Xây nhà thờ

NhathoGiaohoXeDang - Xây nhà thờ
Nhà thờ giáo họ Xê Đăng. (ảnh: gpbanmethuot.vn)

“Thưa cha, chúng con đã suy nghĩ kỹ với nhau, đã nghe cha trình bày công việc, chúng con nhất trí với nhau là chúng con không thể làm Nhà Thờ giá 5 tỷ được, chót cũng phải là… 10 tỷ, chúng con cũng xin cha cho làm kiểu gothique, tháp chuông phải cao mới được. Chúng con không chấp nhận Nhà Thờ nhỏ bé, không chấp nhận các kiểu nào khác !

Ngoài Bắc chúng con đã có kinh nghiệm làm Nhà Thờ. Khi chuẩn bị thì chẳng có đồng xu nào cả, nhưng cứ làm rồi khắc ra. Chúng con cứ đi xin khắp nơi, làm xong Nhà Thờ, cả Nhà Xứ còn dư được đến 100 cây cơ đấy !

Phải là 1.000 chỗ, 500 chỗ coi sao được. Bây giờ chúng con còn ít, 1.500 Giáo Dân, như cha nói, chúng con làm Nhà Thờ là làm cho con cháu chúng con, mai kia số Giáo Dân lên đông còn có chỗ mà ngồi, cha nói ngày thường không người dự lễ, nhưng Chúa nhật thì cả 1.500 người đi lễ thì sao ? Hơn nữa Nhà Thờ chúng con không thể nhỏ hơn các Nhà Thờ khác ! Xin cha cứ làm, khi làm khắc có tiền ra, bây giờ cha kêu gọi họ không đóng, nhưng khi cha làm, họ sẽ đóng !

Cha không phải bận tâm chuyện đấy, chuyện nghèo là chuyện thường tình, chúng con nghèo nhưng Nhà Chúa không thể nghèo, phải thật hoành tráng. Bây giờ cha cứ hỏi 100 người thì 100 đều muốn Nhà Thờ to lớn chứ không thể nhỏ bé được. Cha nói xây Nhà Thờ là xây cho chúng con, vậy chúng con xin thưa rằng: chúng con muốn Nhà Thờ to !

Người dân tộc thì kệ họ, họ phải tự lo Nhà Thờ cho họ, khi nào họ đông thì cha xây Nhà Thờ cho họ, còn bây giờ chúng con phải tính chuyện cho chúng con đã. Sao lại bắt chúng con lo cho họ ?”

Tôi nghe các ông trùm của một Giáo Xứ miền cao nguyên bộc bạch như vậy. Cộng đoàn của họ là một cộng đoàn của những người di dân từ miền Bắc vào Nam, một số người Nam Định, một số người Ninh Bình. Sau một thời gian sinh sống, họ phát triển và chen lấn vào các bản làng của người dân tộc, các người dân tộc bị phân tán và bị đẩy đi xa hơn. Người Kinh đã có được một mảnh đất, bây giờ họ muốn xây Nhà Thờ cho cộng đồng của họ. Họ thúc đẩy, đệ đạt cùng cha xứ, tìm cách chạy giấy tờ Nhà Đất, Tôn Giáo, và bàn đến chuyện xây dựng.

Cha xứ có ý cho họ đi thăm một số Nhà Thờ đã và đang xây dựng để tìm ý cho Nhà Thờ của họ, những Nhà Thờ họ đến xem, được cha xứ chỉ dẫn, có ý thuyết phục họ xây một ngôi Nhà Thờ nhỏ bé thôi, vừa tầm và phù hợp với đời sống nghèo chung của toàn vùng. Sau những chuyến thăm viếng, các ông trùm vẫn không thay đổi ý kiến về việc xây dựng.

Cha xứ hết lời khuyên nhủ, cha lý luận: ngày thường tôi dâng Lễ chỉ có vài chục người, có ngày chỉ có 15 người, xây Nhà Thờ 1.000 chỗ để hoang lạnh à ? Chúng ta xây Nhà Thờ là xây cho con cháu của chúng ta, là xây cho những người dân tộc sẽ vào đạo sau này, tôi và các ông sẽ qua đi, chúng ta phải tìm hiểu xem con cháu chúng ta nghĩ gì, cách sống đạo của chúng nó ra sao để xây dựng Nhà Thờ phù hợp với niềm tin của chúng nó. Chúng nó có còn thích Nhà Thờ to lớn nữa không, chúng nó có còn thích kiểu như ngoài Bắc nữa không. Cái khí hậu và thổ nhưỡng trong này, miền cao nguyên có còn giống ngoài Bắc không ? Chúng ta xây to lớn hoành tráng làm gì khi chung quanh ta toàn là nhà gỗ, nhà tranh, nhà tôn ? Tôi họp toàn xứ hỏi ai có thể đóng tiền để xây Nhà Thờ 10 tỷ chẳng ai dám nhận, thế sao các ông lại đòi xây đến 10 tỷ ?…

Cha xứ đem Tin Mừng ra nói, đem giáo huấn của Giáo Hội ra nói, đem tông huấn Niềm Vui Tin Mừng ra nói, đem cả quyết định của Đức Cha Giáo Phận ra nói, cũng không lung lay được quyết định của cộng đồng. Cha xứ nhờ các cha thân quen đến nói, hướng dẫn bằng đủ mọi lý lẽ, không sao lung lay được họ. Cha xứ mời các kiến trúc sư Công Giáo đến chia sẻ, nói chuyện cũng không được.

Trong một lần di chuyển đi xem Nhà Thờ, bị Công An Giao Thông thổi giữa đường, anh lái xe xuống gặp Công An và nhất định không trình giấy tờ tùy thân khi Công An không thông báo lỗi. Ngồi trên xe, các ông trùm cằn nhằn: “Người ta gọi thì đưa cho người ta vài trăm để đi cho xong chuyện, chứ có gì đâu, người ta có quyền mà”. Kết quả khi có được hình ảnh cụ thể, Công An phải cho xe tiếp tục đi vì lỗi giao thông chỉ ở mức “nhắc nhở”. Anh lái xe đã cương quyết không chi tiền hối lộ khi biết mình làm đúng, còn các ông trùm thì chủ trương nếu cần thì cứ…

Cách đây mấy năm, Nhà Thờ chưa có, cuộc sống vất vả cơ cực, không biết bằng cách nào họ sắm được một hội kèn hàng Tàu. Đức Cha đến thăm Giáo Xứ, họ xin được chụp hình với Đức Cha, bất ngờ khi chụp, họ cho mang hết kèn ra cầm trên tay, cầm bức hình đấy, họ nói với cha xứ, Đức Cha đã chính thức cho lập hội kèn !?!

Là một cộng đồng nhỏ bé, bị o ép trăm bề và bị nuốt chửng bởi một xã hội không công nhận họ, họ đã từng phản ứng bằng cách “la to” để khẳng định sự hiện diện của họ. Và lâu ngày chày tháng, hình như cái kiểu phản ứng “la to” ấy nó ăn vào máu vào xương, khó gột rửa quá !

Âu cũng là điều giúp chúng ta suy nghĩ về một công cuộc Tái Phúc Âm Hóa hôm nay.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 16.10.2015
nghethuatthanh.net

Exit mobile version