Xin cho luôn khiêm hạ vâng theo Lời Chúa

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu có lẽ muốn đề cao những tín hữu. Họ có thể là người chưa một lần nghe nói đến tên Chúa, chưa hề được chịu phép rửa, chưa hề được đặt chân đến Nhà thờ; họ cũng có thể là người ngoại đạo, vô thần, nguội lạnh, chống đạo, nhưng đời sống của họ được dệt bằng những hy sinh, quên mình, phục vụ, tử tế, công bình ; tôn giáo của họ, nói như Đức Đạt lai Lạt Ma, chính lòng tử tế.

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống mình: có lẽ chúng ta cũng giống như người con thứ hai: miệng thưa vâng, nhưng tay chân chúng ta không muốn thực thi ý Chúa, miệng chúng ta cầu kinh,nhưng lòng trí và cuộc sống lại xa Chúa.’

Dụ ngôn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là Thiên Chúa không xét đoán theo vẻ bề ngoài. Thực vậy, người con thứ nhất, xét theo bề ngoài, anh có vẻ ương ngạnh và ngỗ nghịch, còn người con thứ hai có vẻ ngoan ngoãn và tuân phục. Cũng như những người thu thuế và những cô gái điếm, họ bị người ta xếp loại là những người tội lỗi, không ra gì trong cộng đồng ; nhưng một số khác lại được coi là công chính và đáng kính, đó là các thượng tế, kì mục, luật sĩ, pharisiêu… Trong xã hội, và cả trong Giáo Hội hay cộng đoàn, đôi khi vẫn còn hiện tượng xếp loại người ta như thế.

Ta quen thuộc nhiều hơn với dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (x. Lc 15, 11-32). Và dụ ngôn “Người kia có hai con trai” trong bài Tin Mừng chúng ta vửa nghe, tuy thật ngắn và ít được nhớ đến, nhưng cũng trình bày cho chúng ta một hình ảnh về người cha nhân hậu không kém : người cha dường như không bắt các con đi làm hàng ngày; người cha mời gọi hơn là ra lệnh; lời người cha thật dịu dàng: “Này con” và ông nói với hai con như nhau; người cha tôn trọng tự do của hai con trong câu trả lời lẫn trong việc thực hành. Dụ ngôn không nói gì về phản ứng sau cùng của người cha ; ông chỉ mời gọi hai con thực hiện ý muốn của mình và ông chờ đợi, chờ đợi trong kiên nhẫn, giống như người cha trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” của trang Tin Mừng theo thánh Luca. Và tình yêu là như thế đó : tôn trọng tự do, mời gọi tự do và chờ đợi tự do.

Khi đưa ra dụ ngôn này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng biết sống kết hợp hài hòa giữa niềm tin với việc làm cụ thể, đừng chỉ hứa hẹn cho vui mà không thực hiện lời hứa, “nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng có thái độ như hai người con.

Chúa Giêsu đưa ra ví dụ về hai người con. Người cha đến nói người con thứ nhất đi làm vườn nho cho ông. Lúc đầu anh tatừ chối nhưng sau hối hận lại đi, còn người con thứ hai vui vẻ nhận lời nhưng lại không đi. Cả hai người con đều đáng trách vì họ đã làm buồn lòng người cha. Người con thứ nhất không tôn trọng lời mời của cha và từ chối không đi làm. Tuy nhiên anh cũng đã kịp nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa đổi. Người con thứ hai thuộc loại người bốc đồng mau mắn nhận lời nhưng không thực hiện điều đã hứa với cha.

Thái độ nào cũng đáng trách mà cũng rất đáng thương, bởi lẽ ta là con người đầy những bất toàn yếu đuối. Ta tuyên xưng Thiên Chúa nhưng lại không giữ lời Người khuyên dạy. Ta khoe mình là người có đức tin nhưng lại sống như những kẻ vô thần.

Vì vậy, Chúa Giêsu nặng lời khiển trách:“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin”. Lời khiển trách của Chúa Giêsu cho thấy, sống đức tin cần phải đi đôi với lòng yêu mến.

Muốn được vào Nước Trời, không phải chúng ta chỉ cần thuộc các điều răn nhưng còn phải có lòng yêu mến. Những người thu thuế và gái điếm bị xã hội loại trừ nhưng chính họ lại là người được vào Nước Trời vì họ khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mà tin vào ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn những người tưởng mình là công chính nên không cần đến ơn tha thứ của Chúa. Ước gì mỗi ngày chúng ta biết nhìn nhận những điều đã lỗi hẹn với Chúa vì vô tình hay vì lười biếng. Hãy tin tưởng và phó thác vào ơn Chúa giúp để chúng ta có đủ lòng yêu mến thi hành những lời Người dạy.

Điều Thiên Chúa cần là lòng tin, một niềm tin dấn thân trọn ven, một niềm làm thay đổi con tim và nếp sống. Tin vào những dấu chỉ Chúa ban trong cuộc sống, trong ơn gọi, tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô.

Thiên Chúađang đến trong từng giây phút cuộc sống, đó phải là xác tín của chúng ta trong MùaVọng này. Và bởi vì Thiên Chúalà đấng đang có mặt và đang đến, cho mỗi phút giây, mỗi biến cố, mỗi gặp gỡ đều phảidẫn tới mối tương quan thân tình với Thiên Chúa . Và như thế cả cuộc sống chúng ta sẽ là lới kinh triền miên dâng lên Chúa.

Thái độ kiêu căng, tự mãn sẽ làm cho chúng ta không thể đón nhận ơn cứu độ. Ngược lại lòng khiêm nhường, sám hối sẽ giúp chúng ta mở lòng ra để đón nhận ơn Chúa.

Xin Chúa cho ta luôn ý thức thân phận khốn cùng của mình để càng tha thiết chờ mong ơn Chúa hơn. Xin Chúa giúp ta tránh xa thái độ tự mãn, bất cần đời, bất cần Chúa; nếu có thì xin cho con biết đón nhận lời kêu của Gioan để “dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

Huệ Minh

Exit mobile version