Tránh lối sống giả

LoiChua - Tránh lối sống giả

Ta đang sống trong thời khoa học kỹ thuật tiến bộ, máy móc tinh vi là những phương tiện làm cho đời sống chúng ta được tốt đẹp, nhưng có người lại dùng máy móc kỹ thuật tiến bộ ấy mà làm ra những hàng giả tạo, trông thì đẹp mắt mà sử dụng thì mau hư, có khi sinh ra độc hại cho chúng ta nữa. Người ta rất sợ hàng giả, thức ăn giả tạo.

Về lãnh vực tôn giáo, cũng có những tín đồ sống đạo thật, nhưng cũng không thiếu tín đồ sống đạo giả dối hình thức, gây nên nhiều nguy hiểm cho người khác. Vì thế, Chúa Giêsu nói lời cảnh giác chúng ta “anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả”, và Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta phương cách để nhận ra một kitô hữu, một môn đệ, một ngôn sứ giả hay thật.

Một kitô hữu chính danh, một môn đệ đích thực, một ngôn sứ chính hiệu là người biết làm việc và sống trong đời sống cụ thể thường ngày phù hợp với giáo huấn Tin Mừng của Đức Giêsu, đó là tiêu chuẩn, là thước đo mà Chúa Giêsu đưa ra để giúp chúng ta tự kiểm và nhận định về người khác.

Ngay trong những ngày sơ khai của Giáo Hội, các tín hữu đã phải đối đầu với nạn ngôn sứ giả; thậm chí có kẻ còn mạo xưng là Kitô. Thánh Phêrô nói: “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong” (2Pr 2,1).

Để phân biệt, nhận biết đâu là ngôn sứ giả, Chúa Giêsu đưa ra một kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống: cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Thật vậy, hoa trái tức là những công việc của một người là dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận biết người đó là ngôn sứ đích thực của Chúa hay chỉ là ngôn sứ giả.

Trang Tin Mừng hôm nay dạy cách nhận định khách quan. Nhưng trước hết ta cần lưu ý rằng lời dạy này không mâu thuẫn với lời dạy hôm thứ hai là đừng xét đoán người khác. Đoán xét là chỉ mới thấy một số hiện tượng đã vội kết luận và lên án. Còn nhận định khách quan là căn cứ vào kết quả để biết con người. Đoán xét dễ chủ quan, còn nhận định thì phải khách quan. Đoán xét đưa đến việc lên án người khác, còn nhận định dễ đưa tới suy nghĩ và chọn lựa cho chính mình. Trong cuộc sống ta không nên xét đoán nhưng phải khôn ngoan nhận định một cách khách quan.

Hãy xem quả thì biết cây, đó là luật nhân quả, trong đó có sự tương quan giữa con người với cuộc sống của họ, cũng như tương quan giữa cây và trái cây. Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu. Vậy hãy xem cuộc sống và việc làm cụ thể của một kitô hữu, một môn đệ hay một ngôn sứ sinh được những hoa quả nào thì chúng ta biết họ là ai. Tính chất của hoa quả tùy thuộc vào tính chất của cây, và cây lành hay cây xấu là do bản chất tự nhiên không thay đổi được.

Chúa Giêsu đã tỏ ra cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên, nhưng bên trong là lòng dạ của sói dữ; họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình: trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc; chúng ta làm ố danh sự đạo.

Nhưng với con người thì khác, con người tốt hay xấu không phải do bản tính mà là do cách sống nên có thể thay đổi được. Một lời khác Chúa Giêsu tuyên phán: “Cây nào không sinh quả tốt thì bị chặt đi và quăng vào lửa”. Lời này có giá trị là một lời cảnh giác, thúc bách chúng ta xét lại chính mình, và mau mắn cải thiện đời sống, lo sao cho đời sống và việc làm cụ thể của chúng ta sinh được những hoa trái tốt cho sự sống đời đời của chúng ta.

Một điều khác Chúa Giêsu căn dặn chúng ta là: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả”. Coi chừng chính mình và coi chừng người khác. Trong Giáo Hội không thiếu những con sói nhưng đội lốt chiên, đó là những người sống đạo giả dối, sống đạo theo hình thức mà không có ý hướng ngay lành, siêu nhiên từ nội tâm. Chính hình thức bên ngoài ấy mê hoặc chúng ta, làm cho chúng ta dễ nhầm lẫn, có khi đến mức thần tượng hóa và dễ thuận theo con đường đối nghịch với giáo huấn của Đức Kitô, bằng những lối ngụy biện rất sắc bén tinh vi lôi kéo niềm tin của chúng ta, để rồi giả mà chúng ta thấy là thật, đưa chúng ta đến những tai hại nguy hiểm cho vận mạng đời đời của chúng ta.

Với trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta đừng bao giờ lợi dụng lòng đạo đức của chúng ta để lừa dối người khác, để trục lợi cho mình. Chúng ta không nên làm viêc đạo đức giả hình, vụ hình thức, những việc lành chúng ta làm bên ngoài phải trung thực với ý hướng ngay lành siêu nhiên tự nội tâm.

Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác. Ðó có thể là ý tưởng nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến trái tốt từ cây tốt. Qua kiểu nói này, hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến những thể hiện đích thực của lòng tin: một đức tin chân thật luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Chính Ngài đã nói: “Không phải những ai đã nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”. Thánh Giacôbê đã lấy lại giáo huấn này khi ngài viết: “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ”.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình; trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc: chúng ta làm ố danh sự đạo.

Chúng ta biết cây độc không thể trở nên cây lành được, nhưng với con người thì không phải như thế, nếu chúng ta là một kitô hữu đã bị biến chất, không còn là một kitô hữu chính danh, thì chúng ta có thể trở nên một kitô hữu đích thực được, nếu chúng ta nhanh chóng hoán cải chính mình, hòa giải với Thiên Chúa và với mọi người, thì mọi việc lành chúng ta làm mới có giá trị cho sự sống đời đời của chúng ta. Vì cây tốt mới sinh được trái tốt, một kitô hữu tốt mới có những việc bác ái, yêu thương, hiệp nhất với mọi người, làm ích cho mọi người và đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.

Là môn đệ Chúa Kitô chúng ta dám lội ngược dòng, dám nói “không” với điều xấu, dù điều xấu đó có đông người theo; vì “cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,14).

Huệ Minh

Exit mobile version