Tránh mưu mô ma quỷ

LoiChua - Tránh mưu mô ma quỷ

Thế gian, ma quỷ và xác thịt là ba kẻ thù lớn nhất ngăn cản người Kitô hữu chúng ta trên con đường tiến lên hoàn trọn như Cha của chúng ta là Đấng hoàn trọn. Bộ ba kẻ thù này luôn rảo quanh, rình rập và tìm mọi cơ hội để kéo chúng ta xa khỏi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng bất chấp, không vị nể bất cứ ai, dù người đó là thánh thiện, dù người đó đạo đức, dù người đó là bậc tu hành hay dù người đó có lý chí vững vàng… chúng cũng không buông tha. Bộ ba kẻ thù này như ma lực trực chờ ta sơ hở kéo ta sa vào đường tội lỗi.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa người bị quỷ thần ô uế ám ngay trong vùng đất dân ngoại. Đây là vai trò và sứ mạng của Đấng Mêsia. Ngài đến để phá tan thế giới ma quỷ, đẩy lui bóng tối sự dữ và sự chết và dẫn đưa conngười vào vương quốc Thiên Chúa, nơi sự sống viên mãn .

Thánh Máccô cho chúng ta thấy sức mạnh, quyền năng và lòng xót thương của Thiên Chúa đã chiến thắng trên ma quỷ và giải thoát con người khỏi sự giam hãm của chúng. Một chàng thanh niên bao năm bị quỷ thần điều khiển, hành hạ. Mang thân xác, hình hài con người nhưng anh bị dân làng, bà con lối xóm xa lánh, trốn chạy chỉ vì anh là quỷ, là ma với một lối sống sinh hoạt khác người như sống trên núi đồi, nơi mồ mả, miệng la hét, tự đập đầu… và không gông cùm, xích xiềng nào có thể giam hãm anh ta lại (Mc 5, 3-6). Nhưng may mắn và phúc lành cho anh, hôm nay Chúa Giêsu tình thương chính là Người đã giải thoát anh khỏi ách thống trị của ma quỷ và cho anh được tự do hòa nhập lại với cuộc sống dân làng.

Mở đầu chương 5. Thánh sử Maccô nói đến địa hạt Ghêrasa là một vùng đất không thuộc chủ quyền dân Do Thái. Tiếp đó, Ngài miêu tả phong cảnh chôn này là“1 đám mồ mả” “và 1 kẻ bị thần ô uế ám” ra đón Chúa Giêsu. Chỉ trong hai câu ngắn ngủi, Thánh sử lột tả được vùng đất của tội lỗi và sự dữ, nơi ma quỷ chiếm lĩnh hoành hành. “kẻ bị thần ô uế ám” là hiện thân của ma quỷ có sức mạnh phi thường “bẻ tan xiềng xích, đập tan gông cùm” và “ không ai kiềm chế được”. Như thế với một sức mạnh vô địch như vậy, con người đành bó tay và lãnh chịu sự thống trị của ma quỷ. Hơn nữa anh ta lại muốn đi tìm cái chết khi “lấy đá đập vào mình”. Với những hình ảnh rùng rợn ấy, tác giả như muốn vẽ lên bức tranh về thế giới ma quỷ. Đồng thời cũng muốn nói lên nổi thống khổ, đau đớn của con người khi sống trong thế giới ấy.

Hành động đi bước trước của Chúa Giêsu đem lại hai thái độ đáp trả hoàn toàn khác nhau. Nếu như chàng thanh niên được giải thoát khỏi ma quỷ, anh muốn được ở với Người (Mc 5, 18) hay anh mạnh dạn ra đi rao truyền tất cả những gì mà Người đã làm cho anh (Mc 5, 20). Trái lại, đám đông dân chúng khi biết Chúa Giêsu thực thi, giải thoát cho anh, họ lại “đuổi khéo” Người.

Thay vì được chứng kiến một phép lạ cả thể như thế, họ sẽ hân hoan vui mừng mời Ngài ở lại với họ. Nhưng tất cả là không, họ đã quen thuộc với những việc làm của chàng thanh niên, những hành động kỳ quái của ma quỷ. Thay vì phải khước từ quyền lực của quỷ ma, dân làng lại chối từ Đấng có sức mạnh trên ma quỷ (Mc 5,17). Hai thái độ, hai hành vi đáp trả hoàn toàn trái ngược. Chàng thanh niên được giải thoát khỏi ma quỷ đã thành tâm, khiêm tốn đón nhận lòng xót thương và thực sự đã trở nên chứng nhân của lòng thương xót (Mc 5, 20). Đám đông, dân làng khép mình, đóng cửa và trốn chạy khỏi Đấng xót thương.

