|
GIẢI ĐÁP:
A. TRÌNH BÀY:
Những đám cưới mà hai người nam nữ cùng theo đạo công giáo thì không có vần đề. Tuy nhiên những đám cưới mà cô dâu chú rể khác tín ngưỡng. Chẳng hạn: người Công Giáo lấy người Phật Giáo, đạo ông bà, người không tôn giáo… thì ngoài các thủ tục theo phong tục tập quán giữa hai gia đình đàng trai đàng gái và thủ tục làm giấy công nhận kết hôn của chính quyên, giáo luật còn đòi đôi thanh niên nam nữ phải học giáo lý hôn nhân như điều kiện bắt buộc để được cử hành hôn phối tại nhà thờ. Vậy tại sao Giáo Hội công giáo lại buộc đôi dự hôn phải học giáo lý dù một bên không theo công giáo? Giáo Hội có buộc người lương phải cải đạo để theo đạo công giáo trước khi cử hành hôn lễ tại nhà thờ không?
1) Việc buộc học giáo lý hôn nhân trước khi kết hôn tại nhà thờ:
a) Chứng chỉ giáo lý hôn nhân là điều kiện để được kết hôn tại nhà thờ:
Giáo Luật đòi các đôithanh niên nam nữ cùng đạo công giáo hoặc khác đạo (công giáo và không công giáo) muốn cử hành hôn lễ tại nhà thờ thì ngoài các giấy tờ liên quan khác, còn phải xuất trình chứng chỉ giáo lý hôn phối do linh mục chính xứ hay giám đốc trung tâm giáo lý hôn nhân có uy tín cấp.
Muốn được cấp giấy chứng chỉ giáo lý hôn phối, học viên phải làm đơn đăng ký và tham dự các tiết học. Thời gian mỗi khóa giáo lý hôn nhân kéo dài từ ba đến sáu tháng tùy theo số tiết học nhiều ít mỗi tuần. Cuối cùng học viên còn phải làm bài thi đủ điểm đậu vào cuối khóa học.
– Lý do phải học giáo lý hôn nhân:
Trước khi làm việc gì, muốn đạt kết quả thì người thực hiện phải có đủ kiến thức và trình độ chuyên môn về công việc sắp làm. Chẳng hạn: Một người muốn lái xe hơi mà thiếu kiến thức luật giao thông và thiếu kinh nghiệm thực tế lái xe sẽ có nguy cơ gây ra tai nạn hoặc vi phạm luật đi đường. Cũng vậy muôn xây dựng được một gia đình hòa hợp hạnh phúc, giáo luật đòi các đôi dự hôn phải xuất trình giấy chứng chỉ giáo lý hôn nhân cũng là điều đúng đắn hợp lý.
– Nội dung giáo lý hôn nhân:
Nội dung khóa giáo lý hôn nhân gồm các đề tài liên quan đến kiến thức cơ bản về giáo lý công giáo và việc thực hành đức tin trong đời sống hôn nhân gia đình, về các phương cách duy trì và thăng tiến tình yêu vợ chồng, về tình dục và sinh con có trách nhiệm, về việc “nuôi con khỏe dạy con ngoan” và về hôn lễ mà đôi tân hôn sẽ cử hành tại nhà thờ…
2) Việc phải cải đạo để theo công giáo khi kết hôn với người công giáo:
a) Ý muốn của các phụ huynh công giáo: Hầu như cha mẹ công giáo nào khi con cái tới tuổi trưởng thành cũng đều muốn cho chúng chọn được một người chồng hay người vợ cùng đạo để bảo toàn đức tin công giáo truyền thống của gia đình.
b) Về quyền tự do tín ngưỡng: Một người lương khi quen biết với bạn trai hay gái công giáo vẫn có quyền tự do theo hay không theo đạo công giáo: Nếu người lương không có đức tin, hoặc vì hoàn cảnh là con trai trưởng, con trai duy nhất trong gia đình phải lo cúng giỗ ông bà cha mẹ qua đời… thì không nên kết hôn với người công giáo, nhưng nên chọn kết hôn với người đồng tín ngưỡng.
c) Các giải pháp người lương có thể tự do chọn khi kết hôn với người công giáo: Nếu đã quen biết với người bạn công giáo lâu ngày và hai người đã có tình yêu thương sâu đậm không thể chia tay, hoặc đã lỡ có thai với nhau… thì người lương có thể chọn một trong các giải pháp sau:
Một là thuyết phục người bạn công giáo tiến hành đám cưới nhưng không vào nhà thờ.
