Xin cha giải thích rõ sự biến thể

Hỏi: Con có một câu hỏi về sự biến thể (transubstantiation). Con đang cố gắng để hiểu đầy đủ hơn giáo huấn Giáo Hội của chúng ta, vốn nói rằng sau khi truyền phép, bản thể (substance) của bánh và rượu không còn tồn tại, nhưng các tùy thể (accidents) vẫn còn. Nếu con hiểu nó một cách đúng đắn, sau khi truyền phép bản thể của bánh trở nên Chúa Giêsu, nhưng các tùy thể của bánh (hương, vị, mùi) vẫn còn, đúng không? Con có thể nghĩ rằng gluten trong bánh là một chất chính của bánh, nhưng bởi vì nó vẫn còn hiện diện sau khi truyền phép, nó có nghĩa là một tùy thể của bánh không? Tương tự như vậy, con có thể nghĩ rằng cồn trong rượu là một chất chính của rượu, nhưng bởi vì nó vẫn còn hiện diện sau khi truyền phép, nó có nghĩa là một tùy thể của rượu không? – C. M., Beaverton, Ontario, Canada.

Đáp:
Bạn đọc này của chúng tôi không phải là người đầu tiên thắc mắc với các khái niệm về bản thể và tùy thể, đặc biệt là liên quan đến phép Thánh Thể. Nhiều Kitô hữu khác, trong đó có cả Giám mục và nhà thần học, cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt các khái niệm ấy.

Khó khăn này xuất phát một phần vì các khái niệm dường như phát sinh từ siêu hình học của Aristotle. Những ai trong chúng ta đã được huấn luyện trong triết học Aristotle Thomas đều biết rằng sự tìm kiếm nghiêm ngặt này để hiểu sự thật của hữu thể có thể là một công việc đánh thuế.

Tuy nhiên, bất chấp sự giống nhau của thuật ngữ, thật là cần thiết để khẳng định rằng, khi đề cập đến phép Thánh Thể, Giáo Hội không sử dụng các thuật ngữ bản thể và tùy thể trong bối cảnh triết học của chúng, nhưng theo nghĩa tổng quát và bình thường, mà trong đó chúng đã lần đầu tiên được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước. Tín điều về sự biến thể không nắm lấy bất kỳ lý thuyết triết học nào cách đặc biệt.

Việc sử dụng sớm nhất của thuật ngữ “bản thể”, khi đề cập đến phép Thánh Thể, xuất hiện nhiều thế kỷ trước khi có việc đưa tư tưởng Aristotle vào thần học trong thế kỷ XIII. Việc sử dụng sớm nhất của thuật ngữ này là có từ thế kỷ V hoặc thế kỷ VI. Các từ ngữ transubstantiate và transubstantiation (biến thể) được tìm thấy ở các thế kỷ XI và XII trong cuộc tranh luận thần học. Trong số các sử dụng sớm nhất của các từ ngữ này trong huấn quyền là việc tuyên xưng đức tin về sự Hiện diện Thật sự, được áp đặt bởi Đức Giáo Hoàng trong năm 1078 đối với một nhà thần học tên là Berengarius, vì vị này chủ trương niềm tin sai lầm:

“Tôi tin trong tâm hồn và công khai tuyên xưng rằng bánh và rượu được đặt trên bàn thờ, bởi mầu nhiệm của lời nguyện thành thiêng và lời của Đấng Cứu Chuộc, là được biến đổi bản thể thành thịt và máu thật sự ban sự sống của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và sau khi truyền phép, có sự hiện diện của thân xác thật của Chúa Kitô, được sinh ra của Đức Trinh Nữ và hiến tế cho sự cứu rỗi của thế giới, bị treo trên thánh giá và bây giờ ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và có sự hiện diện của máu thật của Chúa Kitô, chảy ra từ cạnh sườn Ngài. Cả hai hiện diện, không chĩ bằng dấu hiệu và hiệu quả của Bí tích, mà còn trong thực tế và sự thật của bản tính và bản thể của cả hai nữa”.

Ở đây học thuyết cơ bản về việc biến đổi Thánh Thể được xác định rõ ràng, mặc dù các phát triển thần học sau đó sẽ làm cho ngôn ngữ thành chính xác hơn. Điểm quan trọng liên quan đến câu hỏi của chúng ta về bản thể là rằng từ ngữ không được lấy theo nghĩa Aristotle kỹ thuật, nhưng chỉ đơn giản đề cập đến thực tại của bánh và rượu là không còn hiện diện, và được hoàn toàn thay thế bằng thực tại của Chúa Kitô trong toàn bộ thân xác của Ngài.

