh cửu mai sau, mục đích tối hậu của đời người. Cuộc sống thường nhật được phân phối bởi kinh nguyện, đọc và suy gẫm Lời Chúa, chầu Thánh Thể và lao động. Lao động giữ nhiệm vụ tạo mối quân bình cho từng Chị Em đồng thời giúp cộng đoàn tăng trưởng. Một nữ đan sĩ giải thích: ”Làm sinh hoa kết trái ngày qua ngày vùng đất thân yêu này chính là dâng lời ngợi khen chúc tụng Đấng Tạo Hóa đã trao tặng cho chúng tôi. Vẻ đẹp thiên nhiên nâng tâm hồn con người hướng về THIÊN CHÚA”. Một nữ đan sĩ tuyên khấn lần đầu cách đây đúng 30 năm tươi cười nói về ơn gọi của mình rằng: ”Sau một thời gian dài nhất định từ chối không nghe theo tiếng gọi của Chúa, tôi phải buông tay đầu hàng, chấp nhận việc dâng hiến toàn thân cho Ngài. THIÊN CHÚA đã chiến thắng. Chính Ngài có tiếng nói sau cùng!”
Phụng Vụ Các Giờ Kinh, Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể và Suy Niệm giữ vai trò chính yếu trong cuộc sống của các nữ đan sĩ Đa Minh Notre-Dame de Beaufort. Một nữ đan sĩ nói: ”Lời cầu nguyện nới rộng con tim chúng tôi để tiếp nhận các tiếng kêu cứu của loài người, ngay cả tại những nơi xa xăm ở tận cùng trái đất”.
Các nữ đan sĩ Đa Minh không ngừng nhận các ý chỉ cầu nguyện. Một số ý chỉ được bỏ vào thùng đặt nơi lối vào nhà nguyện. Những ý chỉ khác đến từ thư tín và nhiều nhất bằng điện thư qua Internet. Toàn Cộng Đoàn đưa các ý chỉ vào trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh cũng như vào trong lời cầu nguyện riêng của từng Chị Em. Ngày xưa thánh tổ lập dòng Đa Minh từng kêu lên: ”Lạy Chúa con, lạy Đấng Từ Bi Nhân Hậu của con, rồi đây các tội nhân sẽ ra sao?” Một nữ đan sĩ giải thích: ”Ơn gọi của chúng tôi chính là đưa các đau khổ của tha nhân vào trong kinh nguyện của chúng tôi. Ngày qua ngày, chúng tôi làm trạng sư cho các anh chị em bị tuyệt vọng vì cuộc sống. Chúng tôi dâng lên THIÊN CHÚA các vết thương mưng mủ, những vết thương xé nát con tim và làm quặn thắt ruột gan của chúng tôi. Chúng tôi không có các giải pháp cho các vấn đề, nhưng chúng tôi tha thiết khẩn cầu THIÊN CHÚA xin cho Thánh Giá của Người trở thành sự nâng đỡ cho các anh chị em đau khổ của chúng tôi. THIÊN CHÚA không bao giờ bỏ rơi cũng như không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước các tiếng kêu cầu thảm thiết của loài người. Không! Không bao giờ! Chúng tôi trọn lòng tin tưởng vững chắc như thế!”
… ”Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con, vì thân con nghèo hèn túng quẫn. Xin Chúa bảo toàn sinh mạng con, bởi vì con trung hiếu. Xin cứu độ tôi tớ Ngài đây hằng tin tưởng nơi Ngài. Chính Ngài là THIÊN CHÚA của con, xin rủ lòng thương con, lạy Chúa: con kêu con gọi Chúa suốt ngày. Lạy Chúa, xin làm cho con được vui thỏa, vì con nâng tâm hồn lên tới Chúa. Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin; lạy Chúa, xin lắng nghe lời con cầu khẩn, tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm. Lâm cảnh ngặt nghèo, con kêu lên Chúa, vì Chúa vẫn đáp lời. Không một thần linh nào sánh kịp Ngài, lạy Chúa, việc Ngài làm quả thật vô song .. Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa, để con vững bước theo chân lý của Ngài. Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh” (Thánh Vịnh 86(85), 1-7/11).
(”Prier”, aventure spirituelle, No 345, Octobre 2012, trang 8-13)
Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt