Tuổi tác có nghĩa gì nơi thiên đàng?

tuoitac - Tuổi tác có nghĩa gì nơi thiên đàng?

Vì quá bất ngờ, nên gia đình không có thời gian và tinh thần chuẩn bị tang lễ và cách đón nhận nỗi buồn đau mất mát đó theo cách của người có niềm tin Ki-tô giáo. Đối diện với hoàn cảnh này là một thử thách không nhỏ. Thử hỏi có đau đớn nào hơn nỗi đau của người cha mẹ phải chôn cất con thơ yêu dấu của mình nơi nghĩa trang lạnh lẽo ấy không? Nỗi đau ấy cũng là thách đố ngay cả cho người có niềm tin mạnh mẽ.

Vâng, chúng ta có thể xác tín rằng bé Wesson đã đạt đến đích điểm của đời người là khi bé trở về Nhà Cha trên Trời. Nhưng nhìn cảnh một bé thơ non nớt trong hộp quan tài xiu xíu ấy thì ai không khỏi nao lòng. Lang thang trên đường về, tôi tự trăn trở suy tư về một trẻ thơ vào Nước Trời có nghĩa gì?

Chắc hẳn chưa ai trong chúng ta ở Thiên Đàng bao giờ. Có thể ai đó cho rằng, kinh nghiệm về Thiên Đàng không gì hơn chỉ là sự suy đoán, nhưng chúng ta lại kinh nghiệm phần nào về Thiên Đàng chính ngang qua sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô được mạc khải cho chúng ta. Ít nhiều ta có biết về biến cố Phục Sinh là ta biết chút ít về Thiên Đàng. Và chính biến cố Biến Hình (cũng gọi là biến cố Hiển Dung) xảy ra trước cuộc tử nạn của Chúa Kitô được thuật lại trong Kinh Thánh Tân Ước là mạc khải tiên báo về nhân tính được hiển dung của Đức Ki-tô. Sự biến hình đó chỉ là một chớp nhoáng vinh quang Phục Sinh của Đức Ki-tô được mạc khải trong biến cố Phục Sinh sau đó của Ngài.

Tuy vậy, chúng ta biết gì khi nghe Kinh Thánh Tân Ước tường thuật về biến cố Chúa Hiển Dung? Chúng ta có thể nhận thấy hai vấn đề then chốt ở đây. Vấn đề thứ nhất là khi ba môn đệ thân tín nhận ra Đức Giê-su rực rỡ trong vinh quang cũng là chính Đức Giê-su mà họ đã từng biết thường ngày. Điều này có nghĩa là Thiên Đàng không hề xóa bỏ những căn tính phàm nhân của chúng ta khi còn tại thế. Nhiều người cho rằng thân xác chúng ta bị tiêu hủy trong đời sau, và những căn tính cá vị của chúng ta cũng sẽ bị biến mất trong đó. Nhưng thực ra điều đó đã không xảy ra như vậy. Điền hình là điều đó không xảy ra tương tự với Đấng Ki-tô Phục Sinh, người được vinh quang phục sinh đầu tiên từ cõi chết. Căn tính của Đức Giê-su vẫn không thay đổi ngay cả khi biến cố Hiển Dung trên núi, hoặc sau biến cố Ngài được phục sinh. Như ta nghe trong quyển thư thứ Hai gửi giáo đoàn Ti-mô-thi:

‘Chiếu theo chính dự định và ân sủng Người đã ban cho ta trong Đức Ki-tô Giêsu, từ trước đời đời hằng có, và nay đã cho hiển hiện nhờ cuộc Hiển linh của Vị Cứu Chúa của ta, Đức Giê-su, Đấng đã hủy diệt sự chết, và đã chiếu sáng ra sự sống, và sự bất toại, nhờ Tin Mừng.’ (2Ti-mô-thê 1, 9-10)

Vấn đề kế đến là chúng ta được biết Đức Ki-tô được phục sinh vinh hiển thì hoàn toàn khác với điều người ta suy đoán. Ngài vẫn cùng là nhân vị như trước, nhưng trong cách hoàn toàn mới. Như người ta vẫn thấy trạng thái từ trái trứng, rồi biến thành gà con, và con nhộng hóa thành bướm, hoặc nhân vật Peter Parker và Spiderman (Người Nhện) cũng là cùng một nhân vật, nhưng trong hai giai đoạn khác nhau. Điều ta rút ra được từ Kinh Thánh là nhân vị chúng ta sẽ vẫn tồn tại nơi Thiên Đàng, dù cho chúng ta có là ai, giàu hay nghèo, chúng ta sẽ được hiển dung như Đức Ki-tô vậy.

