Tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh Tao Phùng – Công trình của ngàn đôi tay

Giữa biển, trời xanh ngắt, bức tượng Chúa Kitô Vua dang rộng đôi tay như ôm cả thế giới vào lòng, là nơi nhiều con chiên Chúa cũng như bao người chẳng phải giáo dân tìm đến hành hương và nhận được nguồn đỡ nâng suốt nhiều năm qua.

Công trình của ngàn đôi tay

Ánh vàng của nắng, những tán cây xanh mướt, sắc màu rực rỡ của những khóm hoa cùng cơn gió mang vị mặn chốc chốc từ biển thổi vào khiến đường lên núi thêm thơ mộng. Khách leo núi đi một mình, đi cùng gia đình, cùng đoàn thể… Người Công giáo thầm thĩ nguyện kinh, người không Công giáo thì chậm rãi thưởng ngoạn phong cảnh, chụp lại những khoảnh khắc, những khung cảnh đẹp để lưu giữ về sau. Họ là người Việt, người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ… Ðiểm đến cuối được mong đợi nhất luôn là giây phút đứng trên hai cánh tay Chúa giữa trời, biển mênh mông và phóng tầm nhìn về phương xa.

Ngược dòng lịch sử, năm 1972, linh mục chánh xứ Vũng Tàu Phaolô Nguyễn Minh Tri đã cùng với bà con giáo dân khởi công xây dựng một tượng đài Chúa Kitô cao 10m, đặt trên bệ kê 5m ngay tại mũi Nghinh Phong – dải đất nhô ra biển về phía Nam. Mọi việc đang tiến hành thì phải ngưng lại. Ðến năm 1974, tượng Chúa được dời về núi Nhỏ và tiếp tục xây dựng. Thế nhưng, do vị trí mới có điều kiện khí hậu gió mùa nhiệt đới khắc nghiệt và độ cao 176m so với mực nước biển nên bức tượng phải được thiết kế lại với chiều cao 32m, sải tay dài 18,4m, trên thân có 3 chữ Thọ lớn được sử dụng như cửa thông gió, lấy ánh sáng tự nhiên cho bên trong, trong lòng tượng là cầu thang xoắn ốc 130 bậc dẫn lên đôi vai Chúa. Song, một năm sau, mọi hoạt động thi công phải tạm ngưng khi tượng hoàn thành phần cơ bản. Thời gian dài sau đó, do không có người chăm sóc, quản lý nên tượng bị hư hại nhiều, kèm theo là tình trạng khai thác đá tràn lan dưới chân núi gây ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan.

Đức cha giáo phận Bà Rịa Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn chủ sự một thánh lễ hàng tháng dưới chân tượng Chúa – ảnh: giaophanbaria.org

17 năm sau, ngày 28.1.1992, công trình được cấp giấy phép để tiếp tục sửa chữa và xây dựng. Ðức Giám mục giáo phận Xuân Lộc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật  lúc đó đã khẳng định đây là công trình giáo phận và gởi văn bản ủy quyền cho cha Phêrô Trần Văn Huyên trực tiếp hoàn thiện thủ tục và khởi sự công việc tu sửa, xây dựng. Họa sĩ – điêu khắc gia Văn Nhân chịu trách nhiệm phần mỹ thuật. Tượng mẫu Chúa Kitô Vua và 4 bức phù điêu dưới chân tượng đều được tạo nên từ đôi tay tài hoa của ông. Phần kỹ thuật bê tông được giao cho kỹ sư Nguyễn Quảng Ðức. Phần vật liệu hầu hết ở trong nước như cát, sỏi từ sông Ðồng Nai; đá cẩm thạch được chuyển về từ Hòn Non Nước (Ðà Nẵng)…

