Truyền Giáo, việc không của riêng ai

Thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu, các Tông đồ tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin mừng cứu độ cho muôn dân và Hội Thánh đã tiếp tục sứ mạng ấy cho đến ngày nay. Vậy tại sao ta phải rao giảng Tin mừng? Thưa, ta phải rao giảng Tin mừng vì “bản chất của Giáo Hội là rao giảng Tin mừng”. Thật vậy, “khi Công đồng Vaticanô II coi sứ vụ truyền giáo là bản chất của Giáo hội, thì nhiều người ngỡ ngàng. Người ta lý luận rằng bản chất của Giáo Hội là mến Chúa yêu người, còn truyền gíao chỉ là bổn phận lớn lao mà thôi. Nhưng, quả thật, truyền giáo là căn tính cuả Giáo hội, vì truyền giáo mới thực sự là mến Chúa yêu người và vì Chúa thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội sống yêu thương, tức là trở nên công cụ loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa” (Trích Loan báo tin mừng). Cũng giống như bản chất của nắng là để chiếu sáng, để sưởi ấm, dòng nước chảy về làm tốt tươi đồng ruộng, tưới mát cỏ cây, từ muôn đời nay nước biển vẫn mặn, mà không gì có thể thay đổi được. Cũng vậy, nếu nắng không còn ấm, dòng nước không còn tưới mát và biển không còn mặn thì nó không còn là chính nó nữa. Giáo Hội cũng sẽ không là Giáo Hội nếu Giáo Hội không thực hiện vai trò truyền giáo của mình.

1.Truyền giáo là một nhiệm vụ cấp bách
.

Trong Tin mừng Lc 10,1-7 cho ta thấy Chúa Giêsu xem việc truyền giáo là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách không thể chần chừ. Trong tiếng gió chiều vi vu thổi, Chúa Giêsu nghe lời thì thầm của những bông lúa đã tới mùa thu hoạch mà vẫn phải chờ đợi thợ đến gặt đem về, Ngài chạnh lòng thốt lên: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít…” ( Lc 10,2a). Nếu ai làm nghề nông chắc hẳn đều có kinh nghiệm: lúa chín thì phải gặt ngay, nếu không gặt, lúa sẽ rụng xuống làm mồi cho chim, chuột. Trên thế giới hôm nay, còn biết bao người đang khao khát đón nhận tin mừng. Do đó Chúa Giêsu đã khẩn khoản: “ Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” ( Lc 10, 2b).

Ta còn thấy tính cấp bách việc truyền giáo trong những lời dặn dò trước khi sai các môn đệ lên đường: “ Anh em đừng mang gì đi đường, cũng đừng chào hỏi ai dọc đường….” ( Lc 10, 4 ) . Chúa muốn người môn đệ của Chúa thanh thoát với vật chất để chỉ lo chú tâm một điều là làm sao Tin mừng cứu độ được mọi người đón nhận. Việc truyền giáo còn cấp bách đến nỗi Chúa không cho các môn đệ kéo dài việc chào hỏi dọc đường, không được làm mất thời giờ dành cho việc rao giảng tin mừng, dù thời gian đó không nhiều, vì như chúng ta biết: người Trung Đông hồi đó thường hay la cà trong nghi thức chào hỏi.

Phải chăng vì tính khẩn trương của việc rao giảng tin mừng mà Chúa Giêsu đã liều lĩnh tung các môn đệ của mình vào giữa biển đời mà hành trang của các ông không có gì ngoài việc phó thác cho Thiên Chúa và những gì đã tiếp thu được sau những tháng ngày rong ruổi với Thầy? Thế mới biết, làm môn đệ Chúa là phải chấp nhận liều lĩnh ra đi, dù biết rằng ta chỉ là “ chiên con đi vào giữa bầy sói” ( Lc 10, 3). Thật vậy, khi đất nước lâm nguy thì không thể chờ đợi người có khả năng hay được đào tạo bài bản trên chiến trường, mà bất cứ ai cũng có thể trở thành chiến sĩ.

2. Đối tượng của việc truyền giáo.

Chính Chúa Giêsu đã nói rõ trong lệnh truyền trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), mọi loài thọ tạo ở đây bao gồm tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp, ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, già hay trẻ, nam hay nữ….

Khi được hỏi: “Truyền giáo là gì?” Đa phần mọi người đều trả lời: “Truyền giáo là đem tin mừng đến cho những người chưa biết Chúa .” Câu trả lời này hoàn toàn đúng với quan niệm ngày xưa rằng: truyền giáo là lôi kéo những người lương dân vào đạo của ta. Nhưng ngày nay chúng ta nên hiểu rằng, truyền giáo phải được nhắm tới 3 đối tượng như lời giải thích sau đây của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

– Đối tượng 1:
( gọi là hoạt động truyền giáo) Những người chưa biết và chưa tin Đức Giêsu Kitô. Đây là sứ vụ truyền giáo “đến với muôn dân”, một sứ vụ truyền giáo riêng biệt vì là “loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài, xây dựng giáo hội địa phương và cổ võ các giá trị Nước Thiên Chúa”. Hoạt động truyền giáo này, sở dĩ được gọi là chuyên biệt vì nó trực tiếp được Đức Giêsu trao phó và liên tục trao phó cho Giáo Hội. Chính nhờ “Nó” mà Nước Chúa được mở rộng và nhiều linh hồn được cứu rỗi.

