Vì sao lễ hội văn hóa thành hủ tục?

andentran - Vì sao lễ hội văn hóa thành hủ tục?
Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để sớm xin được lá ấn đền Trần
Ảnh: Giang Huy/ VnExpress

Vì cái tâm lý khát khao muốn có một “tấm bùa hộ mệnh” cho danh lợi bản thân nên những người tham dự lễ hội thay vì “xin”đã tranh giành, loại trừ nhau thậm chí là mua bán những gì gọi là “phước lộc”, “may mắn” như một kiểu “mua thần bán thánh” khiến lễ hội không là một nét đẹp văn hoá nữa mà chỉ là nơi thể hiện mê tín dị đoan đến cuồng tín.

Trong bài viết “ Hỗn loạn, cướp lộc tại lễ khai Ấn đền Trần” đăng trên Tuổi trẻ Online 22-02-2016 , tác giả Nguyễn Khánh – Vũ Viết Tuân cho biết : Lễ khai ấn từ 23g30 đêm 21-2 đến 0g sáng 22-2, hàng nghìn người dân lao vào cướp lộc, giật lộc từ các kiệu ấn, bàn thờ đền Trần. Tình trạng hỗn loạn, móc túi… xảy ra trong sân Tiêu Miếu, mặc những tiếng la hét: “ Đừng chen vào nữa ! Chết mất thôi ! ” . *

Đọc và nhìn những hình ảnh trong bài viết, bất cứ một người công dân Việt Nam nào có ý thức cộng đồng, thực sự quý trọng các giá trị văn hoá của dân tộc đều không khỏi xót xa, ngậm ngùi khi nhìn thấy những hình ảnh hỗn loạn và phi văn hoá đã diễn ra trong lễ hội xin ấn Đền Trần đang diễn ra không chỉ ở Nam Định mà còn nhiều “đền Trần” khác như “ ở Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, rồi đền Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương). Rồi khai ấn không chỉ là lễ hội ở đền nữa mà đã lan tràn sang khu trung tâm văn hóa núi Bài Thơ ở Quảng Ninh (khai ấn Hội Tao đàn, niên hiệu Hồng Đức, bắt đầu từ năm 2014), sang cả chùa Trúc Lâm đại giác – Việt Nam Trần triều điện (Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)” ** . Giá trị thực của các lễ hội chỉ còn nằm trong lý thuyết và thực tế hình thức tổ chức các lễ hội trở nên biến tướng một cách không thể tưởng tượng nỗi. Khai tại đền Trần là một hình thức thể hiện vương quyền, thể hiện sức mạnh của triều đại và tình đoàn kết của triều đại và nhân dân. Khai ấn đầu năm còn là để cầu cho quốc thái dân an, mở đầu cho một năm làm việc. Thế mà người ta lại xin cái ấn về để cầu công danh, muốn thần thánh cho mình được lợi hơn người. “ “ Thanh gậy gỗ linh thiêng được đặt trên bàn thờ trong đền Thiên Trường được nhiều người ra sức dùng tiền lẻ để quét vào cầu may ” * . Rõ ràng đây là sự nhìn nhận sai lạc ở không ít người dân và làm cho người ta chạy theo số đông cuồng tín hơn là tìm kiếm các giá trị thực chất.

“ Sự kiện thì đã rõ, nhưng chúng ta hãy thử tìm hiểu nguyên nhân vì sao bản sắc văn hoá của dân tộc ngày một nhạt nhòa, nhường chỗ cho sự xuất hiện ngaỳ càng nhiều những tư tưởng cuồng tín, mê muội trong các lễ hội văn hoá của dân tộc ? ” **

