Tương quan giữa tôn giáo và các bất công xã hội

socialjustice - Tương quan giữa tôn giáo và các bất công xã hội
Muc lục

GIẢI ĐÁP:


A. TRÌNH BÀY:

Trong quá khứ, tại một vài nơi trên thế giới, nếu thực sự đã có những nhà lãnh đạo tôn giáo cấu kết với vua chúa quan quyền và để mặc cho bọn người này đàn áp bóc lột dân đen nghèo khổ, thì đó cũng chỉ là một thiểu số nhỏ bé, giới hạn trong một thời gian, và ở một vài địa phương mà thôi, chứ không phải là chủ trương của Hội thánh.

Thực vậy, Hội thánh Công giáo cả về giáo thuyết cũng như hành động không bao giờ tán dương chế độ nô lệ, nông nô bất công như có người đã chỉ trích phê phán. Trái lại, Hội thánh luôn nỗ lực góp phần với mọi người thiện chí xóa bỏ giai cấp, tạo lập công bình bác ái xã hội.

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI:

Đọc Thánh kinh cũng như giáo huấn Công đồng và thông điệp của các Đức Giáo Hoàng xưa nay, chúng ta thấy: Giáo hội Công giáo luôn có một lập trường nhất quán là bênh vực lớp người nghèo khổ, và san bằng mọi giai cấp trong xã hội:

1)Lời Chúa trong Thánh Kinh:

a)Mọi người đều là anh em con cùng một cha chung trên trời là Thiên Chúa:

-Đức Giê-su phán: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời (Mt 23,8-9).

-Người cũng dạy môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa như với người cha thân yêu của mình: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9-13).

b)Người lãnh đạo không được lợi dụng quyền thế để hà hiếp bóc lột người dưới:

-Đức Giê-su nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

-Tin Mừng Gio-an thuật lại hành động phục vụ của Đức Giê-su như sau: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy” là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật: Thầy là “Thầy” là “Chúa”. Vậy nếu Thầy là “Chúa” là “Thầy”, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15).

c)Thái độ của Đức Giê-su và Đức Ma-ri-a đối với người nghèo kẻ giàu:

-Đức Ma-ri-a trong kinh Ngợi khen đã tán dương Thiên Chúa: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53).

-Đức Giê-su hứa ban Nước Trời cho những người nghèo khó đang chịu thiệt thòi, và phàn nàn về những người giàu có mà ích kỷ bất nhân: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).- ”Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi dã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24). Người cũng cảnh báo những kẻ giàu có: “Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàuvào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,24).

2) Giáo huấn của Hội Thánh Công giáo:

a) Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI
ngày 29/06/2009 đã ra thông điệp “Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý” trình bày giáo huấn của Hội Thánh về công bằng xã hội. Thông điệp này tiếp nối thông điệp “Populorum progressio- Phát triển các dân tộc” của Ðức Phaolô VI năm 1968 ngay sau công đồng Vaticanô II với nội dung: Giáo Hội khi rao giảng và cử hành bí tích Thánh Thể, cũng như trong mọi hoạt động trần thế của mình phải nhắm vào việc phát triển toàn vẹn con người”. Mới đây vào ngày 05/07/2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô sau lễ nhậm chức Giáo Hoàng, đã công bố thông điệp đầu tiên của ngài “Lumen fidei – Ánh Sáng Ðức Tin”. Trong đó, ngài cho biết chương trình hành động là sẽ tập trung xây dựng một “Giáo hội nghèo, cho người nghèo”. Rồi sau đó ngài luôn quan tâm đến “những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, ít quan trọng nhất” bằng việc nhắc đi nhắc lại hằng tuần, đồng thời kêu gọi các tu sĩ và mọi tín hữu hãy đến với những người nghèo khổ đang sống bên lề xã hội (Theo Vietcatholic news).

b) Công đồng Vaticanô II
trong Hiến chế “Giáo hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes số 8-9) cũng cổ võ cho sự bình đẳng giai cấp giàu nghèo, bình đẳng giữa các dân tộc và các quốc gianhư sau: “Dưới tất cả những đòi hỏi đó, tàng ẩn một ước vọng sâu xa và đại đồng hơn: mọi cá nhân và tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng đáng với phẩm giá con người”.

