Vượt qua các chia rẽ xã hội theo nhãn quan và hành động của Gandhi – Một vị tử đạo say mê đối thoại

Trong dòng lịch sử nhân loại, nhất là ở giai đoạn hiện nay, không thiếu các nhà ngôn sứ. Những vị này vì có những niềm tin tôn giáo rất sâu xa và vì có cái nhìn lạc quan về loài người đã sẵn sàng từ khước mọi hình thức bạo lực dù để nhắm tới bất cứ kiểu giải phóng nào.

Một trong những khuôn mặt tiêu biểu nhất đã đạt tới tầm vóc quốc tế chính là Mohandas Karamchand Gandhi – người đã sống cách đây gần một thế kỷ (từ 1869 đến 1947). Ông xứng đáng được gọi là Mahatma vì có một tâm hồn hết sức cao cả. Chúng ta rất cần nhắc lại khuôn mặt này để có thể kinh qua một trong những thời kỳ phức tạp nhất trong lịch sử nhân loại, vì ông là người đã lấy niềm tin vào Thượng Đế và đã lấy tinh thần bất bạo động làm tâm điểm của mọi lý lẽ thúc đẩy ông hoạt động chính trị và xã hội. Đó cũng là một cách tiếp cận với tinh thần đa tôn giáo và đa văn hóa, rất cần thiết trong thế giới hôm nay – một thế giới được đánh giá chẳng khác gì một ngôi làng toàn cầu.

1. Cuộc đời Gandhi

Gandhi không phải là một nhà tu cũng chẳng phải là một nhà tư tưởng chuyên nghiệp. Ông tìm tòi chân lý cùng lúc ông tham gia chính trị và xã hội. Nơi ông, tư duy và hành động hòa quyện và lệ thuộc nhau. Vì thế, ông không thể sống mà không tham gia đấu tranh cho Ấn Độ được tự do và độc lập. Làm sao cho Ấn Độ được độc lập và tự do, đó chính là điều chúng ta cần phải luôn ghi nhớ mỗi khi muốn tìm hiểu tư tưởng của ông.

Ông sinh năm 1869, là con trai út của một gia đình thuộc giai cấp tiểu thương, rất đạo hạnh, quen ăn chay trường. Gandhi coi gia đình như một mô hình của đô thị Hy Lạp ngày xưa (‘polis’), và vì thế từ chỗ tận tụy với gia đình mình Gandhi không thể không tận tụy với đại gia đình là cộng đồng chính trị – cũng bằng những nhân đức của đời sống gia đình. Kết hôn lúc 13 tuổi, ông cảm thấy bị dằng co giữa một bên là cởi mở đón nhận mọi kinh nghiệm mới mẻ, đàng khác ý thức rất mạnh về truyền thống. Ông lớn lên trong bầu khí đối thoại giữa các tôn giáo, như chính Ấn Độ Giáo chủ trương. Thấy cha hết sức kính trọng mọi tôn giáo, Gandhi không thế không tỏ ra bao dung đối với mọi hệ phái, ngoại trừ Ki-tô Giáo, “vì đạo này đã ngược đãi người theo Ấn Độ Giáo và thần thánh của họ”. Học xong trung học, ông được phép cha mẹ sang Luân Đôn học luật, sau khi thề hứa kiêng rượu, thịt và phụ nữ. Trong thời gian học tại Luân Đôn, ông cũng tỏ ra quan tâm tới các niềm tin tôn giáo. Ông đọc Bhagavad Gita như sách gối đầu giường của mình, và Thánh Kinh. Khi nhắc tới bài diễn văn của Đức Giê-su trên núi, ông dám khẳng định “bài ấy đi thẳng vào tâm hồn tôi”. Ông bị thu hút hết sức mãnh liệt trước giáo lý của Đức Giê-su về thái độ không phản kháng và không phản ứng trước sự dữ. Sau khi “đã bước qua sa mạc vô thần”, Gandhi càng khó chịu và thành kiến với vô thần, nhất là vì hạnh kiểm của một số người vô thần. Nhờ tiếp xúc với giáo lý của Đức Giê-su ông đã được ảnh hưởng để biết lựa chọn một chiến thuật khả dĩ giải quyết các cuộc xung đột.

2. Tại Nam Phi

Năm 1914 ông được mời đến Nam Phi để làm thông dịch viên chính thức cho công ty Dada Abdulla.Trên đường từ Durban đến Pretoria, lần đầu tiên Gandhi biết thế nào là hậu quả của những thành kiến chủng tộc.Ông bị đuổi ra khỏi toa tàu hạng nhất, không được ngồi trong toa hạng nhất và bị cai tàu đánh đập tàn nhẫn. Đến Pretoria, ông cũng không tìm được phòng trong khách sạn. Nhờ đó, ông đã hiểu ngay những gì mà ông đã chịu cũng là những điều mà tất cả mọi người Ấn Độ ở Nam Phi đều phải chịu. Gandhi quyết định phải tìm cách loại trừ hệ thống phân biệt chủng tộc trước khi trở về Ấn Độ. Quyết định này chính là điểm xuất phát cho hoạt động chính trị của ông về sau này và cho mọi nỗ lực suy tư về tôn giáo.