Hai là ý thức đây là duyên phận trời định nên cần đăng ký học khóa giáo lý dự tòng và hôn nhân để dễ dàng sống hòa hợp hạnh phúc lâu dài với người công giáo về sau.
Ba là khi có lý do chính đáng, đôi dự hôn sẽ xin phép chuẩn hôn phối khác đạo với lời hứa sẽ tôn trọng đức tin của nhau và đồng ý cho con cái được giáo dục theo đức tin công giáo.
d) Trình tự theo học khóa giáo lý dự tòng: Việc xin chịu phép rửa tội để gia nhập đạo công giáo không dễ dàng, mà đòi người lương phải có đức tin thể hiện qua bốn bước như sau:
+ Một là đôi dự hôn sẽ đến xin linh mục chính xứ bên nam nữ công giáo hướng dẫn thủ tục xin theo đạo công giáo.
+ Hai là phải thực tập sống đức tin bằng việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần tại nhà thờ và tập thói quen cầu nguyện sớm tối và trước khi dùng bữa.
+ Ba là đăng ký theohọc khóa giáo lýdự tòng và chăm chỉ nghe giảng bài và thảo luận các đề tài, học thuộc câu Lời Chúa và dâng lời nguyện tự phát cuối mỗi bài. Ngoài ra còn phải học thuộc một số kinh cần để cùng đọc kinh chung gia đình sau này.
+ Bốn là vào lúc cuối khóa còn phải viết đơn xin chịu các bí tích khai tâm là Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể đểđược gia nhập đạo, tham dự tĩnh tâm và tập lễ nghi rửa tội nữa.
e) Về sự tự nguyện: Việc học giáo lý để theo đạo là một hành vi tự nguyện chứ không bị ép buộc. Nếu một người bị ép buộc theo đạo mà không có đức tin và không thực tâm theo thì phép thánh tẩy sẽ không thành sự. Do đó nếu sau một thời gian học giáo lý mà học viên không thực lòng muốn theo, thể hiẹn qua việc không đến nhà thờ dự thánh lễ Chúa Nhật, không cầu nguyện sớm tối, không thuộc các câu Lời Chúa quan trọng và các kinh thường đọc… thì không nên viết đơn xin gia nhập đạo, để tránh tình trạng chịu phép bí tích không thành, mà còn mắc tội phạm sự thánh nữa. Người ta cũng thường phê phán những người theo đạo thiếu thành tâm này như sau: “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ! ”
g) Về phép chuẩn hôn phối khác đạo: Trường hợp một người lương muốn kết hôn với người công giáo mà vì hoàn cảnh không thuận lợi. Chẳng hạn: là con trai trưởng phải lo cúng giỗ ông bà cha mẹ, hoặc đã lỡ ăn ở với nhau mang bầu mà không đủ thời gian học giáo lý dự tòng để theo đạo, thì tùy theo sự khôn ngoan và đức bác ái mục tử, linh mục chính xứ sẽ cho đôi dự hôn tiến hành thủ tục xin phép chuẩn hôn phối khác đạo, nghĩa là hai người được phép kết hôn tại nhà thờ theo thỏa thuận “đạo ai nấy giữ”.
Đôi hôn phối khác đạo phải làm đơn xin cử hành phép chuẩn hôn phối khác đạo gửi về tòa giám mục với lời cam kết: Hai bên hứa sẽ tôn trọng tự do tín ngưỡng thể hiện qua việc tránh xúc phạm đến đức tin của nhau, đồng ý cho bên công giáo quyền lo cho các con trai con gái sẽ sinh ra được chịu phép thánh tẩy sau khi sinh một tháng và được học các lớp giáo lý theo lứa tuổi. Bên công giáo thành tâm sống đạo để làm chứng cho Chúa, hầu sau này khi có điều kiện người chồng hay vợ bên lương sẽ gia nhập đạo công giáo để gia đình được hòa hợp trọn vẹn.
h) Về thủ tục giấy tờ khi xin kết hôn theo giáo luật: Cũng như muốn xin việc làm tại cơ quan hay xí nghiệp, ứng viên phải có đủ giấy tờ theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, thì việc người lương muốn kết hôn với người công giáo, cũng phải nộp đủ các loại giấy tờ như sau:
+ Về phạm vi đời: Phải nộp giấy công nhận kết hôn do chính quyền dịa phương cấp, giấy chứng nhận chồng hay vợ trươc đã chết, giấy tòa án chứng nhận hai vợ chồng trước đã ly hôn, giấy xác nhận của người chồng hay vợ lương trước đây không muốn sông chung với người chồng hay vợ theo đạo công giáo để đủ điều kiện hưởng đặc ân thánh Phao-lô.
