Vẫn còn đó

… Cha già 73 tuổi

Quản một giáo xứ to, với biết bao nhiêu khó nhọc cũng như biết bao nhiêu vấn đề.

Trong xứ Cha, mới có một chị đã tìm đến cái chết vì bế tắt. Vì hoàn cảnh “rơi” vào luật chung, chị không được dâng Lễ tại gia. Thế là lời ra tiếng vào Cha Sở thế này Cha Sở thế kia … Chả hiểu sao, có đến 3 vị hảo hớn hùa theo giáo dân bảo là “nếu cần thì cha đến”.

Có lẽ hồ đồ hay để mua vui nên nói vậy chứ luật vẫn là luật. Là linh mục hẳn các vị phải biết rằng muốn “vào nhà” của người ta dâng Lễ thì anh phải được phép của “chủ nhà” chứ ! Ngay như giám mục của giáo phận, muốn đến giáo xứ nào đó dâng lễ cho cháu mình chẳng hạn, cũng phải qua phép của cha Sở vì giáo xứ đó đã trao quyền cho cha Sở. Dĩ nhiên Cha Sở đời nào không cho phép nhưng tính ra luật thì phải như vậy.

Đau lòng lắm khi con chiên của mình rơi vào luật chứ chả có Cha Sở nào muốn. Thế nhưng rồi miệng lưỡi giáo dân tha hồ nói.

Đến ngày lễ an táng, Cha Phụ tá dâng Lễ cho chị.

Và cũng từ miệng giáo dân, lời ra tiếng vào thế này thế nọ về Cha Sở. Nào là Cha Sở thế này thế kia. Cha Sở chịu đủ mọi lời thị phi từ con chiên.

Khi đến trung tâm hỏa táng, mọi người không tưởng tượng ra rằng cha Sở đã xuất hiện ở đó tự bao giờ như một bóng ma.

Cha Sở đã làm nghi thức tiễn biệt tại trung tâm hỏa táng và cha đã ở lại cho đến giây phút cuối cùng khi chiếc quan tài từ từ được đưa xuống lò hỏa táng.

Thế là mọi lời thị phi khép lại bằng lời ca ngợi tấm lòng từ bi của Cha Sở.

Dù không gần gũi với Cha Sở nhưng biết Ngài. Ngài là như vậy đó ! Hẳn nhiên Ngài không hoàn hảo, Ngài không tròn vẹn nhưng cung cách Ngài là vị mục tử nhân lành, hết mình vì đoàn chiên và là người Cha giàu lòng thương xót. Thế nhưng, đáng tiếc thay một số con chiên đã chiên Cha Sở của mình một cách ngọt ngào.

Giữa dòng chảy của cuộc sống cơm áo gạo tiền và vật chất, vẫn lấp lánh hình ảnh của một vị mục tử thật dễ thương như Cha Sở sáng nay tại trung tâm hỏa táng mà tôi cũng như mọi người nhận thấy. Hình ảnh của một Đức Kitô giàu lòng thương xót vẫn còn ở giữa lòng nhân loại này.

… Đức Cha già 72 tuổi

Trong Thánh Lễ gần nhất tại xứ đạo quê nhà, may mắn được tham dự với Đức Cha già 72 tuổi. Thật sự cả giáo xứ ngày hôm đó bị Đức Cha cuốn hút từ lời nói, tâm tình và nhất là qua bài giảng.

Mừng bổn mạng của giáo xứ là Thánh Tử Đạo. Đức Cha kể câu chuyện về tình yêu vô ích qua con chim lao mình vào giỏ hoa hồng để cô gái có được giỏ hoa đẹp nhất để được hoàng tử đón về cung để minh họa về cái chết xem ra vô ích của Chúa Giêsu trên thập giá thật tuyệt vời. Câu chuyện đã đi vào lòng người thật dễ nhớ.

Không khoa bảng, không giấy bút dẫu rằng Đức Cha là người rất khoa bảng.

Không màu mè hoa lá hẹ dẫu rằng Đức Cha thừa sức vẽ vời như bao người khác.

Và, tuyệt vời nhất có lẽ là giây phút sau cùng cuối Lễ.

Đức Cha xuất hiện là dịp hiếm có và ai ai cũng trân quý và muốn chụp hình với Đức Cha, đó là điều hiển nhiên. Thường thì Lễ đã dài, ai cũng mệt nên chuyện chụp hình đã gây ra nhiều điều rắc rối. Thế nhưng, với Đức Cha già 72 tuổi thì khác. Đức Cha vui vẻ nán lại chụp hình cho đến người cuối cùng với khuôn mặt vui tươi hơn bao giờ hết.

Phải nói rằng hiếm, thật hiếm thấy hình ảnh Đức Cha già như thế.

Ai ai cũng bận rộn, ai ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, ai ai cũng có nhu cầu giữ sức khỏe nhưng rồi Đức Cha già vì tình thương đã không tiếc thời gian đã nán lại mang niềm vui cho giáo dân, cho những người quý mến mình. Thật hiếm có những hình ảnh đẹp như thế này.

Hẳn nhiên, Đức Cha cũng không phải hoàn hảo, Đức Cha cũng không phải là nhất nhưng đâu đó Đức Cha cũng là hiện thân của một vị mục tử nhân lành, gần gũi với đoàn chiên của mình. Hình ảnh gần gũi với đoàn chiên đó làm cho con cái cảm thấy được gần với chủ chăn hơn, không còn ngần ngại khi tiếp xúc với các đấng nữa và có thể thổ lộ tâm tình, chia sẻ ngọt bùi trong cuộc sống với cha của mình hơn.

Ước gì các mục tử luôn có những tâm tình nói theo kiểu Thánh Phaolô :“Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2, 1-5).

Người Giồng Trôm

Exit mobile version