Từ Một Phật Tử Hoàng Tộc Huế Trở Thành Linh Mục

Tác giả của bài viết này là Giáo sư Triết học của Viện Đại Học Sài Gòn, Việt nam. Ngài là hậu duệ của các Vua Triều Minh Mạng, Tự Đức. Dưới những triều đại này, Giáo Hội Công giáo đã bị cấm cách và sát hại gắt gao vào khoảng thế kỷ 19. Hiện tại, Ngài là một Linh mục Dòng Đaminh.

Ngài là Phó Giám tỉnh của Dòng và là Chủ tịch của Tổ chức các Dòng tu tại Việt nam. Bài này được viết trong chuyến du hành sang Pháp trên tàu André Lebon vào năm 1935, bảy năm sau ngày Ngài Rửa tội theo Giáo Hội Công giáo và năm năm trước ngày Ngài được phong chức Linh mục. Ngài sang Pháp du học và lãnh nhận Thánh chức Linh mục.

Tôi rời Huế vào ngày 24 tháng 10 năm 1935. Nơi đầu tiên tôi sẽ đến là Nha Trang để thăm cha tôi hiện đang làm tỉnh trưởng tại đây.

Thường thường chuyến xe lửa khởi hành từ Hà nội đến rất đúng giờ, nhưng hôm nay không hiểu vì sao nó lại trễ mất một giờ đồng hồ. Tôi đã đến ga thật sớm và vì thế phải chờ đợi. Nhà ga vào buổi sáng gió rất mạnh.

Cái lạnh thấm vào da thịt tôi và những người cùng đi tiễn chân tôi. Cho đến hôm nay, khi ngồi nhớ lại cái giây phút chia ly đó, tôi cầu xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả những ai đã vì lòng bác ái bảo bọc, nâng đỡ cho những người hiến thân cho Chúa trên đường tu hành.

Tôi vẫn thường có những cuộc hành trình tương tự lúc còn nhỏ, khi tôi chưa ý thức được sự việc chung quanh và chưa lo lắng về đời sống vật chất. Hôm nay, trong chuyến đi này, với một sự thanh thản cố hữu, tôi sẽ vượt qua các đồng bằng, những con đường ngoằn nghèo dốc núi.


Theo đuổi những vô tư không phải vì không biết lo lắng, nhưng là vì muốn thực hành những nhân đức trong đời sống con người. Tôi yêu đời và tôi muốn sống hết cho tình yêu này, nhưng giờ đây, cũng với tình yêu ấy, tôi muốn nó được hòa nhịp với chân lý cao vời.

Như thế, với cùng một tuyến đường, với cùng những quang cảnh quen thuộc, những núi non, những sông ngòi, cũng nói chuyện dông dài với những người bên cạnh, tôi vẫn là tôi, vẫn là con người cũ.


Vẫn là con người cũ nhưng bên trong đã có thật nhiều thay đổi. Cảm nhận được niềm hạnh phúc đang dâng lên, nghĩ tới những hạnh phúc sẽ đến. Tôi hối tiếc quá, hai mươi năm trời của đời sống đã qua trong đời mình với những lầm lỗi, thiếu sót và vô tâm.

Làm sao tôi có thể được sống lại một lần nữa những ngày tháng đó? Rồi tôi tự hỏi không biết những người trẻ khác có lầm lỗi, thiếu sót và vô tâm như thế không? Và sau một thời gian dài hoang phí tuổi trẻ liệu họ có được một tiếng gọi thần linh nào đánh động không?

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương đến con và tôi cầu nguyện cho những người khác.

Vô tình trong chuyến đi, tôi gặp S., anh là một người rất thông minh, đa năng, đa tài. Anh biết đánh đàn Tây-ban-cầm, anh biết đánh cờ, anh biết làm thơ và cả hội họa nữa (Một người có đủ tài Cầm, Kỳ, Thi, Họa). Anh cũng bỏ mất thời tuổi trẻ như thế.