Phương pháp mà Gandhi đón nhận để vượt qua những bất công gây ra cho dân tộc mình chính là áp dụng một chiến thuật: phơi bày sự đau khổ của phe yếu để gây sự thương cảm của phe mạnh. Trong bối cảnh ấy, người ta đã đề cao phương pháp bất tuân phục, bất bạo động, chứng tỏ bằng một đời sống hết sức cam go mà thống nhất, không màng chi các việc riêng của mình để yêu thương và liên đới.

Kể từ năm 1905, đã có nhiều sự thay đổi sâu xa trong cuộc đời Gandhi. Được sự đồng ý của vợ mình, Gandhi đã thề sống độc thân mãi mãi để xả thân phục vụ cộng đồng và để khỏi lo lắng tích trữ của cải chu cấp cho gia đình. “Tôi chủ trương sẽ không có gì là của mình. Tất cả mọi sự tôi có đều được dùng vào công ích. Tôi sẽ không mong muốn thú vui trần thế nào nữa”. Đứng trước yêu cầu mọi người Ấn Độ phải đăng ký hộ tịch bằng cách lăn dấu tay, kể cả những người đã thường trú, Gandhi áp dụng cái mà sau này chúng ta sẽ gọi là “satyagraha” (lấy sự thật làm sức mạnh): thà bị bắt giam còn hơn tuân theo một luật lệ mang tính kỳ thị. Không chỉ là phản kháng thụ động, đó là một cách cùng chịu khổ chung để “thế giới bị rúng động mà không phải đổ giọt máu nào”. Thế là nhiều người Ấn Độ bị bắt, trong đó có cả Gandhi. Nhưng đây chính là hòn đá thăm dò để giành lại tự do cho Ấn Độ. Về việc này, Gandhi đã tuyên bố: “Cuộc đấu tranh của người Ấn Độ là cuộc đấu tranh lớn nhất trong thời hiện đại. Nếu thành công, đó sẽ không những là một chiến thắng của tôn giáo chân chính, tình yêu và sự thật trên các tôn giáo giả hiệu, hận thù và giả dối, mà còn có thể giúp ích cho hằng vạn người, tại Ấn Độ và tại nhiều nơi khác trên thế giới, đang bị chà đạp”.

3. Tại Ấn Độ

Năm 1914 Gandhi trở về Ấn Độ.Vào thời ấy, Ấn Độ thuộc về Đế Quốc Anh, dù chưa bao giờ bị xâm chiếm, nhưng qua trung gian Công Ty Đông Ấn, Ấn Độ được kêu gọi bảo vệ quyền lợi của các hoàng thân Ấn Độ. Tại Ấn Độ người ta còn thấy những biến tướng của sự kỳ thị trong xã hội. Chính vì một sự thực hành lệch lạc của tôn giáo chính thức là Ấn Độ Giáo mà đại bộ phận dân chúng phải rơi vào giai cấp đứng ngoài mọi giai cấp (‘outcast’) : họ không được phép lui tới đền chùa, và trong đời sống xã hội, họ không thể có những quan hệ bình thường với các giai cấp khác. Ngoài ra, tình trạng nghèo đói còn là hậu quả của những bất công trong xã hội, cũng như vì phải lệ thuộc và bị đàn áp bởi Anh Quốc về mặt kinh tế và chính trị, cũng như vì của cải đã không được phân chia đồng đều cho người trong nước. Vấn đề lớn còn lại là sự chia rẽ giữa những người theo Ấn Độ Giáo với những người theo Hồi Giáo, bị Đế Quốc Anh thổi phồng, đúng theo nguyên tắc “chia để trị” (‘divide et impera’). Gandhi tự chọn cho mình một cách để tham gia vào tiến trình giải phóng dân tộc là áp dụng nguyên tắc “satyagraha” (tận dụng sức mạnh của chân lý) một cách rộng rãi hơn hay triển khai việc giải phóng (‘swaraj’) bằng cách không sử dụng bạo động, bao gồm việc bất tuân các lề luật không hợp với luân thường đạo lý. Mọi việc làm còn có kèm theo bổn phận giáo dục quần chúng biết cảm nhận sự đau khổ và bày tỏ lòng yêu thương đối với mọi người, kể cả những người đàn áp mình.

Năm 1920 một phiên họp đặc biệt của đảng Quốc Đại đã được tổ chức tại Calcutta. Tại đây Gandhi giới thiệu phương châm bất hợp tác để kéo dư luận chú ý tới tình trạng của những người Hồi Giáo, thái độ tiêu cực của nhà cầm quyền và của dân chúng nước Anh trước nạn khủng bố tại Punjab, và nhân cơ hội ấy tuyên bố lấy “swaraj” (‘giải phóng’) làm phương thế duy nhất hữu hiệu thật sự để bảo vệ danh dự quốc gia và tránh những sự đàn áp khác trong tương lai.

Gandhi yêu cầu người Ấn Độ thi hành những điều sau: 1/từ chối những tước hiệu và chức vụ danh dự, cũng như những vai trò và vị thế trong các tổ chức địa phương; 2/từ chối tham gia các nghi lễ do các viên chức chính phủ hay nhân danh các viên chức này đứng ra tổ chức; 3/ rút dần dần các trẻ em ra khỏi các trường và đại học thuộc về chính phủ hay do chính phủ kiểm soát; 4/ các luật sư tẩy chay dần dần ngành tư pháp của người Anh; 5/ tẩy chay việc tuyển mộ người thi hành quân dịch; 6/ rút các ứng cử viên ra khỏi các cuộc bầu cử trong các hội đồng đã được cải cách và các cử tri từ khước bỏ phiếu cho các ứng cử viên độc lập; 7/tẩy chay các hoàng hóa xuất phát từ nước ngoài.

