Tương quan giữa phong trào biểu tượng và các bí tích

Từ thế kỷ thứ V trở đi, ít nhất trong nền thần học tây phương, không còn có thể nói tới các bí tích mà không sử dụng ý niệm dấu chỉ. Tuy nhiên, trong mức độ, trong đó người ta tìm cách đưa sự kiện bí tích vào trong lãnh vực của các thực tại biểu tượng, người ta đã sợ làm nguy hại một cách triệt để tới sự hữu hiệu khách quan của các bí tích và khả năng của chúng đặt để con người trong sự hiệp thông với sự siêu việt một cách hiệu lực và thực sự.

Trái lại, trong mức độ trong đó người ta đã muốn khẳng định rằng các bí tích là một điểm gặp gỡ hiệu lực với hoạt đông cứu rỗi của Thiên Chúa, thì người ta đã làm tiến triển ý niệm bí tích – lý do. Như vậy trong thực tế, nền thần học bí tích đã sử dụng trong thời gian rất lâu ý niệm dấu chỉ, chỉ để miêu tả nhiệm vụ ý nghĩa của các bí tích. Còn để miêu tả nhiệm vụ thánh hóa của chúng nền thần học bí tích đã thích chạy tới với các ý niệm lý do – hiệu qủa, bởi vì ý niệm dấu chỉ – biểu tượng đã không được coi là đủ. Các hậu qủa của quan niệm giản lược về bí tích-biểu tượng đã khá rõ: đó là ngày nay nói chung tiến trình vật hóa bí tích đã bị phản đối, bắt đầu từ đây. Ngoài ra, việc miêu tả các hiệu lực bí tích đã phát triển trong hình thái khá độc lập từ phong trào biểu tượng bí tích. Thật thế, sự chú ý đã bị thu hút bởi điều được bí tích sản xuất hơn là bởi ý nghĩa của điều được sản xuất và bởi lý do tại sao bí tích sản xuất ra nó. Từ lúc này trở đi sự quan trọng của phong trào biểu tượng bí tích sẽ suy giảm một cách mạnh mẽ. Sự kiện này làm nảy sinh ra một thứ nghi thức khá nghèo nàn, vì nó được tạo ra từ bàn giấy, và từ một giáo lý phụng vụ thường khi tầm thường. Nhưng hậu qủa đáng chú ý nhất đã là sự kiện các bí tích đã không thể tìm ra một điểm móc nối tức thì với các biến cố của lịch sử cứu độ. Một nền thần học bị cột buộc một cách mạnh mẽ vào một ý niệm giảm lược của dấu chỉ đã không thành công trong việc đọc hiểu lịch sử cứu độ trong chià khóa biểu tượng, bởi vì nó đã có cảm tưởng làm trống rỗng các nội dung khách quan của nó, và giản lược nó thành một huyền thoại. Giờ đây nếu lịch sử cứu độ đã chỉ có thể được đọc trong chìa khóa bản thể học, thì hậu qủa là cả tương quan của các bí tích với lịch sử cứu độ phải được thiết lập trên bình diện của tính cách khách quan thuần túy.

Các bí tích được hộ tống bởi vài chỉ dẫn kinh thánh qúy báu như nền thần học do thái về lễ Vượt Qua, hay nền thần học của thánh Gioan, đáng lý ra đã phải được hiểu như là các thời điểm thực tại hóa trở lại các biến cố của lịch sử cứu độ một cách đích thật, cả khi đó là biểu tượng, để con người thuộc mọi thời đại có thể được lôi cuốn vào trong đó một cách trực tiếp. Trái lại, chúng đã trở thành các thời điểm trong đó được phân phát các hiệu lực cứu rỗi mà các biến cố của lịch sử cứu độ đã sản xuất ra. Khi đó các bí tích không có một tương quan trực tiếp với lịch sử cứu độ nữa, mà chỉ có tương quan với các hiệu lực của nó thôi. Ngày nay còn hơn là trong qúa khứ, chúng ta có thể hiểu rằng lý do cuối cùng vì đó các bí tích đã chỉ được đọc hiểu một cách phiến diện trong chìa khóa biểu tượng là tại sự kiện chính lịch sử cứu độ đã không được đọc hiểu trong viễn tượng này.