Bắt đầu từ câu 6, khi Chúa Giêsu xuất hiện, kẻ bị quỷ ám thay đổi tình trạng điên loạn, dữ dằn của mình, hắn chạy lại bái lạy Chúa Giêsu và thốt lên lời tuyên xưng Ngài là vị Thiên Chúacó quyềnnăng tiêu diệt chúng. Hắn nài xin Chúa Giêsu đừng tiêu diệt và loại chúng ra khỏi vùng đất này (câu 6-7). Chúa Giêsu hỏi tên quỷ. Quỷ trả lời và lại nài xin tiếp. Chỉ trong 1 đoạn văn, mà ma quỷ đã nài xin Chúa đến ba lần đừng xua đuổi chúng (c 7.10.12). Chúng gợi ý và muốn gia nhập vào bầy heo đang ăn bên sườn núi (khoảng 2000 con). Chúa cho phép và bầy heo lao xuống biển, chết ngộp ở đó (c13). Thế là Chúa Giêsu làm trọn vai trò Mêsia của Ngài: diệt trừ ma quỷ và đưa chúng về nơi chốn của chúng (người Do Thái quan niệm: biển cả là thế giới của sự dữ và ma quỷ). Nhưng chúng ta hãy xem tiếp thái độ của từng lớp người, khi đứng trước công việc lạ lùng của Thiên Chúa

Các kẻ chăn heo: bỏ chạy,loan tin và kể lại những việc đã xảy ra…(c 14.16). Trước việc kỳ diệu này, họ chỉ biết bỏ chạy, và kể lại mà thôi. Họ không ca tụng Thiên Chúa đã cứu 1 con người thoát khỏi gông cùm của sự dữ. Ngay cả bản thân họ cũng ơ hờ, như không dính dáng gì đến việc này cả. Kẻ bị thần ô uế ám hay được chữa lành cũng chẳng liên quan tới họ. Như một kẻ bàng quan, họ thấy lòng mình cứ trơ ra như “ hạt giống gieo trên vệ đuờng” không có đất nên trở ra héo khô hay bị chim trời ăn mất. Nghĩa là họ chẳng nhận ra thời đại Mêsia đã đến và hầu như họ cũng chẳng mong mỏi giây phút này.

Người Dân trong vùng: đến xem và nài xin Chúa Giêsu rời khỏi họ.(c 14.17). Họ đến xem vì tính hiếu kỳ, tò mò… chứ đâu khao khát tìm hiểu “ điềm thiêng, dấu lạ”. Tệ hơn, họ còn “nài xin” Chúa Giêsu rời khỏi vùng của họ, có lẽ do tổn thất “ 2000 con heo”. Họ chấp nhận một người bị quỷ ám hơn là 2000 con heo phải bỏ mạng. Họ sợ Đấng Mêsia lưu lại nơi này là của cải vật chất của họ sẽ bị hao tổn, that thoát. “Ngài đến… mà chẳng ai tiếp nhận” (Ga 1,11). Họ không dám đánh đổi tiền tài để nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa. Họ không nhận ra Chúa Giêsu là vị Cứu Tinh, mà chỉ thấy túi tiền của họ có nguy cơ trống rỗng.

Người bị quỷ ám: nài xin ở với Chúa-ra đi rao giảng. Sau khi được trừ khỏi thần ô uế, anh ta đi theo Chúa Giêsu và muốn ở với Người. Nhưng Chúa Giêsu lại trao cho anh 1 sứ mạng “loan tin về mọi điều Chúa đã làm cho anh và Người đã thương anh như thế nào…?” (c.19). Đây là một lệnh truyền cho những ai đã lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa. Đây cũng là sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mọi Kitô hữu khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Ngày nay, sống trong 1 thế giơi “tranh tối, tranh sáng” và cũng có nơi bóng tối đen dầy đặc, người Kitô hữu chúng ta suy nghĩ gì trước lệnh truyền của Thầy Giêsu. Vị truyền giáo đầu tiên và gương mẫu cho chúng ta? Ngài đã đối đầu với sự dữ và chinh phục được nó. Chúng ta hãy cầu xin Chúa thêm sức và đồng hành với chúng ta. Để chúng ta đủ can đảm làm chứng và loan báo Tin Mừng Nước Trời đến mọi ngõ ngách tăm tối của cuộc đời.

Trên con đường nhân đức tiến về quê hương Nước Trời, đôi khi chúng ta cũng mang tâm tưởng của đám đông. Chúng ta bám víu, níu kéo những thực tại trần gian như quyền lực, lợi lộc, danh vọng… mà không dám mạnh dạn nói không với “ba thù” để rồi đời sống đức tin của người con cái Chúa bị chao đảo, khủng hoảng khi phải đối diện với những nghịch cảnh, bệnh tật, đâu khổ, khó khăn và tội lỗi…

Ước mong sao chúng ta luôn biết năng nhận Bí Tích Giao Hòa để lắng nghe và đón nhận lòng nhân từ từ nơi Cha Nhân Lành để rồi mạnh dạn ra đi, rao truyền về tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa cho anh chị em đang sống xung quanh chúng ta.

Huệ Minh

Exit mobile version