Vào đời

vaodoi - Vào đời

Quả vậy, có một thế giới hữu hình chung cho tất cả mọi người. Nhưng dường như không phải cứ có mặt trong sự hiện hữu là ta đã đi vào trọn vẹn trong cuộc sống. Giai đoạn lúc ta thụ thai trong lòng mẹ, khác với lúc ta chào đời. Khoảng thời gian ta còn nằm ngọ nguậy bú sữa mẹ, khác với lúc ta chập chững bước đi. Lúc ta có thể chạy nhảy tung tăng, khác với lúc ta có thể tự mình tạo lập sự nghiệp cho mình. Dòng thời gian trôi qua có tác dụng như một lực đẩy, đẩy ta đi vào từng ngưỡng cửa mới. Nơi từng chặng đường, trí óc ta mở ra thêm, nhãn quan ta thấy được nhiều thứ hơn. Rồi đến một lúc nào đó, ta được dẫn vào cánh cửa cuối cùng. Đàng sau cánh cửa ấy là cái mà ta gọi là “đời”, nơi mà ta sẽ phải tự đứng trên đôi chân của mình, phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm, phải bắt đầu dựng xây cho mình một thế giới riêng. Vào đời, chính là vào nơi ấy.

Chúng ta thường có những cung bậc cảm xúc khác nhau mỗi khi bước vào giai đoạn chuyển tiếp nào đấy. Có thể vui, có thể tiếc, có thể sợ. Vui vì ta háo hức đón nhận những điều mới đang chào đón; vui hệt như một em bé chờ mẹ đi chợ về để nhận cái bánh hay cái kẹo mẹ mua cho. Nhưng đâu đó, lòng ta vẫn gợi lên một chút nuối tiếc. Bởi lẽ, từ nay, ta phải bỏ lại đàng sau tất cả những kỷ niệm đẹp. Ta không còn được hưởng nếm mọi thứ một cách “hiển nhiên” nữa. Ngày xưa, cứ mỗi khi đói, ta chỉ cần khóc là mẹ sẽ cho ăn; cứ mỗi lần cần tiền đóng học phí, ta chỉ cần ngửa tay xin bố là được. Giờ đây, mọi đặc ân ấy không còn nữa. Ta phải tự chăm lo cho mình. Nhớ lại thời còn bé, ta có thể vô tư cùng bạn bè đi chơi, tụ tập ăn uống, “buôn dưa lê”… Giờ đây, bạn bè mỗi đứa một hướng, ai cũng phải bận tâm lo cho tương lai của mình, cả ta cũng chẳng còn thì giờ và hứng thú cho những chuyện ấy. Và có đôi khi ta cảm thấy sợ, vì ta không biết mình có đủ sức đối đầu với những gì sắp xảy đến không, mình phải tập đảm nhận cuộc đời của mình ra sao, chuyện gì xảy ra nếu như mình không thích nghi được.

“Cuộc đời” đúng thật là chốn phức tạp với muôn vẻ muôn màu. Nó là “đời” chứ không phải là “thiên đàng”. Nơi đó có rất nhiều điều thú vị, nhưng cũng không thiếu những khó khăn. Một thoáng nào đấy, ta cảm thấy tự hào về mình vì giờ đây, mình không còn là một “đứa con nít” nữa, mình đã lớn rồi, không ai được quyền khinh thường mình nữa. Nhưng cuộc đời chẳng quan tâm đến điều ấy. Nó sẽ cho ta thấy là mình đã thật sự trưởng thành chưa bằng cách vùi dập mình với biết bao trách nhiệm và thách đố. Ta phải kiếm việc làm và phải làm việc đàng hoàng để có tiền chu cấp cho bản thân. Ta phải kiếm chỗ ở, phải tự đi chợ nấu nướng, phải tự lo cho sức khỏe… Sẽ chẳng có ai quản lý ta nữa, ta phải tự chủ trong giờ giấc, trong các mối tương quan, trong cách hành xử với người khác. Xã hội sẽ chẳng tha cho ta nếu như ta làm điều gì đó sai trái. Người khác cũng chẳng nể vị ta nếu ta không sống công tâm và chính trực. Bươn chải giữa dòng đời, ta phải sử dụng tất cả mọi nguồn sinh lực ta có. Điều đó khiến ta mệt mỏi, vì đầu óc lúc nào cũng phải lo nghĩ, tính toán, cân đo. Khi đã chính thức vào đời, tìm được một giây phút thảnh thơi chẳng phải là điều dễ.