Thái độ bất hợp tác này “được coi là một biện pháp kỷ luật và hy sinh”, cần phải có nhiều thời gian để được tiếp thu nhuần nhuyễn và chín muồi. Kết quả đầu tiên của thái độ này là mọi người chấp nhận sử dụng các sản phẩm nội địa, đặc biệt là vải vóc. Gandhi bị bắt và đồng thời, các sự cố và bạo động cứ liên tiếp xảy ra trong nước. Ông nhìn nhận mình là nguyên nhân của những hành vi trọng tội đã liên tiếp xảy ra. Nhưng khi tuyên bố tại tòa án, ông yêu cầu viên thẩm phán hãy từ chức và đừng cộng tác với hệ thống pháp luật nữa, nếu ông ấy nhận thức được những xấu xa; bằng không thì hãy áp đặt cho Gandhi hình phạt nào nặng nhất theo luật. Gandhi đã bị kết án 6 năm tù.

Năm 1925, ông được bầu làm chủ tịch đảng Quốc Đại. Sau khi thất bại với phương pháp bất hợp tác, ông đưa ra một chương trình mang tính xây dựng tập trung vào ba lãnh vực: củng cố “khadi”, đẩy mạnh các quan hệ giữa người theo Ấn Độ Giáo và người theo Hồi Giáo, bãi bỏ tình trạng của những người “không được phép giao tiếp” (‘intouchables’).

Ông đã chỉ trích nghiêm khắc hệ thống xã hội của Ấn Độ trong lãnh vực kinh tế; ông kiên trì tới cùng để tránh phân chia Ấn Độ dựa trên niềm tin tôn giáo; thậm chí ông còn trở thành người xây dựng xã hội Ấn Độ bằng cách gánh vác lấy những gì được coi là đáng tội nhất trong Ấn Độ Giáo, tức là bãi bỏ giai cấp “đứng ngoài mọi giai cấp” cả trên lý thuyết lẫn trong thực tế. Và tới một lúc nào đó, khi nhận thức thấy có những điều mình ao ước nhưng không thể thỏa mãn được với sức người, ông phó thác cho quyền năng và lòng thương xót của Chúa, đấng sẽ giải phóng chúng ta một cách toàn diện.

Trong lúc chưa thực hiện xong sự thống nhất giữa người Ấn Độ Giáo và người Hồi Giáo, trong lúc có biết bao người phải trở thành nạn nhân do xung đột sắc tộc gây ra tại Delhi, và trong lúc chuẩn bị ngỏ lời với đám đông đang tập trung để cầu nguyện, Gandhi bị một người Ấn Độ Giáo cuồng tín bắn và chết ngay tại chỗ, miệng vẫn thì thầm chữ Rama – tức là tên của Thiên Chúa.

4. Nhãn quan của Gandhi

Houtard cho rằng thần học giải phóng chỉ được kiểm chứng trong một bối cảnh có sự tha hóa và cưỡng ép. Ở đâu các điều kiện xã hội đã leo tới cao điểm, các nhà thần học – do nghề nghiệp và địa vị xã hội – không thuộc về những giai cấp bị đàn áp nặng nề nhất, sẽ trình bày, phân tích và đứng ra bảo vệ những người bị áp bức trong những hoàn cảnh ấy. Nhưng điểm mới trong phong trào này là đã biết vận dụng sự phân tích đặc biệt.

Các hoàn cảnh xã hội phải trở thành “nơi cho Thiên Chúa và con người gặp gỡ”, một nơi đang được ưu tiên vì những hoàn cảnh ấy sẽ có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của con người.

Bởi thế, Gandhi không giảm nhẹ vai trò của tôn giáo là cung cấp một ý thức hệ thánh thiện cho xã hội. Tôn giáo vẫn tiếp tục làm nguồn cảm hứng cho xã hội qua một cuộc đời dành trọn vẹn cho việc giải phóng – một sự giải phóng phải được thực hiện cho hết mọi người. Giải phóng hay thiết lập “swaraj” (tinh thần tự quyết) đối với Gandhi chính là gặp gỡ Thiên Chúa một cách cụ thể nơi xã hội và chính trong khi thực hiện Nước Trời trong lịch sử.

Gandhi khởi đi từ xác tín rằng chân lý nào cũng chứa đựng một sức mạnh tiềm tàng nơi chính mình và chỉ có chân lý mới có thể áp đặt được. Gandhi tạo ra thuật ngữ “satyagraha”, lấy từ SAT (chân lý) và AGRAHA (sự cương quyết hay sức mạnh). Ý tưởng này đã xưa như trái đất và đã được chính Đức Giê-su Ki-tô, Đa-ni-en và Socrate trình bày một cách hết sức nguyên tuyền. “Cuộc đấu tranh của các vị ấy đã chứng minh lẽ phải vượt xa sức mạnh, sức mạnh luân lý vượt xa sức mạnh bạo tàn, linh hồn và lý trí vượt xa hận thù và thói nô lệ định mệnh”1 .