Điểm thứ ba cần thảo luận ở đây là tương quan giữa phong trào biểu tượng và lịch sử cứu độ. Phạm trù lịch sử cứu độ đã bước vào trong diễn văn thần học chỉ mới đây thôi, nhưng nó đã lập tức vén mở cho thấy nó là một phạm trù khá phong phú đối với suy tư kitô. Tuy nhiên, nó tiếp tục là một phạm trù gây vấn đề, và vì thế nó ít được sử dụng để nêu bật tính cách thống nhất của lịch sử cứu độ và để tiếp nhận bản chất biểu tượng của nó. Khẳng định này có thể được chứng minh bởi vài dữ kiện gây tiếng vang. Chẳng hạn, người ta đã luôn luôn nói tới liên hệ chặt chẽ giữa Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước, nhưng rất thường khi nó được miêu tả như một tương quan khá ngoại tại, có chủ ý hơn là thực sự. Một tương quan đã không được tiếp nhận trong bản chất đích thực của Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Thánh Kinh Tân Ước, nhưng chỉ trong nhiệm vụ mà Thánh Kinh Cựu Ước thực thi đối với Thánh Kinh Tân Ước.

Trong viễn tượng này, Thánh Kinh Cựu ước đã chỉ được hiểu như là thời điểm chuẩn bị cho Thánh Kinh Tân Ước, nghĩa là giai đoạn chuẩn bị làm thành nền tảng trên đó đươc xây dựng Thánh Kinh Tân Ước. Từ quan điểm này, các lời nói và các việc làm của Thánh Kinh Cựu Ước đã có thể được coi như các dấu chỉ của các biến cố sẽ định tính Thánh Kinh Tân Ước, nhưng chúng đã là các dấu chỉ không có nhiệm vự nào khác hơn là nhiệm vụ thông tin về những gì sẽ xảy ra sau đó. Vì thế nó sẽ bị tan loãng trong bóng tối của nguyên tắc kitô trông thấy nơi toàn lịch sử cứu độ việc thực hiện từ từ một nhiệm cục duy nhất của sự nhập thể, và nó khiến cho các biến cố thời cựu ước không chỉ là việc báo trước, mà là việc Thiên Chúa thực sự bước vào trong lịch sử để xây dựng mầu nhiệm vĩnh viễn và hoàn hảo của sự nhập thể. Bởi cùng lý do kể trên cả các phép lạ của Chúa Giêsu Kitô cũng sẽ được coi như các dấu thỉ, nhưng trong nghĩa có tính cách hộ giáo nhiều hơn, trong nghĩa chúng là các tác động chỉ cho thấy và chứng minh cho thấy Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế. Giáo huấn của thánh Gioan mời gọi chúng ta tiếp nhận đồng thời trong biến cố Đức Kitô, trong các mầu nhiệm chứ không phải chỉ trong các phép lạ của Người, các dấu chỉ lớn lao (semeia) chỉ cho thấy và nhất là diễn tả trước trong lịch sử sự mới mẻ cánh chung. Và đây là điều thường bị bỏ qua, không được nhắc tới. Lịch sử cứu độ thay vì được nhìn trong tổng thể của nó như là một dấu chỉ vĩ đại, đã chỉ được hiểu như là một nơi chốn, một bối cảnh nơi Thiên Chúa quyết định thỉnh thoảng tự biểu lộ ra. Từ đó phát xuất ra các méo mó viễn tượng khác nhau, khiến cho suy tư kitô nhiều khi bị lạc đường. Chẳng hạn như trong khi cần phải khởi hành từ lịch sử để soạn thảo ra giáo lý, thì thường khi người ta lại khiến cho lịch sử chỉ trở thành bối cảnh kiểm thực giáo lý, với nguy hiểm lược đồ hóa lịch sử và cho nó một giải thích giản lược. Các lạc giáo lớn liên quan tới Thiên Chúa Ba ngôi của bốn thể kỷ đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội là bằng chứng tỏ tường nhất cho thấy sự méo mó lệch lạc này.