-TÓM LẠI
, từ vài thập niên qua, những câu: “Giáo Hội của người nghèo”, “Ưu tiên phục vụ người nghèo”… là những khẩu hiệu đặc trưng của Giáo Hội Công giáo. Hội nghị các Giám mục Á châu cũng đã khẳng định quyết tâm phục vụ người nghèo của mình như sau: “Giáo hội trước tiên phải là Giáo hội của người nghèo”.

3) Giáo Hội tiến hành việc san bằng giai cấp:

Giáo hội Công giáo không phải chỉ rao giảng lý thuyết suông, nhưng còn kèm theo những hành động tích cực để xóa bỏ sự cách biệt giữa các giai cấp, và kiến tạo một xã hội công bằng và đầy tình yêu thương như Đức Giê-su đòi hỏi:

a) Trong các lễ nghi phụng vụ:
Khi hội họp cầu nguyện, trong các lễ nghi phụng tự công cộng, mọi người không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, giàu nghèo…đều có quyền bình đẳng ăn cùng một tấm bánh và uống chung một chén rượu. Cần tránh phân biệtgiai cấp giàu nghèo sang hèn như thánh Phao-lô đã phê bình Hội thánh ở Cô-rinh-tô (x. 1 Cr 11,18-22).

b) Hoạt động của các dòng tu:
Trong Giáo hội có nhiều dòng tu nam nữ đã chọn lối sống nghèo khó, lao động chân tay vất vả như mọi người, hoặc chuyên tâm săn sóc, phục vụ người nghèo sống tốt hơn… như dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Phanxicô khó khăn, dòng tiểu đệ Chúa Giê-su, dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta…

c) Cũng có những phong trào, đoàn thể quan tâm
phục vụ người lao động, tranh đấu cho quyền lợi người lao động, thăng tiến đời sống cho người nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất như: Thanh Lao Công, Bác Ái Vinh Sơn, Caritas … Các Hội đoàn Công Giáo Tiến Hành khác như Hiệp Hội Thánh Mẫu, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Các Bà Mẹ Công Giáo… cũng khuyến khích hội viênsống đức Tin bằng việc thực thi đức cậy và đức áiqua cáccông tác bác áihằng tuần hằng tháng như: thăm viếng người nghèo, bệnh tật và bị bỏ rơi… để chia sẻ cơm bánh, an ủi phục vụ họhầu giới thiệu “Thiên Chúa là Tinh Yêu” cho họ.

Ngoài ra, còn có rất nhiều những người con ưu tú của Hội thánh, trong đó có các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân… đã tận hiến cuộc đời phục vụ người lao động nghèo khổ. Các Ngài tình nguyện làm việc vất vả như một người thợ… với tinh thần hiến thân phục vụ cao độ.

TÓM LẠI
: Giáo hội Công Giáo trong giáo lý cũng như hành động,không chủ trương duy trì những bất công xã hội để dễ bề lợi dụng như có người đã chỉ trích. Trái lại, Hội Thánh không ngừng giảng dạy, cổ võ, thực hành sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội. Nếu trong quá khứ, có một ít phần tử nào đó đã đi sai đường lối chung, thì cũng không thề nại vào đó để quy chụp đổ thừa trách nhiệm cho Hội Thánh được.

B. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA:Thánh Gia-cô-bê viết như sau: “Thưa anh em, anh em đã tin vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh lại nói: “Ðứng đó!” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao ?” (Gc 2,1-4).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã được Chúa Cha sai đến làm Đấng Cứu Thế để ưu tiên cứu độ những ai có tinh thần nghèo khó. Chúa đã nhập thể làm người trong thân phận một người nghèo nhất khi sinh ra trong máng cỏ bò lừa, sống bằng nghề thợ mộc vất vả, để đồng cảm với người nghèo khổ bệnh tật và bất hạnh. Chúa thiết lập Nước Trời ưu tiên mời gọi người nghèo hay ít là những ai có tinh thần nghèo khó gia nhập. Chúa đồng hóa với người nghèo khổ đói khát rách rưới tù tội, bệnh tật đau khổ để mời gọi mọi tín hữu chúng con biết quan tâm yêu thương, chia sẻ và phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh. Xin cho mỗi người chúng con hôm nay biết tôn trọng mọi người không phân biệt giàu nghèo, và ưu tiên giúp đỡ người nghèo nhiều hơn để bù đắp những bất công thiệt thòi họ đã phải gánh chịu, noi gương Chúa khi xưa. – AMEN.

Trở lại Mục Lục

Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015

LM ĐAN VINH

Giám Huấn HHTM Trung Ương

Exit mobile version