Câu hỏi đặt ra ở đây là ‘trên Thiên Đàng, tuổi tác của chúng ta sẽ tính làm sao?’ Theo tôi, tôi không cùng quan điểm với một số người cho rằng khi ở Thiên Đàng, tuổi chúng ta sẽ là tuổi lúc ta chết. Vì nếu nghĩ như thế, phỏng đoán dân số Thiên Đàng có thể đại đa số người cao tuổi, dù rõ ràng là các độ tuổi vẫn hiện diện trong số đó. Chắc cũng có một số người giả định rằng khi ở Thiên Đàng chúng ta sẽ trở lại tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người. Như thế, Thiên Đàng không có trang web cho ta đăng tải chi tiết cá nhân như : ‘’Có ai nhớ vào thâp niên 80, cô ấy quyến rũ thế nào không? Bây giờ hãy nhìn lại cô ấy xem nào!’’ Những chuyện tầm phào này hoàn toàn không có ở Thiên Đàng, vì những hành xử ấy đều để lại nơi trần gian này.

Hơn nữa, điểm then chốt chúng ta cần nhìn đến là tuổi tác mang một ý nghĩa sâu xa hơn những thay đổi hữu hình về thể lý. Dẫu biết rằng thân xác con người phải trải qua thay đổi thể lý. Trong tiến trình thời gian khi ta càng trải nghiệm trong đời, ta lại gặp thêm nhiều bạn bè và nhiều tình cảm thắm thiết, và càng thêm tuổi, ta trải qua ‘ba chìm, bảy nổi’ của cuộc đời, nhân tính của chúng ta đầy đặn hơn. Điều này cho thấy tuổi đời là chuỗi dài đan xen những trải nghiệm, là triển nở sâu hơn trong tiến trình thành nhân của con người. Vì ngược lại, phải chăng những trải nghiệm ấy trở thành vô nghĩa trong cuộc sống?

Liên tưởng đến người mẹ của tôi, càng về già bà cụ càng trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, thâm thúy và vui sống hơn. Vậy thử hỏi, nơi Thiên Đàng, những năm tháng của bà cụ có bị xóa đi, để biến cụ trở thành thiếu nữ tuổi 21? Có lẽ đúng với trường hợp thể lý, nhưng chắc chắn mặt thiêng liêng và tâm linh thì không thể xóa được. Vậy dù điều đó xảy ra với thể lý, khi chúng ta xác tín thân xác được phục sinh, thì chắc chắn sự phục sinh ấy vượt lên trên những biến đổi thân xác thể lý.

Về chiều kích tâm linh, thì thời gian không xóa được. Nơi Thiên Đàng, chúng ta sẽ nhận ra rằng những tháng năm chúng ta được ban tặng ở trần gian là những năm hồng ân tặng ban có chủ đích. Những thời gian ân phúc ấy giúp chúng ta thành toàn hơn theo năm tháng, giúp chúng ta trở nên chính mình. Khi sống, ta thường quan niệm ‘lão hóa, già nua’ là định mệnh không thể tránh khỏi mà ít ai muốn. Nhưng nơi Thiên Đàng, định mệnh ấy lại là được xem là thời khắc chín muồi và tròn đầy của đời người.

Nếu vậy, thì Bé Wesson từ trần khi còn non nớt thì sao? Ta tin chắc rằng Bé Wesson được hưởng phúc bên Chúa, nhưng Bé không có được hành trình chín muồi nơi dương thế thì thế nào? Có người cho rằng, điều đó chẳng thành vấn đề, vì cuộc sống chúng ta trên trần thế không quan trọng bằng sự sống đời sau. Mặt khác, khi bé Wesson ở Thiên Đàng hưởng phúc với Chúa, nếu vậy bé còn thiếu điều gì khác không?

