Việc kiến tạo hạnh phúc thiên đàng trong hiện tại

Catholicism - Việc kiến tạo hạnh phúc thiên đàng trong hiện tại
Muc lục

GIẢI ĐÁP:


A. TRÌNH BÀY:

1. Thiên đàng là một thực tại:

1) Phù hợp với sự khôn ngoan và đức công bình vô cùng
của Thiên Chúa, và đó cũng chính là cùng đích mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giê-su: Người đến để trả lại cho loài người chúng ta sự sống mà nguyên tổ A-đam E-và xưa đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng, để phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho chúng ta bắt đầu từ trần gian, và kéo dài mãi trên thiên đàng đời sau (x. Rm 5,12-21).

2) Một
chân lý đức tin mặc khải:

a) Đức Giê-su nhiều lần đề cập đến thiên đàng
trong các bài giảng của Người:

– “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

– “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

– “Anh em hãy vui mừng hớn hở, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không đào ngạch và lấy đi được (Mt 6, 19-20).

-Trong dụ ngôn “Những nén bạc”, ông chủ nói với người đầy tớ biết làm lợi thêm những nén bạc ông đã trao: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

b) Đức Giê-su cũng nói với các Tông đồ về thiên đàng
như sau: “Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3).

c) Đến ngày tận thế, Đức Giê-su Vua Thẩm Phán
sẽ tái lâm để phán xét chung. Tin mừng Mát-thêu tường thuật như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).

d) Tin Mừng Lu-ca đã ghi nhận sự kiện Đức Giê-su lên trời
như sau: “Chúa Giêsu được đem lên Trời” (Lc 24,51). Trời đây không phải trời xanh, mà là Thiên đàng, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ngự trị muôn đời.

e) Thánh Phao-lô cũng quả quyết có thiên đàng vĩnh cửu
sau cuộc đời trần gian hôm nay: “Quả thật, chúng ta biết rằng: Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đấtlà chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1).

2. Hạnh phúc thiên đàng ra sao ?

1) Những quan niệm sai lạc về hạnh phúc thiên đàng:
Một số người có những ý nghĩ không đúng về thiên đàng. Chẳng hạn:

a) Chỉ là
phần thưởngcủa Thiên Chúa: Chúa hứa ban hạnh phúc thiên đàng đểkhuyến khích các tín hữu tin Chúa và ăn ngay ở lành, giống như cha mẹ hứa cho con cái mình bánh kẹo để khích lệ chúng chăm chỉ học tập. Như thế chẳng lẽ người ta chỉ tin Chúa và làm các việc lành chỉ vì lòng ích kỷ, để tìm lợi ích riêng cho bản thân mình mà thôi hay sao ?

Thực ra, thiên đàng tuy là một phần thưởng (x. Mt 5,12), nhưng trước hết, thiên đàng là hậu quả tất yếu của cuộc sống đức tin thể hiện qua đức cậy và đức mếncủa mỗi người chúng ta. Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên hướng về Chúa và chúng ta sẽ còn xao xuyến mãi cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa là được về thiên đàng, như thánh Au-gút-ti-nô đã nói. Sống mà không hướng về Thiên Chúa thì cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Chúng ta làm lành không phải chỉ để được thưởng công trên thiên đàng, nhưng để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa. Hạnh phúc thiên đàng là hậu quả tất yếu, giống như người nông dân gieo hạt giống tốt, và nếu chăm chỉ làm việc thì đương nhiên sẽ gặt hái được hoa trái là hạnh phúc thiên đàng đời sau.

b) Một số người lại tưởng tượng ra hạnh phúc thiên đàng theo sở thích
của mình: Là nơi không còn phải ưu phiền thử thách, khỏi bị đau khổ, nhưng được sung sướng khoái lạc, được nhìn thấy những phong cảnh đẹp chưa từng được thấy, được nghe những điệu nhạc du dương chưa từng được nghe ở trần gian…

Thực ra, hạnh phúc Thiên Đàng trước hết là hạnh phúc siêu nhiên tinh thần, thỏa mãn được những như cầu của linh hồn chúng ta, được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa “diện đối diện” như lời thánh Phao-lô dạy: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12).

c) Có người lại quan niệm thiên đàng theo kiểu tình cảm trần gian
: Theo họ: khi lên thiên đàng chúng ta sẽ được gặp lại những người thân của mình khi còn sống, được nối lại tình xưa nghĩa cũ, vợ chồng con cái, cha mẹ anh em sẽ sống quây quần bên nhau như ở trần gian…

Thực ra, thiên đàng không phải chỉ là nơi để gặp gỡ các người thân của mình. Thiên Đàng tuy là một gia đình, nhưng là một đại gia đìnhthiêng liêng, là nhà của Thiên Chúa là Cha chung, trong đó mọi người đều là anh chị em với nhau.