Trở ngại lớn nhất là việc vận chuyển hàng ngàn tấn vật liệu lên đỉnh núi. “Nghe lời cha sở mời gọi, chúng tôi rủ nhau xếp hàng chuyền tay từng khối đá, bao xi măng, cát…lên núi. Ai yếu thì hai người một tổ, ai khỏe thì một mình, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều góp sức cho việc chung. Mệt lắm mà ai nấy đều hào hứng”, bà Ngô Thị Tới (62 tuổi), giáo dân xứ đạo Vũng Tàu kể lại. Gần 800 bậc thang bằng đá; các trạm dừng chân trên đường leo núi; các hồ nước phục vụ sinh hoạt, tưới cây; mở rộng hoa viên… cũng hình thành trên núi đá cao nhờ sự chung sức, đồng lòng ấy. Cứ thế, họ từng bước hoàn tất từng hạng mục nhỏ, để sau cùng làm nên toàn bộ công trình lớn.

Vào ngày lễ Chúa Kitô Vua 24.11.1994, Ðức cha Phaolô Maria đã chủ sự thánh lễ đồng tế khánh thành tượng đài cùng các linh mục, tu sĩ và đông đảo giáo dân. Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là tượng Chúa Kitô lớn nhất châu Á năm 2012.

Để tồn tại với thời gian

Theo trang thông tin của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings thì trong năm 2012 có khoảng 2 triệu lượt du khách đã đến Tao Phùng. Thực tế thì đây là điểm du lịch không bán vé vào cổng nên rất khó để thống kê số lượng khách đến thăm. Nhưng, như lời linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Thảo, người được trao trách nhiệm coi sóc công trình Chúa Tao Phùng thì mỗi ngày cuối tuần, khu vực giữ xe dưới chân núi trông coi chừng 3.000 xe máy, chưa kể lượng xe gởi bên ngoài, số lượng xe hơi, xe du lịch chở các đoàn khách. Con số này sẽ tăng lên nhiều vào các dịp nghỉ lễ, Tết… Như vậy, lượng du khách đông lại kéo theo nhiều nhu cầu cần được giải quyết để công trình luôn giữ được vẻ đẹp và tồn tại cùng thời gian. Ðây là bài toán khó, là trách nhiệm nặng nề đặt trên đôi vai những người phụ trách.

Bao người chung sức vận chuyển nguyên liệu lên núi – ảnh tư liệu

Trên núi không có nguồn nước nên chúng tôi phải mua nước máy và đặt máy bơm phụ ở 4 chặng để đưa nước lên đỉnh núi. Hiện tại, các công trình phụ như trạm dừng, nhà vệ sinh cho du khách đã hoàn thành nên cũng phần nào ổn định. Ðiều khó khăn là việc giữ gìn vệ sinh cảnh quan và bảo trì các công trình vốn có trước sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên khi mà đội ngũ nhân viên chỉ chừng 20 người”, cha Thảo chia sẻ. Cách nay vài năm, khi leo núi thường thấy rất nhiều rác thải vương vãi hai bên đường. Những dịp lễ lớn, khách đến nhiều, lượng rác cũng tăng lên. Ðể làm sạch môi trường, các nhân viên vệ sinh phải đeo dây, bám theo vách đá để nhặt rác. Hiện tại, dọc theo đường lên núi, ban quản lý đã lắp đặt thùng rác, cắm bảng nhắc nhở…, tình hình nhờ đó mà khá hơn nhiều.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến những tác hại của điều kiện tự nhiên gây ra. Các bức tượng được đặt trên cao, ngày ngày đón nắng, mưa, gió biển khiến vẻ ngoài cũng như phần cốt sắt bên trong dễ bị hư hại. Các nhân viên ở đây luôn phải để tâm hết sức để kịp lúc phát hiện và tu bổ, tránh thiệt hại nặng nề về sau. Ông Hoàng Thanh Bình (Hà Nam) nhận xét: “Tôi đã đến đây 3 lần và thấy mọi thứ càng lúc càng khang trang. Công trình này là bao tâm huyết, làm nên đã khó, bảo tồn còn khó hơn nhiều. Tôi rất khâm phục những con người đã góp sức giữ gìn trung tâm này qua nhiều năm tháng”.