Tất cả những cố gắng trong suốt những năm học trường nhà Dòng với các Sư Huynh chỉ đưa đến một kết quả duy nhất là anh có được các cấp bằng cao hơn để tiến thân. Những khủng hoảng tinh thần đã xảy đến, nhưng niềm tin (hay niềm-không-tin) của anh đã không thay đổi, một niềm tin không có Chúa cũng chẳng có Phật.

Anh thật sự yêu mến và bênh vực Giáo Hội Công giáo. Anh nhớ hầu hết giáo lý đã học tại trường nhà Dòng. Anh cho đó là sự thật, nhưng điều lạ lùng là: Tại sao anh ta lại không có Đức Tin? Phải chăng vì anh ta chưa nhận được ơn Chúa?

Hay là vì anh ta còn quyến luyến vật chất thế trần đến độ không nghe được tiếng gọi của Chúa? Hỏi, mà tôi không trả lời được một câu nào cả, nhưng đó là vấn đề của riêng anh ta với Thiên Chúa, chỉ có Chúa và anh ta có câu trả lời.

Theo nhận định của tôi, không có một hướng đi nào rõ ràng cho linh hồn của anh, Có thể nói anh là biểu tượng cho đại đa số tuổi trẻ Việt nam, nhưng anh đã giúp tôi trên cuộc hành trình tôi đã đi qua từ Phật đến Chúa, chắc anh ta sẽ ngạc nhiên nếu tôi cho anh biết rằng anh đã giúp tôi nhận ra Chúa.

Nhưng thưa anh kính mến, tôi xin anh đừng hãnh diện vội và kết luận rằng anh đã đưa tôi đến với Chúa, anh hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã lưu tâm đến anh, hướng dẫn anh đạt được kết quả này qua những việc làm anh không ngờ, đã không nghĩ và lưu tâm tới.

Việc gặp gỡ anh S. trên chuyến xe lửa đó đã giúp tôi nhìn lại con đường thiêng liêng tôi đã đi qua.

Trước kia, tôi rất ghét Kitô giáo và như thế tôi không muốn có một liên hệ nào dù xa dù gần với các Linh mục hay người có đạo. Tôi không bao giờ đọc một sách báo nào dính dáng đến đạo Công giáo.


Cái ấn tượng ghét đạo đã khiến tôi trở thành cực đoan một cách vô lý đến nỗi mỗi khi nhìn thấy chữ “Thiên Chúa” tôi cảm thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sẽ sửa thành chữ “Trời”. Trong lớp học dạy cho các trẻ em, tôi chống lại việc dùng chữ “Thiên Chúa”. Lòng ác cảm đã khiến tôi trở thành điên rồ.

Lạy Chúa! Xin tha thứ cho con! Xin tha cho con mối ác cảm điên loạn ấy! Con biết rằng Chúa hiểu con, với một tâm hồn ngay thật con đã lạc lối, chạy theo những dự tưởng sai lầm và rồi quá trớn…

Trong suốt năm học cuối cùng sửa soạn cho việc thi tốt nghiệp trung học, anh S. đến trọ tại nhà chúng tôi. Chúng tôi học cùng năm nhưng khác trường, anh học tại trường nhà Dòng của các Sư huynh, còn tôi học tại trường công lập của Chính phủ.

Chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp qua các đề tài học hành và giải trí, nhưng khi vô tình đề cập đến vấn đề tôn giáo hay đức tin, chúng tôi không tránh được việc cãi cọ. “Cãi cọ” có lẽ không đúng lắm, vì thường tôi đáp trả bằng những lời lẽ khá nặng nề và anh không chống cự vì anh đang ở trọ tại nhà tôi.

Để đối lại với những tấn công nặng nề của tôi, anh chỉ đáp lại một cách cầm chừng và sau đó lại làm hoà với nhau. Anh không tự mình bênh vực, anh chỉ lập lại những chân lý đã nghe từ các Sư huynh trong trường.Rất ít khi chúng tôi nói chuyện với nhau về tôn giáo.