– Đối tượng 2:
( gọi là hoạt động mục vụ) Những người tin Đức Giêsu Kitô và được rửa tội trong Hội Thánh Công Giáo. Đối với những tín hữu này, Giáo hội, qua nhiều hoạt động mục vụ củng cố đức tin của họ, đồng thời hướng dẫn họ đem niềm tin vào cuộc sống để làm chứng cho Chúa Kitô.

– Đối tượng 3:
( gọi là tái truyền giáo) Những người đã tin vào Chúa Giêsu và lãnh Bí Tích Rửa Tội rồi, nhưng vì không được củng cố sâu sắc, hoặc bị những cám dỗ trần tục lôi cuốn, đã đánh mất niềm tin, rời bỏ Giáo hội, sống như người lương dân. Đây là những đứa con, dù bỏ nhà ra đi, vẫn là thành phần của Đại Gia Đình Chúa. Mẹ hiền Giáo hội vẫn có trách nhiệm tìm kiếm và đưa họ về nhà.

3. Truyền giáo theo gương Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Ai trong chúng ta cũng điều biết Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Ngài là một thiếu nữ nhỏ bé từng chôn kín đời mình trong Tu Viện Carmel vào lúc 15 tuổi, để sống ở đó bằng tình yêu và không được ai biết đến, rồi cũng chết ở đó vào lúc tuổi đời còn rất trẻ: 24 tuổi. Nhờ chị mà lòng thương xót của Chúa tác động đến những người xa lạ. Đó là ảnh hưởng kỳ diệu của một tâm hồn yêu mến mà lời cầu nguyện lan toả khắp thế giới. Một chị dòng Carmel có thể cứu nhiều linh hồn như một thừa sai. Bản thân Têrêsa rất yêu mến các nhà thừa sai. Chính chị từng mong muốn mình là một thừa sai của toàn thế giới. Trong thư gửi cho Sr. Marie du Sacré- Coeur ngày 08. 9. 1896, Têrêsa đã viết: “ Em muốn đi khắp mặt đất, rao giảng danh của Người và trồng cây thập giá vinh hiển của Người trên mảnh đất vô đạo, đồng thời em muốn loan báo Tin mừng trên khắp năm châu cho tới tận những hải đảo xa xôi nhất. Em muốn là nhà truyền giáo…” ( Trích Một tâm hồn). Thế nhưng, đời sống của một Nữ tu dòng kín không vượt qua được bốn bức tường Tu viện thì làm sao có thể truyền giáo? Vậy Têrêsa đã truyền giáo bằng cách nào? Thưa đó là bằng lời cầu nguyện và hy sinh. Ta hãy nghe chị nói: “ Con hiểu nghĩa vụ con tự đặt ra cho mình, vì thế con bắt tay vào việc ngay bằng cách cố gắng tăng gấp đôi lòng sốt sắng của con…” ; “ con hy vọng với ơn Chúa giúp, con có thể làm ích cho nhiều hơn hai nhà truyền giáo, đồng thời không bỏ rơi các Linh mục khác mà sứ mạng của các tông đồ đi rao giảng cho những người lương dân.” Ngày 14.12.1927, Đức Piô XI phong Thánh Têrêsa làm bổn mạng các công cuộc truyền giáo, ngang với vị tông đồ cao cả là Thánh Phanxicô Xaviê vì chị đã cầu nguyện biết chừng nào cho các nhà truyền giáo.

Thông thường, người ta quan niệm rằng: truyền giáo là bổn phận của các giáo sĩ, tu sĩ. Nhưng Công đồng đã xác định: loan báo Tin Mừng là trách nhiệm, là bản chất của mọi thành phần dân Chúa. Vì thế, truyền giáo là bổn phận của mọi Kitô hữu chứ không của riêng ai. Trong thư mục vụ tháng 8. 2010, Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám mục Long Xuyên đã nhắc nhở: “Nét nổi bật nhất cho sự tham gia và hiệp thông vì sứ vụ là vai trò không thể thay thế được của người giáo dân trong sinh hoạt của Giáo Hội, trong đó có sứ mạng loan báo Tin mừng”. Như thế, có người sẽ thắc mắc:vậy tôi phải truyền giáo bằng cách nào? Xin thưa, chúng ta noi gương Thánh Têrêsa truyền giáo bằng hy sinh và cầu nguyện. Chúng ta không thể đi đây đó như các vị thừa sai, cũng không đứng trên bục giảng như các Linh mục, nhưng chúng ta truyền giáo bằng chính đời sống yêu thương, phục vụ mọi người, đồng thời dâng những hy sinh thể lý và tinh thần cùng những đau khổ, thánh giá trong đời thường để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Chúng ta còn truyền giáo bằng cách sống “tốt đời, đẹp đạo” nhờ đó “hương thơm của Chúa Kitô” được lan toả đến cho mọi người qua mọi thời đại và mọi nơi.

Cùng với Giáo hội toàn cầu hướng về ngày Khánh Nhật Truyền Giáo. Chúng ta tha thiết xin Chúa Thánh Thần ban cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội thêm nhiều tâm hồn nhiệt thành trong công tác tông đồ; cho các bậc làm cha mẹ dám quảng đại dâng con cho Chúa; cho các bạn trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa thôi thúc và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Ngài dấn thân trong bậc sống ơn gọi tu trì. Đồng thời, chúng ta cầu nguyện cho các nhà truyền giáo trên khắp hoàn cầu vượt qua những trở ngại trong khi thi hành sứ mạng và xin cho tất cả mọi Kitô hữu sẵn sàng nhập cuộc, can đảm dấn thân trong công tác truyền giáo, hầu Tin Mừng của Chúa được lan xa đến tận cùng trái đất.


Sr. Teresa Trúc Băng

Exit mobile version