Ưu tiên vì sứ vụ

LoiChua - Ưu tiên vì sứ vụ

Chúa Giê-su khởi đầu rao giảng tại Galilê, mà nói rõ hơn, nơi Ngài thường xuyên lui tới là Caphácnaum. Ngài say mê với sứ vụ đến độ thường quên cả ăn uống. Thế là Ngài bị cho là mất trí. Nadarét chỉ cách Caphácnaum khoảng 47 km về hướng tây nam nên tiếng đồn về ông thầy Giêsu nhanh chóng được loan truyền về làng. Nghe tiếng đồn ấy, thân nhân xuống Caphácnaum tìm Ngài để đưa về quê nhà.

Với họ, Chúa Giêsu là con người không bình thường: bỏ nghề mộc ổn định, đi lang thang đây đó; không lập gia đình như những người đàn ông khác; chiêu mộ một nhóm môn đệ mà đa số là ngư dân chẳng giống ai; rồi rước họa vào thân khi gây chuyện với giới lãnh đạo tôn giáo.

Trang Tin Mừng hôm nay (Mc 3,20-21) cho thấy đám đông dân chúng đến với Chúa Giêsu đông đến nỗi Chúa Giêsu và các Môn Đệ của Người không sao ăn uống được. Chúa Giêsu đã gặp sự chống đối từ phía các Kinh sư và người Pharisêu. Bây giờ Ngài lại gặp sự hiểu lầm từ phía những thân nhân, trong đó có thể có thân mẫu của Ngài (Mc 3, 31).

Dưới mắt của các thân nhân, Đức Giêsu có những điều chẳng bình thường chút nào. Ngài đã không lập gia đình như những thanh niên khác. Ngài đã bỏ nghề thợ mộc ở Nadarét để lang thang khắp đó đây. Dù không phải là người học thức, Ngài đã chiêu tập một nhóm môn đệ chủ yếu là dân đánh cá, đã giao du với những hạng người nên tránh, đã dám đụng độ với các kinh sư, và bây giờ Ngài đang mê mệt với một đám đông cuồng nhiệt theo Ngài. Họ tự hỏi ông Giêsu, người thân của họ, có vấn đề gì về tâm lý không, có rơi vào tình trạng hoang tưởng tự đại không.

Chúa Giêsu cũng bị hiểu lầm là “Người mất trí” chỉ vì quá hăng say làm việc quên ăn, không có thời giờ nghỉ ngơi. Ngay lập tức những người ác cảm với Người đã đưa tin méo mó, để người nhà của Người đến bắt Người.

Trong bối cảnh của Tin Mừng Máccô, những chương đầu nói về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu mang đậm nét sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời, nhất là trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta đọc hôm nay: Từ bối cảnh núi cao (Mc 3,13-19), Chúa Giêsu đi về nhà, nhưng Người và các Môn Đệ cũng không có giờ để nghỉ ngơi.

Chúa Giêsu khi thi hành sứ mệnh cứu độ Chúa Cha giao phó, cũng không ít lần bị người đời cho là điên rồ, bị quỷ ám… (x. Mt 11,18; Lc 23,11; Ga 10,20). Nhưng có lẽ cũng chưa phũ phàng bằng Ngài bị chính những người thân coi là mất trí đến nỗi họ phải cho người đi bắt Chúa để đem về quản thúc tại gia! Thánh Phao-lô cảm nghiệm được sự phũ phàng đó khi Ngài chia sẻ: “điều mà người Do Thái cho là ô nhục, dân ngoại cho là điên rồ” thì lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đó chính là “Đức Kitô chịu đóng đinh” mà thánh nhân đang rao giảng (x. 1Cr 1,17-25).

Khi Chúa Giê su và các môn đệ trở về nhà ở Caphácnaum, đám đông lại kéo đến. Nhu cầu thật lớn lao và thúc bách khiến cả nhóm không thể nào có giờ ăn. Thân nhân của Ngài nghe tin ấy thì hốt hoảng. Có lẽ họ đã đi từ quê làng Nadarét đến để gặp Chúa Giêsu. Họ nghĩ Ngài bị mất trí và họ muốn lôi Ngài về lại quê nhà. Họ sẵn sàng dùng sức mạnh để ép Chúa Giêsu phải đi.

Chúa Giêsu tất bật lo lắng cho dân chúng, đến nỗi không có thời giờ để nghỉ ngơi và ăn uống. Những việc như: giảng dạy, chữa bệnh, xua trừ Ma Quỷ… Ngài làm mọi việc không xuể, nên đã gọi và chọn các môn đệ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình vì sứ vụ khi chăm lo cho người nghèo, bệnh tật, ốm đau thì lại là mối lo của bà con, họ hàng của Ngài khi họ nghe tin đổn thổi Ngài bị mất trí…, vì thế, họ đã đến để tìm cách ngăn cản Ngài.

Mà kể cũng lạ: Mất trí mà làm được các phép lạ kỳ diệu, mà có những lời rao giảng thu hút lòng người? Điều này chỉ có ai tin Chúa Giêsu mới lý giải được: “vì lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 3,17).

Nhu cầu của đám đông quá nhiều, ngay cả thái độ của những người thân của Chúa Giêsu cho thấy, một cách nào đó, cái nhìn mang tính con người trước sứ vụ của Đức Giêsu. Tuy nhiên, điều này lại làm rõ nét hơn tính cấp bách của sứ điệp Tin Mừng Nước Chúa : Sứ điệp này vượt quá những gì con người có thể hiểu và suy đoán ; Chúa Giêsu làm những việc vượt quá sự hiểu biết của con người, và nhu cầu cấp bách của Nước Trời vượt quá khung suy nghĩ của nhân loại. Trong những trình thuật về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, chúng ta thấy hai điểm nổi bật : Đức Kitô là Đấng quy tụ, và cũng chính Ngài là Đấng củng cố sự liên kết giữa con người với nhau.

Dường như Chúa không quan tâm đến việc ăn uống ngủ nghỉ và làm việc một cách điều độ để đảm bảo sức khỏe. Chúa để cho mình bị quấy rầy và làm phiền bởi đám đông khổ sở kia. Thân nhân của Chúa thấy vậy thì cho là Người mất trí. Nhưng thật ra Chúa chủ động để bị bào mòn và tiêu hao thời giờ sức lực vì chạnh thương dân chúng. Những cảnh đời bơ vơ đau khổ của kiếp nhân sinh đang bao quanh đã chạm tới lòng thương xót của Chúa, khiến Người như quên chính bản thân mình để ra tay cứu giúp. Một cái nhìn rất thật và đậm tình người của thánh sử Maccô.

Chúa Giêsu đi khắp nơi loan báo sứ điệp về Nước Trời và thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đã lôi kéo đám đông đến với Người, và Người không mệt mỏi, Người luôn ban phát ơn lành, trên đường đi, trong hội đường, nơi bờ hồ và ngay tại nhà của mình cũng như nhà người thân và nhà người tội lỗi.

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt sứ vụ lên trên hết mọi chuyện. Nếu có phải bị khinh thường, mạ lỵ, chỉ trích, thì chúng ta cũng biết vui chịu để danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến. Chỉ khi nào chúng ta trở nên giống Chúa, thì hình ảnh, khuôn mặt của Ngài mới được lộ hiện nơi chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết nương ẩn trong tình thương của Chúa, để chúng ta cũng biết mở rộng lòng mình đón tiếp những ai cần đến chúng ta vì Chúa.

Huệ Minh

Exit mobile version