Cũng chẳng lạ gì vì môi trường chúng tôi sống là một môi trường ngoại giáo, những vấn đề như Đức tin hay tôn giáo chúng tôi nghĩ chỉ làm mất thì giờ mà chẳng có lợi ích gì.Hiếm hoi bàn luận về tôn giáo như thế, thế mà trong thời gian này có một vài mẫu chuyện cũng đã khiến tôi phải suy nghĩ. Ngay đến lúc này, tôi còn nhứ như in một câu chuyện như sau:

Câu chuyện xảy ra vào một buổi tối, khi chúng tôi đang ngồi ngắm trăng trong bầu khí mát mẻ trước hiên nhà bên bờ sông. Chúng tôi nói đủ mọi thứ chuyện. Như những thanh thiếu niên nói chuyện trong lúc nhàn rỗi. Chúng tôi đề cập đến đủ mọi thứ đề tài, trừ đề tài tôn giáo và nhân đức.


Rồi chẳng biết từ đâu, vấn đề tôn giáo chen vào, hình như bắt nguồn từ câu chuyện nói về những người coi tử vi và bói toán mà chúng tôi đã tìm gặp để nhờ xem về kết quả kỳ thi cuối năm. Có lẽ liên can đến việc này mà vấn đề tôn giáo và đức tin được đề cập đến.

Tôi mở đầu: “Mặc dù thuyết nhà Phật đã được quảng bá rất sâu rộng nhưng Đức Phật không phải là Đấng Sáng tạo. Chúng ta tin rằng Trời đã tạo nên và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng chúng ta lại không thờ Trời. Chúng ta chỉ dâng lễ vật lên bàn thờ Phật và rồi sống theo ý riêng mình.


Chúng ta cũng kính thờ Khổng tử và tin tưởng vào tử vi và bói toán. Con người thật lạ lùng.”.Anh S. phản ứng ngay: “Người Kitô hữu không giống vậy. Họ tin Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng và là Đấng Sáng tạo. Họ không tin thờ Thiên Chúa một cách vô lý như chúng ta.

Giống như người Do Thái, nhưng người Do Thái vì giải thích Cựu Ước theo ý riêng của họ, nên họ vẫn còn đang mong đợi Đấng Cứu Thế trong khi người Kitô hữu tin Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu thế đã đến.

Thật ra, nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giêsu giáng sinh, các Tiên tri trong thời Cựu Ước đã loan báo về thời gian và nơi chốn Ngài sẽ được sinh ra, họ còn nói chi tiết hơn cả về đời sống khó nghèo, sự đau khổ và cái chết bi thảm của Ngài.


Người Do Thái tin những lời tiên này, nhưng họ từ chối không tin vào con người Giêsu.Những lời lẽ này khiến tôi suy nghĩ nghiều.Những câu chuyện không đầu không cuối như thế từ bạn bè, gia đình, những người quen qua một vài lần gặp gỡ như Bác sĩ D., Kỹ sư C.. Họ không chủ ý, nhưng họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tôi trở lại đạo Công giáo.

Có lẽ Chúa đã từ đó tỏ lộ cho tôi lòng quảng đại của Ngài, vì lòng oán ghét đạo của tôi, thay vì Chúa gởi đến những người có đạo để thuyết phục tôi, Ngài đã dùng những lương dân để đánh thức linh hồn tôi hướng về Ngài.

Những lần nói chuyện như thế, dù tôi đã phải suy nghĩ nhiều về nó, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để phá vỡ cái hàng rào đang ngăn cách tôi với Kitô giáo. Chúa còn hướng dẫn tôi đến khám phá ra chân lý và sự kỳ diệu của tôn giáo qua sách vở, báo chí.


Những lý lẽ của anh S. đã thật sự khiến tôi xiêu lòng, nhưng vì quá gần đến kỳ thi cuối năm, nên mọi việc đều phải gạt sang một bên, nhất là đó lại là vấn đề tôn giáo với tôi là một thiếu niên. Tôi vẫn sống với một tinh thần của một Phật tử và ác cảm với Kitô giáo.

