Trong những buổi đi dạo sau giờ cơm tối với anh em, người viết bài này chợt chú ý tới một bức tranh khá lớn đặt ở kế phòng cha giáo Phaolô ở gần thư viện vì nhấp nháy sáng đèn và được trang trí khá đẹp.
Có một lần có việc đi qua khu triết và nhìn ngắm kĩ hơn, tôi nhận ra đây là một bức ảnh thánh (icône) theo truyền thống Đông Phương cổ kính vẽ về Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng được gọi bằng từ chuyên môn là Hodegetria, một chủ đề ưa thích của các nghệ sĩ thánh ở Đông Phương. Tôi dừng lại và nhìn ngắm, đồng thời cũng suy nghĩ vài điều nho nhỏ, mong được chia sẻ với mọi người.
Icône này có rất nhiều phiên bản khác nhau, mặc lấy những cái tên khác nhau theo thời gian (từ thượng cổ đến trung cổ là đỉnh cao, và vẫn còn được tiếp diễn trong thời đại chúng ta) và không gian (nhiều trường phái với những nét đặc trưng khác nhau) như Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, Đức Bà là tòa Đấng khôn ngoan, Đức Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), Đức Mẹ và Chúa Con (Madonna and the Child). Ngay cả bức icône được coi là nổi tiếng nhất là bức Đức Mẹ hằng cứu giúp (bức vẽ hiện nay được tôn kính nhiều nhất[1], vẽ theo những phiên bản cổ hơn mà theo tương truyền là của chính thánh Luca thánh sử vẽ)[2] cũng lấy cảm hứng từ chủ đề này. Bức icône ấy có một lịch sử xa xưa, gắn liền với mẫu ảnh mang tên là Hodegetria Mẹ Chúa Trời – mà chính Thánh Doucas nhà sử học đương thời viết: “Bức icône được đưa từ Giêrusalem đến Contantinople đầu thế kỷ V. Nhưng ngày 29 tháng Năm năm 1453, người Hồi giáo xâm chiếm thủ đô Bosphore, tàn phá, gây cảnh sắt máu. Một tên Hồi chạy vào nhà thờ Ðức Mẹ và rút đại đao phăng bức ảnh ngàn đời làm bốn, kết thúc những ngày hành hương lâu dài”. Bức icône Hodegetria được một số họa sĩ cung kính sao lại mà bức ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một. Vì thế, các họa sĩ thời Trung Cổ trước khi ngồi vào giàn vẽ, có thói quen đọc kinh này: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã cho Chúa Thánh Thần soi sáng vị tông đồ Thánh sử Luca, để người có thể diễn tả vẻ đẹp của thân mẫu rất trong sạch của Chúa, Ðấng đã ẵm Chúa hài nhi trên cánh tay…xin hướng dẫn bàn tay chúng con…”[3]
Một cách tổng quát, những bức icône này đều có những đặc điểm chung như miêu tả chân dung Đức Maria nghiêng một bên với ánh mắt nhìn thẳng về phía trước (cũng có vài phiên bản ánh mắt nhìn về Chúa Con). Mẹ đang bế Chúa Giêsu hài nhi, trong khi Chúa Giêsu có thể nhìn thẳng về chúng ta hay nhìn vào Đức Mẹ, với đôi tay bé nhỏ níu lấy bàn tay của Đức Mẹ. Bàn tay của Đức Mẹ ở trung tâm bức tranh, có thể nói là điểm nhấn thần học sâu xa nhất của bức Icône này. Trên chiếc khăn trùm đầu Đức Mẹ có một ngôi sao sáng[4] ở trên, nói lên ý tưởng: Mẹ là ngôi sao dẫn lối cho chúng ta đến cùng Chúa Giê-su.