Gandhi xác tín rằng “môn đệ của chủ trương satyagraha càng bị áp bức, thì càng ngời sáng và càng bạo dạn” 2 . ‘Satyagraha’ không phải chỉ là tin vào hành động, mà còn là một cách để nhận thức Thiên Chúa và kiện toàn công trình nhập thể. Gandhi lấy lại hai con đường (bất bạo động và không quyến luyến) làm hai hướng chỉ huy nhằm nhận thức về Thiên Chúa. Ông tin rằng mình có thể đạt được trình độ để “nhận thức về Thiên Chúa” bằng cách tạo chân không trong lòng mình, tình nguyện sống khó nghèo, sống nghèo cùng với những người nghèo. Nếp sống này cũng bao gồm việc đồng hóa mình với mọi thụ tạo do Chúa dựng nên và phục vụ hết mọi người.

“Những khổ chế, chay tịnh và cầu nguyện của tôi sẽ không còn giá trị gì, nếu tôi cứ dựa vào đó để tự cứu mình. Nhưng chúng có một giá trị không thể đánh giá hết được, nếu chúng chính là nhịp thở của một linh hồn đang tìm cách tựa đầu mệt mỏi của mình vào ngực Đấng Tạo Hóa” 3 .

Theo Gandhi, các phương tiện chính trị còn cần thiết và quan trọng hơn các phương tiện cá nhân để nhận thức Thiên Chúa. Khi sử dụng vũ khí là satyagraha, Gandhi đã dâng cả cuộc đời tìm cho ra chân lý đã được cụ thể hóa dưới hình thức giải phóng Ấn Độ. Chiến thuật của Gandhi là chiến thuật hai mặt: một đàng không hợp tác với chính quyền, đàng khác là xây dựng.

Khi đặt chân lý lên trên tất cả, Gandhi đã trở thành con người chủ trương đại đồng, phá đổ mọi rào cản có thể ngăn cách ông với bất cứ con người liêm khiết nào đang thờ lạy các thần minh khác thần minh của chúng ta.

Nếu Thiên Chúa là sự thật thì “phương cách đơn giản nhất để tiếp cận sự thật là đi qua tình yêu”4 .

Chính vì con người không thể hiểu biết sự thật tuyệt đối, nên con người cần phải cởi mở liên tục để làm việc với những người bất đồng với mình. Kể từ khi một điều đối với người này là sự thật, đối với người kia là sai lầm, muốn tìm kiếm chân lý người ta không thể lấy bạo lực áp chế người bất đồng với mình, mà phải tìm cách giúp người ấy ra khỏi sai lầm, một cách kiên nhẫn và thông cảm5.

Bất bạo động là một yếu tố làm nên sự thật. “Không những nó không sử dụng bạo lực, vì con người không có khả năng nhận biết sự thật tuyệt đối và do đó, con người cũng không có thẩm quyền để chế tài”6 .

5. Giải phóng (“swaraj”)

‘Swaraj’ là một thành ngữ Ấn Độ được Gandhi dùng để chỉ sự giải phóng – độc lập – tự trị, hay sự tự quản và tự quyết.

Gandhi rất quan tâm áp dụng tiến trình giải phóng dựa vào sức mạnh của chân lý, mà đây chủ yếu là tiến trình giải phóng chính nhân vị.

“Giải phóng chính hiệu là làm chủ chính mình. Chỉ có người nào có đời sống đạo đức, không lừa dối ai, không phản bội sự thật và chu toàn các nghĩa vụ của mình đối với cha mẹ, vợ con, gia nhân và hàng xóm mới có thể làm chủ được chính mình. Từ đó, sự giải phóng sẽ dẫn chúng ta tới chỗ giải thoát và tự lập về chính trị; nhưng sự giải phóng này đòi hỏi chúng ta dù ở hoàn cảnh nào cũng đứng về phía sự thật, không bạo động, cũng chẳng gây thù chuốc oán, chỉ sử dụng các phương thế hợp pháp”7 .

Muốn hiểu rõ sự giải phóng này, chúng ta phải tham khảo và phải dựa vào nền văn hóa đặt Thượng Đế làm trọng tâm và nặng tính luân lý của người Ấn Độ, đối lập với nền văn minh thế tục hiện nay.

Công cuộc giải phóng nào cũng phải mang sắc thái và cung cách có liên quan tới nền văn hóa địa phương. Có thiện chí và có triết học thôi chưa đủ. Đôi khi chiến thuật và chiến lược có ảnh hưởng quan trọng đến nỗi có thể làm thay đổi cả mục tiêu lẫn triêt lý, như trong trường hợp thống nhất nước Italia : sau khi lật đổ nền cai trị của ngoại quốc, Italia lại rơi vào cảnh nô lệ trong nước. Phải làm sao cho Ấn Độ không phải làm nô lệ cho các hoàng thân quốc thích bản xứ. Vì thế, hô hào người Ấn Độ cầm súng là cuối cùng sẽ làm hỏng sự nghiệp giải phóng; giải phóng do áp đặt không phải là con đường mà những người chủ trương ‘swaraj’ mong muốn, vì lúc đó chính phương thế sử dụng để giải phóng sẽ làm thay đổi cả mục tiêu là sự giải phóng và sẽ thay thế luôn sự giải phóng.

