Câu trả lời của Kinh Thánh
Thánh linh, hay thần khí, là quyền năng hay lực hoạt động của Đức Chúa Trời (Mi-chê 3:8; Lu-ca 1:35). Đức Chúa Trời sai thần khí đến bất cứ đâu để thực hiện ý định của ngài. —Thi-thiên 104:30; 139:7.
Từ “thần khí” trong Kinh Thánh bắt nguồn từ chữ Hê-bơ-rơ ruʹach và chữ Hy Lạp pneuʹma. Trong hầu hết các trường hợp, hai từ này ám chỉ lực hoạt động của Đức Chúa Trời, tức thần khí (Sáng-thế Ký 1:2). Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng dùng hai từ này theo một số nghĩa khác:
- Hơi thở.
—Ha-ba-cúc 2:19; Khải huyền 13:15. - Gió.
—Sáng-thế Ký 8:1; Giăng 3:8. - Lực sống, hay sinh khí, trong con người và các sinh vật.
—Gióp 34:14, 15. - Tính khí hay thái độ của một người.
—Dân-số Ký 14:24. - Các thần linh, gồm Đức Chúa Trời và các thiên sứ.
—1 Các Vua 22:21; Giăng 4:24.
Những nghĩa này đều ám chỉ điều mắt thường không thấy được nhưng có tác động hữu hình. Thần khí của Đức Chúa Trời cũng vậy, là “lực vô hình, phi vật chất và mạnh mẽ giống như gió”. —Từ điển giải nghĩa các từ trong Tân ước của W. E. Vine.
Khi nói về thần khí của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cũng dùng những từ như “tay” hoặc “ngón tay” (Thi-thiên 8:3; 19:1; Lu-ca 11:20; Ma-thi-ơ 12:28). Như một thợ thủ công dùng tay và ngón tay để tạo ra các sản phẩm, Đức Chúa Trời dùng thần khí để thực hiện những việc sau:
- Tạo ra vũ trụ.
—Thi-thiên 33:6; Ê-sai 66:1, 2. - Hướng dẫn việc viết ra Kinh Thánh.
—2 Phi-e-rơ 1:20, 21. - Cho những người phụng sự ngài thời xưa khả năng làm phép lạ và thực thi công việc truyền giáo cách sốt sắng.
—Lu-ca 4:18; Công vụ 1:8; 1 Cô-rinh-tô 12:4-11. - Giúp những người vâng lời ngài thể hiện các đức tính tốt.
—Ga-la-ti 5:22, 23.
Thánh linh không phải là một nhân vật
Qua việc dùng từ “tay”, “ngón tay”, “hơi” để ám chỉ thần khí của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cho thấy thần khí không phải là một nhân vật (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:8, 10). Tay của người thợ thủ công không thể hoạt động độc lập với trí óc và cơ thể ông; tương tự, thần khí của Đức Chúa Trời chỉ có thể hoạt động khi được ngài điều khiển (Lu-ca 11:13). Kinh Thánh cũng ví thần khí của Đức Chúa Trời với nước và liên kết với những điều như đức tin và sự hiểu biết. Tất cả những sự so sánh này cho thấy thần khí là vô nhân cách. —Ê-sai 44:3; Công vụ 6:5;2 Cô-rinh-tô 6:6.
Kinh Thánh cho chúng ta biết tên của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và con ngài là Chúa Giê-su, nhưng không chỗ nào ghi lại tên của thần khí (Ê-sai 42:8; Lu-ca 1:31). Khi Ê-tiên, tín đồ tử vì đạo, nhận được một khải tượng về cảnh trên trời, ông chỉ thấy hai đấng, không phải ba. Kinh Thánh nói: “Ê-tiên tràn đầy thần khí ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su đứng bên hữu ngài” (Công vụ 7:55). Thần khí của Đức Chúa Trời đã hoạt động trên Ê-tiên, giúp ông nhìn thấy khải tượng này.
Những quan điểm sai về thánh linh
Quan điểm sai: “Chúa Thánh Thần”, hay thần khí, là một nhân vật vàmột ngôi trong Chúa Ba Ngôi, như được nói ở 1 Giăng 5:7, 8 trong bản dịch Trịnh Văn Căn.
Sự thật: Câu 1 Giăng 5:7, 8 trong bản dịch Trịnh Văn Căn có đoạn: “Vậy chúng ta có ba chứng nhân ở trên trời là: Chúa Cha, Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần, cả ba chỉ là một”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những lời này không phải do sứ đồ Giăng viết và vì vậy không thuộc về Kinh Thánh. Giáo sư Bruce M. Metzger viết: “Chắc chắn những lời này là giả mạo và không được phép có mặt trong Tân Ước”. —A Textual Commentary on the Greek New Testament.
Quan điểm sai: Kinh Thánh nhân cách hóa thần khí, đây là bằng chứng cho thấy thần khí là một nhân vật.
Sự thật: Một số chỗ trong Kinh Thánh nhân cách hóa thần khí, nhưng đây không phải là bằng chứng cho thấy thần khí là một nhân vật. Kinh Thánh cũng nhân cách hóa sự khôn ngoan, sự chết và tội lỗi (Châm-ngôn 1:20; Rô-ma 5:17, 21). Ví dụ, Kinh Thánh nói sự khôn ngoan có “hành động” và “con cái”, còn tội lỗi được miêu tả là cám dỗ, giết người và sinh ra sự tham lam. —Ma-thi-ơ 11:19; Lu-ca 7:35, Bản Dịch Mới;Rô-ma 7:8, 11.
Tương tự, khi ghi lại lời của Chúa Giê-su, sứ đồ Giăng nhân cách hóa và miêu tả thần khí là “đấng trợ giúp” có thể hướng dẫn, cho thấy bằng chứng, nói, nghe, loan báo, làm vinh hiển và nhận. Trong nguyên ngữ, ông dùng đại từ nhân xưng giống đực khi nói về “đấng trợ giúp” này (Giăng 16:7-15, chú thích). Tuy nhiên, lý do là vì chữ Hy Lạp cho từ “đấng trợ giúp” (pa·raʹkle·tos) là danh từ giống đực, vì vậy ngữ pháp Hy Lạp đòi hỏi phải dùng kèm với đại từ nhân xưng giống đực. Nhưng Giăng dùng đại từ nhân xưng trung tính cho danh từ dạng trung tính làpneuʹma khi ám chỉ đến thần khí. —Giăng 14:16, 17.
Quan điểm sai: Phép báp-têm nhân danh thần khí chứng tỏ thần khí là một nhân vật.
Sự thật: Một số chỗ trong Kinh Thánh, từ “danh” tượng trưng cho sức mạnh hoặc uy quyền (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:5, 19-22; Ê-xơ-tê 8:10). Điều này tương tự như cách nói “nhân danh pháp luật”, dù pháp luật không phải là một nhân vật. Một người báp-têm “nhân danh ” thần khí theo nghĩa nhìn nhận sức mạnh và vai trò của thần khí trong việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời. —Ma-thi-ơ 28:19.
Quan điểm sai: Các sứ đồ và môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu tin thần khí là một nhân vật.
Sự thật: Không có bằng chứng nào trong Kinh Thánh hay lịch sử chứng minh điều này. Bách khoa từ điển Anh Quốc nói: “Khái niệm thần khí là một Đấng thánh… bắt đầu hình thành từ Công đồng Constantinople vào năm 381 công nguyên”. Vậy, khái niệm này xuất hiện khoảng hơn 250 năm sau khi sứ đồ cuối cùng qua đời.