Với ta, Đức Kitô là ai?

Phêrô và phaolô là hai khuôn mặt lớn trong việc rao giảng Tin Mừng. Cuộc đời Phêrô sau khi gặp những thử thách thay vì nhút nhát là một dạ can trường, thay vì chao đảo là một lòng xác tín. Sau khi Thánh Thần hiện xuống ông là người đầu tiên công khai rao giảng Tin Mừng Chúa Cứu Thế cho mọi người, đặc biệt là người Do thái.

Khi Chúa Giêsu đặt ông làm đá tảng Hội Thánh ông đã sống đúng với chức vị của mình, ông làm chứng và rao giảng hết sức hùng hồn về Đức Giêsu Kitô bị giết và đã sống lại từ cõi chết “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, chúng tôi xin làm chứng”.. Phêrô cũng cho thấy chính Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất cho nhân loại, chỉ có nơi Ngài mới có được ơn cứu độ: “dưới gầm trời này có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ đó mà được cứu độ”. Quả thật ông là đá tảng vững vào trong mọi sóng gió, những điều ông rao giảng đã chứng minh bằng cái chết của ông tại Rôma.

Vua Constantin Cả (270-337) đã chiến thắng quân Maxence dưới tường thành Rôma năm 312, nhờ sự xuất hiện lạ lùng của cây Thánh Giá lơ lửng giữa không trung với hàng chữ: “In hoc signo vince” (Tin vào dấu này, ông sẽ thắng). Năm 313, ngài đã ban hành chiếu chỉ (Edit de Milan) chấm dứt cuộc bách hại người Công Giáo và cho tự do tôn giáo. Sau đó, năm 323, nhà vua mới thật sự trở lại Công giáo. Ðể tỏ lòng biết ơn về chiến thắng Maxence, ngài đã xây cất nhiều đại thánh đường nguy nga, trong số đó phải kể vương cung thánh đường Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.

Ðền thờ Thánh Phêrô được xây cất năm 326 và được nới rộng ra năm 1506 với sự cộng tác đắc lực của nhiều kỹ sư và nghệ sĩ có tiếng: Rosellinô. Bramante, Raphael, Michel Ange, Carlô Modernô và Silvestrê. Riêng cái tháp cao 138m, rộng 42m. Thánh Silvestrê và Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã thánh hiến ngày 18/11/1626.

Ðền thờ Thánh Phaolô được xây cất trên đường Ostie, bên “ngoài thành” Vatican, và được thánh hiến cũng cùng một ngày với đền thánh Phêrô. Năm 1823, một cuộc hỏa tai đã thiêu hủy gần hết và Ðức Grêgoriô XVI và Ðức Piô IX đã chọn ngày định tín “Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” để thánh hiến lại, với sự chứng kiến đông đảo của các Giám mục.

Từ xưa tới nay, Giáo Hội vẫn có thói quen liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trong một triều thiên vinh quang. Kinh Tiền Tụng hôm nay đã diễn tả như sau: Thánh Phêrô là vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng Đức Kitô. Thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu Đức Kitô. Thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho những người Israel còn lại. Thánh Phaolô là thầy và là đấng dạy dỗ muôn dân được kêu gọi. Và kinh Tiền Tụng đã kết luận: Các ngài đã dùng những đường lối khác nhau mà quy tụ một gia đình cho Chúa. Với lời ca tụng trên đây, Giáo Hội không những đề cao sự hợp nhất giữa hai đường lối khác nhau mà còn ngợi khen sự hợp nhất giữa hai con người có nhiều khác biệt.

Thật vậy, thánh Phêrô vốn bản chất dân chài lưới, trực tính và nghiêng về thực tiễn. Còn thánh Phaolô là người trí thức, hay lý luận và thích đào sâu giáo lý. Thánh Phêrô quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng cho người đạo cũ, nên không muốn sửa đổi nhiều những gì vốn có kẻo phật lòng họ.

Còn thánh Phaolô nhằm truyền bá đức tin cho các dân ngoại, nên muốn bỏ đi những lề luật của đạo cũ không còn thích hợp, kẻo nặng gánh cho những người dân ngoại xin tòng giáo. Thánh Phêrô là Giáo hoàng, nhưng không vì thế mà áp đặt ý kiến của mình. Thánh Phaolô là Giám mục, nhưng không vì thế mà không thẳng thắn trình bày quan điểm riêng của mình, để trao đổi và bàn luận. Thánh Phêrô là người đã có lần chối Chúa vì yếu đuối và đã ăn năn sám hối do cái nhìn xót thương của Chúa. Còn thánh Phaolô đã có lần bắt bớ đạo Chúa vì lầm lạc và đã trở lại nhờ sự giúp đỡ của một môn đệ Chúa.