Điểm thứ hai các nhân vật và các biến cố của lịch sử, từ đó phải suy ra các điều lệ của cuộc sống kitô, và một cách chính xác hơn, cái luận lý siêu việt mà cuộc sống kitô phải quy chiếu, thì lại đã một cách dễ dàng chỉ trở thành một tổng thể các nhân vật và các giai thoại khuyến thiện dùng để minh giải trong hình thái thực dụng sự luật lệ hóa lý thuyết cuộc sống. Học giả M. F. Coudreau minh giải một cách chính xác sai lầm viễn tượng này khi viết như sau: ”Chúng ta không được phép nói đức tin là gì, rồi tìm thấy nó được thực hiện nơi tổ phụ Abraham, nhưng chúng ta phải duyệt xét gương mặt của tổ phụ Abraham để thiết định đức tin là gì”.

Nhưng điều lôi kéo sự chú ý của chúng ta nhiều hơn là sự kiện không có khả năng đọc hiểu trong chìa khóa biểu tượng lịch sử cứu độ, đã khiến cho nguồn gốc của bẩy bí tích chỉ được gắn liền một cách trực tiếp với ý muốn rõ ràng của Chúa Kitô. Và như đã biết, nguồn gốc này không luôn luôn có thể tái dựng lại trên nền tảng của các bút tích tân ước, và trong mọi trường hợp, nó đã khiến cho các bí tích vẫn tiếp tục là một phần khá xa lạ bên trong chương trình nhập thể, và đã cho phép một tiến trình thánh thiêng hóa đôi khi qúa đáng đối với bản chất địch thật của tâm tình kitô. Nói cách khác, chúng ta vẫn luẩn quẩn trong thái độ chọn một bỏ một, mà không có khả năng tìm ra một giải pháp quân bình cho vấn đề nguồn gốc và bản chất của các bí tích. Người chủ trương cho rằng các bí tích là do chính Chúa Giêsu Kitô thành lập lại đi qúa xa, khi yêu sách rằng cả các lễ nghi ban bí tích cũng do Chúa Giêsu thiết định. Kẻ khác lại không tin rằng Chúa Giêsu đã thành lập ra cả bảy bí tích, vì thiếu các văn bản kinh thánh chứng minh cho điều đó. Rồi để giải thích bản chất của các bí tích như các dấu chỉ bề ngoài ban các ơn thánh bên trong, người ta cũng lấn cấn trong việc nghiên cứu tương quan dấu chỉ bí tích với các biến cố của lịch sử cứu độ, khiến dễ rơi vào các lệch lạc, giản lược thần học bí tích vào Kitô học, hay Giáo Hội học, hoặc nhân chủng học. Khi duyệt xét tương quan giữa phong trào biểu tượng và lịch sử cứu độ, người ta cũng có thể rơi vào các méo mó và giản lược giá trị của Thánh Kinh Cựu Ước đối với Thánh Kinh Tân Ước, khi chỉ coi Thánh Kinh Cựu Ước là bối cảnh và thời điểm chuẩn bị cho Tân Ước, và là nơi trong đó thỉnh thoảng Thiên Chúa mới tự tỏ hiện ra cho con người, chứ không phải là thời gian của tổng thể lịch sử cứu độ, như là một dấu chỉ vĩ đại, trong đó các nhân vật và các sự kiện là dấu chỉ của toàn nhiệm cục cứu rỗi và của sự kiện Thiên Chúa can thiệp và bước vào trong lòng lịch sử của nhân loại.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1187)


Linh Tiến Khải

Exit mobile version