Xây dựng niềm tin

Trust - Xây dựng niềm tin

Ngày nọ đi trên đường, tôi lấy làm lạ với tấm biển đề “bán nước đá sạch”; ngạc nhiên hơn nữa với“nước mía sạch” của gánh hàng nước bên đường. Cái ngỡ ngàng đó đã là 5, 6 năm trước rồi. Khi ấy, tôi tự hỏi, tại sao lại phải ghi “nước đá sạch”? Bán “nước mía sạch” nghĩa là sao? Vậy ra, người ta đã làm đá bẩn dẫu nhìn có vẻ tinh trong; quá trình ép mía, dầu có tận mắt người mua đi chăng nữa, vẫn có gì trong đó không sạch? Đây chỉ là một trong số muôn vàn vấn đề dẫn tới sự nghi ngờ trong xã hội. Tình trạng xấu tốt khiến người ta phải củng cố lòng tin của người khác bằng cách làm những tấm biển, cái mà có vẻ rất vô lý. Nhưng giờ đây, sự lẫn lộn phổ biến đến nỗi, người ta chẳng còn quan tâm tới cái tấm biển đó có hay không. Điều đó không có nghĩa là sự tin tưởng thế chỗ ngờ vực, ngược lại, họ chẳng còn tin vào những gì người ta ghi nữa. Nhưng dẫu có nghi ngờ thì vẫn phải mua, phải dùng. Tuy vậy, người ta sử dụng trong sự nghi ngờ và bất an. Những điều thấy tận mắt, tai nghe rõ mồn một giờ đây cũng chẳng đáng tin. Điều xấu tạo nên ngờ vực. Ích kỷ tạo nên nghi ngờ.

Sự nghi ngờ khiến người ta e ngại làm việc tốt và cổ võ những hành vi tốt. Tai hại nhất là nghi ngờ liên hệ cả đến những việc thiêng liêng tốt lành. Một việc tốt đẹp công khai, người ta có thể dễ dàng đặt vấn đề có thực sự là thế, đằng sau đó là gì. Một người trao hiến cuộc đời nâng đỡ người bất hạnh, lên tiếng thay cho những người thấp cổ bé họng, dấn thân phục vụ thế giới và con người lại bị đặt trong mối nghi ngờ về trí tuệ, về tính thực tế. Một hành động bác ái, một cử chỉ đẹp cũng bị đặt nghi vấn là đang vì một mục đích nào khác. Người ta mất đi tự do để thi hành bác ái. Thời đại này việc tốt ít đến nỗi, nếu ai đó làm việc tốt, người ta liền đặt vấn đề là có thật là thế không. Xã hội có nhiều điều giả đến mức khi nó xảy ra, nhiều khi người ta cho là quá bình thường và chẳng cần đặt vấn đề. Ích chung giờ đây lại bị ngăn cản bởi sự nghi ngờ. Người ta đòi hỏi một xã hội tốt đẹp, có thể tin được, nhưng lại ngờ vực sự hy sinh của một cá nhân có khả năng biến đổi xã hội, và sợ mình bị thiệt khi dấn thân.

Ai cũng mong muốn lòng tin được xây dựng và củng cố, nhưng lòng tin ấy lại đặt nền tảng là lợi ích cá nhân, điều này càng gây nên những xáo trộn trong cuộc sống. Người ta tin vào lợi ích cá nhân, nhóm hơn là sự liên đới với những người xung quanh. Ai đó sẽ bị gán cho là thiếu thực tế nếu xây dựng điều gì đó không đặt trên nền tảng là lợi ích cá nhân, cụ thể hóa bằng vật chất. Hệ lụy là họ chỉ nhìn nhận các mối tương quan dựa trên tiêu chí có lợi cho cá nhân. Người ta chỉ tin một người dựa trên hiệu quả công việc cho mình hay nhóm mình và sẵn sàng hy sinh con người vì sự tiến triển công việc. Điều này chỉ tạo nên sự ngờ vực lẫn nhau. Bên cạnh đó, những khoảnh khắc của sự chia sẻ và tương tác, vốn là cách xây dựng và củng cố lòng tin bị những tiêu chuẩn của công việc chi phối. Người ta dồn hết mọi quan tâm vào công việc, vào việc gầy dựng quan hệ chỉ vì lợi ích vật chất, nhưng vô tình gạt bỏ giá trị của sự liên đới thực sự. Trong khi đó, hẳn làkhông có hạnh phúc nào mà lại thiếu tình liên đới. Do vậy, xây dựng mối tương quan trong gia đình, giữa bạn bè, nơi xã hội mà dựa ích riêng đơn thuần thì quả thực quá mong manh và sẽ lại đầy nghi ngờ.

Đời sống xã hội vẫn chuyển mình từng ngày. Trong đó, giá trị niềm tin là cốt lõi của đời sống chung giữa con người. Và từng ngày cần phá bỏ những hoài nghi và ngờ vực, để con người có thể gần gũi nhau hơn. Ước gì,trong mọi thứ, người ta đặt chút niềm tin về trách nhiệm cá nhân và liên đới với người khác để dựng xây thế giới này tốt đẹp hơn.

(Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J., dongten.net 29.08.2017)

Exit mobile version