Bước vào đời cũng hệt như bước vào một cuộc chiến, một cuộc chạy đua. Vận may có thể là một trợ giúp to lớn, nhưng nó không nằm trong tầm kiểm soát của ta. Cứ sự thường, ai có tài có sức dẻo dai thì sẽ là người chiến thắng. Ai sống có đức thì sẽ được mến yêu. Nhưng cái tài cái đức không tự nhiên mà có. Nó cần được bồi đắp và trui rèn tại thao trường. Bởi thế, người nào chịu đổ nhiều mồ hôi để chuẩn bị cho mình một hành trang tốt thì sẽ khảng khái và tự tin thực hiện lộ trình vào đời hơn. Người ấy sẽ có đủ sức đối đấu với tất cả những phong sương vì đã có trong tay những “bửu bối” cần thiết. Ngược lại, người nào chẳng có gì trong tay thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối diện với thực tại vì họ không có một nền tảng vững chắc để đặt chân, không có một cột trụ đủ mạnh để bám vào. Giữa dòng đời trăm phương ngàn hướng, người đó sẽ bị đánh bật và trôi đi. Cuộc sống của người ấy cứ lập lờ, và tương lai cũng tối đen không lối thoát.

Vào đời, chúng ta được mời gọi để dựng xây hạnh phúc, không chỉ cho mình, mà còn cho cả người khác. Ta được tiền nhân giao phó lại sứ mạng vun đắp cho thế giới, cho tổ quốc, cho quê hương. Một khoảng thời gian trước đây, các vị ấy đã dùng hết sức lực của mình để phục vụ và cống hiến. Giờ đây, họ lui về nghỉ ngơi và nhường lại cho ta nhiệm vụ cao cả ấy. Sẽ chẳng điêu ngoa chút nào khi nói rằng vận mệnh của thế giới đang nằm trong tay ta. Ta có thể làm cho nó tốt đẹp hơn, nhưng cũng có thể khiến cho nó vỡ tan thành những mảnh vụn; ta có thể giúp nó trở nên như Thiên Đường lộng lẫy và cũng có thể biến nó thành Địa Ngục trầm luân. Nó phụ thuộc vào ý hướng của ta, cách ta đối xử với người khác, thái độ của ta khi làm việc… Bởi thế, ta được đưa vào cuộc đời, không phải là chuyện tình cờ và duyên số vô định nhưng là ta được trao ban cho một sứ mạng, đưa tay ra để cùng chung xây thế giới. Ta là một phần của thế giới và sự hiện hữu của ta giữa cuộc đời góp phần làm nên thế giới ấy.

Các bạn trẻ thân mến, các bạn sẽ nghiệm thấy những cảm xúc và tâm tình này khi chuẩn bị rời ghế nhà trường. Khoảng thời gian vừa qua, các bạn đã được gia đình, thầy cô và nhiều người khác chu cấp cho những nền tảng cần thiết, để các bạn có đủ vốn liếng ban đầu mà “đầu tư” của cuộc sống của mình trong tương lai. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, các bạn sẽ phải chia tay với đồng phục, bảng tên, sân trường, tiếng trống, hoa phượng và những trang lưu bút ngọt ngào, dù các bạn có muốn hay không. Các bạn sẽ phải thực hiện một cú nhảy quan trọng trong cuộc đời, vì con đường tuổi thơ đã chuẩn bị khép lại. Các bạn hãy nhìn lại hành trang của mình đi, xem nó đã đủ chưa, có còn thiếu điều gì nữa không, có cần bổ túc thêm cái gì nữa không. Khi đã bị đẩy vào cuộc đời rồi, các bạn sẽ không còn có được những cơ hội để trang bị nữa đâu. Lúc này đây, khi vẫn còn thời gian, các bạn hãy chuẩn bị cho mình thật đầy đủ để có thể vui hưởng những gì tốt đẹp mà cuộc đời dành cho các bạn về sau.

Chúc các bạn trẻ vào đời thật tốt để xây dựng một tương lai tươi đẹp cho mình!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net 04.08.2015

Exit mobile version