Nơi không thể không đến

Là biểu tượng sống đức tin hiên ngang, mạnh mẽ của cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Bà Rịa (tách ra từ GP Xuân Lộc năm 2005), công trình tượng Chúa Kitô Vua Tao Phùng được quy hoạch để phát triển thành một trung tâm hành hương giúp củng cố niềm tin Kitô giáo. Ngoài bức tượng chính là những cụm tượng phụ diễn tả các biến cố Cựu Ứớc và Tân Ước được đặt dọc đường để khách chiêm ngắm, nguyện cầu. Thêm vào đó là nhà nguyện nhỏ cho những ai cần nơi tĩnh lặng để trải lòng có thể thoải mái tâm tình cùng Chúa. Nếu như trước đây, chỉ có lễ Thánh Tâm Chúa và lễ Chúa Kitô Vua được tổ chức cử hành trên núi, thì nay vào mỗi thứ 6 đầu tháng, Ðức cha giáo phận Bà Rịa Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đều đến dâng lễ cùng khách hành hương. Hoạt động này tạo nên nét sinh hoạt thiêng liêng làm tăng thêm bầu khí sống động, thần thiêng cho địa điểm nổi tiếng này. “Tham dự thánh lễ trên núi tạo nên những trải nghiệm mới mẻ trong tôi. Không hiểu sao tôi thấy lòng mình như nhẹ hơn, dễ hòa nhịp cùng cộng đoàn hơn và nhất là cảm được tình Chúa yêu thương khi ngắm nhìn sự hùng vĩ của tự nhiên quanh mình”, anh Nguyễn Tấn Hoàng (GP Phú Cường) tâm sự.

Rước kiệu và cắt bang khánh thành công trình ngày 24.11.1994 – ảnh tư liệu

Lần nào đi Vũng Tàu tôi cũng phải leo núi Chúa. Ngày xưa còn nhỏ thì được ba mẹ dẫn đi. Có gia đình thì đi cùng chồng con. Mỗi lần lên núi đem lại mỗi cảm nhận riêng làm tôi nhớ hoài”, bà Trần Thị Xuân Hòa, giáo dân giáo phận Xuân Lộc cho biết. Tương tự, vợ chồng chị Phạm Thị Ngọc Yến (TGP TPHCM) cũng là “khách quen” của nơi này. Hầu như năm nào anh chị cũng phải đến Tao Phùng một lần bởi “luôn cảm giác được Chúa an ủi, xoa dịu những mỏi mệt, buồn phiền mỗi lần ghé thăm”. Còn với ông Lê Xuân Bình (TPHCM), một tín đồ Phật giáo thì việc được ngắm biển, thành phố, thiên nhiên từ trên cao là lý do khiến ông không thể không đến đây mỗi khi có dịp ra thành phố biển.

Bước từng bước trên những bậc thang đá trải dài lên cao, ngẩng đầu đón nắng xuyên qua đám lá cây, thưởng lãm vẻ đẹp của thiên nhiên, của những tác phẩm điêu khắc, ngẫm nghĩ về ý nghĩa bên trong từng bức tượng mà chợt thấy lòng nhẹ bẫng. Bất cứ ai chẳng phân biệt địa vị, sang hèn, chỉ cần cố gắng tiến lên sẽ được mở rộng tầm nhìn khi đứng trên đôi tay của Chúa. Trung tâm Hành hương Chúa Kitô Vua Tao Phùng được khởi sự và hoàn thành bởi trí óc, bàn tay con người nhưng mang đong đầy tình yêu Thiên Chúa. Ngài tựa người cha luôn đứng ngóng chờ, mở rộng vòng tay ôm vào lòng những đứa con từ muôn phương trời, dẫu qua bao thời gian…

YÊN LAM

Exit mobile version