Vấn đề đồng tính luyến ái dưới góc nhìn của một Kitô hữu

Giáo Hội, với tư cách là Mẹ và Thầy, luôn luôn muốn đồng hành và hướng dẫn con cái mình, cũng như toàn thể nhân loại trong nhịp sống thường ngày, trong những vấn đề của cuộc sống. Về vấn đề đồng tính luyến ái, sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã xác định rõ lập trường của Giáo hội trong những số 2357-2359. Nói một cách tổng quát, Giaó hội tôn trọng, yêu thương những người đồng tính luyến ái và không coi xu hướng (thiên hướng) tình dục của họ là tội, Giáo hội phản đối mọi hình thức kì thị người đồng tính luyến ái, vì mỗi người đều là Con Thiên Chúa và mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Giáo hội cũng xác định rằng những hành vi đồng tính luyến ái là nghịch tự nhiên, là tội phạm đến đức trong sạch. Với tư cách là một người con của Giáo Hội, tôi xin có mấy suy nghĩ về huấn giáo của Giáo Hội, cũng như những suy tư khác của bản thân nhưng nhìn dưới ánh sáng của một người Công Giáo, của một người con cái Giáo Hội.

Trước hết, với kinh nghiệm riêng của tôi, khi đọc sách, tìm hiểu tài liệu và kinh nghiệm sống, đây là một vấn đề khó xử, rất khó xử… Có những vấn đề mà con người hôm nay vẫn phải nhún vai và lắc đầu, phải chăng đây cũng là một trong những vấn đề đó, vốn dĩ có quá nhiều những ý kiến trái chiều. Có nhiều suy tư, thao thức nhìn từ phía những người sống trong hoàn cảnh đó, cho tới góc nhìn của những người ngoài hoàn cảnh đó.Cụ thể, có những câu hỏi đáng trả lời, như:

1. Trong Kinh Thánh, ít nhất là có ba chỗ Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa không vui lòng với những hành vi này, đó là câu chuyện thành Sodome và Gomorrah ở St 19,1-29, luật Chúa phán với Moses ở Lv 18, 22. Trong Tân ước, Chúa Giêsu không trực tiếp nói tới họ, nhưng thánh Phaolô Tông đồ không chấp nhận những hành vi này, và gọi chúng một cách chung là vô luân, trong Rm1,26-27. Nhưng có một câu hỏi ở đây: “Nếu Chúa cấm hành vi này, tại sao Người lại sinh ra tôi như vậy?” Có nhiều người cho rằng đồng tính luyến ái là một khiếm khuyết, như thể những người khuyết tật về thân xác. Khó chấp nhận lập luận này, vì nếu bị khuyết tật về thân xác, họ sẽ tập thích nghi với cuộc sống đó, và bản năng sinh tồn sẽ giúp họ, còn những người đồng tính không thể thích nghi được với việc sống và yêu người khác giới, nếu họ không bị áp lực từ gia đình và xã hội. Có người khác cho rằng đồng tính luyến ái là một khiếm khuyết về mặt tâm lý. Cũng hơi khó chấp nhận, vì ngoài xu hướng thích và yêu người cùng giới tính với họ, họ không hề có bất ổn nào về tâm lý, ngược lại, đa số những người đồng tính nếu không muốn nói là những người giỏi giang, khéo léo, và thành đạt nữa. Chính vì vậy, những người đồng tính không hề chấp nhận bị thương hại như là những người bị khiếm khuyết. Vấn đề có lẽ không phải là thiếu hụt hay cần tập thích nghi, vì nó đụng chạm sâu xa đến những gì thực sự là bản chất con người thật của những người mang xu hướng đồng tính luyến ái.