Ngày loan báo kết quả tôi đậu kỳ thi cuối năm, tôi ra phố và ghé lại tiệm bán sách Đắc Lập để mua một vài cuốn sách. Tự cho mình đã trưởng thành đã mãn nguyện về chuyện học hành, tôi có thể mua đọc vài cuốn sách dành cho người lớn.


Tuy nhiên, khi nhìn những cuốn sách này, tôi thấy xấu hổ và thay vào đó, tôi đã mua hai cuốn sách của Chanteaubriand và Pascal đó là cuốn Le Génie du Christianisme và Pensées. Tôi mua những cuốn sách này chỉ vì ưa lối viết văn của Chanteaubriand và Pascal hơn là mua để đọc, vì tôi có thể đoán được nội dung của nó ca tụng Giáo hội Kitô giáo.


Tôi không phải là đọc giả của những loại sách này.Những cuốn sách vô tội này đã phải chịu một số phận hẩm hiu trong một góc nhà không ai đụng tới cho mãi đến khi tôi thu dọn đồ đạc, sách vở đi Hà Nội để theo học Đại học tại đây. Khi đóng thùng những cuốn sách không cần thiết để bỏ lại nhà, vô tình tôi mở cuốn Pensées và đọc qua một vài hàng trong một trang nào đó.


Tôi chú ý vì đoạn văn có nhiều ý nghĩa. Đồng thời, cùng lúc ấy có một sức mạnh lạ thường nào đó chen vào tâm hồn tôi, thế là tôi quyết định đem hai cuốn sách đó đi theo.

Có vài lần khi đọc vài đoạn văn trong đó, tôi cảm thấy bối rối. Thật ra nó chỉ tạo trong tôi một chút tình cảm hơn là nó đã lôi kéo được tôi.


Tình cảm này đã khiến tôi tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề. Có những khoảng thời gian tôi cảm thấy bất an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua những cơn khủng hoảng của đời sống, cái tâm trạng này kéo dài trong suốt ba năm liền.

Những loại tâm trạng tương tự như thế từ buổi thiếu thời khi còn học tại trung học lại trở lại trong trí tôi: Những lần tôi không giải trí chung với các bạn trong giờ giải trí, những đêm dài mất ngủ, những buổi chiều trống rỗng sau khi nghe vài bản nhạc buồn, sau khi vẽ một vài nét trên tấm vải mới căng cho bức tranh lạ.

Tất cả những tâm trạng ấy đưa tôi đến việc tự hỏi: “Có phải Kitô giáo là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không?”.Tôi phải theo? Thật là một điều ngoài trí tưởng tượng! Không bao giờ! Không bao giờ! Dù nó đúng, nó thật, nó hay…nhưng “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.


Thật ra sự bướng bỉnh đã làm tôi hóa ra ngu đần: Câu tục ngữ trên áp dụng vào vấn đề tôn giáo không đem lại một ý nghĩa nào cả. Trong khi coi Kitô giáo như một tôn giáo của ngoại bang, tôi không để ý đến những vấn đề khác như Đức Phật của Phật giáo là người Ấn Độ, Đức Khổng Tử là người Trung Hoa và nhất là Chúa Giêsu mặc dù không phải là người Âu Châu nhưng Ngài được các quốc gia trong lục địa này tôn thờ.


Họ tôn thờ không phải Ngài là người này hay người kia, nhưng chỉ vì họ tin Ngài là Chúa và họ tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chúa của tất cả các quốc gia dân tộc, không dành riêng cho một quốc gia dân tộc riêng rẽ nào. Khi Ngài đến trần gian mặc lấy xác phàm, Ngài đã được sinh ra trong dân tộc Do Thái.


Dân tộc Do Thái này vì thế đã được gọi là dân được tuyển chọn. Họ tôn thờ Thiên Chúa của họ, họ đã không bị chi phối bởi các nguồn đức tin khác từ Ấn Độ, từ Trung Hoa, từ Hy Lạp hay Rôma, mặc dù các quốc gia này đã có những nền văn minh tân tiến hơn so với họ.

