Truyền đi niềm say mê Kinh Thánh

truyen di niem say me kinh thanh - Truyền đi niềm say mê Kinh Thánh

Trong suốt chặng đường dài phục vụ, linh mục Phaolô Ðậu Văn Pháp, dòng Ngôi Lời đã luôn hành động với thao thức làm sao đem Lời Chúa đến gần mọi người hơn.

Lời Chúa là nguồn sống

“Bắt đầu từ lúc vào nhà tập, tôi đã rất thích những giờ học Kinh Thánh. Cho đến khi tiếp tục lên Đà Lạt tu học, sự say mê lại thôi thúc tôi tìm hiểu và nghiên cứu nhiều hơn để loan truyền cho mọi người”, cha Pháp sôi nổi kể. Nhìn lại hành trình mà vị mục tử dòng Ngôi Lời đã đi qua, có thể thấy ở từng nơi đã gắn bó, ngài đều nỗ lực làm cho Tin Mừng thấm nhập vào đời sống của giáo dân, bằng cách này cách khác.

Sau khi thụ phong vào năm 1998, cha Pháp lần lượt nhận nhiệm vụ coi sóc hai giáo xứ Thủy Lợi (1998 – 2004) và Phú Quý (2004 – 2005), thuộc giáo phận Nha Trang. Tại đây, người chủ chăn đã dành rất nhiều tâm huyết để vun đắp việc dạy và học giáo lý cho đoàn chiên. Ngài kể ngày về Thủy Lợi, mọi sự ở nơi này hầu như đã có nền tảng được xây dựng từ các đời cha sở trước, từ cơ sở vật chất cho đến việc tổ chức giáo xứ đều đã đi vào nếp. “Những gì mà các cha tiền nhiệm để lại đã tạo điều kiện để tôi có thể hoàn toàn tập trung vào điều mà mình luôn ấp ủ là cố gắng bồi đắp đời sống đức tin cho giáo dân”, cha Pháp trải lòng. Vì nhu cầu dạy, học giáo lý, cha dựng thêm mấy phòng học nữa, bổ sung cho dãy nhà đã có trước đây. Đội ngũ giáo lý viên khi ấy vẫn còn ít, qua thời gian cũng dần được tăng lên về số lượng bởi vị chủ chăn tận tâm, bền bỉ tìm kiếm và mời gọi sự cộng tác từ giáo dân. Khi đã quy tụ được nhân lực, việc đào tạo họ cứng cáp hơn để có thể đứng lớp lại tiếp tục canh cánh bên lòng cha. Ngài trăn trở về một người truyền đạt Lời Chúa, ngoài khía cạnh cầu nối để người học tìm đến với Tin Mừng thì còn phải truyền được ngọn lửa đức tin. Muốn vậy, chính giáo lý viên trước hết phải nắm sâu sắc Kinh Thánh, và kế đến là thắp được lửa mến yêu cho chính mình. Thế nhưng, khi đồng hành với các lớp giáo lý ở những xứ từng quản nhiệm, cha nhận thấy kiến thức còn quá mỏng của người đứng lớp làm cho các buổi học trở nên loãng, không bám sát vào Lời Chúa. Thế là cứ mỗi tuần, giáo lý viên lại được tập hợp, cùng trao đổi với nhau về công việc và lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm từ người chủ chăn. Họ cũng thường được cha nhắc nhở và nâng đỡ để có thể làm đủ đầy vốn hiểu biết về Kinh Thánh.

Song song với việc coi sóc giáo xứ, có một thời gian cha Pháp là thành viên của nhóm “Tông đồ Thánh Kinh” do các linh mục dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Từ Ninh Thuận, ngài thường vào Sài Gòn để cùng các thành viên trong nhóm trao đổi, chia sẻ những công việc nhằm phổ biến Tin Mừng cho nhiều người. Về lại sau mỗi chuyến đi, cha mua rất nhiều quyển Thánh Kinh loại bỏ túi để tặng cho dân, rồi kiên nhẫn động viên, tận tuỵ hướng dẫn họ mở ra và đọc kỹ càng. Lặng lẽ làm từng việc ấy là bởi cha luôn tâm niệm: “Nguồn sống của một giáo xứ không chỉ là nhà thờ mà còn là Lời Chúa, là đời sống thiêng liêng. Nhiệm vụ của một linh mục là phải bồi dưỡng về đức tin cho mỗi giáo dân, khởi đi từ các lớp học giáo lý”.

