Khi chứng kiến đoàn người vì miếng cơm manh áo phải đứng lên tìm kiếm công lý và hoà bình như thế, các Kitô hữu được mời gọi xích lại gần nhau bằng mối dây của tình đồng bào bằng lời cầu nguyện và tình liên đới với những ai bị ảnh hưởng do thảm họa môi trường và bị đối xử bất công. Đó là nguồn ai ủi lớn lao dành cho những ai đang bị thiệt thòi, đang vì thảm họa môi trường mà chịu khó khăn trăm bề. Đôi khi trong hoàn cảnh khó khăn như thế, họ cảm thấy mình bị lãng quên, vì chưa nhận được nhiều hỗ trợ. Hơn nữa, ít người biết đến họ vì họ bị cách xa sự chú ý của giới truyền thông. Hẳn nhiên trong những ngày vừa qua, giáo xứ Song Ngọc may mắn được nhiều người biết đến nhờ mạng Facebook. Qua đó, họ nhận được nhiều sự đồng cảm, sẻ chia và nguyện cầu của nhiều người trong và ngoài nước.
Là những người mang dòng máu Việt Nam, ai chẳng mong cho nước Việt thêm giàu mạnh, thêm đẹp xinh! Tuy nhiên, trước những hoàn cảnh phức tạp và khó khăn do nhiều yếu tố, đôi khi người ta cảm thấy bất lực trước hàng loạt nguyên do gây nên bất công; và nhiều lúc cũng bất lực trước hàng ngàn lý do gây nên thảm họa môi trường. Chúng dường như vượt quá sự kiểm soát của cá nhân hay một tập thể nhỏ. Phải thừa nhận rằng trong hoàn cảnh như thế, những người nghèo nhất trong số những người nghèo sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề trước tiên. Họ có thể là anh chị em, là đồng bào của ta. Họ là những nạn nhân đáng thương cần được giúp đỡ, cần được liên đới và cần những lời cầu nguyện của biết bao nhiêu người. Ước mong nhiều người trên quê hương Việt Nam này cùng chia sẻ khó khăn với những ai đang vì công bằng, vì cuộc sống ấm no, vì một môi trường thiên nhiên trong sạch lại phải chịu nhiều chống đối bất công. Hy vọng những hy sinh quả cảm của họ sớm được lắng nghe, đón nhận, để các bên cùng nhau đối thoại công bằng, minh bạch với tình đồng bào dân Việt.
Nơi từng đau khổ về thể lý cũng như tinh thần của những nạn nhân trong ngày valentine vừa qua, có sự hiện diện của Đức Giêsu vác thập giá. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi họ, không lãng quên những ai đau khổ. Ngài không cách xa những ai tìm kiếm công lý và xây dựng hòa bình. Trong hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng, sức mạnh của Thiên Chúa có thể mang đến sự sống mới cũng như sự chữa lành cho những ai đang bị tổn thương, cho nhưng nơi chịu thảm họa môi trường. Không có phương thế nào hữu hiệu hơn sức mạnh của lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Phương thế ấy giúp ta kiên trì chống lại sức mạnh của bạo bực và bất công, bằng lối nẻo của đối thoại và phi bạo lực theo Tin Mừng.
Dù đang phải trải qua thời gian khó khăn với vấn nạn môi sinh, một thiên nhiên đang oằn mình vì biết bao chất độc hại, nhưng chúng ta vẫn dám ước mơ kiến tạo một đất nước, một môi trường và một xã hội tốt đẹp hơn. Bởi khi chúng ta tin yêu và cậy trông vào Chúa, thì Người “có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới.” (x. Ep 3, 20); và vì vậy, người Kitô cần đứng vững, “chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an.” (x. Ep 6, 15). Trước Thiên Chúa tình yêu, mỗi Kitô hữu được mời gọi tiếp tục cầu nguyện cho sự thịnh vượng của đất nước, cùng nhau dấn thân kiến tạo hòa bình và không còn bất công!
Lạy Chúa, chúng con đến trước nhan Chúa để cầu nguyện cho những ai đang dấn thân vì công lý và hòa bình. Xin ban cho họ ơn an ủi. Chúa là sức mạnh của họ. Chúa là đường là sự thật và là sự sống. Xin trao ban bình an của Chúa cho mỗi người chúng con, và chúc lành cho môi trường thiên nhiên chúng con đang sống. Xin giúp những nhà lãnh đạo tìm được an bình và làm cho sự thật được triển nở trong tâm hồn. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(dongten.net 17.02.2017)