Dân tộc Do Thái qua thời gian vẫn trung thành với Đấng Sáng tạo, dĩ nhiên cũng có những trường hợp riêng lẻ cá nhân chạy theo niềm tin này khác, nhưng cách chung họ coi việc thờ phượng Thiên Chúa như một điều bắt buộc trong đời sống. Có lẽ đây chính là lý do tại sao Thiên Chúa đã tuyển chọn dân tộc này làm dân riêng của Ngài.

Còn biết bao nhiêu những điều bí ẩn khác tôi chưa hiểu thấu.

Chúa Kitô chính là Chúa của tất cả. Mọi người có nhiệm vụ phải tôn thờ Ngài, yêu mến Ngài, phục vụ Ngài, tuân giữ các giới răn của Ngài và vâng lời Ngài.

Còn đối với con người, bất cứ ai ở bất cứ đâu đều có thể đưa ra một triết thuyết nào đó rồi chỉ dạy, hướng dẫn người khác và tin rằng điều đó có ích lợi cho nhân loại. Những người như thế, họ hy vọng sẽ đưa đến hạnh phúc cho con người.


Về phía chúng ta, chúng ta nên kính trọng họ, không nên nhìn vào họ trong khía cạnh con người với những lầm lỗi và yếu đuối, chấp nhận những điểm tốt, hữu ích, đừng theo những điểm xấu, sai lầm, tránh những cố chấp và bần tiện.


Trí óc con người không phải là ơn mạc khải, cũng không phải là ánh sáng của giáo huấn của Giáo Hội, nó chỉ là một mớ kiến thức được suy đi luận lại, thế mà nó muốn diễn tả những bí nhiệm của vũ trụ, nó muốn giải quyết vấn đề sinh tử. Làm sao tránh được những sai lầm phải có?

Chúng ta không đề cập đến những người tự ái, ham danh vọng, cố chấp trong những sai lầm của họ để rồi khư khư nắm giữ những tà thuyết gây thiệt hại cho nhân loại. Chúng ta chỉ nói đến những vĩ nhân, những triết gia, những người khôn ngoan, những người đã sống trong những thời đại và vì hoàn cảnh chưa bao giờ họ được nghe nói tới một tôn giáo thật, họ không thể thay đổi để tiến đến một niềm tin thật.

Đó không phải lỗi của họ. Họ là những anh hùng, đời sống đầy nhân đức có khả năng siêu phàm trong nhiều lãnh vực. Họ là những người đáng kính, nhưng chúng ta không thể đưa niềm kính trọng đó trở thành một nghi lễ thờ phượng, coi họ như thần thánh, đồng hóa họ với thần linh và Thiên Chúa đấng sáng tạo vũ trụ.

Chúng ta phải ý thức, phải nhìn vào trật tự của vũ trụ và nhân loại, chúng ta phải phân biệt Đấng Toàn năng và con người, Đấng Sáng tạo và loài thụ tạo. Ngay cả những vĩ nhân danh tiếng như Socrates, Plato, Aristotle của Hy Lạp, Khổng Tử của Trung Hoa hay vị ẩn sư đã thành Phật tại Ấn Độ.

Tất cả những Vị này đều cho biết rằng họ là con người đang đi tìm hiểu, học hỏi và sống những nhân đức để đạt đến cứu cánh của đời sống con người. Đức Khổng Tử đã nói: “Không phải ta sinh ra đã hiểu biết, nhưng như những người khôn ngoan và thánh thiện khác, ta đã bắt đầu học hỏi, nhận thức không ngừng, đó là tất cả những gì ta có thể nói với các con.”…

Chính Đức Thích Ca Mâu Ni (Sakya Mouni) sau khi đã được kính trọng như Đức Phật, Ngài đã nói: “Tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật”. Như thế, tất cả chúng ta đều có thể thành Phật với điều kiện phải sống đời sống từ bỏ một cách thật sự những ước muốn riêng tư và tách mình ra khỏi thế gian tục lụy.