Vì thế, Gandhi đã đặt ra những điều kiện để thực hiện việc ‘swaraj’ như sau:

a. Đường hướng căn bản cho toàn thể nhân dân theo đuổi là làm chủ bản thân hay kiểm soát chính mình.

b. Muốn tạo ra sức mạnh ấy, phải nhấn mạnh tính bản địa trong mọi hướng.

c. Để được vậy, không gì hơn là phản kháng thụ động, tức là vận dụng sức mạnh tinh thần hay sức mạnh của tình thương.

d. Phải dựa vào ý thức nghĩa vụ để xác định cung cách xử sự của người Ấn Độ. “Lương tâm tôi xác nhận rằng từ nay tôi sẽ hiến dâng cuộc đời để thực hiện công cuộc giải phóng”8.

Công cuộc giải phóng này sẽ bao gồm ba mục tiêu : xây dựng quan hệ tin tưởng giữa người Ấn Độ Giáo và người Hồi Giáo, cung cấp đủ lương thực cho quần chúng và tìm cách dẹp bỏ giai cấp của “những người không được phép giao tiếp”.

“Tôi biết chúng ta muốn có sự độc lập về chính trị đối với nước Anh. Nhưng chúng ta sẽ không nhận sự độc lấy ấy, nếu không có ba điều tôi vừa kể”9.

Đàng khác, “giải phóng” phải là một hiện tượng của đại chúng. Sẽ không thể nào có “giải phóng” thật sự do một thiểu số, mà đó là phải là kết quả do tất cả mọi người đóng góp khi có được năng lực để chống lại những quyền hành đã lạm dụng năng lực ấy. Nói cách khác, chỉ có thể có được sự “giải phóng” khi biết giáo dục quần chúng cho họ trở thành những người có đủ năng lực điều hòa và kiểm soát quyền hành10 . Chúng ta sẽ nhận được sự giải phóng bằng ba cách sau đây:

a. Dệt vải bằng tay;

b. Bãi bỏ giai cấp “những người không được tiếp xúc”;

c. Thống nhất những người theo Ấn Giáo và những người theo Hồi Giáo.

Tự quản hẳn là một hình thức cho thấy sự thức tỉnh trong quần chúng, sự đồng thuận trong quần chúng về những lợi ích đích thực và khả năng bản thân mỗi người có thể theo đuổi các lợi ích ấy. “Puma swaraj” có nghĩa là hài hòa, tự do thoát khỏi sự đàn áp của những thù địch trong hay ngoài, cải thiện dần các điều kiện kinh tế của quần chúng. Người ta có thể nhờ chính quyền mà có được tiến bộ đôi chút, nhưng chắc chắn nhất vẫn là dùng “satyagraha”. Chính quyền chỉ là bóng mát, chứ không phải là bản chất của tự do. Một phần lớn trong chương trình giáo dục do Gandhi đưa ra để được “swaraj” có liên hệ tới phương pháp bất bạo động và quan điểm về sự thật. Gandhi đã lưu ý: chúng ta sẽ không có được swaraj, nếu lừa dối và bạo động, và thật là sai lầm khi dám nhân danh sự thật và bất bạo động để cho phép mình lừa dối và bạo động. Một dân tộc được giải phóng khi nhiều người được giải phóng, và sự tự chủ bản thân được thể hiện qua các bổn phận thi hành hơn là qua các quyền lợi được hưởng. Bất tùng phục trong xã hội hay không chịu thi hành nghĩa vụ, đó chính là một phương thuốc sau cùng để chữa trị một tình trạng xã hội quá bất thường. Tự bản chất, phương thuốc ấy chỉ có giá trị một thời gian.

“Đừng hiểu sai quan niệm của tôi về ‘swaraj’. Đó chính là sự độc lập hoàn toàn đối với sự kiểm soát của ngoại quốc và là sự độc lập hoàn toàn về mặt kinh tế. Như thế, một đàng có sự độc lập về mặt pháp lý hẳn hoi ; đàng khác, vẫn có “dharma” (hay “đạo”), tức là một tôn giáo theo nghĩa thanh cao nhất. Đạo bao gồm cả Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Ki-tô Giáo, nhưng nó vượt lên trên tất cả. Chúng ta có thể gọi đây là sự thật – một sự thật bao trùm lên tất cả và dù có phân biệt hay biến đổi thế nào, sự thật ấy vẫn tồn tại. Đạo đức và xã hội có giá trị cao như thế nào, chúng ta sẽ dựa vào thuật ngữ mà mình hay sử dụng ở đây, là bất bạo động, để biết. Chúng ta không thể có được sự tự do chính trị và kinh tế, mà không tôn trọng sự thật và chủ trương bất bạo động, không tin vào Thiên Chúa và từ đó, không thăng tiến về đạo đức và xã hội”.

6. Bất bạo động

Đó chính là nội dung và phương pháp của “swaraj”, có kèm theo niềm tin vào Thượng Đế.

Gandhi phản đối cách nói “phản kháng thụ động” theo nghĩa hẹp vì đó là vũ khí của người yếu, có đặc điểm là hận thù và hay dẫn tới bạo động. Ông nhấn mạnh tới điều kiện này: đấu tranh nhưng lúc nào cũng phải hòa bình. “Người Ấn Độ ở Transvaal sẽ làm rung chuyển thế giới nhưng không phải đổ một giọt máu nào”11. “Quan niệm của Gandhi là quan niệm về một cuộc xung đột trên bình diện đạo đức và tinh thần, mà muốn vậy phải bất tùng phục trong đời sống dân sự, chứ không phải là phản khách cách thụ động, nhưng đúng hơn đó là một cách cùng chịu đau khổ chung”.

