Trong ngày họp mặt, họ đã có một món quà rất cảm động và dễ thương đó là cùng nhau hát tặng cha mẹ mình bài hát “ Nếu chỉ còn một ngày để sống” của nhạc sĩ Hoài An. Cả gia đình ngồi quây quần xung quanh một cái bàn. Tiếng đàn vĩ cầm dạo đầu giai điệu của bài hát và một chàng trai vừa đệm guitare vừa cất giọng hát câu hát đầu tiên của bài hát : “ Nếu chỉ còn một ngày để sống người đưa tôi về đến quê nhà, để tôi thăm làng xưa cội nguồn, cho tôi mơ mơ tiếng mẹ cha …” . Và cứ thế, những người khác hát tiếp cho đến hết bài hát. Con cháu đều là những người trung niên, do vậy người cha cũng đã rất già. Tuy nhiên ông cụ vẫn khỏe mạnh, cứng cáp và đặc biệt nét mặt rất bình an, hạnh phúc. Tới đoạn điệp khúc, ông vẫn có thể hát theo con cháu một cách mạch lạc và vui vẻ….
Mặc dù chất giọng của những người hát trong clip thuộc dạng trung bình khá, và đây cũng chỉ là clip ghi lại một kỷ niệm của gia đình, tuy nhiên nó vẫn gây một ấn tượng đặc biệt bởi đã ghi lại một sinh hoạt khá hiếm hoi trong các gia đình thời nay. Những thành viên trong gia đình quây quần bên người cha già để hát một bài hát mang nội dung rất giàu tính nhân bản. Rất nhiều người lớn phàn nàn rằng trẻ em hiện nay sống thiếu tình cảm và ích kỷ hơn, nhất là các em ở thành thị. Điều này là có thực, tuy nhiên, đó không hoàn toàn là lỗi của trẻ. Đôi khi chính các bậc phụ huynh đã vô tình biến con thành người sống ích kỷ, vô tâm mà không biết. Xu hướng chung của các gia đình thời nay là ít con. “ Mỗi gia đình chỉ nên có một hoặc hai con”, vì thế những quý tử bỗng nhiên trở thành những ông-bà chủ nhỏ, những ông Trời con trong chính gia đình của mình. Các emđược chiều chuộng, cung phụng, luôn sống trong tâm lý “muốn gì được nấy” nên cũng sẽ chỉ biết đến bản thân và coi tất cả mọi điều mình được hưởng là đương nhiên, không quan tâm đến người khác. Họ không biết “ trả ơn cuộc đời” , không bao giờ tự vấn rằng “ làm sao để đền đáp bao người đã nâng ta lên qua bước đời chênh vênh”, đặc biệt khi người đó là cha mẹ ông bà tổ tiên của mình. Với nhiều người trẻ sống xa quê thì việc “ về đến quê nhà” để “ thăm làng xưa cội nguồn” không còn là ưu tiên trong những chuyến đi nghỉ của họ. Mặt khác, trong một xã hội sính bằng cấp, năng lực con người được đánh giá qua những tấm bằng, học vị thì các bậc cha mẹ chỉ muốn con cái mình tập trung hết thời gian, sức lực vào việc học và đặt đó là nhiệm vụ duy nhất họ phải thực hiện cho cuộc đời của mình. Tuy nhiên cũng có một sự thật rất hiển nhiên đó là “ Con người không hơn nhau ở vị trí, không phải ở trình độ, cũng không phải ở kinh tế . Mà là họ hơn nhau ở CÁCH SỐNG ” . Và tố chất không thể thiếu để làm nên một cách sống đẹp đó là sự khiêm tốn, biết ơn và tha thứ. Vì thế “ nếu chỉ con một ngày để sống” thì điều mà những người con biết mình cần phải làm đó là “ cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người ” ; đừng bao giờ “ muộn màng” để “ nói lời hối lỗi chân thành” ; nếu có “ buồn vì ai và ai làm ta buồn” thì cũng “ xin bao dung thứ vì nhau” … Hãy để tình yêu thương luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành vi, suy nghĩ trong cuộc đời của chúng ta. Là một người Kitô hữu, hẳn là người cha cũng đã dạy dỗ những người con của mình phát triển các giá trị nhân bản Kitô hữu, biết dành thời gian cho con cái học giáo lý, biết đạo Chúa và đặc biệt là giúp họ hiểu rằng việc quan trọng nhất cần phải thực hiện trong cuộc đời đó là diễn tả sự yêu thương của mình đối với khác.
Chúa Giêsu đã dạy rằng : “ Vậy, cứ xem họ sinh quả nào thì biết họ là ai ” (Mt 7,20). Những người con trong câu chuyện nêu trên có thể giàu sang, thành đạt khác nhau vì “ bàn tay ngón ngắn ngón dài ” nhưng phải chăng điều làm cho ánh mắt của người cha ngời lên hạnh phúc đó chính là cái CÁCH SỐNG mà người cha đã dạy dỗ, giáo dưỡng con cháu và giờ đây qua từng lời của bài hát, họ như minh định lại với người cha bằng chính trãi nghiệm sống của mỗi người.
*( Mt7,20 )
Điền Phương Thảo