Tránh gương xấu và dịp tội

Trên một chuyến xe lửa, cha Bécna Vôgan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta im lặng đều không hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vôgan thò đầu ra cửa xe gọi theo: “Này ông, ông còn quên cái gì đây này”. Người đó vội leo lên toa, nhìn quanh và hỏi: “Quên cái gì đâu ?”. Cha Vôgan nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn: “Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”. Người ấy xấu hổ đi xuống ngay.

Gương xấu và làm dịp tội cho người khác rất tai hại và thật nguy hiểm.

Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ về gương xấu và dịp tội.

cam%20do - Tránh gương xấu và dịp tội

Về gương xấu

Chúa Giêsu dạy: Ai làm cớ cho một trong những người bé mọn phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ mà ném xuống biển còn hơn.

Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu. Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông. Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu, khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng. Người lớn đã ít nhiều gây gương xấu. Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin. Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng. Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ. Chúa Giêsu đã răn đe rất nghiêm ngặt những ai gây gương mù gương xấu: “Thà buộc cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn”. Lời dạy rất thẳng thắn và quyết liệt. Thớt cối xay nặng như thế mà kéo dìm một tội nhân dưới nước thì không thể nào ngóc đầu lên được: ý nói đến sự xấu xa, ghê tởm, nặng nề của tội làm gương xấu.

Về dịp tội

Chúa dạy: Nếu tay con nên dịp tội cho con thì hãy chặt nó đi. Thà con mất một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục. Nếu chân con nên dịp tội cho con thì hãy chặt nó đi. Thà con mất một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà phải vào hỏa ngục. Và nếu mắt con nên dịp tội cho con thì hãy móc nó đi. Thà con còn một mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn có đủ hai mắt mà phải ném xuống hỏa ngục.

Đây là kiểu nói cường điệu theo thói quen của người Á Đông. Không nên hiểu những lời đó theo sát nghĩa đen mà phải hiểu theo tinh thần. Chúa căn dặn chúng ta phải quyết liệt xa lánh các dịp tội.

Dịp tội là gì? Thưa là tất cả những gì có thể khiến ta phạm tội. Đó có thể là một chiếc xe đạp không khóa để ở chỗ vắng vẻ, một cô gái đẹp lả lơi ăn mặc hở hang, một khu đèn đỏ bắt mắt…

Dùng kiểu nói cường điệu, Chúa bảo phải “móc mắt, chặt tay, chặt chân”, không phải là móc mắt, chặt tay, chặt chân thật mà Chúa chỉ muốn so sánh việc mất mắt, mất tay, mất chân với việc cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Chúa bảo chúng ta phải lựa chọn một trong hai điều: hoặc là phải hy sinh một vài điều có thể gọi là quý báu tạm thời trên đời đổi lấy sự sống vĩnh cửu, hoặc là cứ khư khư giữ lấy cái quý giá tạm bợ kia để rồi lãnh án phạt đời đời. Với kiểu nói: móc mắt, chặt tay, chặt chân, Chúa muốn chúng ta đặt ra một kỷ luật nghiêm minh cho chính mình. Hãy tránh xa dịp tội. Không được làm cớ cho người khác phạm tội.

Chọn lựa khôn ngoan

Có nhiều người can đảm cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. Từ bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn, đó là lẽ khôn ngoan ở đời. Cuộc sống vĩnh cửu không là điều quý giá đáng cho ta từ bỏ một phần thân thể đã trở nên xấu xa để đổi lấy sao? Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì cũng cần nhiều cuộc cắt bỏ để cứu lấy linh hồn. Ta có thể “cắt bỏ” một thói hư tật xấu, một lời nói cay độc, một ánh mắt căm hờn, một cử chỉ khinh khi, một lối sống buông thả, một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời, quá gắn liền với bản thân, ăn sâu trong bản chất con người. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa. Ludovic Giraud viết: “Nỗi đau đối với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cày xới nhưng để làm cho đất màu mỡ, cũng như việc cắt tỉa cây cối làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khỏe và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao”.

Con người có lương tri và có ý muốn hướng thiện. Con người cũng rất yếu đuối và dễ bị lôi cuốn nên dễ bị sa ngã nếu gặp dịp tội. Ham vui một chốc lát để rồi chịu kết án suốt đời khổ sở, hay là chịu đau khổ một chốc lát để suốt đời được tự do hạnh phúc. Ta chọn đàng nào? Chắc chắn ta phải khôn ngoan chọn con đường hạnh phúc lâu dài. Chính Chúa muốn hạnh phúc cho ta, nên đã truyền cho ta phải dứt khoát với tội lỗi để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết nghe lời Chúa dạy, không bao giờ làm gương xấu và luôn biết dứt khoát với tội lỗi, để được sống đời đời với Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An, Chánh xứ Kim Ngọc, GP Phan Thiết

Exit mobile version