Việc sử dụng từ ngữ “tùy thể” đã được giới thiệu sau đó bởi các nhà thần học Kinh viện. Một trong các sử dụng đầu tiên của từ ngữ “tùy thể” trong huấn quyền là trong Công đồng Constance. Trong số rất nhiều các vấn đề khác, Công đồng này lên án năm 1415 học thuyết của John Wycliff. Trong số 45 luận đề bị lên án, các luận đề sai lạc về Thánh Thể là:

“1. Bản thể của bánh, và bản thể của rượu, vẫn còn trong Bí tích bàn thờ.

“2. Các tùy thể của bánh sẽ không còn mà không có chủ thể của chúng trong Bí tích đã nói.

“3. Chúa Kitô không hiện diện thực sự và đồng nhất trong Bí tích đã nói trong toàn bộ thân thể Ngài”.

Công đồng dùng từ ngữ “tùy thể” về cơ bản bởi vì Wycliff, phù hợp với thần học Kinh viện của thời đại, thường sử dụng thuật ngữ này. Nó không cấu thành một sự chấp nhận chính thức bởi Giáo Hội cho triết học Aristotle. Điều này không có nghĩa rằng từ ngữ tùy thể không thể được sử dụng hợp pháp trong thần học Thánh Thể. Đúng hơn, nó có nghĩa rằng nó không được sử dụng theo nghĩa kỹ thuật của siêu hình học Aristotle.

Thật vậy, Công đồng chung Trentô (1545-1563) không sử dụng từ ngữ tùy thể nhưng sử dụng từ ngữ “species” (hình) khi đề cập đến sự biến đổi Thánh Thể. Bản thể là thực tại cơ bản của bánh, trái với các hình. Học thuyết của Trent được trình bày trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ở số 1376:

“Công Ðồng Trentô tóm tắt đức tin Công Giáo bằng tuyên tín: “Ðức Kitô, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, đã phán dạy: điều Người dâng lên dưới hình bánh, đích thực là Thân Mình Người. Hội Thánh luôn luôn xác tín như vậy, và Thánh Công Ðồng một lần nữa tuyên bố: nhờ lời truyền phép trên bánh rượu, trọn vẹn bản thể bánh biến thành bản thể Mình Thánh Chúa Kitô và trọn vẹn bản thể rượu biến thành bản thể Máu Thánh Người; Hội Thánh Công Giáo gọi việc biến đổi một cách đúng đắn và chính xác này là biến thể” (Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý Tổng giáo phận Sài Gòn).

Do đó, Công đồng Trentô tuyên bố rằng bánh và rượu không còn là bánh và rượu nữa, mặc dù những gì chúng ta trực tiếp cảm nhận, hình bánh và hình rượu, vẫn là như cũ, nên không có sự thay đổi được cảm nhận.

Khi nói về các species (hình), hoặc tùy thể, Giáo Hội không chỉ đề cập đến những gì là hữu hình, vốn có thể được cảm nghiệm như là hình dáng bề ngoài của bánh và rượu, chẳng hạn mùi, vị, hương, kích cở… Nó còn bao gồm các tác động của bánh và rượu trên cơ thể nữa. Vì vậy, một linh mục sử dụng quá nhiều rượu lễ vào buổi sáng sớm có thể sẽ cảm thấy một chút choáng váng, và cũng có thể đau bao tử nếu rước nhiều Mình thánh.

Trong việc giải quyết câu hỏi của bạn đọc trên đây, chúng tôi có thể nói rằng chúng ta đã thấy rằng thật là không cần thiết đi vào một cuộc thảo luận dài về những gì cấu thành bản thể, và đâu là các tùy thể của bánh và rượu, vì đây là những vấn đề triết học. Tuy nhiên, bởi vì Giáo Hội khẳng định rằng tất cả mọi thứ làm thành bánh và rượu đều biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, do đó, ít nhất là từ quan điểm của thần học Thánh Thể, nồng độ cồn của rượu và gluten trong bánh tạo nên một phần của các hình hoặc tùy thể.

Đây là một vấn đề khác biệt, mặc dù có liên quan, với vấn đề cái gì tạo thành chất thể thành sự cho bí tích. Chúng tôi đã thảo luận chủ đề này trong nhiều dịp liên quan đến bánh có gluten thấp, và chất lượng rượu lễ và nước nho ép (mustum) (thí dụ, mời đọc bài ngày 14 và 28-9-2004; bài ngày 7-6-2005; bài ngày 13 và 27-6-2006; bài ngày 27-1-2009 ).

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 19-4-2016)

Exit mobile version