Tôi tự ý chọn việc làm nơi một Nhà Hưu Dưỡng, trong khi phần lớn các y tá thường tránh xa công việc này. Nhiều người trong họ còn nói đến Nhà Dưỡng Lão như nơi chốn dành cho những người ở vào giai đoạn cuối đời! Riêng tôi, tôi không quan niệm như thế. Trái lại, kể từ ngày hành nghề y tá nơi Nhà Hưu Dưỡng tôi cảm thấy mình được phát triển hơn trong công việc. Tôi cố gắng chăm sóc các vị khách thường trú của Nhà Hưu Dưỡng như chính bậc Cha Mẹ của tôi hoặc như chính những người thân yêu của gia đình tôi. Tôi luôn luôn nhắc nhở mình rằng: Các vị cao niên đã từng phục vụ xứ sở cùng tổ quốc, các vị xứng đáng cho chúng ta là những thế hệ đi sau phải hết lòng ngưỡng mộ, yêu thương và chu đáo chăm sóc các vị. Thêm vào đó, thế giới của bậc lão thành cũng là thế giới của bệnh hoạn tật nguyền, điều này cũng lôi cuốn sự chú ý của những người hành nghề trong lãnh vực y tế.
Chúng tôi gồm 3 y tá phục vụ cho 80 vị cao niên nơi Nhà Dưỡng Lão. Các chăm sóc thể xác thường chiếm rất nhiều thời giờ, nhưng tôi cố gắng thu xếp để tìm ra những giây phút rãnh rỗi hầu có thể trò chuyện với các vị. Đối với tôi, điều chính yếu là lắng nghe các vị và như thế cũng là dịp giúp tôi biết các vị cách sâu xa hơn. Bởi vì, các chăm sóc thể xác không luôn luôn làm dịu bớt những đau khổ kín ẩn nằm sâu trong tâm lòng mỗi một vị cao niên. Cần phải biết bắt đúng mạch, biết khám phá ra những lo âu, những sầu khổ, những phiền muộn của các vị lão thành. Hầu hết các vị cao niên thường sống trong niềm thương nỗi nhớ về quá khứ, về gia đình và về con cháu.
Chúng tôi gắn bó tình cảm với các vị cao niên nơi Nhà Dưỡng Lão. Vì thế, mỗi khi có một vị ra đi, chúng tôi buồn và khóc thương như một người thân trong gia đình. Nhưng chúng tôi chấp nhận vì đó là lẽ thường tình của cuộc sống. Điều quan trọng là chúng tôi cố gắng phục vụ và làm mọi cách để các vị được sống những ngày cuối đời trong an bình thanh thản và sống xứng với phẩm giá của một con người.
Với tư cách là tín hữu Công Giáo, chính Đức Tin giúp tôi tận tâm chu toàn công việc phục vụ. Mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày làm việc, tôi cầu xin Đức Chúa GIÊSU KITÔ soi sáng hướng dẫn tôi trong tất cả những gì tôi phải làm trong ngày. Tôi cũng xin Ngài giúp tôi có những cử chỉ thân thiện đúng thời đúng lúc và nói lời lành yêu thương khích lệ. Tôi cố gắng tối đa để cho những ngày cuối đời của các vị được trôi qua trong êm ả, dịu dàng và thân ái. Cá nhân tôi nhận lãnh không biết bao nhiêu bài học đến từ các vị cao niên. Các vị đặc biệt dạy cho tôi biết thế nào là sự đơn sơ, lòng kiên nhẫn và tâm tình tin yêu phó thác.
… Chứng từ của bà Sabine một nữ trợ tá làm việc nơi Nhà Hưu Dưỡng từ gần 25 năm qua.
Công việc chính yếu của chúng tôi là chăm sóc vệ sinh cho các vị cao niên. Trung bình mỗi người chúng tôi phải giúp 8 vị cao niên làm vệ sinh vào ban sáng. Với các tiếp xúc đều đặn mỗi ngày, giữa chúng tôi thành hình mối quan hệ thân tình. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau. Đặc biệt, các vị cao niên thường rất cần những cử chỉ nhã nhặn trìu mến, những lời nói âu yếm tràn đầy khích lệ. Tuyệt đối, không bao giờ chúng tôi xem các vị cao niên như những đứa con nít, mặc dầu nhiều người trong các vị bị suy yếu về thể xác lẫn tinh thần.
Được may mắn phục vụ nơi Nhà Hưu Dưỡng tôi hấp thụ rất nhiều bài học cho cuộc sống. Cái mỏng giòn của các vị nhắc tôi luôn nhớ đến cái mỏng giòn của chính tôi. Vì thế tôi đồng hành với các vị cho đến giây phút cuối cùng. Chúng tôi cũng dệt nên những liên hệ thân tình với gia đình và con cháu của các vị cao niên.
Sau một thời gian dài phục vụ nơi Nhà Hưu Dưỡng tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ chọn một nghề khác. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc trong việc làm của tôi.
… ”Đừng làm điều xấu, thì cái xấu sẽ không thắng được con. Điều bất công, con hãy xa tránh, thì nó sẽ lánh xa con. Con ơi, đừng gieo trên những luống bất công, kẻo phải gặt bất công gấp bảy lần .. Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó, để con được hưởng trọn vẹn phúc lành. Hãy làm ơn cho mọi người còn sống, ngay cả với người đã chết, cũng đừng từ chối làm ơn. Đừng ngoảnh mặt không nhìn những ai đang than khóc, với những người sầu khổ, con hãy biết chia buồn. Đừng ngại thăm nom người đau ốm, vì nhờ những việc như thế mà con sẽ được mến yêu. Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào, thì mãi mãi con sẽ không phạm tội”(Sách Huấn Ca 7,1-3/32-36).
(”Chemins D’Espérance” Le mensuel du diocèse de Meaux, no 281, Juin 2010, trang 10-11)