Thao thức

Sau thời gian đi du học từ năm 2005 – 2010, cha Pháp có 3 năm làm Giám tỉnh dòng Ngôi Lời, Trong 3 năm này, ngài rất chú tâm và khuyến khích việc học thần học đối với những người sống đời tu trì. Các chủng sinh tại học viện dòng hay các cộng đoàn vẫn thường nhắc về vị bề trên vui tính, bình dân của mình trong những lần ngài đến thăm và động viên tinh thần học tập. Ban đầu, dòng có một nhà tập nằm ở Nha Trang, sau này cha Pháp mở thêm một nhà tập nữa tại Đà Lạt vì nhận thấy nơi đây sẽ thuận lợi hơn cho việc đào tạo do có nguồn giáo sư dồi dào, cộng thêm điều kiện lý tưởng về khí hậu, cảnh quan

Từ năm 2013, vì bệnh nên cha phải dừng các vai trò đang đảm đương, vào ở cộng đoàn của dòng tại TGP TPHCM để tiện cho quá trình chữa trị. Dù sức khỏe yếu, bệnh tình làm đôi chân đau và đi lại khó khăn nhưng ngài vẫn duy trì công việc bằng cách đi dạy Thánh Kinh cho các dòng tu, cộng đoàn, giáo xứ… Tâm niệm“đã yêu là phải hành động” nên cha cứ thế cần mẫn đi rao truyền Lời Chúa ở các lớp học cho đến nay. Khi không phải đứng lớp, người mục tử lại vùi mình vào việc nghiên cứu tài liệu để soạn bài giảng cho lần kế tiếp. Tôi hỏi cha, việc soạn giảng mất bao nhiêu thời gian thì nhận được câu trả lời là “luôn luôn”. Bởi không có bài soạn nào là kết thúc được, ngay cả khi đang trình bày, cha vẫn trong tâm thế tìm tòi, khám phá thêm để đong đầy cho học viên hết mức có thể.

Đến thăm cha tại cộng đoàn của dòng, thấy sức khỏe ngài vẫn còn yếu nhưng trái lại tinh thần rất phấn chấn. Nhất là khi nhắc về Thánh Kinh, đôi mắt người mục tử lại như bừng sáng và chuyện cứ nối chuyện tuôn mãi. Ngược thời gian, ngài nói ngày xưa khi còn học ở trường do các cha dòng Ngôi Lời (trước là dòng Giuse) phụ trách, lúc bấy giờ cha đã cảm mến đời sống phục vụ tươi vui của các tu sĩ, linh mục dòng. Được sự động viên của gia đình, cậu quyết chí tìm hiểu đời tận hiến. “Có một kỷ niệm khá buồn cười, mà cũng vì vậy tôi càng tin đó là ý Chúa. Khi vào dòng tôi nhớ nhà quá, không chịu được. Thế là có mấy lần định trình bày với thầy phụ trách để về. Nhưng lần nào tìm thầy cũng y như rằng thầy đang có khách nên lại thôi. Cứ vậy rồi nguôi ngoai nỗi nhớ nên có cơ hội nhìn thấy rõ lựa chọn của mình hơn mà theo đuổi”, cha hồi tưởng. Nhờ vào “ý Chúa” mà cha bền bỉ với công việc nghiên cứu Kinh Thánh và dốc hết tâm sức của mình để rao giảng Lời Chúa.

Nói về thao thức trong hiện tại, cha suy tư: “Tôi ao ước có thêm nhiều người tìm hiểu sâu về Kinh Thánh, muốn vậy nhân lực cho việc dạy cần phải được nhân lên. Ví như các giáo phận có thể tổ chức được những lớp Kinh Thánh, để các giáo xứ trong từng hạt có thể cử người đi học rồi về truyền lại cho người khác, cứ thế lan rộng ra thì hay biết mấy…”.

Exit mobile version