Để trả lời cho vấn nạn này, ta cần dựa vào Kinh Thánh Tân Ước để giải thích. Vì Kinh Thánh cho ta thấy rằng cuộc sống chúng ta luôn tiềm ẩn mục đích cao cả trong đó, và điều xem ra quan trọng là Thiên đàng không phải là một nơi chốn cố định. Ta thấy các Thánh nhân vĩ đại của Giáo Hội đã phải chiến đấu bản thân và tôi luyện nhân đức trong thời tại thế để được thuộc về Chúa hơn. Nếu như Thiên đàng không phải là nơi lý tưởng cho những ai phải chiến đấu mãnh liệt để được dự phần, thì sao người ta lại nai lưng, hy sinh, gánh vác trong cuộc sống đời tạm làm gì? Tôi nghĩ các thánh nhân hàm ý nói về một thiên đàng rộng mở đón nhận mọi dân tộc, như một vườn địa đàng phong phú với nhiều chủng loại. Vì nhìn hoa Đào rất nhỏ bé mỏng manh hơn nhiều so với hoa Hướng Dương, nhưng vẻ đẹp của hoa Đào không hề thua kém các loài hoa khác.

Cũng vậy, dù những gì chúng ta đang bàn huyên thuyên ở đây, Thiên đàng chắc chắn không phải là một nơi chốn. Và các Thánh nhân phải là nhóm người được bảo tồn trong một loại đá hổ phách quý hiếm để chiêm ngưỡng. Các Thánh không hiện hữu theo kiểu ta suy đoán, vì Thiên Chúa là mầu nhiệm khôn lường. Có thể nói được trong sự vĩnh cửu, chúng ta sẽ sống trong tương quan yêu thương mật thiết sâu xa hơn trong Thiên Chúa, và chúng ta trở nên phần phúc Chúa tặng ban. Chính vì thế, bé Wesson vào Thiên đàng như một trẻ thơ có căn tính, khi sống trong Thiên Chúa, căn tính của Bé tiếp tục triển nở. Bé Wesson ôm ấp căn tính tương quan mật thiết với Chúa không ngừng và chính căn tính bé thơ ấy trở nên món quà của Ân Sủng tinh tuyền không tỳ vết. Có một điều khác với căn tính người lớn chúng ta là, những dấu vết tội lỗi, vết thương rạn nức của cuộc đời sẽ không hiện hữu trong căn tính của bé Wesson, vì Bé không bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm vấp ngã cuộc đời. Ngay cả khi Phục Sinh, Đức Ki-tô được vinh hiển, ta vẫn thấy vết thương nơi thân xác Ngài dù vết thương đó đã được hiển dung theo vẻ đẹp không thể tả hết được.

Ba tông đồ thân tín với Chúa Giê-su chứng kiến sức hủy diệt của tội lỗi hằn trên chính thân xác của Đấng cứu thế. Vào thời khắc ân sủng, các tông đồ trông ngóng về điều tiên báo sẽ đến là sự Phục Sinh, và điều mà các ông kinh nghiệm về căn tính Đức Giê-su lúc đương thời, căn tính đã có từ nguyên thủy nơi căn tính Con Thiên Chúa.

Chính ân sủng Phục Sinh đó không chỉ được ban cho chúng ta trong hiện tại, qua những giây phút trong cuộc sống này: khi ta bồng em bé sơ sinh; khi bắt gặp trẻ thơ thú vị với cây kem đầu đời; khi nhìn thấy 1 đứa trẻ ném banh lần đầu trong đời; hoặc khi thấy bà ngoại quỳ gối cầu nguyện; hoặc nghe ai đó đọc kinh, ta như đang nghe một trong các vị thánh của nước Trời đọc kinh , khi đó ta nhận thấy phần nào đó về căn tính của mỗi chúng ta trong cái nhìn yêu thương của Chúa. Và chính ân sủng ấy cũng giúp ta cũng nhìn thấy căn tính tương lai của chúng ta trong cùng cái nhìn của Chúa yêu thương. Vì cuộc sống là ân ban, và có những điều tưởng chừng chỉ là những cái vụn vặt, những gì chóng qua trong trần thế, nhưng cái nho nhỏ nơi đời tạm này lại có giá trị to lớn trong nước Trời.

Mạnh Khiết, S.J. dịch
(dongten.net /
americamagazine)



Exit mobile version