+ Về phạm vi đạo: phải có giấy chứng chỉ giáo lý hôn nhân của 2 người dự hôn, giấy giới thiệu của LM chánh xứ xác nhận người này là giáo dân trong xứ đã chịu phép rửa tội, Thêm sức và còn độc thân; Giấy chứng rửa tội do nơi đã ban phép rửa tội mới cấp không quá sáu tháng, nhằm truy gốc về tình trạng độc thân; Giấy đã rao hôn phối không có trở ngại kết hôn; Giấy tự khai điều tra nhân thân…
Tóm lai: Việc người lương xin theo đạo công giáo để kết hôn với người công giáo hay xin cử hành nghi thức phép chuẩn hôn phối khác đạo tai nhà thờ (với nhưng điều kiện kèm theo) là một việc làm hoàn toàn tự giác và tự nguyện chứ không bị ai ép buộc.
B. PHÚT HỒI TÂM:
1) LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy người chồng hay vợ công giáo phải ứng xử thế nào nếu gặp trường hợp người chồng hay vợ bên lương không theo đạo cấm cản: “Nếu anh em nào có vợ ngoại mà người đó thuận ở với mình, thì chớ rẫy vợ. Và người vợ nào có chồng ngoại mà người đó thuận ở với mình, thì đừng bỏ chồng. Vì chồng ngoại được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại được thánh hóa nhờ người chồng có đạo” (1 Cr 7, 12-14).
2) LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Xin giúp các gia đình tín hữu chúng con sống hòa hợp hạnh phúc theo ý Chúa muốn. Xin củng cố tình yêu vẫn còn nhiều giới hạn và sai sót của chúng con. Đặc biệt xin Chúa thương những đôi vợ chồng không cùng đức tin. Xin đổ ơn Thánh Thần giúp họ vượt qua những khác biệt về đức tin, để nên bạn trăm năm chia ngọt sẻ bùi với nhau, và sẵn sàng giúp nhau sông tình con thảo với Cha và tình huynh đệ trong Hội thánh.- Amen.
PHỤ CHÚ:
Hội Thánh Công giáo công nhận hai loại hôn nhân : Một là hôn nhân tự nhiên là sự kết hôn giữa hai người nam nữ kết hôn hợp pháp. Hai là bí tích Hôn phối giữa hai người nam nữ đều là tín hữu công giáo. Bí tích hôn phối là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ đủ điều kiện kết hôn trước sự chứng kiến và chúc phúc của thừa tác viên của Hội Thánh có quyền chứng hôn. Về bản chất, sự kết hợp này là duy nhất và vĩnh viễn. Giáo luật Công giáo còn có các quy định cụ thể về việc cử hành bí tích Hôn phối từ điều 1055 đến điều 1065. Vấn đề sinh sản và giáo dục con cái được coi là một yếu tố quan trọng đi kèm trong hôn nhân Công giáo.
1. VỀ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO:
1) Quan niệm:Giáo hội Công giáo xác định hôn nhân công giáo là một “bí tích” do Đức Giê-su đã thiết lập trong bữa tiệc cưới tại thành Ca-na và trong bữa tiệc đó Người đã làm dấu lạ cho nước lã trở thành rượu nho để giúp đôi tân hôn. Về sau Đức Giê-su đã tuyên bố về tính “bất khả phân ly” của hôn nhân và cấm sự ly hôn khi trả lời các người Pha-ri-sêu như sau: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6). Như vậy, hôn nhân công giáo mang tính thánh thiêng. Chính việc nói lời ưng thuận của đôi tân hôn trước sự chứng kiến và chúc phúc của thừa tác viên Hội Thánh là linh mục hay phó tế và hai nhân chứng, làm cho lời kết ước giữa hai người nam nữ trở thành giao ước vĩnh cửu giữa Đức Giê-su và Hội Thánh. Người Công giáo tin rằng khi cử hành bí tích hôn nhân, tình yêu của đôi bạn sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và ban ơn giúp hai người chung thủy với nhau suốt đời, trong một giao ước doChúa Giê-su đã thiết lập. Trong bí tích hôn phối, chính đôi tân hôn cử hành kết ước chứ không phải linh mục hay phó tế chứng hôn. Linh mục hay phó tế chỉ là người thay mặt Thiên Chúa và Hội Thánh đứng ra chứng hôn để làm cho việc kết ước giữa hai người thành sự và sau đó chúc phúc cho họ, để giúp họ chu toàn lời thề hứa chung thủy và sống trăm năm hạnh phúc với nhau.