Do trình độ dân trí của dân ta thấp chăng ? Theo báo cáo hàng năm của bộ giáo dục thì công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn là vấn đề được ngành giáo dục quan tâm thực hiện. Vì thế nói vì dân ta dốt, thiếu kiến thức về văn hóa là không chính xác. Chính quyền hiện tại cũng đang tự hào là đã đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Tưởng cũng nên biết là hiện nay các cán bộ có chức có quyền, lãnh đạo các cơ quan nhà nước hay tập đoàn kinh tế là những thành phần siêng đến những nơi thánh thiên để cầu xin phúc lộc nhất. Trong lễ hội xin ấn đền Trần, ngay tại UBNDTP cũng là nơi mà ấn đền Trần được tuồn về đây trước cả giờ khai ấn. Như vậy, không phải thể nói rằng đám người cuồng tín kia là những người dân trí hay trình độ văn hóa thấp.

Do giáo dục chăng ? Chúng ta cũng đang tự hào là đã và đang xây dựng đất nước theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Một chế độ tiến bộ nhất trong lịch sử phát triển của loài người, mang lại nhiều nét ưu việt cho sự phát triển của xã hội con người. Thế nhưng nhìn vào thực tế của xã hội Việt Nam thì chưa bao giờ nền đạo đức xã hội bị băng hoại một cách trầm trọng như hiện nay. Quyền lực, tiền bạc luôn đứng đầu bậc thang giá trị của cuộc sống. Đó cũng là lý do vì sao lễ hội xin ấn đền Trần biến tướng thành nơi cầu danh, xin lợi của những người mà ngay cả thần thánh họ cũng xem là một phương tiện để cầu lợi cho bản thân mình.

Phải chăng việc giáo dục nhân bản cho con người luôn là điều kiện cần và đủ trước khi giáo dục họ theo những chủ thuyết xa rời thực tế, những lý tưởng cao siêu vì đi ngược lại những giá trị tư nhiên của con người ? Cụ thể đó là không thể xóa bỏ óc tư hữu của con người, cái gì cũng tập thể hóa, xã hội hóa mà hãy nên tập trung giáo dục người ta biết tôn trọng tự do cá nhân của người khác. Và chúng ta cũng có quyền đòi hỏi người khác đối xử như thế với mình. Như vậy, trong “ cái Tôi” sẽ có cái “ Chúng Ta”. Nếu cố tình đi ngược lại các giá trị nhân bản của con người, tức nhiên sẽ sản sinh ra những phế nhân phi văn hoá như thế. Đó là biến tướng của một nền giáo dục lệch lạc.

Và con người vốn là một hữu thể có cái tâm tôn giáo. Đó là một nhu cầu có thực và thiết yếu trong đời sống con người . Vì thế, khi cố tình đi ngược lại với sự phát triển của tự nhiên, chối bỏ Chân lý, loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống, ra khỏi môi trường giáo dục, con người có xu hướng đi tìm kiếm một điều gì khác để thay thế, để thỏa mãn cái nhu cầu thiêng liêng của mình. Và “cái gì khác” đó chính là những biến tướng của niềm tin trở thànhtệ nạn và cuồng tín.

Trong bài Nhân vụ thiên tai khủng khiếp tại Nhật Bản, linh mục Nguyễn Hồng Giáo đã đưa ra câu hỏi : “ Không biết làm sao người ta có thể vừa ra sức xây dựng một mô hình xã hội theo một học thuyết mà trong căn bản là ngược lại với nhiều giá trị căn bản của nó như lịch sử đã cho thấy?” Trả lời được câu hỏi này, là chúng ta đã tìm thấy được nguyên nhân của một số hiện tượng tiêu cực đã xảy ra ở lễ hội xin ấn đền Trần, cũng như một số vấn nạn khác nhức nhối khác trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Điền Phương Thảo

Bài viết có sử dụng nguồn từ :

*http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160222/hon-loan-cuop-loc-kinh-hoang-tai-le-khai-an-den-tran/1055017.html

**http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160224/loan-khai-an-phan-cam-thuong-mai-hoa-sao-chua-dep/1056238.html

Exit mobile version