2. Người ta vẫn hay nói rằng cuộc tình của những người giới này không bền. Cũng rất đúng, cách riêng với đồng tính nam, vì đàn ông bẩm sinh là “cả thèm chóng chán”, đó là tính chất chung của người đàn ông, chứ không phải chỉ của người đàn ông đồng tính. Hai người đàn ông sống chung với nhau, thì chuyện không bền vững là có thể giải thích được. Nhưng hai người phụ nữ thì sao? Không thể nói vậy được, còn có thể ngược lại là đàng khác… Hơn nữa, sống trong một xã hội, ngay cả một Giáo hội còn nhiều định kiến (dù gì đi nữa, vẫn khó xóa định kiến nơi một số người-ngay cả những bậc lãnh đạo, dù rằng giáo huấn của Giáo hội đã xác định rõ ràng) như vậy, thì những người này luôn phải sống trong sự dè chừng, họ chỉ có thể “ăn vụng” chứ không thể công khai được. Mà nếu ăn vụng thì phải che giấu, thì chóng chán cũng là phải, vì là “vụng trộm” cơ mà. Thêm vào đó, đã “ăn vụng” thì ăn được lúc nào hay lúc đó, vì “phải tận dụng chứ!”, phải không các bạn, vì họ không thỏa mãn và sống thật với con người của mình, nên đó luôn là một ức chế về tâm lý, dẫn đến một thái độ sống thực dụng, không bền vững, không coi trọng sự chung thủy. Phải chăng chính xã hội và Giáo hội đã dồn họ vào chân tường? Nếu hợp thức hóa hôn nhân đồng tính xem, buộc họ phải chung thủy và giữ lời thề xem, liệu họ có phải mau chán nhau vì cứ phải vụng trộm sợ sệt không? Còn nếu ai không phải là đồng tính tự bản chất mà chỉ sống theo phong trào, thì sẽ sớm nhận ra điều mình phải làm để có trách nhiệm với cuộc sống của mình, của người phối ngẫu. Nhưng song song đó, chúng ta không được quên một điều mà nhiều người dị tính luyến ái vẫn hay nói, đó là chúng tôi, một nam một nữ, sống chung với nhau và ràng buộc nhau bằng những đứa con, vậy mà chúng tôi còn li dị nhau như cơm bữa, còn các bạn, các bạn “không để lại hậu quả” là những đứa con, liệu các bạn có dám nói rằng mình sẽ chung thủy hơn chúng tôi không? Tình trạng ly dị ngày nay rất tồi tệ trong xã hội hôm nay, khi mà người ta quá coi thường vẻ đẹp của hôn nhân và sợ phải cam kết yêu thương ai đó suốt cả cuộc đời. Nhưng dĩ nhiên, nếu xét về quan điểm bình đẳng giới thì không có vấn đề ở đây, vì dù dị tính hay đồng tính, nếu người ta chung thủy với nhau, thì cũng như nhau cả thôi, còn nếu họ đã thiếu coi trọng cuộc sống của mình, thì dù dị tính hay đồng tính cũng thế thôi. Khi người ta quý trọng giá trị của tình yêu, của hôn nhân, thì hôn nhân dù dị tính hay đồng tính cũng thực sự là hạnh phúc.Vấn đề là ý thức đạo đức của mỗi người chứ không phải là ở giới tính của họ. Giới tính nào cũng có người tốt kẻ xấu cả.


3. Giáo hội không phê phán xu hướng đồng tính, nhưng phê phán hành vi đồng tính. Rất khó xử.. Đã là bản chất rồi, làm sao tránh khỏi, vì sex là một trong những nhu cầu cần thiết thuộc về bản năng con người. Dĩ nhiên, nó vẫn nằm dưới nhu cầu sinh tồn, nhưng không ai trong chúng ta phủ nhận sức mạnh của bản năng này. Có thể chúng ta sẽ nói: “Đừng sống theo bản năng chứ!” nếu suy nghĩ thấu đáo và thực tế, ta sẽ thấy điều này khó chấp nhận, trong trường hợp này. Nếu bắt một người đàn ông dị tính (không tu hành) mà không quan hệ tình dục với phụ nữ (trong khi việc tự kích thích chính mình-cũng là một tội) thì liệu điều này có thể thực hiện được không, khi mà hormon giới tính luôn có sẵn trong con người chúng ta? Trong khi đâu phải ai cũng muốn và có thể sống đời tu hành để “khỏi”, để “trốn chạy” bản năng tình dục của mình đâu? Vậy nếu người đồng tính không đi tu, thì họ sẽ phải sống một cuộc sống đầy bất hạnh sao, khi lập gia đình cũng không được, sống thật với giới tính mình cũng không được, và chấp nhận sống độc thân khi họ không muốn? Dĩ nhiên, chúng ta không quên là mỗi người chúng ta đều được mời gọi sống khiết tịnh, ngay cả trong cuộc sống gia đình nữa, nhưng ngay cả người tu hành cũng phải chiến đấu mỗi ngày với tính dục của mình. Nói thế, để ta không coi thường nỗ lực và khả năng vượt qua thử thách của con người, cũng như không coi thường trách nhiệm luân lý của con người trong hoàn cảnh sống. Nhưng cũng có những thử thách, những thập giá tự mình bắt mình vác, chứ không phải từ Chúa. Làm sao để cân bằng và phân định đây? Tôi mời bạn đọc lại trường hợp thánh Giacôbê Tông đồ đã nói đến trong Gc 2,14-16. Liệu có phải chúng ta, những người không sống trong hoàn cảnh đó chỉ biết nói suông không? Chúc người nghèo ăn no mặc ấm ai cũng làm được cả, đưa ra lời khuyên ai cũng dễ làm cả, nhưng thực sự sống trong hoàn cảnh đó, mọi chuyện nó khác lắm!

