Tư thế lúc Rước lễ

First Holy Communion - Tư thế lúc Rước lễ

Hỏi: Trong phần trả lời của cha ngày 21-6-2016, cha nói dài về tần suất Rước lễ, và các lý do thực tế khác nhau tại sao tần suất này thay đổi trong suốt nhiều thế kỷ. Trong phần giới thiệu của cha, cha nói rằng cha cố gắng giới hạn mình vào một câu trả lời ngắn gọn, vốn là khá hợp lý, và do đó cha không thể nói các việc khác, chẳng hạn tư thế của các tín hữu khi Rước lễ. Tuy nhiên, con nghĩ rằng vấn đề tự nó sẽ rất thú vị để điều tra từ quan điểm của sự phát triển lịch sử. Xin cha cho chúng con biết một lịch sử ngắn gọn về tư thế, và sự thực hành của các tín hữu trong Nghi thức Rước lễ. – M. S., Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Đáp: Tư thế cho việc Rước Lễ đã thay đổi theo thời gian, và vẫn còn khác nhau giữa nhiều nghi lễ của Giáo Hội. Nó cũng phụ thuộc vào tần suất Rước lễ, việc Rước lễ dưới một hay hai hình, và cách thức cho Rước lễ dưới hai hình.

Về nơi Rước lễ của các tín hữu, truyền thống Latinh thời đầu ưa chuộng việc đến gần bàn thờ, và thật ra, hầu hết các giải pháp sau này duy trì một mối quan hệ với bàn thờ, mặc dù trong thực tế, việc Rước lễ diễn ra một nơi khác. Trong một số khu vực, nơi có đông người Rước lễ, giáo sĩ sẽ đi đến gần các tín hữu.

Khi cung thánh được tách ra khỏi phần chính của nhà thờ bằng các cửa, các cửa này được mở ra vào thời gian Rước lễ, để các tín hữu có thể đi vào và Rước lễ ở một bàn thờ cạnh. Sự thực hành này đã được cắt giảm từ đầu thế kỷ IX. Sau đó, cung thánh bắt đầu được bao quanh bởi một tường cao, và các tín hữu sẽ đến Rước lễ ở một bàn thờ được dựng lên bên ngoài tường này. Ở một số nơi, như miền Bắc Phi, các tín hữu sẽ đến gần một chấn song. Chấn song này là cao hơn so với chấn song bàn thờ, và cao đến ngực. Vì vậy, cho đến thời điểm này, tư thế Rước lễ là đứng. Đây vẫn là sự thực hành của hầu hết các Giáo Hội Đông Phương, vì đối với họ, tư thế quỳ không là tư thế chung phụng vụ.

Từ thế kỷ IX, việc thực hành Rước lễ chỉ bằng rước Mình Thánh và trực tiếp trên lưỡi đã trở thành quy định. Tương tự như vậy, giữa thế kỷ XI và XVI, sự thực hành Rước Mình Thánh trong khi quỳ dần dần chiếm uy thế trong nghi lễ Latinh.

Khoảng thế kỷ XIII, ở một số nơi có việc giăng một tấm vải, do hai thừa tác viên cầm, cho người Rước lễ quỳ. Sau đó, trong thế kỷ XVI, người ta thường đặt miếng vải trên bàn hoặc ghế dài giữa gian giữa và cung thánh. Bởi vì việc này tỏ ra khá thuận tiện cho việc cho Rước lễ, chúng dần dần được thay thế bởi chấn song bàn thờ bằng gỗ, kim loại hoặc đá, vốn là phổ quát trong thực hành từ thế kỷ XVII cho đến gần đây.

Mặc dù Công đồng chung Vatican II đã không kêu gọi cất đi chấn song bàn thờ, trong thực tế, chúng đã được loại bỏ ở nhiều nơi. Việc thực hành Rước lễ đứng chứ không quỳ gối, và rước trên tay chứ không phải trên lưỡi, cũng là phổ biến hơn. Việc cho Rước lễ dưới hai hình, lấy Máu Thánh trực tiếp từ chén thánh, cũng ảnh hưởng đến sự thay đổi tư thế.

Các qui chế phụng vụ vẫn cho phép quỳ, mặc dù Hội đồng Giám mục được phép qui định các qui chế khác, nhưng không phải để không cho phép quỳ.

Như vậy, Huấn thị Tổng quát của Sách Lễ Rôma, số 160, có một văn bản hơi khác nhau ở Hoa Kỳ và ở các nước nói tiếng Anh khác.

Ở Anh và xứ Wales, qui chế nói:

“Linh mục sau đó cầm Chén thánh hay Bình thánh, và đi đến gần các người Rước lễ, khi họ, như một quy luật, đến gần linh mục trong đoàn xếp hàng. Các tín hữu không được phép tự mình cầm Mình Thánh hoặc Chén thánh, và không chuyền nhau từ người này đến người khác. Các tín hữu Rước lễ hoặc quỳ hoặc đứng, theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục. Tuy nhiên, khi họ Rước lễ đứng, họ được đề nghị làm một cử chỉ thích hợp của sự tôn kính, như được xác định trong các qui chế, trước khi Rước lễ”.

Ở Hoa Kỳ:

“… qui chế cho việc Rước Lễ trong các giáo phận của Hoa Kỳ là tư thế đứng. Các người Rước lễ không được từ chối cho Rước lễ, bởi vì họ quỳ. Thay vào đó, các trường hợp như vậy cần được giải quyết về mục vụ, bằng cách cung cấp cho các tín hữu giáo lý đúng về các lý do của qui chế này.

“Khi Rước lễ, người Rước lễ cúi đầu của mình trước Bí Tích như một cử chỉ tôn kính, và tiếp nhận Mình Thánh Chúa từ thừa tác viên. Mình Thánh có thể được rước trên lưỡi hay trên tay, tùy theo quyết định của mỗi người Rước lễ. Khi Rước lễ dưới hai hình, cử chỉ tôn kính cũng được thực hiện trước khi rước Máu Thánh”.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 18-10-2016)



Exit mobile version