2) Đặc tính: Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính là độc hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (tồn tại vĩnh viễn), dựa vào lời Chúa Giê-su: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
Ngoài ra, Hội thánh Công giáo tuy rất thông cảm với tình trạng của những người ái nam ái nữ, nhưng không công nhận hôn nhân giữa hai người đồng giới nghĩa là nam kết hôn với nam và nữ kết hôn với nữ, vi hôn nhân này không phù hợp với lời Đức Chúa phán khi thiết lập hôn nhân tự nhiên.
3) Ý nghĩa:
Do mang đặc tính như vậy nên người Công giáo tin rằng đôi thanh niên nam nữ lãnh nhận bí tích hôn nhân có bổn phận trung thành với nhau mãi mãi. Giáo hội Công giáo quan niệm rằng: con người được sinh ra là do Thiên Chúa, vì thế, hôn nhân cũng là sự cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa qua việc sinh sản.
Tuy nhiên, cuộc sáng tạo của Thiên Chúa ngoài việc sinh sản còn bao gồm các yếu tố của một cuộc sống hạnh phúc như: chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, cải thiện chất lượng sống cho con người… nên phải sinh con có trách nhiệm, nghĩa là không phải chỉ biết sinh nhiều về số lượng, mà còn phải quan tâm đến sức khỏe của con cái và khả năng nuôi dạy của cha mẹ, hầu sau này chúng sẽ trở thành những công dân tốt trong xã hội và những tín hữu đạo hạnh của Thiên Chúa.
Giáo hội Công giáo không công nhận những đôi hôn phối chỉ kết hôn dân sự (làm giấy công nhận kết hôn) mà không cử hành nghi thức hôn phối theo phép đạo tại nhà thờ. Giáo luật khẳng định: “Giữa những người tín hữu đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích hôn phối. Những người công giáo chưa chịu bí tích Thêm Sức, phải lo lãnh nhận bí tích ấy trước lễ hôn phối hết sức có thể, nếu không gặp sự khó khăn trầm trọng” (x. GL điều 1055 và 1065).
2. ĐIỀU KIỆN CỦA BÍ TÍCH HÔN NHÂN:
Hôn nhân công giáo phải hội đủ những điều kiện như sau:
1) Về sự tự do:
Tự do tinh thần: tự do kết hôn, không chịu sức ép nào từ bên ngoài (gia đình, người thân, các khoản khế ước, vay nợ…). (Giáo Luật, điều 1057).
Tự do dân sự: không bị ràng buộc về mặt pháp lý hôn nhân dân sự (như đang có hôn thú với người khác) và pháp lý về độ tuổi dân sự theo luật pháp quốc gia (ở Việt Nam, nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên).
2) Về đức tin tôn giáo:
Người nam và người nữ phải đồng đạo nghĩa là đã chịu phép thánh tẩy (rửa tội) theo nghi thức Công giáo, có giấy chứng nhận của nhà thờ nơi đã được chịu phép rửa tội.
Người nam và người nữ chưa lãnh nhận bí tích hôn phối lần nào, hoặc không còn bị ràng buộc bởi một bí tích hôn phối trước đó . Chẳng hạn khi chồng hay vợ mình đã qua đời tự nhiên.
Trước hôn lễ, đôi dự hôn phải học khóa giáo lý hôn phối và được cấp giấy chứng nhận. Lớp giáo lý hôn nhân được tổ chức tại nhà thờ giáo xứ hay tại một trung tâm giáo lý có uy tín, để giúp cho người chuẩn bị kết hôn những kiến thức cần biết về đức tin, kỹ năng sống chung trong gia đình, sinh sản và giáo dục con cái.
Không bị vướng vào một hay nhiều “ngăn trở” theo Giáo Luật.
Người tín hữu Công giáo phải cử hành hôn lễ theo nghi thức Công giáo. Nếu ai cử hành nghi thức không Công giáo sẽ bị chế tài tôn giáo, và những người tham dự vào nghi thức đó cũng chịu hình phạt tương tự.