Ở đây chúng ta chưa bàn đến khía cạnh ân sủng, chỉ mới bàn thuần chất con người thôi. Dĩ nhiên, bỏ qua khía cạnh ân sủng là phiến diện và dường như thiếu đức tin, nhưng ân sủng Chúa không ngoại trừ nỗ lực rất lớn của chúng ta. Nếu nỗ lực mà xem ra bất lực, thì ân sủng có hoàn thiện con người được không? Xin thưa, hẳn là được, vì “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, nhưng chúng ta thử nhìn thực tế xem. Mọi chuyện không phải là mơ. Bản năng trước mắt, nhu cầu yêu thương là có thật, nhu cầu quan hệ thân xác là chính đáng cho tất cả mọi người (dĩ nhiên trừ những người đi tu, vì họ muốn thể hiện tình yêu bằng một cách khác, thăng hoa hơn). Nếu như Kinh thánh lên án chuyện này, liệu rằng chúng ta có nên hiểu rằng thời đó việc đồng tính bị cấm kị, vì nó không góp phần gia tăng dân số, trong khi dân Do Thái, một dân du mục bé nhỏ và yếu ớt vô cùng cần một thế hệ trẻ hùng hậu, và họ vẫn coi việc sinh nhiều con là một phúc lành thực sự của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta thấy đó, đâu phải mọi người hiếm hoi đều là bị Chúa phạt đâu? Bà Elizabeth không phải là một điển hình sao? Còn ngày hôm nay, khi dân số nhân loại đã là một vấn đề đáng ngại cho thế giới, trong khi số lượng người đồng tính chưa tới 10% dân số, liệu rằng nỗi sợ tuyệt chủng có đáng lo ngại bằng nỗi sợ HIV-AIDS vẫn đang lây lan cho bao nhiêu triệu người vẫn đang “ăn vụng” mỗi năm, hay là nỗi sợ trong cuộc sống của biết bao người vẫn đang sống trong đau khổ và bất hạnh, sống cũng như đã chết rồi không? Hơn nữa, có những chân lý hay nhân vật trong Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa bóng, với những thể văn, thể ẩn dụ khác nhau, tùy theo hoàn cảnh và xã hội lúc đó, vậy thì đoạn sách St 19,1-29 (có nên hiểu phê phán sự lang chạ vô luân hơn là việc quan hệ đồng tính hay không?), hay Lv 18,22 (có nên hiểu theo hoàn cảnh xã hội lúc đó như đã nói ở trên hay không?), hay Rm 1,26-27 trên có nên hiểu không theo mặt chữ nghĩa đen không? Và chúng ta cũng đừng nhầm lẫn, không phải mọi điều xuất phát từ một vị thánh đều là “bất khả ngộ”, thánh Augustine, thánh Thomas cũng có những điểm giáo lý mà ngày nay thần học cho rằng không hợp nữa, thánh Phaolô thì được các nhà chú giải cho là một người có khuynh hướng cực đoan… các thánh kí, dù là được ơn Linh hứng của Chúa Thánh Thần, cũng không tránh khỏi những hạn chế về văn phong và ý tứ của chính họ, miễn là những nét riêng ấy không làm phương hại đến toàn bộ mạc khải, và, những nét riêng ấy không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng!