Theo ông, ý nghĩa sâu xa nhất của tình trạng bất bạo động là tự chịu đau khổ, tức là chấp nhận đau khổ thay vì đổ lên đầu đối thủ của mình. Bất bạo động chính là một cách tự nguyện chịu đau khổ.

Tự chịu đau khổ không phải là “chiều theo ý muốn của người làm ác, mà là đem hết tâm hồn ra chống lại ý muốn của kẻ bạo hành” 12. “Đau khổ này là đau khổ vì đã không chịu chiều theo ý muốn của kẻ bạo hành”. Tự nhận đau khổ không phải là không có khả năng sử dụng bạo lực, mà là một sự lựa chọn quan trọng khi đứng trước bạo quyền. Đó không phải là vũ khí của kẻ yếu vì hèn nhát mà đành phải sử dụng một cách không phân biệt. Thái độ bất bạo động hay tự nhận đau khổ của Gandhi đòi phải có sự can đảm dám cầm vũ khí chống lại một mối đe dọa hay nguy hiểm. Hèn nhát và bất bạo động là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thật vậy, như Gandhi đã quả quyết : “Nếu phải lựa chọn giữa hèn nhát và bạo động thì tôi sẽ chọn bạo động”13 .

Gandhi đã đưa ra một bằng chứng hết sức ý nghĩa về việc tự nhận đau khổ. Khi phân chia nước Ấn Độ và thành lập nước Pakistan, đất nước của Gandhi đã thực sự bị chia rẽ. Thế là những cuộc bạo động vì không thể bao dung tôn giáo nổ ra khắp nơi. Ông thấy rõ sự thống nhất giữa người theo Ấn Giáo và người theo Hồi Giáo sắp tan vỡ – một điều mà ông đã dành cả đời để bảo vệ. “Chỉ khi nào tôi đã tận dụng hết các khả năng của con người, tôi mới ngả đầu vào ngực Chúa. Chúa đã soi sáng cho tôi ăn chay. Hãy ăn chay sao cho mọi người thấy rằng tôi chỉ ước nguyện một điều là xin Chúa ban thêm sức lực cho tôi trong lúc tôi ăn chay, không bao giờ để cho mình bị cám dỗ kéo dài cuộc sống mà phải chấm dứt việc ăn chay quá sớm”14 . Hành vi chay tịnh của ngài chính là nguyên nhân gián tiếp đưa tới sự ám sát ngài, vì chưng chính sự thành công của ngài đã khiến cho một số người cuồng tín phẫn nộ: họ đã âm mưu chống lại ngài để bênh vực Ấn Độ Giáo. Cái chết của Gandhi được coi là hành vi đẹp nhất trong cuộc đời ngài.

Đối với Gandhi bất bạo động không phải là một tình trạng hoàn toàn tiêu cực, mà là một thái độ tích cực của tình yêu, muốn làm điều tốt cho cả người ngược đãi mình. Gandhi đã biến bất bạo động thành tiêu chuẩn và bằng cớ chứng minh hành vi của mình là trung thực và đáng tin.

7. Vấn đề của những người không được phép giao tiếp

Một yếu tố nữa trong công cuộc swaraj là vấn đề của những người không được phép giao tiếp. Như Gandhi đã có lần nhìn nhận, tự sâu xa đây là một vấn đề của tôn giáo và vì thế ông đã thử đưa ra một giải pháp trên bình diện thần học. Khái niệm làm nên tảng cho thần học về xã hội và về trật tự xã hội chính là quan niệm của Gandhi về sự bình đẳng của mọi người trước mặt Thượng Đế. Tiền đề căn bản của ông như sau: Thượng Đế là đấng tạo dựng nên mọi sự và Ngài làm ra mọi người bình đẳng với nhau. Thượng Đế chỉ có một, nên Ngài tạo dựng mọi người đều bình đẳng. “Thượng Đế luôn trước sau như một và chỉ có một, nên nếu chúng ta là con cái của cùng một Đấng Tạo Hóa ấy thì hẳn nhiên không thể nào có giai cấp giữa chúng ta với nhau”15 .

Thượng Đế tạo hóa duy nhất chính là cha đẻ muôn loài, cha của mọi người cha. Ngài không đối xử và không thể đối xử bất cứ người con nào của mình như hạng người không thể tiếp xúc ngay từ khi sinh ra, và vì thế, đó là những con người hèn mọn so với những người khác thật vĩ đại. Con cái trong cùng một gia đình đều bình đẳng với nhau và đều được cha mẹ đối xử như nhau. Cũng thế, mọi người đều bình đẳng trước mặt Thượng Đế. Có những người sinh ra đã không thể tiếp xúc được, đó là một điều mâu thuẫn hoàn toàn đối với tôn giáo chân chính; nó sẽ hủy diệt chính linh hồn của tôn giáo ấy và của xã hội Ấn Độ.