Nhìn lại bức vẽ được trưng bày trước mắt, tôi nhận ra đây có thể là một bức icône xa xưa đã được vẽ cách xa thời đại của chúng ta. Có lẽ đây là một bức bích họa hoặc một tranh ghép đá với các chi tiết đá quý hay xà cừ được ghép như viền tấm khăn trùm đầu của Đức Mẹ đã minh chứng. Đức Mẹ giơ tay ôm ấp lấy Chúa Con, và Chúa Con cũng hiếu thảo đơn sơ ôm choàng lấy Mẹ Người, nét vẽ của tác giả có phần đơn sơ đến nguệch ngoạc (!)… Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với bức ảnh này thú thật không mấy thiện cảm lắm. Bởi lẽ không biết vì lý do gì mà bức ảnh có thể nói là khá thiếu tính thẩm mĩ theo cái nhìn của cá nhân tôi (nhất là theo góc nhìn của trường phái hiện thực) khi một bên mí dưới mắt Đức Mẹ bị vẽ rất đậm và trễ xuống, như thể bị… sưng vậy! Môi Đức Mẹ không cười như những bức icône thông thường, nhưng có vẻ giống đang… mếu thì hơn! Ngay cả Chúa Con cũng vậy, với ánh mắt được vẽ không có vẻ là hạnh phúc gì mấy khi ở trong tay Đức Mẹ, nhưng có vẻ hốt hoảng chạy đến Mẹ Người như thế quá ngạc nhiên sợ hãi khi thấy Mẹ mình có khuôn mặt “lạ” đến vậy, và Mẹ Maria như thể muốn ôm ấp đứa con nhỏ của mình vào lòng với tất cả tình yêu thương và lo lắng! Tại sao vậy? Phải chăng đây là một “sản phẩm lỗi”? Hay là vị họa sĩ nào đó đang vẽ mà ngủ gục nên lỡ tay thế này? Nếu một tác phẩm thánh mà lại vô tình gây… chia trí khi nhìn ngắm như vậy, phải chăng nó không có những yếu tố của nghệ thuật thánh mà Công đồng Vatican II đòi hỏi như “thực sự xứng đáng, thanh nhã và cao đẹp, đồng thời biểu thị và tượng trưng cho những thực tại cao siêu”[5] mà có phần ngược lại nữa?[6]
Một vài phiên bản khác của bức Hodegetria, bức bên trái lấy cảm hứng từ trường phái Byzantine nhưng được vẽ bằng ngòi bút của các họa sĩ hiện đại, còn bức bên phải là một bức icône cổ kính tên là Đức Mẹ Vladimir theo trường phái Chính Thống Nga.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng từ “ảnh thánh” – icône xuất phát từ tiếng Hy Lạp là eikon, nghĩa là hình ảnh. Trong truyền thống Kinh Thánh, Chúa Kitô là hình ảnh của Chúa Cha đã nhập thể để mạc khải khuôn mặt đích thật của Chúa Cha (Cl 1, 25). Giáo Hội luôn luôn ý thức rằng mình phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa, vì vậy mọi người tin chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình khi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô hằng sống. Trong truyền thống Đông Phương, ảnh thánh không chỉ đơn thuần là bức ảnh tôn giáo, nhưng nó ấn chứa một nền thần học về chiêm nghiệm của tâm hồn. Các bức icône là cánh cửa dẫn vào mầu nhiệm chứ nó không đơn thuần là yếu tố có tính cách trang trí; nó có tính cách bí tích và dấu chỉ để gợi nhắc đến thực tại trên trời. Chính vì lý do này mà các ảnh thánh là một thành phần quan yếu của phụng vụ Byzantine. Những ảnh thánh khơi gợi cho người ta biết không ngừng hướng về siêu việt và đụng chạm được những thực tại vô hình ở đó. Bởi vậy, ảnh thánh không phải để chiêm ngắm mà là để chiêm nghiệm, cầu nguyện. Những người vẽ ảnh thánh không bao giờ có thói quen ký tên của mình ở dưới bức ảnh vì mục đích duy nhất của họ là giúp cho người chiêm ngắm ảnh thánh chỉ chú tâm vào mầu nhiệm mà bức ảnh muốn gợi lên. Thông thường tác giả của những bức ảnh thánh là các thầy tu và khi vẽ, các ngài thường ở trong tư thế quỳ gối và trong bầu khí chiêm niệm, sám hối và cầu nguyện. Các ngài thường chìm sâu trong suy niệm về mầu nhiệm nhiều ngày trước khi các ngài có ý định truyền đạt mầu nhiệm đó qua ảnh thánh. Các ngài cầu nguyện, suy tư, học hỏi về mầu nhiệm rồi sau đó các ngài mới có thể mô phỏng mầu nhiệm ấy trên gỗ ngang qua những hình thể, màu sắc và những hình ảnh có tính biểu tượng. Các ngài biết rằng nhưng ai nhìn ngắm bức ảnh thánh thì không phải là để thỏa mãn vẻ đẹp của bức ảnh, nhưng quan trọng là cầu nguyện, suy gẫm với ảnh thánh. Sự chú tâm này không phải là mang tính cách thể lý hay tâm lý nhưng là đi vào cấu trúc của tinh thần: “thấy” trong chiêm niệm.[7]
Lặng nhìn thấy bức icône này một chút, tự nhiên người viết bài liên tưởng tới khuôn mặt của Đức Maria và Chúa Giêsu trong biết bao cuộc đời của phụ nữ và trẻ em trong cuộc sống này. Có vô vàn những bạo hành, vũ lực trong đời sống mà biết bao phụ nữ gánh chịu làm khuôn mặt của họ phải méo mó biến dạng. Có biết bao nhiêu phụ nữ phải than khóc hằng ngày vì hậu quả nặng nề của nạn phân biệt giới tính, lạm dụng tình dục, những đường dây buôn người hay là nạn nhân của biết bao cơ chế tội lỗi khác trong xã hội, từ những luật lệ xã hội khắc nghiệt nhất như các quốc gia Hồi giáo hay những tổ chức tội phạm trong xã hội văn minh như Mafia Ý chẳng hạn. Rồi còn nữa, hãy nhìn qua biết bao cô gái Việt Nam dở dang cả đời hay phải chịu bạc đãi nơi đất khách quê người khi chỉ mong đổi đời nhờ lấy được tấm chồng “ngoại”! Biết bao phụ nữ ngày ngày là nạn nhân của chính chồng hay con mình, của người thân mình, hay là nạn nhân của biết bao thiệt thòi khổ sở mà các mặt báo vẫn ra rả đăng lên mỗi ngày!