4. Còn về vấn đề con cái. Người ta nói rằng con cái sẽ không được giáo dục đàng hoàng trong một gia đình đồng tính. Thực ra vì người ta vẫn còn não trạng coi đồng tính là lệch lạc, nên mới có suy nghĩ này. Nếu đã coi là lành mạnh, thì không có chuyện “lệch chuẩn” ở đây. Con cái của một cặp đồng tính được yêu thương, điều này không đáng trân trọng hơn một cặp dị tính bố say xỉn mẹ cờ bạc sao? Họ xin con nuôi và yêu thương chúng, lại không tốt hơn để chúng phải nheo nhóc, thiếu tình thương trong cô nhi viện sao? Nếu đồng tính được công nhận là một xu hướng tự nhiên, thù việc trẻ sống chung với những cặp đồng tính sẽ ảnh hưởng đế nhân cách, lên giới tính của trẻ là điều không thể tránh khỏi (cứ coi là vậy, hoặc đúng là vậy) nhưng không có nghĩa là lệch chuẩn, là sai, là đáng lên án. Giáo hội không đồng ý hôn nhân đồng giới, cũng không tán thành việc nhận con nuôi, vì lo sợ sự phát triển lành mạnh của trẻ bị đe dọa, vậy thì những người đồng tính thực sự là những người bất hạnh nhất trên đời. Không gia đình, không con cái, dù họ có thành công hay giàu có đi nữa, thì liệu nhu cầu yêu thương có được thỏa mãn không? Không được sống như mình là, mọi hạnh phúc dường như khỏa lấp đi, cái hạnh phúc mà đối với nhiều người là rất bình thường, thậm chí khi có được, họ coi thường nó nữa, khi có một tổ ấm, được hợp thức hóa, được mọi người chúc lành, được sống với người mình yêu thương, được nuôi dạy con cái… thì đối với những người đồng tính này, hạnh phúc lại là một thứ xa xỉ phẩm chỉ tồn tại trong giấc mơ xa vời mà họ đành ngậm đắng nuốt cay cho hết cuộc đời, nếu không muốn sống ngược lại với Lời Chúa…


5. Họ được mời gọi để sống khiết tịnh và tìm niềm vui trong việc phục vụ. Một cuộc sống tuyệt vời, cao thượng và triển nở trong tình yêu Chúa Kitô sẽ bù đắp cho họ những khao khát mà họ ước mong và khắc khoải. Thế nhưng có vẻ đó là con đường xưa nay vẫn có nơi các vị tu sĩ, những người sống đời độc thân dâng hiến. Và, đó không phải là mẫu số chung nên áp dụng cho tất cả mọi người. Những người sống độc thân dâng hiến hay độc thân giữa đời, họ tự nguyện chọn điều này. Nhưng có tự do không, khi ta không còn lựa chọn điều khác? Dĩ nhiên, khi nói tới đây, tôi nhớ lại lời tác giả cuốn sách Tự do nội tâm: “Khi cuộc đời không có quá nhiều những lựa chọn, thì bạn nên bằng lòng với nó, đây là cách để được bình an”. Thế nhưng đó là khi “không còn cách nào khác”; Nếu có cách tốt hơn, nhân bản và nhân đạo hơn, liệu ta có dám chọn lựa chúng, vượt qua những e ngại, thành kiến, phân biệt không?


