CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM C
Bài đọc 1: Is 50,4-7; Bài đọc 2: Pl 2,6-11; Phúc Âm: Lc 22,14-23,56
Năm 1984, Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn ngày Chúa nhật Lễ Lá làm ngày Ðại hội Giới trẻ thế giới lần đầu tổ chức tại Rôma. Kể từ đó hằng năm, ngày Lễ Lá được chọn để tổ chức ngày lễ giới trẻ theo cấp giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, quốc gia hoặc quốc tế. Vừa qua, Ðại hội Giới trẻ thế giới lần thứ 34 được tổ chức tại Panama. Có lẽ khung cảnh của ngày lễ này thích hợp với tâm tính đầy phấn khích và cuồng nhiệt của người trẻ trên khắp hành tinh.
Theo niên lịch phụng vụ, Chúa nhật Lễ Lá cũng là Chúa nhật bắt đầu cho tuần khổ nạn và thương khó của Ðức Giêsu, vừa hoành tráng và vừa bi thương. Từ 360o này đến 360o khác trong cùng một ngày lễ. Vừa hoan ca reo hò: Hosanna! Hosanna! Hosanna! Chúc tụng Ðấng Nhân Danh Chúa mà đến, rồi liền sau đó lại điên cuồng phẫn nộ: Ðóng đinh nó đi! Ðóng đinh nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!. Lòng người thật khôn dò, sao dễ đổi trắng thay đen nhanh đến thế. Khải hoàn vào Giêrusalem, cũng chính là lúc cúi xuống vác cây thập giá lên vai.
Vượt qua thế gian để về cùng Cha là con đường của hy sinh và từ bỏ; vượt qua lòng người 360o lại là con đường nghẹn ngào và cay đắng. “Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người ư?”. Không chỉ Giuda mà cả Phêrô nữa, dù ông nói chắc như đinh đóng cột: “Lạy Thầy, con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết”. Nhưng rồi khi gà chưa gáy 2 lần thì ông đã chối Thầy 3 lần. Còn những người trẻ hôm nay đầy dũng khí đôi khi cũng ngoảnh mặt làm ngơ: “mình chẳng biết người ấy là ai!”. Tất cả họ đều bỏ trốn. Dù Thiên Chúa chẳng lạ gì với lối sống thực dụng và tình cảm hời hợt của con người, như sách Hose đã viết: “Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi”. Dù vậy Thiên Chúa không thể không thầm trách con người: “Dân Ta ơi, dân Ta hỡi! Ta đã làm gì cho ngươi? Hay là Ta đã làm phiền lòng ngươi? Phải chăng Ta đã dẫn ngươi ra khỏi Ai Cập? Mà ngươi dọn Thánh giá cho Ðấng cứu độ ngươi? Có điều chi phải làm mà Ta đã không làm cho ngươi?” …
Từ đó, mỗi người và đặc biệt những người trẻ tự hỏi: Con người phải chăng là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm đến khó hiểu? Hay con người là một thiên thần đã bị biến chất và phải đọa đày nên mới hành xử đầy tráo trở như thế? Dù được tạo dựng kém thiên thần một chút (Tv.8), nhưng điều chính yếu chỉ có Chúa mới biết chúng ta được dựng nên bằng gì, Người vẫn nhớ chúng ta là cát bụi, với những bất toàn của kiếp người: mong manh, yếu đuối và tội lỗi. Chính vì thế, Người không hề thất vọng với lối sống 360o, “gió chiều nào che chiều ấy” của mỗi chúng ta, nhưng chính nhờ sự Vượt qua của Ngài mà chúng ta được tái sinh để trở nên những tạo vật mới của Thiên Chúa. Ðiều đáng nói và đáng ghi nhớ như lời Thánh Phaolô: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8).
LM PHAOLÔ DƯƠNG CÔNG HỒ, GP ÐÀ LẠT