Là một thánh vịnh vương quyền như thánh vịnh 2 và 45, nó miêu tả chân dung của vì vua lý tưởng, bằng cách nêu bật các đặc tính vương quyền của Thiên Chúa nhập thể trong vương triều thần quyền của dân Israel. Công lý, hoà bình và và thịnh vượng là các ơn Thiên Chúa ban cho dân được tuyển chọn qua “đặc sủng” hoàn toàn đặc biệt của vương quyền, không bị hạn chế trong thời gian và trong không gian. Công lý, nhất là công lý cho những người nghèo bị các kẻ quyền thế áp bức; hoà bình không bị các kẻ thù bên ngoài tấn công, được bảo đảm bởi một một sự thống trị không bị phản đối “từ biển này sang biển nọ”, nghĩa là từ các miền xa xôi của vùng Arabia cho tới các hải đảo xa vời nhất của Phương Tây. Thịnh vượng và giầu sang như hoa trái của việc cai trị tài giỏi và phúc lành của Thiên Chúa. Một quan niệm vĩ đại về vương quyền như thế chắc hẳn cũng có thể mang ảnh hưởng của các ý niệm đua tranh của các nền văn minh của vùng Đông Phương Cổ. Nó đã cung cấp lý do cho truyền thống do thái cổ xưa và cho truyền thống kitô trông thấy nơi đó một thực tại cao vuợt hơn thực tại lịch sử khiêm tốn của nền quân chủ Israel. Do đó không thể loại trừ việc giải thích cứu thế được trình bầy rõ ràng bởi sách Talmud và bởi Thánh Kinh Tân Ước (một cách không rõ ràng), nếu không phải là trong nghĩa lịch sử theo chữ, thì ít nhất là trong nghĩa kiểu mẫu thinh thần, và nếu muốn cũng có thể nói trong nghĩa “tràn đầy”.
Thánh vịnh thuộc thời tiền lưu đầy có thể đã được sáng tác nhân lễ đăng quang của một vì vua nào đó thuộc triều đại nhà Đavít tại Giêrusalem, cả khi khác với thánh vịnh 2 nó không có yếu tố chuyên biệt nào liên quan tới vương quyền đavít, cũng như trung tâm của nó là thành Giêrusalem.
Văn thể là thánh vinh vương quyền. Thánh vịnh 72 gồm phần dẫn nhập, câu 1-2; các lời khấn nguyền cầu chúc, các câu 3-11; các lời hứa ngôn sứ, các câu 12-16; lời khấn nguyền sau cùng, câu 17; công thức vinh danh, các câu 18-19; và tựa đề được đặt sau này, câu 20.
Cũng giống như trong các thánh vịnh vương quyền 20 và 128 thánh vịnh 72 được mở đầu bằng một lời cầu hướng tới Thiên Chúa cho nhà vua. Nó trao ban giọng điệu cho toàn thánh vịnh: các lời khấn cầu và lời hứa trong đó chỉ nhận được sự hữu hiệu, bởi Thiên Chúa đã ban cho nhà vua vương quyền và các phẩm chất đi kèm.
“Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.”
“Các quy chế của Ngài”, “mishpatim” trong tiếng Do thái có nghĩa là sự phán xử, phán quyết, luật lệ, điều luật, quyền” từ đó phát xuất ra công lý, sự công thẳng, sự thích hợp. Trong dân Israel cũng như trong toàn vùng Đông phương cổ quyền phán xử là một quyền của thần linh được chia sẻ cho con người qua “đặc sủng” của vương quyền. Ngoài ông Môshê ra các người làm luật xưa kia khoe khoang đã nhận được các luật lệ trực tiếp từ các thần linh như vua Hammurabi của vương quốc Babel, Lipit-Ishtar của vương quốc Isin vv.
“Công lý của Ngài” song song với nửa vế trên ám chỉ phẩm chất hay mục đích của nó: các quy chế của công lý nhằm khiến cho công lý của Thiên Chúa được thực thi trên trái đất.
“Cho con của vua”, cho thái tử không được hiểu như là con người của hoàng tử kế vị cùng cai trị với vua cha, nhưng là chính nhà vua, được nhìn trong phẩm chất là người kế vị hợp pháp chứ không phải là kẻ tiếm ngôi. Có lẽ nên nhìn thấy trong kiểu diễn tả này một dấu chỉ cho thấy thời điểm sáng tác thánh vịnh, nghĩa là nhân lễ đăng quang của thái tử trẻ tuổi thuộc triều đại đavít.
“Các kẻ nghèo hèn của ngài” tức là dân Thiên Chúa, là đối tượng sự chở che và bênh đỡ của Thiên Chúa được thông truyền cho nhà vua là người thay mặt Chúa cai trị dân.
