Sau Thánh Lễ an táng, bỉ nhân nhận được nhiều lời phán của các thánh. Thánh thì phán thẳng : “Sao để chữ của Tàu khựa như vậy … ? Và, kèm theo đó là những lời bỉ nhân không tiện trích ra ở đây. Chưa hết, một thánh tế nhị hơn hỏi sao có chữ Hoa ở cái liễn … Và, một thánh phán mấy dòng chữ nghe xanh dờn : “Sao giành giật thời gian với người chết, lăn tăn dọn dẹp …”. Nghe những lời ấy, bỉ nhân thành thật cảm ơn tấm thịnh tình của các thánh. Trước khi các thánh phán thì xin, xin các thánh hãy hỏi cho rõ cũng như đi tìm hiểu gia cảnh của người vừa quá cố. Chuyện rằng, chị không may mắn như người khác là chị lập gia đình với anh chồng không phải là người Công Giáo. Và Cha Sở cho biết rằng gia đình chồng rất sùng đạo Phật. Những ngày tháng cuối đời trên giường bệnh, người em gái tìm đến Nhà Thờ và khai báo rằng chị của cô ta là người Công Giáo. Thế là Cha Sở đến xức dầu và làm những nghi thức cần thiết dành cho người đau bệnh. Chị qua đời trong cơn đau đớn, Cha đã đến nhà để cử hành nghi thức nhập quan cho chị. Đang khi nghi thức nhập quan thì nhiều và rất nhiều người ồn ào náo động. Thế nhưng hiểu hoàn cảnh của chị nên Cha chỉ biết im lặng và hoàn toàn lặng im không một lời ta thán để cử hành nghi thức. Gia đình hoàn toàn là người ngoài Công Giáo và thiếu ý thức nên thinh lặng để cử hành chứ đâu còn cách nào khác. Chưa hết, khi vừa cử hành nghi thức nhập quan xong thì văng vẳng bên tai của Cha cử hành chuyện bán tán xem giờ … sao cho tốt. Tiếp tục lẵng lặng mà ra về thôi chứ biết sao giờ để nói. Rồi chuyện sáng nay, Thánh Lễ an táng của chị, một số người thấy có cái liễn có chữ Hoa, lẽ ra cần hỏi gia cảnh gia đạo để góp ý. Không ! Chả cần hỏi chi mô tê cả và phán. Chưa hiểu hoàn cảnh éo le của người quá cố và cứ phán như là thánh vậy. Thật thế, trước khi các thánh phán cái gì, xin các thánh hãy thận trọng cũng như nhất là nên phán những lời mang lại lợi ích cho nhau, mang lại tình yêu thương và sự hiệp nhất với nhau. Chẳng ai muốn sinh ra, lớn lên và rơi vào hoàn cảnh như chị cả. Nhưng rồi, khi đứng trước hoàn cảnh của chị, ta thương hay ta trách đây ? Thật ra, với việc mục vụ của các cha, khi một người rơi vào hoàn cảnh như thế này mà được đến gia đình dâng Lễ cầu nguyện cho người quá cố quả là điều tốt rồi. Không ít những trường hợp đau đớn rằng dù đã được rửa tội nhưng khi mất không được béng mảng vào vì gia đình không cho phép. Phải mở rộng tầm nhìn, hãy mở rộng tình thương yêu khi nhìn và phán về một điều gì đó hay một ai đó khi ta chưa hiểu thấu tận căn nguyên. Bản tính con người, hay hờn trách cũng như thích phán. Trong khi đó, người được phán là Thiên Chúa lại là bao dung tha thứ. Người không được phán và không có quyền phán lại bung dao không thứ tha. Trước mặt Chúa, mình là ai mà mình bung dao không dung thứ anh chị em mình ? Chưa hết, mới sáng, mở máy ra vừa kịp đọc lời phán của một người lẽ ra có uy tín nhưng rồi chả có uy tín. Người đó ta thán các vị bề trên, giáo dân … không nghe người đó. Nếu không tìm hiểu kỹ đầu đuôi ngọn nguồn, nhiều vị thánh cũng sẽ ai oán bề trên, ai oán những người chê bai hay không tôn trọng người đó. Muốn hiểu người đó nên chăng phải sống gần và sống chung để thấy người đó như thế nào và tại sao người đó ta thán như vậy. Và, mãi mãi vẫn đúng “trước trách mình, sau trách người”. Hãy tự soi gương nhìn thẳng vào mặt mình và nhìn tận đáy lòng mình cũng như lương tâm của mình trước khi phán. Ngày hôm nay, ai ai cũng biết tác hại cũng như tác dụng của phương tiện truyền thông, của mạng xã hội. Chính vì thế, trước khi gõ cái gì, trước khi nói cái gì, trước khi phán cái gì cũng cần cân nhắc. Và, nhất là nên phán những lời xây dựng sự hiệp nhất và yêu thương cũng như hãy chia sẻ lòng thương xót mà mình nhận được từ Thiên Chúa. Cuộc đời này vắn vỏi, mau qua chóng tàn cũng như cuộc đời này có quá nhiều thương đau tổn thất rồi : “Xin hãy dùng những lời lẽ an ủi nhau để đợi ngày tái ngộ trong Đức Kitô Cứu Thế !” Người Giồng Trôm