Cũng vậy, có biết bao em bé chẳng có cơ hội thấy mặt cha mẹ của chúng chứ đừng nói tới chuyện được nuôi nấng và ôm ấp như Chúa Hài Đồng trong bức ảnh, bởi lẽ cha mẹ chúng đã khước từ sự hiện diện của chúng trong cuộc đời này, lấy lý do vì……… …nhan sắc, vì kinh tế, vì hoàn cảnh không cho phép nhưng coi chừng lắm khi thực sự chỉ là một sự phủi tay vô trách nhiệm. Có biết bao nhiêu em bé không được hưởng niềm vui đơn sơ như tuổi thơ của các em đáng được, nhưng phải sống trong sợ hãi kinh hoàng vì sự nhẫn tâm của người lớn, rất thường khi nguyên do lại là chính cha mẹ hay những người có trách nhiệm chăm sóc chúng. Có biết bao em bé giơ tay ra tìm sự chở che nhưng chẳng được những người phải che chở chúng vỗ về ủi an. Trong cuộc đời trần thế, chính Đức Mẹ cũng đã từng khóc, từng đau đớn, từng tan nát tâm hồn trước bao đau khổ, đặc biệt là cái chết của người Con yêu dấu. Đức Giêsu cũng đã xót xa biết bao khi thấy Mẹ mình phải đớn đau chết lặng dưới chân thập giá. Hình ảnh Đức Mẹ và Đức Giêsu như vẫn còn đó, trong bao phận đời nát tan ngay hôm nay. Người viết không có ý đánh đồng việc tôn kính Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng với những phàm nhân, cũng không có ý định gán ghép cách gượng ép hay biện minh cho bức tranh này cách khập khiễng, cũng không lệch lạc khi muốn đề cao hậu quả của sự dữ. Tuy nhiên, nếu từ việc chiêm ngắm bức ảnh thánh này mà chúng ta có thể nhận ra những thực tại hiện sinh khác- từ khuôn mặt của Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng mà chúng ta có thể nhìn ra bao người thấp cổ bé miệng trong đời- thì phải chăng điều đó cũng thật đáng suy nghĩ?
Ngôn ngữ của nghệ thuật bao giờ cũng gợi lên nhiều điều, đôi khi vượt quá những diễn ngôn dài dòng. Ngôn ngữ ấy không phải nghe bằng tai nhưng là cảm nhận bằng tâm hồn. Ngôn ngữ ấy nói qua âm thanh, hình thể, màu sắc, đường nét, không gian. Trong lãnh vực tôn giáo, những biểu tượng luôn có một tầm quan trọng nền tảng trong việc diễn tả một thực tại không phải ở mặt đất này, nhưng là thực tại siêu nhiên, một thực tại không phải là những thứ vật chất nhưng là hướng về siêu việt.[8] Và từ siêu việt, ánh sáng của những thực tại vĩnh cửu ấy lại quán xuyến, soi sáng lại cái nhìn của chúng ta khi nhìn vào bao thứ trong đời, trong phận người để thanh luyện cái nhìn của chúng ta, làm chúng ta thao thức hơn, thực tế hơn để đối diện với bao thăng trầm của cuộc đời, của phận người, và đồng thời được mời gọi để đổi mới cuộc sống này. Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con!
Những ngày chuẩn bị tham dự ngày Di Dân 2018
Con chiên nhỏ