Phần một của thánh vịnh, các câu 3-11 gồm một loạt các lời khấn nguyền ở ngôi thứ ba, qua đó tác giả miêu tả bức chân dung thứ nhất của vương quyền lý tưởng là: hoà bình và thịnh vượng; an ninh và ổn định (cc. 3-7) sau cùng là sự thống trị đại đồng “từ biển này sang biển nọ”. Tưởng nên ghi nhận rằng ngoại trừ câu 8 có động từ ở thể jussivo diễn tả ước nguyện, động từ các câu khác đều ở thì tương lai. Qua đó các động từ này được giải thích như là các lời tiên báo hay các lời hứa hơn là các ưóc mong hay khấn nguyền.
“Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ, đồi rước về nền công lý vạn dân. Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ, ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá. Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp! Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ, ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai. Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất. Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng, tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục truớc bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.”
“Các núi đồi đem hoà bình và công lý tới cho dân”: là hình ảnh thơ văn đã được ngôn sứ Isaia dùng trong chương 52: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.” (Is 52,7). Trong chương 45 ngôn sứ cũng viết: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên. Ta là Giavê, Ta đã làm điều ấy.” Is 45,8).
“Ngài sẽ đem lại công lý cho những kẻ bần cùng nhất của dân”: đây cũng là sứ mệnh của vì vua tương lai được các ngôn sứ báo trước như viết trong chương 11 sách Isaia: “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài,
cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.” (Is 11,3-4). Hay như viết trong chương 23 sách ngôn sứ Giêrêmia: “ Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Giavê – Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là
người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: “Giavê, sự công chính của chúng ta.” (Gr 23,5-6). Trong các bản khắc của vùng Đông Phương Cổ hai từ “quyền lợi và công lý” quy chiếu việc bênh vực người nghèo và yếu thế thường là lý do phô trương của nhiều vua chúa.
“Ước gì các ngày của người kéo dài”: việc cai trị kéo dài là một trong các lời chúc thường gặp trong nền văn chương đông phương cũng như kinh thánh. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 21 viết: “Chúa đã ân cần ban muôn phúc lộc, vương miện vàng, Ngài đội cho vua. Vua xin được sống, Ngài cho được sống, năm tháng dài lâu, tuổi thọ miên trường.” (Tv 21,3-4). “Như mặt trời và mặt trăng”: dịch sát chữ là “với mặt trời và trước mặt trăng” là kiểu nói diễn tả việc so sánh. Tác giả thánh vịnh 61 thì xin với Chúa: “ Lạy Thiên Chúa, xin gia tăng tuổi thọ cho đức vua sống mãi ngàn năm, hiển trị muôn đời trước Nhan Thánh, được ân tình tín nghĩa chở che.” (Tv 61,7-8). Thánh vịnh 89 khẳng định về vương triều vua Đavít như sau: “Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ, trước mặt Ta, ngai báu Người bền vững tựa thái dương muôn đời kiên cố như vầng nguyệt đứng giữa trời cao làm nhân chứng trung thành.” (Tv 89,37-38).
“Cho tới khi mặt trăng tắt”: sự trường cửu tương đối của các thực thể trong vũ trụ như trời, đất, tinh sao vv. thường được ngôn ngữ kinh thánh dùng như mô thức sự ổn định của các cơ cấu thiên linh.
“Ước chi sự thống trị của người trải dài tử biển này sang biển nọ”: Câu này hầu như hoàn toàn giống văn bản chương 9 sách ngôn sứ Dakharia tả quyền bính của vì vua cứu thế: “Người thống trị từ biển này qua biển nọ,
từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.” (Dc 9,10 c).
Biển này sang biển nọ là từ Biển Sậy hay Biển Đỏ bên Ai Cập cho tới Biển của người Philitinh tức Biển Địa Trung Hải và từ sa mạc vùng Neghev cho tới Sông Eufrate bên Iraq ngày nay. Đó đã là các biên giới vương quốc của vua Salomon. Nhưng một phần chỉ có tên mà không thật. Sự thống trị của vua bao gồm tất cả các vương quốc bên kia Sông Cả, nghĩa là vùng bao gồm cả sông Eufrate với sa mạc Siro Arabia và Địa Trung Hải cho tới Ai Cập của các Pharaô như có thể đọc trong sách các Vua I chương 5: “Vua Sa-lô-môn có quyền trên tất cả các nước, từ Sông Cả đến đất của người Phi-li-tinh, và đến ranh giới Ai-cập. Họ phải triều cống và phục vụ vua Sa-lô-môn suốt đời vua. Vua Sa-lô-môn có bốn ngàn ngăn chuồng cho ngựa kéo và mười hai ngàn con ngựa cưỡi.” (1 V 5,1-4). Ở đây tác giả thánh vịnh nói “từ Sông Cả tới tận cùng trái đất” nghĩa là các vùng cực Đông gọi là Tarsis và các vùng cực Nam nghĩa là Arabia: rõ ràng là các biên giới lý tưởng và lịch sử cửa vương quốc Israel đã bị vượt qua một cách rộng rãi trong quan niềm đại đồng mới của nền quân chủ thần quyền của Israel.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 30.12.2016)