Đúng, vấn đề những người không thể tiếp xúc được, cùng với hệ thống giai cấp và bất bình đẳng bẩm sinh, đã trở thành một sự kiện xã hội. Dựa trên chân lý thần học trên đây, Gandhi đã dám thách thức để xem sự kiện ấy có hợp tình hợp lý hay không. Thượng Đế vượt lên trên tất cả mọi phân biệt trong xã hội. Ngài vượt lên trên tất cả. Ngài không tham gia vào hệ thống giai cấp ở Ấn Độ. Vấn đề những người không thể tiếp xúc được là một định chế do quỷ ma nghĩ ra và do con người thực hiện. Định chế ấy bây giờ không còn có thể biện minh được nữa; nó cần phải được trừ tà như một sự kiện rất đáng kinh tởm theo chính cái nhìn của Ấn Độ Giáo. Nó còn được đạo này coi là một tội chống lại chính Ấn Độ Giáo. Đạo này đã tự ý khai tử mình kể từ khi cho rằng hai phe này không thể đồng tồn tại. Đó cũng là tội chống lại các Harijans (giai cấp sư sãi) – tức là những con cái Chúa hay những tôi trung của Chúa ; thế mà Thiên Chúa lại hiện diện cách đặc biệt nơi những người này.

Gandhi vẫn biết có những người Ấn Độ Giáo tin rằng ảnh tượng thánh trong đền thờ đã mất đi sự thánh thiện khi có những Harijans bước vào đền. Nhưng Gandhi đã mỉa mai thêm: “Tôi biết có nhiều đền thờ ở Ấn Độ không có Thượng Đế hiện diện chẳng kém gì nhà thổ”. Cũng chính vì có liên hệ mật thiết với những người Harijans, nên bản thân Gandhi cũng bị cấm không cho vào một số đền thờ. Gandhi đã tạ ơn Thượng Đế về điều này. Bản thân ông và những người cộng sự của ông đã quyết định không bước vào những đền thờ cấm người Harijans và ông cũng khuyên nhiều người làm theo. Mục tiêu mà Gandho ra sức thực hiện chẳng qua chỉ là giúp các người Ấn Độ Giáo bảo thủ đón nhận một tôn giáo sâu sắc hơn. Ông coi những nỗ lực của mình làm cho những người Harijans chỉ là những nỗ lực thuần túy tôn giáo, không có một động cơ chính trị nào. Thế nên, ông mong muốn “phong trào vừa cao cả vừa thuần khiết, vừa tôn giáo vừa thống nhất này” không bị ai khai thác vào những mục tiêu chính trị. Thay vì giúp vượt qua những chia rẽ đang tồn tại, các hoạt động chính trị sẽ chỉ góp thêm nhũng lý do đấu tranh và chia rẽ. Chẳng hạn Gandhi đề nghị lấy các phương thế thuần khiết xóa bỏ hết các điều xấu do vấn đề những người không thể tiếp xúc gây ra. Chính ông đã tham gia chay tịnh nhiều ngày để mình được thanh tẩy và Ấn Độ Giáo được thanh tẩy khỏi mọi thứ khuyết điểm găn liền với vấn đề những người không thể tiếp xúc được. Mở cửa các đền thờ Ấn Độ Giáo cho cả người Harijans chính là một việc làm vừa tội lỗi, vừa bày tỏ lòng thống hối ăn năn và quyết tâm sửa chữa.

Bản thân công cuộc giải thoát (‘swaraj’) không thể thành công được, nếu không kèm theo việc bãi bỏ giai cấp những người không được phép tiếp xúc. “Cần phải đem lại hòa bình cho những người Harijans, trước khi nói đến sự tự quyết. Tôi không tìm cách giải phóng Ấn Độ khỏi tay người Anh bằng bất cứ phương cách nào. Theo tôi, phong trào giải thoát (‘swaraj’) vốn là phong trào tự thanh tẩy mình”.

Người Ấn Độ Giáo không thể đòi hỏi ‘swaraj’ hợp tình hợp lý, bao lâu chưa trả tự do cho các giai cấp bị gạt ra rìa. Làm sao có thể chống lại sự nô lệ hóa do người Anh thực hiện, nếu chính mình chưa nhìn nhận bản tính loài người nơi các đồng bào mình? Theo ngôn ngữ của Gandhi, phân cách những người không được phép tiếp xúc còn phi luân hơn cả việc bắt người ta làm nô lệ. Thậm chí có thể nói cây nô lệ lớn lên được là dựa vào vấn đề những người không được phép tiếp xúc.

Cuộc chay tịnh của Gandhi vào tháng 9 năm 1932 đã mở màn một cách bi tráng cho cuộc đấu tranh của ông nhằm bênh vực những người không được phép tiếp xúc và là khởi đầu cho một loạt cải cách xã hội từ đầu này tới đầu kia nước Ấn Độ. Mục tiêu trước mắt của việc chay tịnh ấy là bắt chính phủ Anh rút lại quyết định khiến cho các giai cấp bị đánh giá thấp trở thành một lực lượng cử tri riêng rẽ. Trong việc này, Gandhi không những chống lại chính quyền mà còn chống lại những người Ấn Độ Giáo chính thống rất tha thiết với truyền thống, và chống lại những đại biểu của các giai cấp bị đánh giá thấp, như Ambekdar, là nhóm phản đối các ngươi Ấn Độ Giáo thuộc các giai cấp khác, và như thế cứ tiếp tục hệ thống giai cấp. Gandhi đã chuẩn bị tâm hồn bước vào cuộc chay tịnh ấy: “Nếu dư luận chung của người Ấn Độ Giáo chưa sẵn sàng dẹp bỏ các người không được phép tiếp xúc một cách triệt để, thì tôi sẵn sàng hy sinh không chút do dự”16 .