3) Vấn đề tính dục, sinh sản:
Giáo Luật, điều 1061: Hôn phối hữu hiệu giữa những người đã chịu phép rửa tội được gọi là thành nhận khi được cử hành theo nghi thức kết hôn tại nhà thờ; hôn phối được gọi là hoàn hợp khi đôi bạn đã được thành nhận mà có sự giao hợp với nhau phù hợp với nhân tính. Sự giao hợp là hành động hướng đến việc sinh sản con cái, tức là một mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành động ấy, đôi bạn trở nên một thân xác (thành thân).
Sau khi đã cử hành hôn phối, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau thì sự hoàn hợp được suy đoán cho đến khi có bằng chứng chứng minh ngược lại.
Hôn phối không thành sự (vô hiệu) được coi là giả định, nếu đã được cử hành tại nhà thờ với sự ngay tình, ít ra là của một bên, cho đến khi cả hai bên đều biết chắc chắn về sự vô hiệu hay không thành sự của nghi thức hôn phối.
4) Vấn đề ngừa thai, phá thai:
– Ngừa thai: Giáo hội Công giáo quan niệm rằng, sinh sản là do quyền năng của Thiên Chúa, con người chỉ cộng tác vào sứ mạng này qua hôn nhân. Ngừa thai là loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi sứ mạng sinh sản ấy. Do đó, Giáo hội không cho phép sử dụng các biện pháp tránh thai nhân tạo (can thiệp trực tiếp để ngăn cản tiến trình thụ thai), mà chỉ được dùng cách ngừa thai tự nhiên (tính theo chu kỳ kinh nguyệt để biết ngày nào trứng rụng có thể đậu thai hầu tiết dục, nghĩa là tránh giao hợp vợ chồng trong thời gian mấy ngày trong tháng có thể đậu thai này). Mọi biện pháp can thiệp từ bên ngoài như: đặt vòng tránh thai, dùng thuốc tránh thai, dùng bao cao su…) đều bị cấm.
Tuy ngăn cấm việc ngừa thai nhân tạo và phá thai, nhưng Giáo hội cũng khuyến khích giáo dân sinh con có trách nhiệm, nghĩa là cha mẹ cần chuẩn bị để liệu sao có đủ điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con cái cả về mặt vật chất cũng như tinh thần. Tránh sinh con vô trách nhiệm khi đang trong tình trạng nghèo đói chạy ăn từng bữa, đang bị bệnh nan y… mà cứ muốn sinh thêm nhiều con cái nữa. Vì đây là nguyên nhân gây bao nỗi bất hạnh cho các gia đình. Con cái không được nuôi dạy và học hành tử tế, trở thành bất hảo và là gánh nặng cho xã hội.
– Phá thai: Vì quan niệm phá thai là giết người từ trong trứng nước, nên Giáo hội Công giáo lên án gay gắt việc phá thai và coi là một trọng tội, vi phạm nghiêm trọng giới răn thứ năm “chớ giết người”. Những ai cố tình phá thai và những người cộng tác vào việc này đều bị chế tài là bịvạ tuyệt thông.
5) Nghi thức hôn phối:
Nghi thức hôn phối Công giáo thường được cử hành trong thánh lễ có giáo dân tham dự, trước mặt linh mục hoặc phó tế có quyền chứng hôn và hai nhân chứng. Trong trường hợp đặc biệt mà không có linh mục phó tế, đôi tân hôn có thể cử hành hôn lễ trước mặt thừa tác viên là giáo dân có quyền chứng hôn và hai nhân chứng, và sau đó phép hôn phối phải được ghi vào sổ hôn phối của giáo xứ sở tại.
– Nghi thức tuyên hôn: Trước mặt linh mục và hai người chứng, chú rể và cô dâu sẽ lần lượt cầm tay nhau mà tuyên bố nhận nhau làm vợ (chồng) theo công thức như sau:
“Anh (Em) ………….nhận em (anh) …………… làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như luc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”.
– Nghi thức trao nhẫn: Chú rể và cô dâu lần lượt xỏ nhẫn cưới cho nhau và nói như sau: “T… , em (anh) hãy nhận chiếc nhẫn này để làm dấu chỉ tình yêu và chung thủy của anh (em). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Trở lại Mục Lục
Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015
LM ĐAN VINH
Giám Huấn HHTM Trung Ương