Trung thu và những tấm lòng

Để bước vào Thánh Lễ cũng như trước khi kết Lễ, Cha Sở luôn luôn nhắc đến 2 từ “ân nhân”. Và, ngay như cả các em thiếu nhi cũng vậy, khi bắt đầu cũng như khi kết thúc Đêm Hội, em đại diện cũng không quên nhắc đến 2 chữ “ân nhân”.

“Ân nhân” của họ đạo chúng tôi là ai ? Họ hoàn toàn là những người, có khi chưa biết mặt mũi các em, chưa định hình được cái họ đạo đó ở đâu và những gì họ san sẻ sẽ đi về đâu. Tất cả là tình thương và niềm tin.

Những người trao gửi cho chúng tôi những phần quà Tết cho các em đều muốn mình chỉ là người ẩn danh và không ai biết đến. Họ chỉ biết cho đi và cho đi mà thôi.

Trong những chiếc bánh gửi về quê nghèo, chất chứa tấm lòng của một nhân viên y tế, một nhân viên văn phòng và của một người tàn tật … tất cả đã gói gọn trong những chiếc bánh chuyển đến thiếu nhi vùng quê nghèo như chúng tôi. Ngay cả để vận chuyển về quê nghèo, khi biết được di chuyển cũng khó khăn và trời mưa như trút ập đến ngày chúng tôi mang bánh về quê nghèo ấy thì lại có những tấm lòng sẵn lòng cho bánh đi về bằng xe chất lượng cao để bánh không rơi vãi cũng như không hư hại.

Tôi thiển nghĩ, không chỉ ở họ đạo nghèo của chúng tôi mà rất rất nhiều nơi trong những ngày này cũng cố gắng làm chút gì đó cho những trẻ nghèo không may mắn như ở thành thị phồn hoa. Có lẽ, cuộc sống quá đầy đủ để rồi niềm vui cũng đong đầy. Ngược lại, ở cái quê nghèo chỉ cần chút bánh, cái lồng đèn là đủ vui.

Điều tôi muốn nói đến, muốn sẻ chia đó là cuộc sống quanh ta có những người vun vén hay cho đi cả làng cùng biết thì lại có những tấm lòng hết sức quảng đại.

Có một người bạn đi tu, có một người quen gửi biếu cho người bạn đó 1 hộp bánh. Tưởng chừng nó gói ghém cả tấm lòng nhưng nào ngờ hộp bánh đó đã được bay đi đến nhiều người khác. Khi biết được sự thật đắng lòng. Hộp bánh trung thu đó nó không còn là hộp bánh nữa mà nó lại chất chứa sự bực bội, đơn giản của cho không bằng cách cho. Có người cho đi quá nhiều nhưng chẳng ai được biết. Ấy vậy mà chỉ có 1 hộp thôi mà cả làng cùng biết. Tưởng nghĩ cách hành xử này cũng chả lấy làm hay.

Trường hợp này cũng không phải là ngoại lệ. Nhan nhãn trên mạng xã hội, ta vẫn thấy có những người cho người khác một chút gì đó là phải đưa tin và loan tin cho nhiều người biết. Thế mới là lạ !

Lần nọ, chú em xe ôm chở tôi ra bến xe miền Tây đi công việc. Nhìn thấy ai đó làm bác ái đánh bóng tên tuổi hay sao đó khó chịu, trên xe, chú em nói thẳng : “Em thì em ghét cái kiểu cho người này một chút, người kia một chút rồi loan tin”.

Tôi mỉm cười và gật đầu đồng ý với em.

Thật ra, tất cả những gì mình có cũng là ơn trên nếu theo người không tin Chúa. Với con nhà có đạo thì đó là ơn Chúa. Và, đơn giản, nếu như mình có cái gì cũng là ơn Chúa và mình chia sẻ cái ơn Chúa ban đó cho người khác chứ có gì đâu mà phải phô với trương, khoe với mẽ.

Và, cũng nên nhớ “khi làm việc bác ái mà phô trương cho người khác thì anh em được phần thưởng rồi. Phần Thầy ! Thầy bảo anh em, khi làm việc bác ái thì …”.

Được biết, mùa Trung Thu này, có một vị ân nhân hết sức âm thầm khoản đãi những bữa ăn thật ý nghĩa cho những trẻ em nghèo đến từ các mái ấm. Có những mái ấm không tiện di chuyển thì vị ân nhân ẩn danh này đã đặt tiệc mang vào để các em được có chút niềm vui trong ngày Lễ của các em.

Đặc biệt, có một vị hoàn toàn ẩn danh đã cho đi hơn 7000 chiếc bánh trung thu cho những vùng nghèo, những nơi xa. Những chỗ mà anh ta cho đi có khi anh ta chả bao giờ thấy mặt và biết mặt người nhận. Nhưng vì tình và vì tình, anh cứ mãi cho đi và không hề tính toán.

Trung Thu đến, Trung Thu đi nhưng tình người còn đọng lại. Đọng lại bởi lẽ ai ai trong chúng ta cũng trải qua, cũng nếm và cũng tiếc thương mong thời gian dừng lại để ta đừng … già. Mỗi người chúng ta, ai ai cũng trải qua tuổi đời của tuổi thơ và có thể nói đẹp nhất đời người đó chính là tuổi thơ.

Tuổi thơ đơn sơ và dễ thương lắm“… Sáng bắt bướm hái hoa, kêu la nô đùa, chiều lại ra dạo chơi vườn hoa. Tối quyến luyến má ba, vui ca bên đèn, bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên…”

Hãy cùng nhau làm một chút gì đó để sẻ chia với tuổi thơ nhé mọi người.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version