Và một ngày nào đó, chúng ta sẽ đạt được trạng thái vô vi thoát tục. Nói một cách khác, sẽ được “giải thoát”, có nghĩa là thành Phật. Phật, như thế chính là con người sau khi sống một đời sống nhân đức toàn vẹn đã được giải thoát. Họ không phải là thần linh.

Với những người này chúng ta phải tôn kính, sự thờ phượng chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi, Đấng đã dựng nên và yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta không biết Ngài, không biết giáo huấn của Ngài, chúng ta phải đi tìm, phải học hỏi đế biết Ngài.


Nếu chúng ta thờ ơ, chúng ta sẽ giống như những đứa con rơi không biết cha mẹ mình là ai. Một cách sống thờ ơ như thế sẽ đưa đến tội lỗi và là dấu chỉ của sự vô ơn.

Những điều này dù sao tôi cũng chỉ mới nghĩ đến trong những năm gần đây. Trước kia, sự thù oán và những tư tưởng vô lý khiến tôi mù lòa không nhìn thấy, không chấp nhận Kitô giáo. Tệ hại hơn nữa, nó còn lấn át đi cả tiếng gọinội tâmkhông ngừng kêu mời tôi đến học hỏi, tìm tòi về chân lý thật sự ấy.

Đọc lại những dòng tư tưởng trên, tôi mỉm cười tự hỏi sao một người đã là tôi lại có thể viết được những điều này…Thật vậy! Lạy Chúa! Ngài yêu con biết bao. Dù con đã ngỗ nghịch, Ngài vẫn âm thầm tiếp tục dìu dắt con trở lại với Ngài. Ước muốn duy nhất của Ngài nơi con đó là Ngài muốn con thoát khỏi án phạt đời đời và trao cho con một hạnh phúc bất diệt.

Càng ngày, tôi càng tin tưởng hơn vào chân lý nơi Giáo Hội Công giáo, nhưng tôi không nghĩ đến việc sẽ rửa tội. Mỗi lần ý nghĩ rửa tội xuất hiện là mỗi lần tôi vội xua đuổi nó ngay. Mỗi lần tôi nhìn những người Công giáo Việt nam, tôi có cảm tưởng họ đang theo một tôn giáo của ngoại bang, nó xa lạ và khác thường với phong tục tập quán dân tộc, nó có vẻ “Tây” quá.


Nhìn vào cách ăn nói, các nghi lễ, hình dáng nhà thờ… nó có vẻ Âu tây hơn là một màu sắc quốc tế. Đối với tôi, yêu mến văn hóa Khổng Tử, kính trọng đời sống kham khổ của các tu sĩ Phật giáo là những ngăn trở khiến tôi khó đến với Công giáo. Đời sống tự do của người Công giáo và ngay cả các Linh mục khó cho tôi có thể nghĩ rằng họ là những người tin Chúa và là tôi tớ của Chúa.

Một ngày nọ, khi đến thăm ông nội tôi, tôi gặp một Tu sĩ Phật giáo đang ở nhà ông tôi. Vị tu sĩ không ngớt lời ca ngợi những Thày tu Dòng khổ hạnh truyền giáo (Cistercians) tại một ngôi nhà mới lập gần Huế.

Đời sống của các Tu sĩ này đã ảnh hưởng tôi thật nhiều. Sự tìm hiểu của tôi về đời sống của họ đưa tôi đến sự khâm phục và cuối cùng dẫn tôi đến việc quyết định gia nhập Giáo hội Công giáo.

Tôi trình bày đời sống và niềm tin của tôi với Linh mục Bề trên nhà Dòng và chính Ngài đã Rửa tội cho tôi ngày 15 tháng Tám năm 1928.


Tạ ơn Chúa !


LM Bữu Dưỡng, OP.

Exit mobile version