2) Vậy hạnh phúc thiên đàng thực sự thế nào ? :
Hiện nay chúng ta không thể diễn tả hạnh phúc Thiên Đàng như thế nào, vì chưa có ai được lên đó. Muốn hiểu hạnh phúc ấy, ta nên dựa vào Lời Chúa như sau:

a) Theo sách Khải huyền
: “Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Ðây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21.3-4).

b) Thánh Phê-rô
cũng khuyên các tín hữu: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỷ” (1 Pr 4,13).

c) Thánh Phao-lô
đã viết về hạnh phúc Thiên đàng như sau: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe,lòng người không hề nghĩ tới. Đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵncho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

3) Sự tiếp nhận hạnh phúc thiên đàng nhiếu ít là do phấn đấu của mỗi người:

a) Ơn cứu độ được ban cho hết mọi người:
Trong dụ ngôn “Những người thợ đi làm vườn nho”, nhiều người đi làm vườn nho vào những thời điểm khác nhau trong ngày, nhưng đến cuối ngày, mọi người đều được chủ trả lương một đồng bằng nhau (x. Mt 20,1-15). Qua đó cho thấy: Người ta được ơn cứu độ là do tinh thương bao dung của Thiên Chúa, hơn là do công sức riêng của bản thân mình.

b)
uy nhiên,mọi người không được hạnh phúc bằng nhau: Mỗi người được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa nhiều ít tùy theo công việc tốt đã làm khi còn sống ở trần gian. Ai yêu mến và làm các việc lành theo thánh ý Thiên Chúa nhiều thì ở đời sau sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều hơn. Còn người yêu mến ít và làm ít việc lành khi còn sống, nên đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ít hơn trên thiên đàng.

c) Đây cũng là
điều hợp lý và phù hợp với đức công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Thánh Kinh đã đề cập về vấn đề này như sau:

– Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

– “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạyngười ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời ” (Mt 5,19).

– Thánh Phao-lô trình bày mức độ hạnh phúc thiên đàng khác nhau như sau: “Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,39-44).

– Về sau, Công đồng Florence (1414 -1418) cũng đã khẳng định: “các Đấng Thánh tùy theo công trạng khác nhau sẽ được thấy Chúa khác nhau, người này hoàn hảo hơn người kia”.

– Tuy không bằng nhau, nhưng sẽ không có phân bì ganh ghét, vì mỗi người đều được tràn đầy hạnh phúc, đều ý thức rõ ràng tình yêu và sự công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Ta có thể ví hạnh phúc Thiên Đàng giống như nước được đổ vào các đồ chứa mỗi người mang theo lên thiên đàng. Ai ở trần gian làm được nhiều việc lành giống như người sắm cho mình một chiếc chậu to, đang khi người khác làm ít việc lành lại chỉ có được một chiếc tô hay chén nhỏ… Vì ai nấy đều được Chúa đổ đầy ân sủng, nên tuy được hưởng hạnh phúc nhiều ít khác nhau, nhưng không phân bì ganh ghét lẫn nhau.

4) Thiên đàng là nước tình yêu của Thiên Chúa:

a) Sống trên trần gian
người tín hữu hướng về Thiên Chúa bằng ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến:

Đức Tin làm cho ta thấy Chúa hiện diện trong mọi tạo vật để ngợi khen cảm tạ Chúa.

Đức Cậy làm cho ta vững lòng cậy trông để cầu xin Chúa ban ơn cứu độ.

Đức mến làm cho ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và tìm cách đáp lại tình yêu ấy.

b) Nhưng ở trên Thiên Đàng thì khác:

Đức tin không còn cần thiết vì ta đã được nhìn thấy Thiên Chúa “diện đối diện” (1 Cr 13,12).

Đức cậy cũng không còn, vì ta luôn có Chúa và không sợ phải lìa xa Chúa bao giờ.

Chỉ có đức mến sẽ tồn tại mãi mãi và là nhân đức trọng nhất (1 Cr 13,13).

Các thánh trên thiên đàng sẽ luôn yêu mến Thiên Chúa vả yêu mến nhau, nên các ngài luôn được hưởng hạnh phúc viên mãn.

c) Thiên Đàng là Nước Tình Yêu:
Các Thánh sẽ không ngừng yêu mến Thiên Chúa, và nhờ tình yêu sẽ có tất cả như thánh Phao-lô đã viết: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Các tín hữu đang sống ở trần gian vẫn có thể được hưởng hạnh phúc thiên đàng khi biết loại khỏi lòng trí các tội lỗi và các thói hư, để luôn sông tình mến Chúa yêu người. Khi sống trong tình yêu thương là chúng ta sẽđược sống trong Thiên Chúa, hưởng được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn, được hưởng hạnh phúc ngay từ đời này và sẽ kéo dài hạnh phúc ấy mãi mãi trên thiên đàng đời sau.

B.PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA:

– Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

– Đức Giê-su nói với người gian phi có lòng sám hối: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

2) LỜI CẦU:


Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã được Chúa Cha sai đến để dạy loài người chúng con nhận biết tôn thờ Thiên Chúa Cha và ban ơn cứu độ cho loài người chúng con. Chúa đã mở ra cho chúng con con đường lên trời hưởng hạnh phúc đời đời. Chúa đã trải qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang, lên trời và hứa sẽ trở lại vào ngày tận thế để đón chung con lên trời hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúa chỉ đòi chúng con tin Chúa là Đấng Thiên Sai và thành tâm sám hối tội lỗi, quyết tâm vâng đi theo con đường hẹp, leo dốc là “Qua đau khổ vào trong vinh quang”. Chúa đòi chúng con “phải bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa”, phải cùng chịu chết và cùng chịu mai táng với Chúa thì sẽ cùng được phục sinh vinh quang với Chúa. Xin cho chúng con tin theo Chúa và noi gương mẫu và sống theo lời Chúa dạy, hầu ngày một nên môn đệ thực sự của Chúa và cùng được chia sẻ hạnh phúc Nước Trời đời đời với Chúa trên Thiên Đàng đời sau. AMEN.

Trở lại Mục Lục

Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015

LM ĐAN VINH

Giám Huấn HHTM Trung Ương

Exit mobile version