Chay tịnh tạo ra những kết quả trên bình diện chính trị, bắt chúng ta phải đưa ra một vài sửa đổi trong luật. Không những Gandhi đã đạt được mục tiêu của việc “chay tịnh cho tới chết”, mà toàn thể quốc gia đều bị rúng động và đều ý thức vấn đề những người không thể tiếp xúc được, cũng như tất cả các điều xấu trong xã hội xuất phát từ đó.

8. Hiệp nhất giữa người theo Ấn Độ Giáo và người theo Hồi Giáo

Cuộc chay tịnh của Gandhi, bắt đầu vào ngày 13 tháng giêng năm 1948,chính là hành vi vĩ đại cuối cùng của ông hay đó chính là cuộc “khổ nạn” của ông trước khi chết, vào hai tuần sau đó, khi ông bị ám sát. Mục đích trước mắt của cuộc chay tịnh đó là tái lập lại quyền tự do cư trú và tự do di chuyển của người Hồi Giáo tại vùng Delhi. Mục đích sau cùng của ông là tạo sự hòa hợp trọn vẹn giữa người Ấn Độ Giáo và người Hồi Giáo, ban đầu tại Delhi và sau cùng trên khắp nước, cũng như tạo sự quan hệ hữu hảo giữa nước Ấn Độ và nước Pakistan mới được thành lập.

Ngay từ năm 1927, Gandhi đã tỏ ra nghi ngờ không biết mình có khả năng tìm ra giải pháp cho vấn đề này, sau bao nhiêu lộn xộn xảy ra. Ông thú nhận: “Tôi không dám đụng tới vấn đề hiệp nhất người Ấn Độ Giáo và người Hồi Giáo. Vấn đề này đã vuột ra khỏi bàn tay con người và đã được trao vào tay Thượng Đế. Chúng ta cầu xin Thượng Đế giúp, Ngài là đấng Toàn Năng. Chúng ta – những thụ tạo đáng thương của Ngài – phải thành thật thú nhận chúng ta đã bỏ bê bổn phận của mình, chúng ta đã thù ghét nhau, đã tấn công nhau và thậm chí trở thành kẻ sát nhân. Ước gì tiếng lòng chúng ta làm rạo rực ngai báu của Ngài, ước gì chân chúng ta thấm đẫm nước mắt. Hãy xin Ngài thanh tẩy tâm hồn chúng ta cho khỏi mọi thù hận. Chúng ta đã làm nhục thế giới, làm ô danh Ngài và làm bẩn đất thánh này khi quay ra nghi ngờ nhau và khi tỏ ra sợ hãi nhau. Dù là con cái của cùng một quê hương, dù ăn cùng một thức ăn, chúng ta lại không mở rộng tâm hồn chào đón nhau”.

Phải thú nhận rằng tất cả mọi nỗ lực của ông về việc này xem ra đã thất bại. Bởi đó, ông đã phải trao việc này cho Thượng Đế. Hiệp nhất không phải chỉ là một chính sách không hơn không kém, mà khi không thấy phù hợp nữa, người ta có thể loại bỏ dễ dàng. Gandhi nói hiệp nhất phải là niềm tin của chúng ta, mộ niềm tin kéo dài mọi lúc mọi nơi.

Sự hiệp nhất này không được dùng để đe dọa những nhóm thiểu số như các ki-tô hữu, các người Do Thái, các người theo đạo Sikhs. Nếu tìm cách đè bẹp một số người trong số đó thôi, sẽ có ngày chúng ta quay ra đấu đá nhau17. Gandhi coi Thượng Đế không phải chỉ là người chứng, mà còn là một thành phần có liên quan thật sự trong các vấn đề của mình. Sự chay tịnh của Gandhi để cầu mong sự hiệp nhất giữa người Ấn Độ Giáo và người Hồi Giáo chính là nguyên nhân trực tiếp khiến ông phải chết. Ông đã bị ám sát bởi bàn tay một người Ấn Độ Giáo cuồng tín coi Gandhi là kẻ nội gián của đạo Ấn. Trong bài điều văn của mình, Nehru đã nói “ánh sáng từng sáng lên trong đất nước này không phải là ánh sáng thường tình đâu. Ánh sáng đã từng sáng soi đất nước này trong nhiều năm qua sẽ tiếp tục soi sáng đất nước này nhiều năm nữa, và ngàn năm sau người ta vẫn sẽ nhìn thấy ánh sáng ấy trong đất nước ấy, cũng như thế giới sẽ còn nhìn thấy ánh sáng ấy: nó sẽ tiếp tục an ủi biết bao tâm hồn”18.

Dựa theo “Surmonter les divisions sociales selon l’optique et l’action de Gandhi – Un martyr passionné du dialogue” của Vito Del Prete, trong “La Bonne Terre – Réflexions sur l’Évangélisation” do Emilia Paola Pacelli xuất bản, trực thuộc Hội Giáo Hoàng truyền Giáo, Roma tháng 3/2010

Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành

Exit mobile version