Trẻ em viết tội ra giấy và đề tên được không?

Hỏi: Trong giáo xứ chúng tôi, trẻ em thường đều đặn đến nhà thờ để lãnh bí tích hòa giải. Cha xứ yêu cầu mỗi em phải viết ra giấy tên của mình và các tội mình đã phạm. Việc này giúp các em nhớ được tội của mình và đẩy nhanh tiến độ xưng tội của số lượng đông trẻ em. Tuy nhiên, tôi có phần lo lắng. Một số trang viết này có thể được các người khác bắt gặp trong nhà thờ. Phụ huynh có thể tìm thấy trang viết này trong cặp sách của con em họ. Tôi lo ngại về tính bí mật của Bí tích và lợi ích của người sám hối. Tôi đã bày tỏ mối quan ngại này, nhưng tình hình vẫn tiếp tục như thường. Xin cha cho tôi vài lời khuyên về vấn đề này. – D. N., Euclid, Ohio, Mỹ.

Đáp: Tôi có thể nói rằng vấn đề này nên được xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Từ quan điểm của hối nhân, không hề có gì sai về việc chuẩn bị xưng tội bằng hình thức viết ra giấy. Nhiều hối nhân làm như thế để khỏi quên sót tội ở tòa giải tội.

Nếu vì một lý do chính đáng người ta không thể nói được, thì hối nhân có thể viết tội của mình ra giấy và đưa cho cha giải tội. Ví dụ, trong “Sổ tay thần học luân lý”, linh mục Dòng Tên Thomas Slater (1855-1928) đã nói rằng:

“Việc xưng tội bằng lời nói không là tuyệt đối cần thiết cho tính thành sự của bí tích, vì người câm và người không biết ngôn ngữ của linh mục cũng có thể xưng tội được, hoặc người hấp hối và không thể nói được, có thể xưng tội bằng dấu hiệu. Hơn nữa, vì lý do tốt lành, bất cứ ai cũng có thể viết các tội mình ra, trao cho cha giải tội đọc, và thú tội một cách tổng quát, chẳng hạn nói “Con xưng thú mọi tội con đã viết ra”.

Chẳng hạn việc này có thể xảy ra cho một người có vấn đề về tâm lý học, vốn cản trở người ấy diễn đạt trọn vẹn bằng lời nói các tội đã phạm. Cách duy nhất mà người ấy có thể xưng thú đầy đủ các tội là người ấy viết ra giấy.

Trong tất cả các trường hợp như vậy, phận sự của hối nhân là phải tiêu hủy những gì đã viết ra, mặc dầu, nói cách chặt chẽ, người ấy không buộc phải làm như thế. Nghĩa vụ giữ bí mật là thuộc về linh mục giải tội, chứ không thuộc về hối nhân. Do đó, có thể quan niệm rằng một số người muốn giữ lại tờ giấy xưng tội, để sẽ thảo luận cùng các vấn đề ấy, ở một cấp độ khác, với cha linh hướng của mình.

Tuy nhiên, trong trường hợp của các thiếu niên, tôi tin rằng họ không nên được yêu cầu, trong bất kỳ trường hợp nào, viết tên của mình và các tội đã phạm vào trang giấy. Các em không cần tuyệt đối phải làm như thế, và các em có quyền vô danh tại tòa giải tội.

Tôi cũng tin rằng việc viết ra các tội chỉ là một gợi ý thực hành chứ không phải là điều buộc.

Nếu muốn tránh nguy cơ rơi rớt danh sách tội nơi nào đó trong nhà thờ chẳng hạn, thì tôi nghĩ rằng các cha hay giáo lý viên có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp một hộp kín (như thùng phiếu chẳng hạn), để các em có thể xé tờ giấy đã viết và bỏ hộp kín ấy, sau khi đã xưng tội. Toàn bộ các giấy trong hộp này phải được đốt đi trong thời gian sớm nhất.

Ở một số nơi, hối nhân được khuyến khích viết tội của họ ra, và sau khi xưng tội, họ đốt tờ giấy ấy trong cái lò dành cho việc này. Mặc dầu điều này có một giá trị tượng trưng nào đó, nó có thể dễ dàng làm người ta không chú ý đến ý nghĩa của lời xá giải của linh mục, vốn là thời điểm bí tích khi mà ân sủng được khôi phục hoặc gia tăng trọn vẹn.

Khả năng của các hiểu nhầm như thế làm cho tôi lo âu khi khuyến khích sự thực hành trên.

Thật vậy, có một số trường hợp mà linh mục đã tạo ấn tượng rằng việc tiêu hủy danh sách các tội làm cho hối nhân nghĩ rằng nó có thể thay thế cho việc xá giải bí tích, do đó gây ra sự nghi ngờ về tính thành sự của bí tích.

(Nguyễn Trọng Đa, Vietcatholic/ Zenit.org 19-3-2013)

Exit mobile version