Với nhiều khác biệt, hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ đã được liên kết lại để bổ túc cho nhau, làm cho nền móng của Giáo Hội được bền vững. Động lực liên kết các ngài lại với nhau chính là việc mở rộng Nước Chúa. Cái nhìn trên đây giúp chúng ta thêm tin tưởng hơn vào Chúa trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo Hội.

Đúng vậy, Giáo Hội là hình ảnh của sự quy tụ hiệp thông và liên kết. Giáo Hội là khí cụ kết hợp với Chúa và với nhân loại. Trong Giáo Hội có yếu tố Thiên Chúa và cũng có yếu tố nhân loại. Có người nhân đức và cũng có kẻ tội lỗi. Có phẩm trật và cũng có thành phần dân Thiên Chúa. Giáo Hội vừa trung thành với truyền thống vừa phải đổi mới cho thích hợp với lịch sử từng thời và từng nơi. Giáo Hội vừa củng cố đức tin cho người có đạo lại vừa truyền bá đức tin cho người ngoại đạo.

Biết liên kết những cái khác nhau trong Giáo Hội và trong nhân loại là một đặc điểm quan trọng của Kitô giáo. Bởi vậy trong giây phút này chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất, mặc dù có những khác biệt trong lòng Giáo Hội, nhưng chúng ta vẫn có thể và phải liên kết phải trở nên một hầu ước vọng của Chúa Giêsu sẽ là một sự thật: Xin cho mọi người được hợp nhất trong chúng ta để cho thế gian nhận biết rằng Cha đã sai con.

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh Phêrô tuyên xưng Ðức Giêsu Con Thiên Chúa hằng sống; và với lời tuyên xưng này, thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu “trao chìa khóa Nước Trời”, tức là quyền lãnh đạo Dân Chúa.

Câu hỏi với thánh Phêrô cũng là một câu hỏi đặt ra cho mọi kitô hữu : “”Ðối với bạn, Ðức Giêsu là ai ?”

Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin của giáo hội tiên khởi đối với Chúa Giêsu. Đó là sứ điệp họ rao giảng, Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Những ai đón nhận sứ điệp đó thì tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa duy nhất hiện hữu và tỏ mình ra nơi Đức Kitô. Khi tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, và nhận lãnh ơn thánh Chúa ban qua đức Kitô, chúng ta chấp nhận thay đổi lối sống. Chúa Giêsu còn hơn là một gương mẫu cho người có đức tin.Thiên Chúa ban cho nhân loại ân sũng để sống trong Đức Kitô, một lối sống đầy thương yêu và phục vụ, đặc biệt là để phục vụ những ai mà Chúa Giêsu phục vụ, đó là những người thấp hèn nhất trong xã hội trần gian.

Tùy theo tâm tính hay nghề nghiệp… có nhiều câu trả lời khác nhau. Ðối với một học sinh, Ðức Giêsu có thể là một Thầy Giáo tận tụy. Ðối với một công nhân, Ðức Giêsu có thể là người cùng chia sẻ lao động cực khổ với con người. Ðối với người trẻ, Ðức Giêsu có thể là tình yêu, là sự thật, là lẽ sống; bởi lẽ, người trẻ dễ cảm nhận được sự ngọt ngào của tình yêu, thiết tha đi tìm kiếm sự thật làm lẽ sống cho mình.

Mạc khải đã mở trí, mở lòng cho Phêrô tuyên xưng “Thày là Đức Kitô con Chúa Trời hàng sống” cũng là mạc khải của chúng ta, khi phải đương đầu với các cửa hoả ngục. Trên những cửa đó, người ta viết: Yếm thế, khi tiếp xúc với tha nhân; Tuyệt vọng, khi đối phó với các khó khăn lớn: nghèo đói, chiến tranh; Ham muốn vô độ, khi thu tích tài sản, bất chấp lương tâm và quyền lợi người khác; Vô cảm, trước những quằn quại, đau thương của nhân loại; Hèn nhát, khi đức tin gặp thử thách gian nan; A dua đồng thuận, khi cần đến tiếng nói ngôn sứ, chống lại lạm dụng và băng hoại luân lý; Nguội lạnh, phá hoại các sinh hoạt tôn giáo. Độc tài chuyên chính, áp bức bóc lột và vô số dòng chữ tương tự.

Một đức tin vững như bàn thạch đã được ban tặng cho các tín hữu và lòng tín thác vào Đấng đã dạy bảo Phêrô : “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”, cho phép chúng ta tin chắc dù cửa hoả ngục với tất cả các tàng hình của nó sẽ không thể nào đánh bại Giáo hội và những tâm hồn lành thánh.

Phần ta, ta cũng sẽ đối diện với Chúa và ta cũng trả lời rằng Chúa là ai đối với ta và ta sẽ tự do trả lời với Chúa khi Chúa hỏi ta.

Huệ Minh

Exit mobile version