Trộn tro của nhiều người chết được không?

ashes - Trộn tro của nhiều người chết được không?

Hỏi: Có hợp pháp để hòa trộn tro của một số người chết và đặt các tro này trong một chiếc bình cho một lễ tang không? Giáo Hội có các qui định nào về trường hợp này không? – W. G., Denver, Colorado, Mỹ.

Đáp: Cho đến khi Bộ Giáo luật năm 1983 được công bố, việc hỏa táng là không một sự lựa chọn cho người Công Giáo nói chung.

Việc hỏa táng đã được phổ biến trong thời La Mã cổ đại, nhưng các Kitô hữu, cũng như hầu hết người Do Thái trước họ, tin sự sống lại của người chết và ưa thích việc an táng hơn. Việc thực hành Kitô giáo này cũng được củng cố bởi niềm tin vào sự thánh hóa thân xác như là đền thờ của Thiên Chúa, qua bí tích rửa tội và được nuôi dưỡng bởi phép Thánh Thể.

Quan niệm này của sự thánh hóa thân xác và qua thân xác là dựa vào mầu nhiệm Nhập Thể, vì chính Ngôi Lời đã thánh hóa thân xác con người bằng cách đã làm người. Giáo lý này cũng là nền tảng cho việc tôn kính di tích của các thánh.

Do đó, Giáo Hội không chỉ thực hành việc chôn cất người chết, mà ngay từ ban đầu đã chỉ định các khu vực đặc biệt cho việc an táng. Các địa điểm này đã được xem là đất thánh, và một nghi thức đã được soạn thảo để thánh hiến chúng như là nghĩa trang.

Mặc dù việc an táng là một thực hành của Giáo Hội phổ quát trong nhiều thế kỷ, không có luật chung cấm việc hỏa táng. Việc này đã thay đổi vào năm 1886, khi Tòa Thánh cấm việc hỏa táng, vốn được cổ vũ bởi nhiều nhóm Tam Điểm như là một cách thức bác bỏ niềm tin Kitô giáo vào sự sống lại. Lệnh cấm này được đưa vào Bộ Giáo luật năm 1917.

Năm 1963, Giáo Hội bắt đầu nới lệnh cấm hỏa táng và cho phép việc hỏa táng trong trường hợp là tập tục quốc gia, thiếu nơi chôn cất, tránh lây lan trong trường hợp dịch bệnh, và các sự xem xét tương tự. Khi làm như vậy, Giáo Hội công nhận rằng trong đa số các trường hợp hỏa táng, các người thực hiện việc hỏa táng cho người thân không làm như vậy như là một cách thức để phủ nhận việc thân xác sẽ sống lại, nhưng chủ yếu là vì mục đích thực tế.

Đó là cơ sở của Bộ Giáo luật sửa đổi được nói trong Điều 1176 :

“§3. Giáo Hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố. Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào sự hỏa táng được chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Kitô giáo” (Bản dịch Bộ Giáo Luật do các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh, thực hiện).

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo lặp lại tình trạng này trong số 2301: ” Hội Thánh cho phép hỏa táng nếu việc này không phương hại tới đức tin vào sự sống lại của thân xác” (Ban giáo lý Tổng giáo phận Sài Gòn).

Lúc đầu, không có bất kỳ nghi thức tang lễ nào trước sự hiện diện của hài cốt hỏa táng. Nhưng theo thời gian, việc này đã thay đổi, và nhiều quốc gia đã thực thi các nghi thức và việc cầu nguyện đặc biệt cho mục đích này.

Tuy nhiên , nguyên tắc lâu đời của sự tôn trọng hài cốt Kitô hữu vẫn là nguyên vẹn, không thay đổi. Vì lý do này, một số Hội đồng Giám mục quốc gia và nhiều Giáo phận, nơi mà việc hỏa táng là phổ biến, đã triển khai các quy định cơ bản cho người Công Giáo.

Trong số các quy định chung phổ biến nhất, được các Giáo phận đưa ra, có:

– Người ta nói chung thích việc hỏa táng diễn ra sau thánh lễ an táng có sự hiện diện của thi hài người chết. Ở một số nước, Tòa Thánh đã ban phép chuẩn cho Thánh lễ an táng diễn ra có sự hiện diện của hài cốt hỏa táng.

– Tro cốt hỏa táng nên được đặt ở một nghĩa trang Công Giáo trong một bình đựng thích hợp. Việc đặt này có thể là dưới đất, hoặc trong hang, hầm hay nhà hài cốt. Giáo Hội khuyên rằng nơi chôn cất được tưởng nhớ một cách ổn định.

– Tro cốt không nên được đặt trong bình đựng không phù hợp, chẳng hạn như đồ trang sức, hộp đĩa hoặc khoang không gian. Tro cốt cũng không được chế tác thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật hoặc vật trưng bày.

– Các tập tục, như rải tro trên mặt nước hoặc trên không trung, hoặc giữ tro cốt ở nhà, không được xem là các hình thức tôn kính hài cốt mà Giáo Hội đòi hỏi.

– Các tập tục khác, như hòa trộn tro cốt hoặc phân chia tro cốt cho nhiều gia đình hoặc bạn bè, là không thể chấp nhận được đối với người Công Giáo.

Do đó, không thể chấp nhận cho người Công Giáo hòa trộn tro cốt cho một lễ tang. Tuy nhiên, có thể chấp nhận việc đặt các thi hài trong quan tài bên cạnh nhau cho lễ an táng, và sau đó các thi hài được hỏa táng và tro cốt của họ được hòa trộn với nhau.


(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 25-3-2014)

Exit mobile version