Lời Chúa trong đoạn Mt 19,10-12 về việc tự nguyện sống khiết tịnh cho chúng ta những suy nghĩ. Chúa nói về “những người không kết hôn vì họ không có khả năng”. Phải chăng Chúa nói những người ái nam ái nữ khiếm khuyết sinh dục rõ ràng, hay những người vô tính, và với cả những người đồng tính luyến ái nữa? Những người vô tính họ tự ý chọn lựa điều đó và họ sống hạnh phúc, còn những người khiếm khuyết về sinh dục họ không có khả năng (đó là chưa bàn đến vấn đề chuyển giới) nên họ không sống đời hôn nhân được. Một cách nào đó, Chúa đặt họ vào chân tường, để rồi cây đời họ vẫn lớn lên, đâm rễ sâu và mang lại ích lợi cho cuộc đời, vì trong mắt Thiên Chúa, không có ai là vô ích cả. Còn những người đồng tính thì sao? Nếu có cách giải quyết tốt hơn, phải chăng ta nên chọn điều ấy? Vì Giáo hội hiện hữu là để giải thoát con người bằng sự thật và bằng cách sống sự thật ấy, ban cho con người được sự sống dồi dào như Đức Kitô đã làm. Nếu Giáo hội là một Giáo hội loan tin mừng cho kẻ nghèo khổ, kẻ bị bỏ rơi, kẻ bị gạt ra bên lề xã hội, thì có phải những người đồng tính là những người cần được Giáo hội quan tâm nhất không? Thế nhưng trước đây, chúng ta chỉ toàn thấy sự kì thị, gần đây thì đã khá hơn. Dĩ nhiên, Giáo hội cũng không thể thoát khỏi não trạng chung của xã hội, tầm nhìn của xã hội trong đó Giáo hội đồng hành với con người cũng cần có thời gian để triển nở cách tiệm tiến. Giờ đây, Giáo hội không còn kì thị nữa, nhưng đâu đó trên tòa giảng, nơi những linh mục, hay đâu đó trong cuộc sống hằng ngày vẫn còn rất nhiều hội chứng homophobia… Tuy nhiên, thôi kì thị không vẫn chưa đủ, mà tôi mong ước Giáo hội còn cần phải hướng đến một thái độ tích cực hơn nữa. Những từ “đáng ghê tởm”, “biến thái”, “bệnh hoạn”, đã biến mất, song có lẽ vẫn còn cần điều gì hơn nữa chăng?

Nói gì thì nói, đây cũng là một mầu nhiệm mà con người hạn hẹp nhỏ bé của chúng ta vẫn không thể toàn tri được. Nếu tương lai có sáng sủa hơn, rộng mở hơn, thì đó là một dấu hiệu đáng mừng, vì nhiều kế hoạch của Chúa chỉ đến đúng thời điểm với sự chín muồi. Còn nếu không, thì một người Công giáo đồng tính vẫn sẽ tìm thấy lẽ sống sung mãn của mình ngay giữa những khổ đau của phận người, giữa những nỗ lực bỏ mình triệt để, những cố gắng vác ấy cây thập giá của chính mình suốt cuộc đời tạm này. Người công giáo đồng tính nếu thực sự muốn nên hoàn thiện sẽ tìm thấy nơi Chúa Giêsu một mẫu gương tuyệt hảo, tuyệt đẹp vầ hình ảnh một Thiên Chúa trọn vẹn, một Con Người trọn vẹn, đồng thời họ thông hiệp những khổ đau của mình trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, hầu luyện lọc tình yêu của mình trở nên tinh ròng khiết tịnh như tình yêu trong suốtvà hiến mạng cho người mình yêu của Chúa. Người đồng tính Kitô hữu sẽ sống tình bạn rất khắng khít với Chúa trong tình “bro-mance” thực sự và viên mãn, nếu chọn Chúa Kitô là lẽ sống, là hạnh phúc của họ, trong tình con thảo hiền với Mẹ Thánh Maria và tình hiếu kính với Cha Đồng Trinh Giuse. Bởi vì đạo đức không phân biệt giới tính, và những khổ đau ấy lại là sức bật rất hữu hiệu giúp họ trở nên những vị thánh thực sự, bởi vì Thiên Chúa cho phép xảy ra mọi điều trong đời sống là để giúp ta nên thánh.

Có nhiều mầu nhiệm trong thế giới hôm nay. Sự dữ, đau khổ trong phận người luôn luôn là những điều đi theo chúng ta suốt cuộc sống này như “cái dằm” mà thánh Phaolô đã từng nói tới. Liệu chúng ta đã cố gắng hết sức để làm cho cuộc sống mình và xã hội chúng ta nên hoàn thiện, thêm hạnh phúc, thêm xứng đáng với nhân phẩm chưa? Liệu chúng ta có một viễn cảnh nào tươi sáng hơn cho những người đồng tính luyến ái không?

Con Chiên Nhỏ

Exit mobile version